Đừng tổng kết cuộc đời một cách tùy tiện!
Đó là lời khẳng định của Kim Mi-Kyung dành cho những người còn đang cảm thấy chênh vênh ở tuổi 40.
Sau khi sống đến tuổi 60, tôi nhận ra rằng chỉ cần sống nghiêm túc ở tuổi 40, tôi có thể có một khởi đầu mới sau tuổi 50.
Còn quá sớm để theo đuổi một cuộc sống ổn định ở tuổi 40, bởi lúc này, vấn đề cuộc sống còn tồn tại rất nhiều khó khăn. Khi ở độ tuổi 40, bạn không chỉ phải mua nhà mà còn phải trả các chi phí sinh hoạt cơ bản, tiền học hành, tiêu vặt cho con cái.
Mọi khoản chi tiêu không bao giờ có hồi kết. Khi bạn ở độ tuổi 50, bạn vẫn còn rất nhiều tiền để tiêu. Nhưng nếu con cái không những chưa hoàn toàn độc lập về tài chính mà nếu cha mẹ không có kế hoạch nghỉ hưu thì bạn còn phải gánh chi phí y tế và điều dưỡng cho chính bản thân mình.
Vì vậy, nếu muốn đánh giá cuộc đời mình, bạn phải đợi ít nhất 20 năm nữa. Những thành tựu đạt được trước tuổi 60 sẽ quyết định chất lượng cuộc sống khi người ta sống đến trăm tuổi, bao gồm sức khỏe và thể lực để duy trì sự sống, chi phí hàng tháng, nơi ở, địa vị xã hội được công nhận và sở thích tận hưởng Vì vậy, nếu muốn sống theo cách mình muốn sau tuổi 60, bạn phải lên kế hoạch lại cuộc đời mình.
Từ quan điểm này, 40 tuổi thực sự không phải là quá muộn chút nào. Bạn vẫn còn ít nhất 10 hoặc thậm chí 20 năm nữa, vì vậy đừng tự ý tổng kết cuộc đời của mình một cách tùy tiện và cũng đừng dễ dàng nản lòng. Hãy hít một hơi thật sâu và sống cuộc sống của mình, đừng lo lắng hay từ bỏ mọi dự định cũng như những điều bạn muốn chỉ vì cảm thấy đã quá muộn.
Đôi khi, bạn nhìn thấy những người thành công ở độ tuổi 40 trên tin tức, thậm chí ngay ở bên cạnh mình - cũng đừng ghen tị hay thất vọng. Họ chỉ đang đánh dấu một chặng đường dài của cuộc đời mà thôi. Điều đó cũng đồng nghĩa là bạn phải đợi đến tuổi 60 mới biết họ thực sự có năng lực hay không.
Những người giàu mà tôi biết đều đã làm việc trong cùng một lĩnh vực hơn 30 năm. Nói cách khác, họ đều trên 50 tuổi. Bí quyết thành công của họ chỉ có một: Đừng bỏ cuộc giữa chừng. Nếu tôi từ bỏ công việc giảng viên khi tôi 40 tuổi thì sẽ không có Kim Mi-Kyung ngày hôm nay. Kết quả là tôi sẽ không kiếm được tiền và tình hình tài chính vẫn sẽ ở trạng thái không ổn định.
Thực sự, 40 tuổi không phải là tuổi để tổng kết mà là tuổi để bắt đầu làm một điều gì đó. Nó giống như một quá trình hơn là sự hoàn thành. Vì vậy, đã đến lúc bỏ đi định kiến “40 tuổi = sự ổn định”. Đối với những người ở độ tuổi 40, việc có đủ can đảm để xâu chuỗi những viên ngọc “thử thách” và kết dính chúng lại với nhau thành một chiếc vòng thật đẹp sẽ thực tế hơn.
Nhưng bạn đang muốn biết những sai lầm về tài chính của những người ở độ tuổi 40 nằm đâu đúng không? Yên tâm đi, vì tôi sẽ giải thích ngay bên dưới đây!
1. Đừng tiêu hết tiền cho con cái thay vì đầu tư vào bản thân!
Hồi còn ngồi trên lớp, tôi luôn nói lấy chồng cũng giống như “khởi nghiệp”. Hai “cổ đông lớn” cùng nhau thành lập “trụ sở chính” rồi cho ra đời “công ty con”. Cổ đông lớn chịu trách nhiệm về huyết mạch và tương lai của gia đình, phải bình tĩnh đánh giá tình hình tài chính và quyết định nên đầu tư lượng vốn lớn vào công ty con theo cách dài hạn hay đầu tư vào trụ sở chính có thể thu lợi nhuận trước mắt. Nếu bạn đầu tư quá mức vào các công ty con, một ngày nào đó bạn sẽ cạn tiền từ công ty mẹ.
Hầu hết những người ở độ tuổi 40 đều lạc lối trong suy nghĩ về việc nên hay không đầu tư toàn bộ số tiền mình có cho quá trình học hành của con cái. Rất nhiều những người có ước mơ đã mắc sai lầm khi tiêu hết tiền cho con cái thay vì đầu tư vào bản thân và cuối cùng bị "phá sản" với chính giấc mơ mình tự vẽ ra.Nguyên nhân cơ bản khiến nhiều bậc phụ huynh đầu tư số tiền lớn vào giáo dục cho con cái nhưng không đạt được kết quả tốt là do gia đình thiếu một CEO có thể hoạch định chiến lược và tầm nhìn dài hạn. Trẻ em quá bận rộn với việc làm bài tập về nhà được cha mẹ giao thay vì suy nghĩ về tương lai.
