Triển lãm "Khoảnh khắc bí mật của maiko" của nhiếp ảnh gia Philippe Marinig
Nhiếp ảnh gia Philippe Marinig là một nghệ sĩ thị giác người Pháp quan tâm tới cuộc sống, văn hóa mang tính địa phương. Những tác phẩm của ông đều hướng đến mục đích nêu bật vẻ đẹp của những cộng đồng mong manh, có nguy cơ tan rã và ít được biết đến. "Khoảnh khắc bí mật của maiko" là bộ ảnh chân dung được ông dày công nghiên cứu và thực hiện trong 4 năm tại khu phố Gion, Kyoto.
Thông qua triển lãm, những người yêu văn hóa Nhật Ban dường như hiểu rõ hơn về geisha - nghề truyền thống đã tồn tại hơn 300 năm và là biểu tượng sắc đẹp của người phụ nữ ở xứ sở hoa anh đào.
Chị Sugisaki Ai - Trợ lý Giám đốc Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam chia sẻ: "Geisha là những nghệ nhân trình diễn nghệ thuật truyền thống của Nhật Bản như múa, hát hay chơi đàn. Maiko là những cô gái geisha tập sự. Maiko thường khó gặp hơn là geisha, do đó mà nhiếp ảnh gia Philippe Marinig đã cố gắng tái hiện chân dung của những maiko với hy vọng sẽ khiến cho người xem hiểu hơn về văn hóa truyền thống của Nhật Bản".
Dưới thời Edo, geisha hay maiko là những cô gái làm công việc mua vui bằng các kỹ nghệ của mình như nhảy múa, ca hát, đánh đàn... trong các quán trà, quán rượu. Trước khi trở thành những geisha xinh đẹp, tài năng, các cô gái phải trải qua một quá trình học hỏi và luyện tập vất vả. Họ được gọi là maiko - những geisha tập sự.
Trước khi trở thành 1 geisha được công nhận, các cô gái phải trải qua quá trình học tập, rèn luyện như các "thực tập sinh". Họ được gọi là maiko
Maiko thường có tuổi đời khá trẻ, từ 15-20 tuổi. Họ sẽ được dìu dắt bởi một geisha thành thục. Trong khoảng 5 năm học, maiko được huấn luyện từ cách ăn uống, đi lại, trang điểm, mặc trang phục... cho đến các môn nghệ thuật như Nagauta, Shamisen, trà đạo, cắm hoa... và đến khi mọi thứ đã sẵn sàng, họ sẽ tốt nghiệp trở thành một geisha trong lễ Erikae.
Maiko có những nguyên tắc riêng trong việc vấn tóc, trang điểm. Họ có 5 kiểu tóc khác nhau ứng với mỗi giai đoạn trong nghề, nhưng tất cả đều được quấn bằng tóc thật, trang trí bằng trâm cài hoa sặc sỡ. Để sở hữu mái tóc hoàn hảo, maiko sẽ cần người trợ giúp làm tóc và họ cũng khá vất vả để giữ tóc không bị lộn xộn. Thay vì ngủ trên gối như bình thường, maiko ngủ trên một bệ đỡ tên là Takamakura để giữ mái tóc nguyên vẹn.
Các "geisha tập sự" sẽ cần đến người giúp đỡ để tạo kiểu tóc
Việc trang điểm của các Maiko cũng giống như một môn nghệ thuật, tựa như vẽ một bức tranh lên mặt vậy. Các maiko sẽ phải luyện tập rất nhiều để có một lớp nền hoàn hảo. Mỗi người sẽ có cách trang điểm khác nhau, nhưng có vài điều maiko phải tuân thủ khi trang điểm.
Gương mặt maiko được trang điểm rất đậm, phủ kín bằng lớp nền trắng. Vì maiko không sử dụng tóc giả như geisha nên maiko sẽ không trang điểm phần chân tóc.
Thay vì kẻ lông mày ngang, maiko thường vẽ lông mày cong cong như hình trăng lưỡi liềm để trông đáng yêu hơn. Họ sử dụng màu đỏ hoặc hồng cho lông mày, còn viền mắt thường là màu đỏ và đen.
