Cô Năm Cần Thơ.
Nhiều người mến mộ
Sau đệ nhị Thế Chiến, Tháng Chín 1945 Pháp trở lại Đông Dương lập lên Đài Phát Thanh Pháp Á, và cô Năm Cần Thơ là ca sĩ cổ nhạc được ưa chuộng nhứt của đài này. Nhờ giọng ca được phát đi trên làn sóng phát thanh, nên dù ở tận nơi thôn quê hẻo lánh nào, nếu có radio là được nghe, luôn cả trong khu kháng chiến người ta cũng nghe tiếng ca của cô Năm. Một trong số những người mến mộ tiếng ca của cô Năm Cần Thơ là tướng Bảy Viễn, chỉ huy lực lượng võ trang Bình Xuyên.
Lúc bấy giờ trong khu kháng chiến Rừng Sát, tướng Lê Văn Viễn, tức Bảy Viễn tham gia kháng chiến với chức vụ Chi Đội Trưởng Chi Đội 9. Tổng hành dinh đặt tại Tắc Cây Mấm trong Rừng Sát, có ban văn nghệ với nhiều nhạc cụ Tân Nhạc như kèn, trống, violon, piano... nhưng về cổ nhạc thì chưa có. Trưởng ban văn nghệ là nhạc sĩ Hai Dậu (từng là kép hát gánh Kim Thoa).
Cô Năm Cần Thơ, người đứng sau cô Kim Hà trong một vở diễn trước đây.
Đến cuối 1947 Bảy Viễn được vinh thăng Khu Bộ Phó Chiến Khu 7. Một liên hoan lớn được tổ chức ngay để làm lễ tấn phong Khu Bộ Phó Bảy Viễn. Nhân dịp, nhạc sĩ Hai Dậu được lịnh về thành mời các ca sĩ cổ nhạc để cho đêm liên hoan có đủ tân cổ. Đầu hôm là tân nhạc cho xôm trò, về khuya rỉ rả sáu câu mới thâm trầm sâu lắng. Liên lạc viên đưa Hai Dậu về Cầu Chữ Y, anh ta nghĩ ngay tới ca sĩ lừng danh cô Năm Cần Thơ, mà trước kia anh đã có những giao du tình cảm khó quên, lúc cô Năm đi đoàn hát của Lê Thành Lư.
Vừa nghe anh ngỏ lời rước vô khu dự lễ lớn, cô Năm Cần Thơ reo lên: “Từ lâu em muốn vô khu một lần cho biết! Người ta đi kháng chiến rần rần như các bậc thầy Tư Trang, Tám Danh, Ba Du, Bảy Vân, Tám Củi... mà mình nằm khoanh ở thành coi kỳ kỳ! Đi với anh thì em không lo ngại gì.”
Hai Dậu giới thiệu Năm Cần Thơ, Bảy Viễn niềm nỡ bắt tay kêu to:
“Cha chả là hay! Lâu nay “văn kỳ thinh” nay mới “kiến kỳ hình”. Nói thiệt với cô Năm, tôi nghe cô Năm ca “Bể Hận Quyết Lắp Cho Bằng” trên dĩa Béka tròng vàng, tôi ao ước được diện kiến giọng oanh vàng.”
Cô Năm Cần Thơ, thời làm chủ quán Họa Mi. File photo.
Cô Năm Cần Thơ cũng đáp lễ rất lưu loát:
“Còn em thì lâu nay nghe uy danh của ngài Khu Bộ Phó, hỗn danh là Hắc Hổ Bình Xuyên, nay mới biết danh bất hư truyền: Ngài Khu Bộ Phó đúng là một tay ‘Từ Hải dọc ngang nào biết trên đầu có ai!’.”
Bảy Viễn hứng chí rót rượu đãi các nghệ sĩ trong thành ra, khen ngợi Năm Cần Thơ, Bảy Viễn nói:
“Chỗ anh em văn nghệ với nhau, cứ gọi tôi là anh Bảy cho thân mật. Đừng gọi “ngài Khu Bộ Phó” như hai cha Tư Sang, Năm Tài bày đặt, nghe quan cách quá!” (Tư Sang là Lai Văn Sang, và Năm Tài là Lai Hữu Tài).
Đêm lễ tấn phong Khu Bộ Phó thật vui. Có đầy đủ quan khách trong thành ra như Lâm Ngọc Đường, Maurice Thiên (hai trùm phòng nhì Pháp, xếp của hai anh em Lai Văn Sang, Lai Hữu Tài). Đêm càng khuya, dàn cổ nhạc càng thu hút khách mộ điệu. Hai Dậu đờn kìm thủ song lang, Tấn Thìn đờn lục huyền cầm. Năm Cần Thơ đơn ca bản “Bể Hận Quyết Lắp Cho Bằng” theo lời yêu cầu của Khu Bộ Phó Lê Văn Viễn. Chuyến đi Rừng Sát năm ấy sống mãi trong đời danh ca Năm Cần Thơ.
Được phong chức chẳng bao lâu thì Bảy Viễn, mang lực lượng võ trang Bình Xuyên về thành đầu Tây, được Quốc Trưởng Bảo Đại ký sắc lệnh phong Thiếu Tướng, tổng hành dinh đặt phía bên kia Cầu Chữ Y. Bảy Viễn còn được chính quyền thời ấy cho thầu khai thác sòng bạc Đại Thế Giới, Trường Đua Phú Thọ, và nhiều quyền lợi kinh tế khác.
Được phong chức chẳng bao lâu thì Bảy Viễn, mang lực lượng võ trang Bình Xuyên về thành đầu Tây, được Quốc Trưởng Bảo Đại ký sắc lệnh phong Thiếu Tướng, tổng hành dinh đặt phía bên kia Cầu Chữ Y. Bảy Viễn còn được chính quyền thời ấy cho thầu khai thác sòng bạc Đại Thế Giới, Trường Đua Phú Thọ, và nhiều quyền lợi kinh tế khác.
Cô Năm Cần Thơ trong lần hát tại quán của nhạc sĩ Văn Giỏi. File photo.
Có lẽ nhớ lại lúc cô Năm Cần Thơ vào hát trong buổi lễ tấn phong ở chiến khu Rừng Sát, nên Bảy Viễn cho cô Năm mở quán nhậu có sân khấu nhỏ trong khuôn viên Đại Thế Giới, mang bảng hiệu “Họa Mi”, là tên của dĩa hát Con Chim Họa Mi do chính cô Năm ca. Người làm phổ ky chạy bàn của tiệm cô Năm lúc bấy giờ là nghệ sĩ Hữu Phước lúc chưa gặp thời.
Khoảng 1953 Hữu Phước nhờ ca vọng cổ hay, được Bảy Viễn viết giấy giới thiệu với ông Ba Bản, chủ hãng dĩa hát Hoành Sơn, thời gian sau thì Hữu Phước nổi danh luôn. Riêng cô Năm Cần Thơ thì năm 1955 sòng bạc Đại Thế Giới bị đóng cửa theo lệnh của Ngô Thủ Tướng. Dĩ nhiên quán nhậu Họa Mi của cô Năm cũng đóng cửa luôn.
Ngành Mai, thông tín viên RFA
(19/10/2013)