Người dân Đài Loan luôn luôn kính trọng và ghi nhớ ông, những cống hiến của ông cho nền kinh tế và văn hóa Đài Loan đi vào lịch sử mãi mãi.
Trịnh Thành Công văn võ song toàn khởi binh thu phục Đài Loan
Trịnh Thành Công (1624-1662), vốn tên Trịnh Sâm, tự Minh Nghiễm, hiệu Đại Mộc. Phụ thân của Trịnh Thành Công là Trịnh Chi Long, và mẫu thân là một người Nhật Bản, tên là Tagawa Matsu. Ông sinh ra ở Nhật Bản, vào năm Thiên Khải thứ 4 triều Minh (năm 1624, là năm Kan'ei thứ nhất của Nhật Bản).
Cha của ông là Trịnh Chi Long, đã có hơn 10 năm lênh đênh trên biển, và trở thành thủ lĩnh cướp biển giàu có nhất Đông Nam Á, khiến người ta nghe danh đến sợ vỡ mật, đồng thời là thương nhân quốc tế lớn nhất. Trịnh Chi Long sở hữu hàng trăm tàu buôn lớn, và lực lượng vũ trang tư nhân lên đến hàng chục nghìn người. Sau đó, ông được nhà Minh thu nạp, làm quan đến chức Thái sư, rồi trở thành một quan chức hải quân cấp cao của Đại Minh. Đồng thời, ông đón cậu con trai Trịnh Thành Công 7 tuổi từ Nhật Bản về.
Trịnh Chi Long rất coi trọng cậu con trai trưởng này. Khi còn ở Nhật Bản, ông đã cho cậu học "nhị đao lưu" do võ Thánh người Nhật Miyamoto Musashi sáng tạo ra. Sau khi trở về Trung Quốc, ông đã dùng số tiền lớn để thuê các học giả và võ sư để dạy cậu tri thức văn võ. Hoàng Tông Hi, một học giả lớn thời nhà Minh, đã khen cậu "thấp thoáng phong thái, là rực sáng chói lọi”. Trong quá trình tiếp thu nền giáo dục truyền thống Trung Hoa, cậu “yêu thích lịch sử, và yêu thích binh pháp Tôn Tử, Ngô Khởi”.
Năm 15 tuổi, Trịnh Thành Công đến huyện Nam An với tư cách là một tú tài, lại trải qua kỳ thi, cậu trở thành một trong 20 học trò được vua cung cấp lương thực ở Nam An. Sau đó, cậu bái đại Nho Tiền Khiêm Ích, ở Ngu Sơn, Chiết Giang làm thầy. Vì vậy, Trịnh Thành Công không chỉ giỏi thơ văn, mà còn giỏi cả thư pháp. Đồng thời, Trịnh Thành Công cũng thường xuyên tai nghe mắt thấy các hoạt động điều quân và hoạch định chiến lược của cha mình, nên rất hứng thú. Xung quanh cậu là những người thân tín của Trịnh Chi Long, những người đã trải qua sương gió dạn dày trên biển.
Trịnh Thành Công. (Miền công cộng)
Năm 1645, Trịnh Thành Công được Hoàng đế Long Vũ Đế, nhà Nam Minh xem trọng, ông được ban cho họ Chu là quốc hiệu của nhà Minh, và được phong là Trung Hiếu Bá. Năm 22 tuổi, ông nhậm chức Đô đốc Trung quân hộ giá cho Long Vũ Đế, triều Nam Minh. Vào năm Thuận Trị thứ 3 của nhà Thanh (năm Long Vũ thứ 2, triều Nam Minh, tức năm 1646), quân Thanh đánh chiếm Phúc Kiến, Đường Vương Long Vũ Hoàng đế gặp nạn chết. Hồng Thừa Trù là một đại học sĩ nhà Thanh đã chiêu an, cha của Trịnh Thành Công cho rằng, vận số nhà Minh đã tận, bất chấp lời phản đối của con, tự thân ông tiến về phía bắc đầu hàng nhà Thanh. Vào thời điểm này, quân Thanh cướp bóc gia đình họ Trịnh, mẹ của Trịnh Thành Công là bà Tagawa đã tự vẫn để tránh bị quân Thanh làm nhục.
Trịnh Thành Công hay tin đau đớn tột cùng, đã vội vàng trở về An Bình để lo tang lễ cho mẹ. Sau đó, ông kiên quyết vứt bút tòng quân, cùng Trần Huy, Hồng Húc và 90 người điểm binh khởi nghĩa ở Nam Áo, chống lại nhà Thanh để khôi phục nhà Minh.