Gương mặt maiko được trang điểm cầu kì, đậm nét
Kể cả đánh son, các maiko cũng phải tuân thủ nguyên tắc. Năm đầu tiên, maiko chỉ được đánh son đỏ cho phần môi dưới. Từ năm thứ 2 trở đi, họ mới được tô son đỏ cho cả 2 môi, nhưng cũng chỉ là 1 phần nhỏ của môi. Chỉ khi trở thành geisha thực thụ, họ mới có thể đánh son đỏ kín 2 môi.
Bạn Nguyễn Hoài Nam, sinh viên năm 3 Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội rất ấn tượng đối với gương mặt được trang điểm đậm của maiko: "Đối với cá nhân em, nét tiêu biểu để nhận biết một maiko hay geisha là gương mặt được đánh trắng toàn bộ. Em cảm thấy khi họ trang điểm như vậy, danh tính thật sự của họ, tính cá nhân của họ bị che đi và họ trở thành một tập thể".
Maiko thường mặc những bộ kimono có màu sắc sặc sỡ với phần ống tay áo dài. Trong nhiều trường hợp, tay áo kimono của maiko dài đến mắt cá chân. Màu sắc, hoa văn và kiểu dáng kimono cũng thay đổi tùy vào mỗi mùa trong năm.
Trang phục của maiko là những bộ kimono có màu sắc sặc sỡ
Điểm nhấn trong bộ trang phục là chiếc thắt lưng. Thắt lưng của maiko được thắt thành bản dài phủ qua hông, thường dài từ 6-7m, để thõng gần xuống tới mắt cá chân. Chính vì vậy khi mặc kimono họ cần có người giúp đỡ. Điểm cuối của thắt lưng là dấu hiệu để mọi người có thể nhận biết maiko ở đâu và học tập geisha nào.
Trong những dịp đặc biệt, trọng lượng bộ kimono của maiko có thể lên tới 10kg
Cổ áo kimono của maiko thường để thấp hơn ở phần gáy, chủ yếu là màu đỏ, vàng, trắng xen lẫn hoa văn trang trí.
Maiko thường để lộ phần gáy
Những đôi guốc của maiko
Và cũng có nhiều quy tắc khi bạn gặp maiko, geisha. Bạn không nên chạm vào hay kéo áo họ, không gây cản trở họ trên đường, không đứng trước mặt khi họ đang đi. Nếu muốn chụp ảnh, bạn chỉ nên đứng từ xa mà thôi.
Chị Ngọc Anh (Hà Nội) cảm thấy triển lãm rất thú vị: "Mình rất yêu thích văn hóa Nhật Bản và đặc biệt là geisha. Triển lãm đã đem đến cho mình nhiều góc nhìn mới, giúp mình hiểu thêm về của sống trước khi trở thành geisha của các cô gái Nhật. Mình thấy được sự nỗ lực từng ngày từng giờ của họ để đạt được sự công nhận".
Một số hình ảnh ở triển lãm:
Chân dung maiko xinh đẹp, yêu kiều
Bạn chỉ có thể nhìn thấy maiko và geisha tại các nhà hàng sang trọng tại Nhật Bản
Cuộc sống của maiko, geisha vẫn là một sự bí ẩn đối với mọi người
Với nhiều cô gái trẻ ở Nhật Bản, việc trở thành một maiko là điều quý giá và đáng tự hào hơn bao giờ hết
Có thể nói, maiko hay geisha là một nét văn hóa, mà người trở thành maiko hay geisha phải học hỏi và luyện tập tất cả các môn nghệ thuật thể hiện sự cao quý và tinh tế của đất nước mặt trời mọc. Dù ở thời cổ xưa hay ở xã hội hiện đại, maiko và geisha vẫn còn là bí ẩn lớn đối với nhiều người, đặc biệt là những người ngoại đạo, bởi nó sở hữu cho mình vô số những nghi thức truyền thống khắt khe, đôi khi là độc nhất vô nhị.
Chân dung những nàng maiko xinh đẹp của nhiếp ảnh gia Philippe Marinig đã góp phần đưa văn hóa truyền thống Nhật Bản đến gần hơn với người dân Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Triển lãm "Khoảnh khắc bí mật của Maiko" do Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản và Viện Pháp tại Hà Nội phối hợp tổ chức, kéo dài từ nay đến hết ngày 2/6 tới.
Thu Hiền / VOVTV
No comments:
Post a Comment