Thỉnh thoảng chúng ta vẫn muốn nhận được sự chú ý từ người khác. Dành được sự công nhận và khen ngợi từ mọi người là một mong muốn bình thường của con người. Tuy nhiên, “Cần sự chú ý” không chỉ dừng lại ở việc muốn mà còn ám chỉ rằng bạn không thể sống mà thiếu đi sự chú ý và công nhận từ người khác. Với một nhu cầu như vậy, bạn dễ sinh ra những hành vi “gây sự chú ý” để đạt được khao khát của mình.
Mặc dù nó hoàn toàn bình thường khi bạn muốn nhận được sự chú ý từ bạn bè, người thân yêu, hay người mà bạn ngưỡng mộ, nhưng việc liên tục mong muốn sự chú ý một cách quá mức lại không hề tốt. Đó còn có thể là dấu hiệu tiềm ẩn của một căn bệnh về sức khỏe tinh thần.
Những Dấu Hiệu Cho Thấy Bạn Đang Cần Sự Chú Ý Quá Mức Từ Người Khác
Những người thích tìm kiếm sự chú ý thường không nhận thức được rằng bản thân họ đang vô thức gây ra những hành vi gây chú ý. Họ thường thể hiện mong muốn của mình qua nhiều cách thức khác nhau.
Một trong số những hành vi gây chú ý phổ biến ở những kiểu người này bao gồm:
Giả vờ vô dụng: Một trong những hành vi mà người thích sự chú ý thực hiện đó là giả vờ vô dụng trong những tình huống mà họ hoàn toàn có khả năng xử lí được. Điều này cho họ một phương tiện để tìm kiếm sự chú ý từ người khác.
Gây xung đột: Gây xung đột ở nơi công cộng hoặc riêng tư để tạo ra một cảnh tượng kéo sự chú ý của những người xung quanh. Ngoài ra, họ thường xuất hiện với vai trò nhân vật chính của cuộc xung đột đó.
Liên tục tìm kiếm sự đồng cảm từ người khác: Ví dụ những hành vi như: tự làm bản thân mình bị thương nhẹ để kéo sự quan tâm của gia đình và bạn bè, hoặc thể hiện cảm xúc thái quá trước những mất mát nhỏ như mất một chiếc ví hay một đôi giày yêu thích.
Cần được khen ngợi: Mong muốn được khen ngợi là một điều bình thường. Nhưng, “Cần” được khen ngợi lại có thể khiến bạn thể hiện những hành vi không lành mạnh nhằm nhận được sự khen ngợi từ người khác. Thỉnh thoảng điều này bắt nguồn từ sự “thiếu tự tin”. Tuy nhiên, việc săn đón những lời khen cũng không phải một giải pháp lành mạnh cho sự “thiếu tự tin” này.
Bịa đặt, thêu rệt những câu chuyện: Thổi phồng quá mức những câu chuyện để đảm bảo thu hút phản ứng của mọi người là một cách khác để những người này tìm kiếm sự chú ý.
Nguyên Nhân Của Hành Vi Tìm Kiếm Sự Chú Ý
Có một vài yếu tố có thể góp phần gây ra những hành vi tìm kiếm sự chú ý này. Hãy cùng xem xem chúng là những gì:
Sự Thiếu Tự Tin và Sự Tự Ti (Lòng Tự Tôn Thấp)
Sự thiếu tự tin về ngoại hình và cảm xúc có thể làm một người phát sinh tính cách “thích tìm kiếm sự chú ý”. Nghe có vẻ vô hại, nhưng đây là một cách không lành mạnh để đối phó với sự thiếu tự tin. Ngoài ra, nó còn có thể gây ra căng thẳng trong các mối quan hệ với gia đình, bạn bè và thậm chí là người lạ.¹
Rối Loạn Nhân CáchMột số chứng rối loạn nhân cách nhất định cũng có thể là nguyên nhân của hành vi tìm kiếm sự chú ý. Cụ thể, những người mắc chứng rối loạn nhân cách ái kỷ hay rối loạn nhân cách ranh giới thường biểu hiện những hành vi thích tìm kiếm sự chú ý.
Một trong những triệu chứng cơ bản của người bị mắc chứng rối loạn nhân cách kịch tính là họ thể hiện những hành vi tìm kiếm sự chú ý kết hợp với những phản ứng cảm xúc thái quá.²
Một số căn bệnh về sức khỏe tinh thần khác như ADHD (rối loạn tăng động giảm chú ý), rối loạn lo âu hay rối loạn lưỡng cực cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến những hành vi tìm kiếm sự chú ý.
Làm Thế Nào Để Ngừng Tìm Kiếm Sự Chú Ý Từ Người Khác
Bước đầu tiên để dừng lại việc “Cần sự chú ý” là thừa nhận rằng bạn đang thể hiện những hành vi tìm kiếm sự chú ý. Một vài người mắc hội chứng này thậm chí không nhận ra hành vi của mình đang có vấn đề.
Tập trung vào xây dựng, phát triển sự tự tin cá nhân và loại bỏ sự tự ti là bước đầu quan trọng trong việc giúp bạn ngừng tìm kiếm sự chú ý.
Đây là một số cách có thể giúp bạn cải thiện sự tự tin:
Tìm đến chuyên gia: Nói chuyện với chuyên gia là cách tốt nhất để giải quyết sự tự ti và xây dựng lòng tự tin. Họ sẽ giúp bạn khám phá ra nguồn gốc của sự thiếu tự tin bên trong bạn và tìm cách để loại bỏ chúng. Và nếu nguồn gốc của hành vi “tìm kiếm sự chú ý” của bạn là từ một căn bệnh về sức khỏe tinh thần, thì nhà trị liệu cũng hoàn toàn có thể giúp bạn giải quyết nó.
Viết nhật ký thường xuyên: Việc nhận thức rõ hơn về những hành vi “tìm kiếm sự chú ý” của bản thân vô cùng hữu ích trên con đường vượt qua chúng. Việc viết nhật ký hằng ngày giúp bạn nâng cao sự tự nhận thức thông qua việc theo dõi những hành vi hằng ngày của mình. Nếu bạn vẫn không chắc chắn liệu một hành vi nào đó có phải là biểu hiện của hành vi “tìm kiếm sự chú ý” hay không, hãy hỏi nhà trị liệu của bạn.
Xây dựng lòng tự tôn: Đối với nhiều người, việc mong muốn trở thành tâm điểm của sự chú ý xuất phát từ lòng tự tôn thấp. Tuy nhiên, một điều đáng buồn là những hành vi “tìm kiếm sự chú ý” cũng không thể giúp bạn nâng cao lòng tự tôn của mình. Sử dụng những lời khẳng định tích cực và ở cạnh những người thực sự sẵn sàng giúp đỡ bạn sẽ là một giải pháp tuyệt vời để bắt đầu.
Nguồn:
(1) Don BP, Girme YU, Hammond MD. Low self-esteem predicts indirect support seeking and its relationship consequences in intimate relationships. Pers Soc Psychol Bull. 2019;45(7):1028-1041.
(2) Cleveland Clinic. Histrionic personality disorder: causes, symptoms & treatment. April 29 2022
By Toketemu Ohwovoriole Updated on December 08, 2022
Medically reviewed by Sabrina Romanoff, PsyD
Biên dịch: Diễm Quỳnh
Link tham khảo:
No comments:
Post a Comment