Sau khi Trịnh Thành Công khởi binh, lập tức hợp nhất với các thuộc hạ cũ của cha, và hình thành nên một đội quân hùng mạnh. Trịnh Thành Công cũng trở thành một thương nhân quốc tế lớn nhất Đông Nam Á, chiếm lĩnh vị trí độc tôn. Đội tàu của ông vươn xa tới Nhật Bản, Philippines, Việt Nam, Thái Lan, Malaysia và Indonesia, và kim ngạch thương mại chiếm hơn 60% toàn bộ ngoại thương của Trung Quốc. Lực lượng vũ trang dân binh giỏi học tập và bắt chước, đã lắp đặt đại pháo và thiết bị ném chai thuốc nổ.
Năm 1658, Trịnh Thành Công bị nhà Thanh đánh bại trong chiến dịch Nam Kinh. Trong tay chỉ còn một số thành ven biển Kim Môn và Hạ Môn. Trịnh Thành Công hướng tầm mắt đến quốc đảo Đài Loan. Năm 1661, ông đề ra kế hoạch thu phục Đài Loan.
Vào ngày 23/3/1658, Trịnh Thành Công đích thân dẫn 25.000 tướng sĩ và hàng trăm tàu chiến, xuất phát từ vịnh Liệu La, Kim Môn, đi qua Bành Hồ, và bất ngờ đổ bộ vào Lập Nhĩ Môn và cảng Hoà Liêu. Đầu tiên, Trịnh Thành Công đưa tinh binh đánh chiếm thành phòng thủ yếu ớt nhất là Xích Khảm (thuộc thành phố Đài Nam ngày nay). Sau đó, ông bao vây thủ phủ thành Đài Loan được bảo vệ kiên cố (quận An Bình, thành phố Đài Nam ngày nay) trong một thời gian dài.
Sau 9 tháng khổ chiến, đặc biệt là nhờ có sự giúp đỡ của phụ thân là Trịnh Chi Long, đã mời gọi người Hán vượt biển hỗ trợ, người Hà Lan đã bị đánh bại vào năm 1662.
Vào ngày 28/1/1662 theo lịch Gregorius (mùng 8/12 năm thứ 15 lịch Vĩnh nhà Nam Minh), Frederick Coyett, sĩ quan cấp cao người Hà Lan, đã soạn một bức thư đưa cho Trịnh Thành Công, bày tỏ đồng ý hòa đàm với ông. Sau nhiều lần đàm phán, các quan chức Hà Lan đã đầu hàng Trịnh Thành Công vào ngày 9/2/1662 Dương lịch (tức ngày 20/12 năm thứ 15, lịch Vĩnh nhà Nam Minh), và rút khỏi Đài Loan, chấm dứt thực dân thống trị kéo dài 38 năm của Hà Lan.
Phát triển kinh tế Đài Loan và truyền thừa nền văn hóa Trung Hoa
Trên thực tế, lúc chiến đấu với người Hà Lan, Trịnh Thành Công đã khởi công xây dựng Đài Loan. Ngoài việc xây công thự và điền tịch, ông còn hạ lệnh lập đồn điền, có rất nhiều quan binh ở đó lập gia đình, đồng thời chiêu mộ cư dân ven biển đại lục đến khai hoang. Tuy nhiên, người Hà Lan quy hàng chưa đến nửa năm thì Trịnh Thành Công mắc bệnh mà chết vào ngày 8/5 năm thứ 16 theo lịch Vĩnh hà Nam Minh (Âm lịch). Nhưng nỗ lực quy hoạch của ông đã thấp thoáng hình thành một cấu trúc xã hội người Hán ở Đài Loan.
1. Phát triển nông nghiệp
Trịnh Thành Công là người văn võ song toàn, một nhà chỉ huy có khí phách, có tri thức, ông trưởng thành ở Trung Quốc thấm nhuần văn hóa Trung Hoa, đối với các sự kiện lịch sử Trung Quốc, ông đều hiểu rất rõ. Ông biết rõ sản xuất nông nghiệp, lương thực có tác dụng rất trọng yếu đối với chính quyền. Ông nói: “Việc nước, việc nhà thì cái ăn là hàng đầu, nhà không có cơm ăn thì dù thân như cha con, vợ chồng cũng khó thành một nhà. Quốc gia không có lương thực, dẫu có trung thần yêu nước cũng khó mà trị quốc”.
Do đó, ông đã thực hiện chế độ đồn điền trong quân đội, và để một số binh lính tiến hành các hoạt động khai rừng hoang trước. Sau đó, lại toàn diện định ra chính sách khai hoang “ngụ binh ư nông”. Với sự nỗ lực của vô số binh lính trên các đồn điền, diện tích đất được khai hoang ở Đài Loan đang tăng lên từng ngày. Năm 1650, khi người Hà Lan chiếm đóng Đài Loan, diện tích đất canh tác của Đài Loan chỉ khoảng 10.000 ha, nhưng đến năm 1680, diện tích đất canh tác của Đài Loan đã lên tới khoảng 180.000 ha. Với sự mở rộng diện tích đất canh tác nhanh chóng, số lượng cây trồng không ngừng tăng lên, sản lượng lương thực cũng tăng theo từng năm, quân đội rất nhanh tự túc quân lương, binh thực đầy đủ. Tạo ra cục diện phát triển ổn định, vừa có thể chiến đấu, vừa có thể phòng thủ.
