Sunday, January 1, 2023

YATAGARASU: LOÀI QUẠ BA CHÂN HUYỀN BÍ, SỨ GIẢ CỦA THẦN LINH

Với nhiều nền văn hóa, sự xuất hiện của quạ báo hiệu những điều chẳng lành. Nhưng ở Nhật Bản lại khác, tại đây loài chim này biểu trưng cho sự tái sinh và phục hưng sau các thảm họa. Đặc biệt trong thần thoại xứ Phù Tang còn tồn tại một giống quạ có ba chân gọi là Yatagarasu, đóng vai trò là sứ giả của thần linh, bảo hộ cho công cuộc khai thiên lập địa của đất nước mặt trời mọc.


Yatagarasu – sinh vật dẫn lối khai quốc

Chữ “Ata – 咫” (Chỉ) trong “Yatagarasu – 八咫烏” (Bát Chỉ Ô) là đơn vị đo độ dài, một ata tương đương khoảng cách một gang tay, xấp xỉ 18cm. Tuy nhiên, Yatagarasu không có nghĩa là con quạ có bề dài 8 ata (144cm), mà ngụ ý về kích thước khổng lồ của nó.

Sinh vật kỳ bí này xuất hiện trong thần thoại xứ Phù Tang và được nhắc đến cả trong tập Kojiki (Cổ Sự Ký, năm 712) lẫn Nihon Shoki (Nhật Bản Thư Kỷ, năm 720). Theo Kojiki – tài liệu lịch sử lâu đời nhất của Nhật, Yatagarasu là hóa thân của Kamo Taketsunumi – vị thần ngày nay được thờ cúng tại đền Shimogamo, Kyoto. Xuất hiện với thân phận quạ ba chân, thần đã dẫn dắt Jimmu – vị Thiên hoàng đầu tiên vượt qua những khó khăn thử thách để thành lập nên nước Nhật.

Tượng điêu khắc quạ ba chân Yatagarasu tại đền Tamura, tỉnh Kagawa. Ảnh: okumiya-jinja.com

Chuyện xưa kể lại rằng, Kamuyamato Iwarebiko sống ở Hyuga (tỉnh Miyazaki ngày nay) đã cùng các anh mình đi tìm một vùng đất thích hợp để trị vì đất nước. Khởi hành từ Hyuga, trong hành trình về phía Đông qua biển Seto, họ đã giao tranh và khuất phục nhiều bộ tộc.

Thế rồi khi đến Naniwa (Osaka ngày nay), Itsuse – anh trai của Kamuyamato đã bị thương nặng và đoàn quân của họ bị đẩy vào tình thế phải rút lui. Kamuyamato nhận ra rằng họ thua vì đang đánh về hướng Đông, chống lại Mặt trời. Thế nên ông đã dẫn quân đi vòng quanh bán đảo Kii, đến Kumano (tỉnh Mie ngày nay) để bắt đầu một cuộc tiến quân về phía Tây. Nhưng trước khi đến được Kumano thì người anh trai đã qua đời và đoàn quân cũng bị lạc vào vùng núi sâu.

Theo lệnh Nữ thần Mặt Trời, thần Kamo Taketsunumi đã hóa thân thành một con quạ ba chân để dẫn đường cho Thiên hoàng Jimmu. Ảnh: Wikipedia

Thấy vậy, Nữ thần Mặt trời Amaterasu và thần Takamimusubi – một trong những vị thần khởi thủy, đã ra lệnh cho thần Kamo Taketsunumi làm người dẫn đường cho Kamuyamato. Vị thần sau đó hóa thành một con quạ lớn, bay đến và dẫn Kamuyamato thoát khỏi tình cảnh nguy hiểm, thuận lợi tiến đến Yamato (tỉnh Nara ngày nay) để xây dựng nên kinh đô của mình. Tại đây, ông lên ngôi và trở thành Thiên hoàng Jimmu, vị hoàng đế đầu tiên của Nhật Bản.

Nữ thần Mặt trời Amaterasu. Ảnh: shindodvd.jp

Theo truyền thuyết, ông cố của Thiên hoàng Jimmu là Ninigi, cháu trai của Amaterasu. Vì vậy, Jimmu và toàn bộ dòng dõi hoàng gia Nhật Bản được xem là hậu duệ của Nữ thần Mặt trời. Còn quạ Yatagarasu là sứ giả dẫn đường chỉ lối để Thiên hoàng Jimmu xây dựng nên đất nước mặt trời mọc.

Thẻ gỗ Ema hình quạ ba chân tại đền Imakumano, Kyoto. Ảnh: Amenbo’s Honmaru

Vì vậy với người dân Nhật Bản, sự xuất hiện của sinh vật huyền bí này báo hiệu cho ý chỉ của thần linh về cuộc sống của nhân loại, mang theo sự sống và trường tồn, chấm dứt thảm kịch đau thương.

Nguồn gốc và ý nghĩa của Yatagarasu trong văn hóa Nhật Bản

Cái tên Yatagarasu đơn giản chỉ có nghĩa là con quạ lớn, đây là đặc điểm duy nhất có thể biết được từ Kojiki và Nihon Shoki. Không rõ chính xác từ khi nào linh vật này bắt đầu gắn liền với hình tượng ba chân, nhưng tài liệu cổ nhất mô tả về đặc điểm trên có niên đại từ khoảng năm 930, giữa thời Heian. Lý giải về nguồn gốc câu chuyện quạ ba chân, tồn tại một số giả thuyết như sau.

Đầu tiên, trong thần thoại Trung Hoa cũng có câu chuyện về con quạ ba chân (tam túc ô), được cho là sống ở mặt trời. Dựa theo thuyết âm dương ngũ hành, hai là âm, ba là dương, ba chân thích hợp để tượng trưng cho mặt trời hơn là hai chân. Ngoài ra số ba còn tượng trưng cho mặt trời buổi sáng, buổi trưa và lúc hoàng hôn.

Trong thần thoại Hàn Quốc cũng có quạ ba chân, được gọi là Samjogo. Trong thời kỳ Goguryeo (37 TCN - 668 CN), người ta cho rằng quạ ba chân là biểu tượng của mặt trời và có sức mạnh to lớn, thường đại diện cho Taewang ("Hoàng đế" hoặc "Vị vua vĩ đại nhất") và chủ quyền của Goguryeo. Ảnh: folkency.nfm.go.kr

Ở Trung Quốc, quạ ba chân đã xuất hiện trong các tài liệu từ thời Cựu Hán (thế kỷ 3 TCN) và được mô tả trong nhiều hiện vật khai quật từ các lăng mộ hoàng gia. Vì vậy, các sử gia cho rằng có thể truyền thuyết trên đã được du nhập vào Nhật Bản, ảnh hưởng đến hình tượng Yatagarasu – loài chim truyền đi thông điệp và chỉ dẫn của Nữ thần Mặt trời trong văn hóa xứ Phù Tang.

Biểu tượng Mitsudomoe thường xuyên xuất hiện tại các đền thờ Thần đạo. Ảnh: Trans.Biz

Ngoài ra, trong tín ngưỡng Thần đạo có một biểu tượng gọi là “Mitsudomoe – 三ツ巴”, gồm ba dấu phẩy được bao bọc trong một vòng tròn. Biểu tượng này là đại diện của ba thế giới “thiên đường – trần gian – âm phủ”; của “cha – mẹ – con” trong cuộc sống gia đình; “quá khứ – hiện tại – tương lai” trong dòng chảy thời gian; và “trời – đất – con người”, tức cách mà các đạo sĩ đã hình dung ra vũ trụ. Trong tâm trí của con người, số ba biểu thị quy luật của tự nhiên, và một con chim ba chim ba chân sẽ đại diện cho điều đó, khi nó là sứ giả được thần linh phái tới.

