Friday, October 1, 2021

TAM DƯƠNG KHAI THÁI

Trong nhiều văn bản hay trên các tác phẩm mỹ thuật cổ của Trung Quốc, điển tích Tam dương khai thái thường được thể hiện bởi ba con dê đang gặm cỏ hoặc thong thả đùa vui trên thảm cỏ xuân, đôi khi có dòng chữ Hán 三羊開泰 minh họa cho hình vẽ.

Tam Dương Khai Thái (三羊開泰)

Song nhiều nhà nghiên cứu cho rằng hình tượng ba con dê biểu trưng cho điển tích này chỉ là một kiểu chơi chữ đồng âm mà thôi. Còn chữ dương trong Tam dương khai thái, thực ra không phải là chữ 羊, nghĩa là dê hay cừu như nhiều người vẫn nghĩ.

Theo nhà văn Bùi Bình Thi, tam dương là rằm tháng Giêng âm lịch, kỳ trăng tròn thứ ba trong chu kỳ: nhất dương (rằm tháng Mười Một) – nhị dương (rằm tháng Chạp) – tam dương (rằm tháng Giêng) của năm âm lịch. Nhất dương ứng với quẻ Phục 復 trong Kinh Dịch, nghĩa là “báo đáp”. Nhị dương ứng với quẻ Lâm 臨 trong Kinh Dịch, nghĩa là “chiếu từ trên xuống”. Tam dương ứng với quẻ Thái 泰 trong Kinh Dịch, nghĩa là “bình yên, to lớn, rộng rãi”. Đây là lúc thời vận tột bậc. Rằm tháng Giêng được coi là khởi đầu của một năm mới tốt lành, hanh vận, nên gọi là Tam dương khai thái.

Tam Dương Khai Thái (三陽開泰)

Cũng theo nhà văn Bùi Bình Thi thì do ý nghĩa tốt lành của quẻ Thái nên trong kỳ trăng tròn của tam dương (ngày và đêm 14 và 15 tháng Giêng âm lịch), người xưa thường đi chơi trăng để cho thân thể, não bộ của mình được hưởng trọn vẹn nguyên khí, vốn cực thịnh vào dịp này. Nguyên khí (khí bản nhiên) trong đêm rằm tam dương là tốt nhất so với 11 đêm rằm khác trong năm. Nguyên khí này được các loài thảo mộc hấp thụ tuyệt vời, đặc biệt là cây vải (lệ chi). Vì thế mà trong vườn của các vị quan lại hay các bậc trí giả đời xưa thường trồng những cây vải, lâu ngày thành đại thụ. Vào các đêm 14, 15 và 16 tháng Giêng âm lịch, các vị ấy thường mắc võng dưới tán cây vải, đắp chăn bông có vỏ chăn làm bằng đũi dệt từ tơ tằm, để ngủ. Đó là giấc ngủ thật ngon vì nguyên khí của tam dương đã được cây vải hấp thụ trọn vẹn, sẽ thẩm thấu vào người ngủ dưới tán của nó. Tức là nguyên khí từ trời đất đã truyền sang thảo mộc và thấm đẫm vào nhân sinh vậy.

Huyền thoại nước Nam cũng kể rằng Nguyễn Trãi có Lệ Chi viên là vì vậy. Dịp tam dương nào Nguyễn Trãi cũng mắc võng dưới tán vải để ngủ, ngoại trừ một năm vì bận rộn với việc nước nên Nguyễn Trãi đã không tận hưởng nguyên khí của tam dương khai thái như lệ thường. Kết cục là năm ấy (năm 1442) đã xảy ra “vụ án Lệ Chi viên” oan khốc, khiến cho ba họ nhà Nguyễn Trãi bị Lê triều đoạt mạng.


Tuy nhiên, trong chuyến thăm Trung Quốc vào năm 2005, khi đến thăm Bảo tàng Gốm sứ ở Cảnh Đức Trấn, “thủ đô gốm sứ” của Trung Quốc, tôi bắt gặp một cái lọ hình củ tỏi, thân dẹt cổ vút, cao chừng 30 cm. Thân lọ phủ men màu đen điểm xuyết màu chàm, bao quanh ba hình tròn lớn phủ men màu huyết dụ; phần trên cổ và miệng lọ phủ men trắng (ảnh 1). Điều thú vị là chú thích chiếc bình này được ghi bằng Trung văn như sau: 三阳开泰长颈扁肚瓶 (Tam dương khai thái trường cảnh biển đỗ bình), nghĩa là “bình thân dẹt, cổ cao (trang trí) tam dương khai thái”. Không có con dê hay con cừu nào được vẽ trên chiếc bình này, thay vào đó là ba hình tròn màu đỏ, tựa ba vầng mặt trời được bố trí cân đối quanh thân bình. Tôi hỏi ông Sào Hải Thanh, thợ làm gốm lừng danh Cảnh Đức Trấn, là người hướng dẫn tôi đi tham quan hôm đó: “Sao chữ ‘dương’ ở đây không viết là 羊 mà viết là 阳 và sao tôi không thấy con dê nào trên chiếc bình này?”. Ông Sào trả lời: “Tam dương khai thái ở đây nghĩa là ‘ba vầng mặt trời báo hiệu thời vận hanh thông’. Còn hình tượng ba con dê thường thấy trên gốm sứ chỉ là cách ‘mượn hình diễn ý’ mà thôi. Tam dương khai thái viết như thế này mới đúng”.
Bình sứ Trung Quốc 三阳开泰长颈扁肚瓶 (Tam dương khai thái trường cảnh biển đỗ bình) tại Bảo tàng Gốm sứ Cảnh Đức Trấn. Ảnh: Trần Đức Anh Sơn.

Chữ 阳 là chữ 陽 viết giản thể, có nhiều nét nghĩa, trong đó có một nét nghĩa là “mặt trời”. Vậy là điển tích Tam dương khai thái đã được người Trung Quốc diễn dịch khác với những gì mà người Việt từng nghĩ.

T.Đ.A.S.
Link tham khảo: