Kinh Khẩu Qua Châu nhất thuỷ gian,
Chung sơn chỉ cách sổ trùng san.
Xuân phong hựu lục Giang Nam ngạn,
Minh nguyệt hà thì chiếu ngã hoàn?
泊船瓜洲 - 王安石
京口瓜洲一水間
鍾山只隔數重山
春風又綠江南岸
明月何時照我還
Đỗ thuyền bến Qua Châu
(Dịch thơ: Chi Nguyen)
Một dòng Kinh Khẩu, Qua Châu.
Chung Sơn một dải, núi mầu xanh xanh.
Mạn nam cỏ biếc xuân tình.
Bao giờ trăng tỏ, cho mình về quê.?
Bài này tuyển từ Lâm Xuyên Vương tiên sinh Kinh công văn tập quyển 70, bản Gia Tĩnh thời Minh. Qua Châu nay ở bên Trường Giang, phía huyện Hàn, Giang Tô. Năm Hy Ninh thứ 8, lần nữa tác giả lại được bái tướng, từ Giang Ninh tiến Kinh đậu thuyền ở đây nên làm bài thơ này để tỏ tình nhớ quê. Câu thứ ba, chữ “lục” dùng rất sinh động. Theo Dung trai tuỳ bút của Hồng Mại ghi: chữ này lúc đầu dùng chữ “đáo”, sau đổi ra chữ “quá”, “nhập”, “mãn” có đến hơn 10 chữ, cuối cùng xác định là chữ “lục”.
Sơ lược tiểu sử tác giả:
Vương An Thạch 王安石 (1021-1086) tự Giới Phủ, 介甫 hiệu Bán sơn lão nhân 半山老人, người ở Phủ Châu, Lâm Xuyên (tỉnh Giang Tây ngày nay), là một nhà văn lớn thời Bắc Tống và cũng là nhà kinh tế, chính trị lỗi lạc trong lịch sử Trung Quốc. Ông đỗ tiến sĩ năm 1041. Năm 22 tuổi (1042), ông được bổ dụng làm trợ lý cho quan đứng đầu thủ phủ tỉnh Dương Châu. Năm 1047, ông được thăng tri huyện Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang. Năm 1051, ông được sử đến Thương Châu làm Thông phán. Hết nhiệm kỳ này ông được điều về kinh đô. Năm 1057, ông làm tri châu Thương Châu, tỉnh Giang Tô. Năm 1058 ông lại được điều đi làm quan hình ngục Giang Đông, trông coi việc tư pháp và hành chính Giang Nam. Đến cuối năm này, sau 17 năm làm quan địa phương, ông đã viết một bài trình lên Tống Nhân Tông, nêu rõ các trì trệ hiện thời của Bắc Tống và nêu lên các biện pháp khắc phục, áp dụng tân pháp để cải cách chế độ kinh tế-xã hội, quân sự của nhà Tống nhưng thất bại do sự chống đối của các tầng lớp quan lại đương thời. Trải qua một thời gian dài hai đời vua Tống Nhân Tông và Tống Anh Tông, sau khi về chịu tang mẹ 3 năm ở quê nhà, ông ở lại đó và mở trường dạy học.
Lúc còn trẻ, ông đã ưa chuộng Nho học và dốc lòng vào việc quan. Khi tuổi về già, do việc quan không đắc ý, nên ông đem lòng say mê nghiên cứu Phật học. Phật giáo lúc bấy giờ thiên về Thiền tông, có ảnh hưởng rất lớn đối với học thuật Trung Quốc đời Tống. Năm 1068, Tống Thần Tông lên làm vua, triều đình nhà Tống gặp phải tình huống khủng hoảng về quân sự, chính trị, kinh tế, xã hội. Tống Thần Tông lên ngôi và triệu ông về kinh đô Biện Kinh, phong làm Hàn lâm viện Học sĩ. Năm 1069 ông được thăng Tham tri chính sự. Năm 1070, Vương An Thạch được cử làm Tể tướng, đã đề ra chính sách cải cách kinh tế, dựng ra phép “...Bảo Giáp, Bảo Mã làm dân bớt bị quấy, thêm giàu; làm quốc khố dồi dào, làm binh lực nước mạnh” nhằm cứu vãn tình thế khó khăn trong nước và sự uy hiếp của hai nước Liêu – Tây Hạ ở phía Bắc và Tây Bắc Trung Quốc, đồng thời có ý đồ xâm lược các nước phương Nam (trong đó có Đại Việt) để bành trướng lãnh thổ. Tân pháp của ông xét theo quan điểm của kinh tế học hiện đại gần với tính chất của một nền kinh tế kế hoạch hoá và phúc lợi công cộng. Để thủ tiêu việc đầu cơ tích trữ và độc quyền, ông cũng đã đưa ra một hệ thống giá cả cố định, đề ra việc trả lương bổng và trợ cấp hưu trí cho quan lại cũng như trợ cấp cho những người khó khăn v.v.
Nguồn: Thi Viện