Bạn biết đấy, trước khi quyết định đầu tư, doanh nghiệp thường tiến hành vô số cuộc điều tra và nghiên cứu về mục tiêu cũng như chính sách quản lý. Tuy nhiên, tôi cũng biết nhiều người thực sự đã chấp nhận rủi ro (lớn) và đầu tư một cách mù quáng vào các công ty con - nơi thậm chí rất khó xác định liệu tiền có thể thu hồi được hay không. Nhưng hãy nhớ, bất kỳ CEO nào có lý trí thông thường sẽ không bao giờ đưa ra quyết định như vậy.
Vì vậy, nếu dành hơn 30% ngân sách của gia đình cho việc giáo dục của con cái, bạn buộc phải lên 1 kế hoạch và lộ trình rõ ràng. Cố gắng giảm thiểu chi phí giáo dục do cảm giác khó chịu hoặc thất vọng khi so sánh con mình với những đứa trẻ hàng xóm, đồng thời chú ý hơn đến sự phát triển lâu dài của trẻ. Một cách tốt để làm điều này là nghiên cứu xem thế giới sẽ như thế nào trong 10 năm tới và tìm ra phương pháp giáo dục phù hợp với sự phát triển của con cái.
2. Đầu tư vào người lớn trước trẻ em!
Phần còn lại của ngân sách thì sao? Nó phải được sử dụng để đầu tư vào người có tiềm năng hơn trong một cặp vợ chồng. Nói cách khác, các cặp vợ chồng phải lên kế hoạch trước cho cuộc sống thứ hai của mình, chuẩn bị ngân sách cần thiết và kiếm được số tài sản này thông qua đầu tư. Bạn có thể coi nó như giấc mơ ổn định của gia đình bạn về quỹ ETF (quỹ chứng khoán chỉ số), đầu tư đều đặn hàng tháng.Thật khó để nói về con người.
Với kinh nghiệm 30 năm tham gia vào lĩnh vực giáo dục, kinh nghiệm của tôi là người lớn có thể trở thành những người hoàn toàn khác ngay cả khi họ chỉ dành 3 năm học tập. Trải qua 3 năm đó, trẻ con chưa chắc đã có kết quả nhưng người lớn có thể sẽ có kết quả ngay. Học phí của người lớn thấp hơn nhiều so với trẻ em, học xong có thể áp dụng ngay. Những bài học thu về sẽ giúp thu nhập và phát triển nghề nghiệp.
Nếu bạn cảm thấy tội lỗi khi đầu tư vào bản thân thì bạn đang hiểu sai vai trò của cha mẹ. Ngoài trẻ em, người lớn cũng là đối tượng tiềm năng. Theo quan điểm của tôi, nhiều bậc cha mẹ còn tài năng hơn con cái họ.
3. Không đầu tư vốn ở tuổi 50 và dựa vào lương hưu để "tồn tại" ở độ tuổi 60
Độ tuổi 40, khi tiền bạc chảy thuận lợi nhất - cũng chính là thời điểm tốt nhất để thúc đẩy tăng trưởng về mặt tài chính. Tiếc là lúc này, mọi người sẽ rơi vào trạng thái đắn đo giữa việc đầu tư cho bản thân hay con cái.Sự lựa chọn bạn đưa ra ở tuổi 40 sẽ không chỉ thay đổi hướng đi của cuộc đời bạn mà còn quyết định cuộc sống ở tương lai của chính bạn.
Nhưng, bạn có muốn đầu tư vào bản thân, kiếm lợi nhuận từ nó ở tuổi 40, tái đầu tư số tiền đó ở tuổi 50 và sau đó đạt được sự ổn định tài chính ở tuổi 60 không? Hay nên dồn hết tiền vào việc học hành của con cái ở tuổi 40, không có vốn để đầu tư ở tuổi 50 và sau đó dựa vào lương hưu để nuôi sống bản thân ở tuổi 60?
Vậy nên, giữa hai vợ chồng cần có ít nhất một người buộc phải thay đổi để có thể hoạch định cho tương lai 10 năm. Điều này cũng giúp giảm thiểu những rủi ro mà gia đình mình có thể gặp phải và “đa dạng hóa đầu tư” một cách hợp lý.
40 tuổi có thu nhập ổn định là cơ hội tốt nhất. Đừng chỉ nhìn vào hiện tại và đầu tư cho con cái mà hãy đầu tư nghiêm túc vào bản thân để trở thành người có tiềm năng phát triển tốt nhất, từ đó giúp tăng trưởng dòng tiền.
*Bài viết này là lời chia sẻ của Giảng viên giỏi nhất Hàn Quốc Kim Mi-Kyung. Cô được mệnh danh là "Em gái quốc dân" và là "Người cố vấn trong mơ" với tác phẩm "Người vợ có ước mơ sẽ không bao giờ già". Đồng thời, cô cũng sở hữu kênh Youtube MKTV với 1,7 triệu người đăng ký.
Lam Anh / Theo: Trí Thức Trẻ
No comments:
Post a Comment