Tuesday, July 4, 2023

NHẠC SĨ NHỊ HÀ VÀ CA KHÚC "MẸ TÔI" ĐƯỢC SÁNG TÁC KHI MỚI 13 TUỔI

Trong các ca khúc trữ tình trước 1975 viết về mẹ, bài Mẹ Tôi của nhạc sĩ Nhị Hà xứng đáng là một trong những ca khúc hay nhất. Có một điều đặc biệt hơn khi chúng ta biết rằng ca khúc này được nhạc sĩ Nhị Hà sáng tác khi mới tròn 13 tuổi.


Khi chúng ta 13 tuổi, là hãy còn trong tuổi ăn chưa no lo chưa tới. Vậy mà với Nhị Hà ở độ tuổi đó, ông đã sáng tác được một bài hát ca ngợi tình mẫu tử thiêng liêng và được yêu thích trong suốt 70 năm qua. Phải chăng vì hoàn cảnh đặc biệt của đất nước thời hỗn loạn (năm 1948), chứng kiến sự vất vả và tận tụy của mẹ, người nhạc sĩ này đã trưởng thành sớm hơn và bộc lộ được tài năng từ thuở thiếu thời. Chỉ mới 13 tuổi, nhưng nhạc sĩ Nhị Hà đã biết trăn trở:

Công ơn sinh thành ngày nao đền trả
Mẹ ơi con nguyền nhớ lời mẹ khuyên…

Nhạc sĩ Nhị Hà qua đời đã hơn 30 năm, vì vậy thông tin về cuộc đời ông còn lưu lại cho đến nay chỉ là vài dòng tiểu sử sau đây:

Ông tên thật là Lê Quang Mại, sinh năm 1935 ở Quảng Bình, là người con thứ 2 trong một gia đình có 5 người con. Nhạc sĩ Nhị Hà tốt nghiệp cử nhân giáo khoa xã hội, giáo khoa Anh văn và Apply Sciences in Engineering Technology tại Sài Gòn. Vào năm 1958, ông trở ra Huế để lập gia đình tại đây với người bạn gái học chung năm cuối ở trường Khải Ðịnh tên là Kim Khuê. Sau đó, hai người có với nhau bảy người con. Năm 1960, ông vào Sài Gòn tiếp tục học. Sau một thời gian sang Mỹ tu nghiệp, ông về Việt Nam làm việc tại Nha Cải Huấn cho đến năm 1975.

Nhạc sĩ Nhị Hà. (Hình: Cỏ Thơm)

Đến Hoa Kỳ năm 1975, ông cư ngụ tại tiểu bang Arizona rồi tiểu bang Washington và qua đời tại Houston – Texas vào ngày 10 tháng 10, 1988. Nhạc phẩm đầu tiên ông sáng tác lúc mới 13 tuổi là bài “Mẹ Tôi” như đã nói bên trên, đó là sự phối hợp đặc biệt giữa khả năng thiên phú về âm nhạc và lòng thương yêu hết lòng người mẹ đã cả đời tận tụy vì con cái. Một vài nhạc phẩm khác đã đưa tên tuổi của ông lên cao là “Trở Về Thôn Cũ” và “Nhớ Một Mùa Hoa”… Tác phẩm cuối cùng của ông là “Yêu” viết trước khi qua đời, trong thời gian điều trị tại bệnh viện…

Mẹ tôi tóc xanh nhuộm bạc tháng ngày
Mẹ tôi đau buồn nặng trĩu đôi vai
Bao năm nuôi đàn trẻ thơ nhỏ dại
Cầu mong con mình có một ngày mai

Mẹ tôi nắng mưa chẳng ngại nhọc nhằn
Mẹ tôi mỉm cười nhìn bóng con ngoan
Không than không phiền dù lâm hoạn nạn
Lòng tin con mình xứng thành người dân

Chiều chiều, bên liếp lều tranh
Mẹ tôi đứng đợi đàn con
Trước gió tóc trắng loa xòa
Đôi mắt dịu hiền như bể tình thương

Lòng người mong ước ngày sau
Đàn con xứng thành người dân
Nhưng nay con đã nên người
Thì nay còn đâu bà mẹ hiền xưa

Chiều nay đốt hương tưởng niệm trước mồ
Nhìn khói đau lòng tưởng nhớ năm xưa
Công ơn sinh thành ngày nao đền trả
Mẹ ơi con nguyền nhớ lời mẹ khuyên…


Trong ca khúc Mẹ Tôi, có 3 giai đoạn thời gian khác nhau trong đời người mẹ được nhắc đến, và dù ở giai đoạn nào thì cũng đều thật buồn. Đó là hình ảnh người mẹ lam lũ, chịu thương chịu khó và hy sinh cả đời mình để mong cho con có được phần số tươi đẹp.

Đầu tiên là lúc người mẹ hãy còn tóc xanh, ngày đêm vất vả để nuôi đàn con thơ dại. Hàng ngày mẹ trĩu nặng đôi vai để gồng gánh những sinh kế, tuy gian nan nhưng vẫn luôn mỉm cười khi thấy con ngoan, hằng mong đàn con có được ngày mai tươi sáng, trở thành xứng đáng người dân.

Giai đoạn thứ 2 là khi tóc mẹ đã bạc, còn đàn con thì đã khôn lớn và tung cánh bay đi bốn phương trời để thỏa chí tang bồng. Hình ảnh người mẹ tóc trắng bay lòa xòa trong cơn gió chiều hiu quạnh, đứng trước sân nhìn về phía chân trời xa thẳm gợi lên một niềm thương cảm không nguôi. Đàn con nay đã trưởng thành như lời người ước nguyện năm xưa, nhưng đó cũng là lúc mà mẹ không còn như xưa nữa. Đôi mắt người đã mờ, bàn tay run rẩy, đôi chân không vững. Thời gian thì không còn nhiều, và đàn con thì biền biệt xa.


Năm tháng dần trôi, người mẹ rồi cũng nằm xuống với đất lạnh, con về lại quê xưa mà lòng thương xót vô bờ. Thắp nén hương tưởng niệm, con nhìn khói hương bay chập chờn mà như thấy cả một dòng ký ức miên man tràn về dâng ngập lòng đau. Công ơn sinh thành và dưỡng dục đã vĩnh viễn không thể đáp đền trọn vẹn nữa.

Đông Kha / Nguồn: nhacxua