Đồng thời việc xúc tiến khai khẩn đất hoang, Trịnh Thành Công còn lấy "Vương điền" đổi thành “quan điền” của thời Hà Lan chiếm đóng, và thiết lập quyền sở hữu đất đai gồm "quan điền", "tư điền" và "điền doanh trại quân đội" để quản lý. Quan điền sau khi được cải biến, vật tư vật liệu do quan phủ cung cấp sản xuất, và cho nông dân thuê để canh tác, giúp cho năng lực sản xuất được phát triển nhanh chóng.
Vào thời điểm đó, dân tộc Cao Sơn ở Đài Loan có lối sống rất đơn sơ, công cụ sản xuất vô cùng đơn giản. Trịnh Thành Công bèn cử các quan viên và nông dân đén giúp Đài Loan, đến các bộ lạc quy thuận, và phát cho người dân tộc Cao Sơn các nông cụ, bao gồm cày, bừa, cuốc, liềm, và trâu cày, còn phát cho các loại hạt giống, và hướng dẫn cách trồng trọt, kỹ năng, phương pháp canh tác, và thu hoạch, nhờ đó họ nhanh chóng thay đổi phương thức canh tác lạc hậu, thô sơ. Nông cụ cải biến phương thức canh tác đã tạo điều kiện cho sản xuất và nông nghiệp phát triển nhanh chóng, tăng năng suất cây trồng, đời sống nhân dân cũng được cải thiện rất nhiều.
2. Giảng dạy văn hóa truyền thống Nho gia
Trịnh Thành Công được nuôi dưỡng bởi nền giáo dục truyền thống của Nho giáo từ bé, ông rất yêu thích văn hóa Trung Hoa. Sau khi Trịnh Thành Công chinh phục được Đài Loan, các lão thần nhà Minh lần lượt đến Đài Loan. Theo ghi chép "Đài Loan thông sử" của Liên Hoành, khoảng 800 người đến Đài Loan, các văn sĩ văn này và những nhân sĩ văn hóa Đài Loan cùng nhau soạn sách lập thuyết, và tham gia các hoạt động văn hóa ở Đài Loan.
Đền thờ Trịnh Thành Công ở Đài Nam (延平郡王祠)
Khi Trịnh Thành Công thu phục Đài Loan, ông liên tiếp đưa hàng chục nghìn người đại lục vào Đài Loan, bao gồm các sĩ quan và binh lính cùng gia quyến của họ. Trong số những người này, không ít là học giả, mang theo văn hoá địa phương của họ đến Đài Loan, đã mang đến bầu không khí tốt lành khát khao kiến thức văn hóa và chú trọng học tập, và cũng mang theo nhiều khái niệm văn hóa Trung Hoa, tập tục văn hóa truyền thống, và các công cụ văn hóa, khiến cho văn hóa tín ngưỡng, văn hóa gia phả, văn hóa kiến trúc, văn hóa giải trí, văn hóa ẩm thực, văn hóa phục sức, văn hóa trà, văn hóa rượu, văn hóa tế lễ của đại lục đã được truyền sang Đài Loan.
Sau khi Trịnh Thành Công qua đời không lâu, Trần Vĩnh Hoa đã kiến nghị xây Khổng miếu, và thành lập trường học. Vào tháng 1/1666, Khổng miếu đầu tiên ở Đài Loan đã hoàn thành. Kể từ đó, công cuộc giáo dục văn hóa của Đài Loan càng thịnh vượng hơn, văn hóa Trung Hoa được lan truyền lan rộng nhanh chóng ở Đài Loan.
Cống hiến to lớn của Trịnh Thành Công cho Đài Loan là độc nhất vô nhị, người dân Đài Loan vô cùng kính trọng vị anh hùng dân tộc này. Để đời đời không quên thành tựu của Trịnh Thành Công thu phục và phát triển Đài Loan, người dân đã xây dựng nhiều đền thờ tổ trên khắp Đài Loan để thờ vị anh hùng này.
Đài Loan cũng đặt tên cho những trường học và con đường là “Thành Công”. Chẳng hạn như: Đại học Thành Công, Trường quốc gia Thành Công, đường Thành Công, cầu Thành Công, chợ Thành Công, v.v. Tất cả những điều này thể hiện đầy đủ sự tôn kính và tưởng nhớ của người Đài Loan đối với Trịnh Thành Công. Những cống hiến của ông đối với nền kinh tế và văn hóa Đài Loan đi vào lịch sự mãi mãi.
Thuần Chân
Theo Epochtimes