Biểu tượng Yatagarasu tại Kumano Hongu Taisha. Ảnh: blog.ytk.co.jp

Còn tại đền Kumano Hongu Taisha, một trong ba ngôi đền Thần đạo lớn được mệnh danh là “Kumano Sanzan”, tức “3 ngọn núi của vùng Kumano”, nơi đây thờ phụng thần Ketsumi Miko và quạ Yatagarasu được xem là sứ giả của thần. Theo ngôi đền thiêng, ba chân của quạ lần lượt tượng trưng cho trời, đất và con người.

Ngoài ra, Yatagarasu còn mang ý nghĩa biểu thị cho sự liên kết của ba gia tộc: Enomoto, Fujishiro Suzuki và Ui, từng nắm giữ quyền lực ở vùng Kumano, phía nam bán đảo Kii. Hay nó cũng được cho là đại diện cho ba đức tính của các vị thần: khôn ngoan, nhân từ và dũng cảm.

Yatagarasu tại đền Kumano Nachi Taisha, một trong ba ngôi đền “Kumano Sanzan”. Ảnh: dokoikoka.com

Dẫu mang ý nghĩa nào thì sinh vật thần thoại này đều đại diện cho thần linh, ban phát sự may mắn, thịnh vượng cho dân chúng. Cũng vì lẽ đó, quạ ba chân được sử dụng trong các biểu tượng tôn giáo và chiêm tinh trên khắp Nhật Bản, đặc biệt là trong các nghi lễ thờ cúng thần Mặt trời.

Chuông gió với dải giấy có hình Yatagarasu được trưng bày trong khuôn viên của đền Kumano Hongu Taisha để cầu nguyện cho sự kết thúc của dịch COVID-19 và thành công của đội bóng quốc gia. Ảnh: sankei.com

Quạ ba chân ngày nay

Ở thời hiện đại, loài quạ linh thiêng này đặc biệt được biết đến với vai trò là linh vật trong logo của Hiệp hội bóng đá Nhật Bản (JFA) và đội tuyển bóng đá quốc gia Nhật Bản, với niềm hy vọng rằng quả bóng sẽ được thần linh dẫn lối đến khung thành.

Logo của JFA được điêu khắc gia nổi tiếng Jitsuzo Hinago (1892 – 1945) thiết kế dựa trên ý tưởng của Tairei Uchino, một học giả về văn học Trung Quốc, người có công trong việc thành lập Hiệp hội Bóng đá Nhật Bản. Logo trên được thông qua vào năm 1931.

Logo JFA. Ảnh: Wikipedia

Ngày nay, các thành viên của JFA và cầu thủ của tuyển quốc gia Nhật Bản vẫn đến thăm những ngôi đền thờ Yatagarasu trước mỗi trận đấu để cầu nguyện cho chiến thắng.

Còn trong lĩnh vực quân sự, biểu tượng quạ ba chân được sử dụng rộng rãi cùng với diều hâu và đại bàng kể từ thời Đế quốc Nhật Bản. Yatagarasu cũng được Sở Thông tin của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất sử dụng làm biểu tượng. Hay cái tên Yatagarasu cũng được đặt cho tiểu hành tinh được phát hiện vào năm 1997 bởi Takao Kobayashi – một nhà thiên văn học đến từ tỉnh Gunma.

Tượng Yatagarasu tại Kumano Hongu Taisha. Ảnh: Namiki Trails

Với sự huyền bí và quyền năng của mình, không bất ngờ khi quạ ba chân trở thành nguồn cảm hứng để sáng tạo nên các nhân vật trong những câu chuyện giả tưởng, từ manga, anime đến trò chơi điện tử của xứ Phù Tang. Sinh vật này xuất hiện trong các tác phẩm như Yu-Gi-Oh!, Noragami, Demon King Daimao, hay cả trong trò chơi Megami Tensei. Theo thời gian, quạ ba chân dần trở thành một biểu tượng đại chúng và ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống văn hóa xứ hoa anh đào.

Ái Thương / Theo: Kilala Magazine



No comments: