Monday, January 2, 2023

HAI CHỮ "TÙY DUYÊN" THẬT DỄ NÓI NHƯNG KHÔNG DỄ LÀM

Tùy duyên là một thái độ sống, cũng là một cảnh giới nhân sinh, người có thể tùy duyên thì cuộc sống sẽ không còn phiền não.


Thế nào là tùy duyên?

Khi gặp chuyện phiền muộn, khó khăn, hay gặp lúc bế tắc, khó xử, người ta thường buột miệng mà nói ra 2 chữ “tùy duyên”. Đó là câu cửa miệng của rất nhiều người, nhưng để hiểu được ý nghĩa thực sự của nó thì không hề đơn giản.

Thực ra tùy duyên không phải dễ làm. Cái gọi là “tùy” ở đây không phải là tùy tiện, mà là thuận theo tự nhiên, không oán hận, không nóng nảy, không cưỡng cầu.

Còn về “duyên”, thì vạn sự vạn vật trên đời này hết thảy đều liên quan với nhau bởi một chữ “duyên”. Dù cho có là nhân duyên, cơ duyên, thiện duyên, ác duyên… thì cũng đều là có duyên mới gặp, hết duyên mới chia xa, duyên tụ duyên tán, có đến rồi cũng có rời đi.

Tùy duyên là chớ nên cưỡng cầu, nhưng cũng không được buông xuôi, qua loa và cẩu thả. Làm việc gì cũng hết sức mình nhưng không chấp vào kết quả, được mất, dù thế nào cũng vui lòng; ôm giữ trái tim từ bi, khoan dung, độ lượng, đây mới là tùy duyên thực sự.

Nhân sinh mệt mỏi cũng vì nắm giữ quá nhiều thứ (ảnh: Pinterest)

Tuy nhiên có nhiều người lại không làm tròn bổn phận, phó thác cho số phận, không có tâm cầu tiến, trốn tránh khó khăn; vậy thì hai chữ “tùy duyên” mà họ nói ra lúc này chỉ là cái cớ cho sự lười biếng và thiếu trách nhiệm với cuộc sống. Tùy duyên lúc này đã trở thành tùy tiện. Tùy tiện làm việc qua loa cho xong, được chăng hay chớ, không có nguyên tắc, cũng không có lập trường.

Để hiểu được tùy duyên và làm được tùy duyên là điều không hề dễ dàng, có khi phải học cả đời mới hiểu được thế nào là tùy duyên. Người ta vừa phải có trí tuệ để nhìn thấu, vừa phải có lòng bao dung để cảm thông, phải biết nhẫn nại chờ thời… nên mới nói tùy duyên là một cảnh giới nhân sinh.

Tùy duyên mới có thể tránh xa phiền não

Đại thần nhà Thanh, Tăng Quốc Phiên cũng nói: “Đời người có những việc có thể làm và có những việc không thể làm. Đối với những việc có thể làm, hãy tận sức mà làm. Đây gọi là ‘tẫn tính’. Đối với những việc không thể làm thì hãy tận tâm thuận theo. Đây gọi là ‘biết mệnh’.”

“Tẫn tính” chính là chỉ việc một người cần tận tâm tận sức làm tốt việc mình có thể làm, thấy việc nhân đức thì không bỏ qua, không lười biếng, càng không thể từ chối trách nhiệm của bản thân.

Nhân sinh bởi vì quá để ý cho nên thống khổ, bởi vì hoài nghi cho nên bị thương tổn, bởi vì xem nhẹ cho nên khoái hoạt, bởi vì xem nhạt cho nên hạnh phúc.

Người sống trên đời không cần lúc nào cũng phải tranh giành với người khác. Bởi tranh với người nhà, mình thắng, thân tình không còn; tranh với người yêu, mình thắng, tình cảm phai nhạt; tranh cùng bạn bè, mình thắng, tình nghĩa cũng mất; tranh giành là lý, thua là tình, tổn thương là chính bản thân mình.

Sống có mục đích nhưng không quá chấp vào được mất (ảnh: Pinterest)

Dù gặp chuyện đắc ý hay thất ý thì cũng dùng lòng cảm kích để đối đãi. Bởi người làm tổn thương bạn đã tôi luyện ý chí cho bạn; người lừa gạt bạn đã cho bạn kiến thức; người đánh bạn đã loại bỏ nghiệp chướng cho bạn; người vứt bỏ bạn đã dạy bạn tự lập; người trách cứ bạn đã giúp bạn sáng tỏ. Một đường nhân sinh tràn đầy lòng biết ơn, vậy thì cuộc sống của bạn sẽ ngày càng trở nên đặc sắc.

Có những chuyện, hôm nay thấy thật lớn, ngày mai đã thành chuyện nhỏ; năm nay là chuyện lớn, qua năm đã thành chuyện cũ; đời này là chuyện lớn, đến đời sau đã là truyền thuyết, chúng ta cùng lắm chỉ là người trong câu chuyện. Vậy nên khi gặp chuyện chúng ta chỉ cần nói với chính mình: Hôm nay sẽ qua đi, ngày mai sẽ tới, một ngày mới lại bắt đầu.

Nhân sinh, chẳng qua là một ly trà, đầy cũng tốt, vơi cũng tốt, không cần phải tranh giành; đậm cũng tốt, nhạt cũng tốt, đều có hương vị; nhanh cũng tốt, chậm cũng tốt, thì cứ thế vậy; ấm cũng tốt, lạnh cũng tốt, nhìn nhau mỉm cười.

Hiểu được hai chữ tùy duyên thì gặp chuyện vui cũng không quá phấn khích, gặp chuyện buồn cũng không quá âu sầu, bi thương, mọi chuyện cứ để tùy duyên là được rồi.

Bảo Ngọc (t/h) / Theo: nguyenuoc

No comments: