PHONO SAPIENS
Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư mang đến nhiều thay đổi đột phá về công nghệ và cách con người ứng dụng công nghệ trong đời sống hằng ngày. Đồng hành với những thế hệ cũ, có một thế hệ mới được lớn lên, giáo dục và trưởng thành cùng những thiết bị thông minh và những nền tảng như Facebook, Google, Youtube,... để không chỉ giải trí, kết nối mà còn dần định hình tính cách phát triển của họ cùng với xã hội. Thế hệ mới này được đặt cho một cái tên là Phono Sapiens – loài người mới trưởng thành cùng chiếc điện thoại thông minh trong nền văn minh kỹ thuật số, coi nó là một phần không thể thiếu của cơ thể. Giờ đây, Phono Sapiens là những người làm chủ cuộc cách mạng thị trường; họ là những Thượng đế được quyền đưa ra mọi lựa chọn phù hợp, và tự đặt ra những tiêu chuẩn mới cho thị trường tiêu dùng.
Liệu thế hệ cũ sẽ nghĩ sao? Khoảng cách về ý thức hệ và ngôi vị trong xã hội giữa các thế hệ được thể hiện ra sao trong bối cảnh gia đình cũng như ngoài xã hội? Các doanh nghiệp cần chuyển mình như thế nào cho phù hợp với nền văn minh Phono Sapiens mới, thay vì cứng nhắc đi theo cơ chế cũ để rồi bị đào thải? Và những chính sách gì nên được đưa ra từ những nhà hoạch định để biến đổi các thách thức từ thị trường ứng dụng công nghệ số thành cơ hội để phát triển và cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp, cũng như giữa tầng lớp lãnh đạo – thế hệ cũ gây dựng nền tảng hiện đang là chủ xã hội – với tầng lớp lao động – những người trẻ tuổi, hiểu và tạo ra nền văn minh kỹ thuật số mới?
Nhiều ý kiến trái chiều được nêu lên về lợi ích cũng như nguy cơ tiềm ẩn cho thế hệ trẻ nói riêng và loài người nói chung khi sống và lệ thuộc vào sự chuyển mình của công nghệ. Tuy vậy, tác giả Jae Boong Choi đã khéo léo đưa ra những dẫn chứng tại chính Hàn Quốc và Mỹ, cũng như các thị trường kinh tế lân cận là Trung Quốc và Nhật Bản, để minh chứng cho một sự thật rằng loài người luôn có khả năng thích ứng và biến đổi trong những cơn khủng hoảng mà công nghệ cũng như smartphone đem đến, để liên tục duy trì vị thế và sự làm chủ cuộc sống của con người với những cơ hội và thời cơ mới.
Cùng với hy vọng và niềm tin vào việc thách thức mở ra cơ hội mới, Việt Nam cũng có thể đón nhận làn sóng chuyển đổi do công nghệ mang đến để hỗ trợ cho cuộc sống, giúp cho công việc được ngày một thuận lợi hơn, đồng thời ứng dụng công nghệ không chỉ vào phát triển kinh tế mà cả trong việc tạo ra những nét văn hóa riêng, duy trì bản sắc và có chiến lược đào tạo phù hợp cho thế hệ trẻ – nguồn lao động chính của xã hội trong tương lai.
Cuốn sách phù hợp với những độc giả yêu thích lịch sử, công nghệ; đam mê khoa học xã hội, đặc biệt là những người thuộc thế hệ trẻ.
Minh Thư
Tác giả: Jae Boong Choi
Giáo sư Kỹ thuật Cơ khí của Viện Thiết kế Hội tụ Thông minh tại Đại học Sungkyunkwan, chuyên gia hàng đầu về Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư tại Hàn Quốc, đồng thời cũng giữ những chức vụ cấp cao như Giám đốc Bộ phận Kinh tế Sáng tạo thuộc Đại học Sungkyunkwan, Giáo sư cố vấn của Samsung Electronics, Ủy viên an ninh thuộc Ủy ban An toàn và An ninh Hạt nhân.
Link tham khảo: