Monday, April 4, 2022

ĐƯỜNG ĐỜI NGOẰN NGOÈO TRONG NHỮNG TIẾNG RAO

Hà Nội cổ kính trang nghiêm, chứa đựng rất nhiều giá trị văn hóa tốt đẹp làm say lòng biết bao du khách xa gần. Trong đó, văn hóa bán hàng rong cùng những thanh âm vang vọng của người bán hàng cũng là nét văn hóa độc đáo làm nên một Hà Nội rất riêng.


Sáng chiều dọc ngõ ồn ào

Sống ở Hà Nội, dù có là người thờ ờ đến mấy cũng từng ít nhất một lần lắng tai nghe những âm thanh khắc khoải của tiếng rao hàng. Lâu dần, những tiếng rao ấy không còn là thanh âm của sự mưu sinh, mà trở thành một phần cuộc sống, một phần ký ức của rất nhiều người.

Đã có lúc tôi thử đếm nhưng vẫn không sao nhớ nổi một ngày có bao nhiêu tiếng rao đi ngang qua tai. Cất lên cùng những bản nhạc đa sắc thanh đó là vô vàn thứ quà bình dị, thơm ngọt: Tào phớ, kem, khoai nướng, bánh mỳ, bánh bao… Ngoài ra, cũng không thể quên tiếng rao của các bà hàng rong, người mua đồ cũ hỏng, bà thu mua đồng nát… Thập cẩm đến nỗi tôi cứ ngỡ cái gì con người cần dùng, cần ăn thì đều được trao đổi trên những gánh hàng kiểu vậy.


Nhớ ngày còn bé, tôi sống trong một con ngõ nhỏ ở vùng ngoại thành Hà Nội, nơi tập trung rất đông các công trình mới xây. Vậy nên tiếng rao cũng nhiều và dày hơn vùng khác. Hồi đó, mỗi khi nghe tiếng rao quen thuộc, tôi đều có thể đoán ra giờ mà không cần đồng hồ. Bởi nhiều tiếng rao trở nên thân thuộc đến nỗi hôm nào đi vắng là tôi bồn chồn, lo lắng cho sức khỏe của người bán. Và hôm sau nếu được nghe lại thì trong lòng xốn xang lạ thường.

Từ lúc trời tờ mờ sáng, những lời thông báo “Ai bánh mì nóng đây”, “Bánh mì Sài Gòn, hai ngàn một ổ, bánh mì Sài Gòn, đặc ruột thơm bơ”, “xôi lạc bánh khúc đây”… đã bắt đầu đánh thức mọi khu nhà trọ công nhân.

Càng về sáng, tiếng rao càng nhiều và rộn ràng hơn trước như để khiêu khích cái dạ dày đương đói. Tất cả bánh trái được người bán xếp gọn trong một cái thúng nhỏ đội trên đầu hay đèo sau xe đạp chứ ít khi kẽo kẹt quẩy gánh như ở quê.


Sang trưa, khi mọi nhà đã đóng cửa cài then để ngả lưng xuống giường thì trên phố tiếng leng keng của ông bán kem bắt đầu vang lên mệt mỏi, nghe vừa vất vả vừa cô đơn. Những trưa hè nắng nóng thì có thêm gánh bán chè, đậu đen, tào phớ… góp vui cùng.

Còn liên tục trong ngày là các tiếng rao thập cẩm của bà đồng nát, ông thu mua đồ điện hỏng, mua mô tơ cũ, quạt máy, dàn vi tính, loa cũ, đầu máy, tivi hư, xoong nhôm, mài dao kéo…lẫn trong tiếng xe đạp cũ lọc cọc, lọc cọc.

Ngày ấy người ta mua nhiều loại nhưng gánh ve chai thường nhẹ tênh. Chủ yếu là mấy lon bia, nước ngọt, tệp giấy báo cũ… chứ đồ nặng như săt, đồng rất hiếm chứ không có nhiều như bây giờ. Tôi cũng rất thích công việc bán ve chai vì vừa có tiền ăn quà, vừa dọn dẹp được một mớ… bài kiểm tra điểm thấp.

Đến dịp cuối tuần hay dịp nghỉ lễ thì phố phường nhộn nhịp hơn hẳn nhờ những tiếng rao quảng cáo ngày vàng, giờ vàng của mấy món đồ khuyến mại. Rồi cả xiếc người, xiếc thú, hội chợ, hàng thanh lý… bủa vây.


Về đêm là khoảng trời riêng của những thanh âm khắc khoải từ các bà, các chị tần tảo bán đồ ăn đêm như xôi lạc, bánh khúc, bánh bao… Âm thanh ấy đã đi một chặng đường dài từ lúc mắt trời đứng bóng đến tận khi mờ sáng để nỗ lực níu lấy sự mưu sinh giữa cuộc sống tấp nập. Tôi ít khi ăn đêm, nhưng đôi khi thương cảm mà gọi các chị lại mua giúp một vài đồng quà. Chỉ cần kêu 2 tiếng ngắn gọn “Xôi ơi, bánh bao ơi” là nhu cầu được đáp ứng liền.

“Ai tóc dài tóc rối đê ê ê...” thân thương như chở quê vào thành phố là tiếng rao tôi ít khi gặp nhưng luôn háo hức mong chờ. Nó thường hay đến vào những chiều trời xầm xì dọa mưa. Chỉ cần nghe thấy tiếng rao dài, lanh lảnh vọng vào từng hang cùng ngõ hẻm là tôi nhất định chạy ra ngó theo chiếc xe đạp cũ kỹ. Chủ nhân tiếng rao bao giờ cũng một chị mặc quần rộng, áo khoác sờn màu, buông hờ bộ tóc dài giấu trong chiếc nón. Tiếng rao của chị thường ngân dài, khắc khoải, chờ mong.

Đến tận bây giờ tôi nghĩ mãi vẫn không ra, vì sao một người phụ nữ có mái tóc dài và đẹp như thế lại chọn cái nghề đi buôn tóc rối của người.

Vọng vang đủ sắc tiếng rao nhọc nhằn

Lạ một điều, dù có sống ở Hà Nội lâu đến đâu, có lắng tai nghe kĩ đến thế nào thì tôi cũng không bao giờ thấy có hai tiếng rao trùng lặp với nhau. Bởi mỗi tiếng rao đều gồng gánh phía sau câu chuyện của riêng mình. Những tiếng rao có lúc vui, lúc buồn, lúc rộn ràng hối hả, lúc buồn mênh mang nhưng tựu chung lại chúng đều vụt qua nhanh, rất nhanh. Chúng tạo với phố phường tấp nập một bản hòa tấu không thể thiếu nơi thủ đô.


Có khi cùng bán một món hàng nhưng chủ nhân của mỗi tiếng rao là khác nhau. Họ đến từ nhiều vùng quê khác nhau nên tiếng rao cũng mang đặc trưng chất giọng từng vùng miền. Có tiếng rao trầm, có tiếng rao ấm, có tiếng trong, có tiếng lạnh nhạt, có tiếng the thé…không ai giống ai.

Có tiếng rao đúng như một lời thông báo, mời chào vang vọng vào không gian. Có tiếng rao như lời mẹ, lời chị mang quê hương trên đôi vai gầy. Có tiếng rao nghe chất chứa đầy hi vọng. Có tiếng như bị nhúng nước nên tắc nghẽn đâu đó trong cổ họng. Có tiếng kéo dài mãi ở đoạn cuối như đùa cợt với mọi nỗi khổ đang bủa vây.

Như tiếng rao của ông bán khoai lang nướng hay chạy qua nhà tôi mỗi đêm. Tiếng ông nghe khàn đục, không phải thứ tiếng dễ lấy tình cảm của mọi người. Vì vậy mà việc buôn bán của ông kết thúc rất nhanh, chỉ sau 1 tháng để trả ông về với ruộng đồng.

Chưa hết, cũng với người bán hàng ấy, cũng vẫn giọng rao ấy nhưng có lúc nghe thấy tươi vui, rộn ràng, có khi lại buồn mang mác như chất chứa nỗi niềm của phận đời phiêu bạt, nổi trôi. Cũng tiếng rao ấy nhưng ngày nắng nghe rộn ràng, ngày mưa thì ướt sũng và trĩu nặng. Đêm mưa tiếng rao thường nghe buồn hơn, mỏi mệt hơn. Đêm đông thì chúng trở nên lạc long, nhỏ bé giữa màn đêm u tịch.


Giờ rao hàng của họ cũng không cố định. Có khi từ sớm đã rao, có khi chờ mỏi mắt đến tận đêm khuya mới nghe thấy thứ âm thanh quen thuộc. Và có những đêm tiếng rao không đến nữa, trả lại tĩnh lặng cho thành phố của tôi.

Có lúc vu vơ tôi thầm hỏi: Những người bán rong ngoài kia, họ đang vui hay buồn, có tủi thân không?. Rồi tự cười mình thắc mắc vơ vẩn làm chi về những người lương thiện đang miệt mài kiếm sống.

Theo tháng năm, thành phố của tôi lớn dần lên. Người ta không còn rao trực tiếp nữa mà dùng tiếng rao công nghiệp hóa, thu âm sẵn rồi cứ thế bật lên. Tiếng rao cũng ít dần vì người ta chuyển hướng sang mua sắm qua mạng, qua siêu thị là chủ yếu. Chưa kể những tiếng ồn xe cộ, tiếng ti vi, âm thanh từ công trường xây dựng…sẵn sàng nuốt chửng tiếng rao bất kỳ lúc nào không hay biết.

Tôi chẳng còn được nghe thấy tiếng bóp tay chép chép của ông già bán kem, hay lời rao khô không khốc của chị bán cốm dẹp. Lâu tới nỗi tôi nghĩ mình đã mất cả cảm giác thèm ăn.


Trưa nay lạc về một vùng ngoại ô cạnh Hà Nội. Bất giác trên đường làng có bóng nón nhỏ đạp xe chầm chậm để tránh ổ gà. Các cổ trắng ngần thập thò sau chiếc nón lá cứ cố vươn lên để nhả ra mấy lời “Ai tào phớ đi”. Tiếng rao của người nhà quê nghe đậm đà mà êm ru. Lạc trong đó còn cả hương vị hạt lúa, củ khoai. Tiếng rao một mình một đường như mời gọi tôi tìm lại tuổi thơ ngọt ngào, hồn nhiên thuở nào. Giật mình quay lại với theo nón lá thì bóng người bé nhỏ, lẻ loi đã dần dần tan khuất vào hư không. Tôi trở về hiện tại.

Có nhiều tiếng rao giống như một lời bài hát hơn là chào bán. Những âm thanh ấy hòa lẫn vào nhau tạo thành một khúc hát với riêng tôi, với riêng Hà Nội của tôi. Và dù cuộc sống có thay đổi nhiều thế nào đi nữa, thì những tiếng rao khoắc khoải, da diết ngày nào sẽ mãi là ký ức theo tôi đến suốt cuộc đời.

Thùy Linh / Báo Đầu tư Bất động sản