(Tranh minh họa: Winnie Wang, Vision Times tiếng Trung)
Dùng Nho để làm người
Khổng Tử và Mạnh Tử, luận từ đạo đức cho đến trị quốc, một mặt là xây dựng nên những lý tưởng phẩm chất vĩ đại, mặt khác lại thiết lập một hệ thống trị quốc từ trên xuống dưới. Vô luận là ở phương diện nào, tư tưởng của họ đều là trước tiên phải làm người, sau đó mới có thể làm việc, làm người tốt mới có thể làm việc tốt. Bát mục trong cuốn “Đại Học” của Chu Hy bao gồm “Cách vật, trí tri, thành ý, chính tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” cũng tuân theo lý tưởng này.
Hết thảy Nho học đều xoay quanh việc làm người, trở thành người có đạo đức mà triển khai ra. Bởi vậy, theo đuổi cảnh giới nhân sinh cũng trở thành yêu cầu chủ yếu của Nho gia. Dùng Nho để làm người tức là yêu cầu chúng ta không những phải tự xây dựng nên những lý tưởng to lớn, mà còn phải chăm chỉ thực hành. Khổng Tử đã giảng rằng “hạ học nhi thượng đạt”, tức là phải lấy học từ mức thấp rồi dần đạt đến mức cao.
Những điều người ta học được hàng ngày thông thường đều là những thứ đơn giản, dường như rất tầm thường. Nhưng chỉ cần kiên trì việc học đó, thì trình độ tri thức, trình độ văn hoá, cảnh giới đạo đức sẽ dần dần không ngừng được nâng cao, cũng có nghĩa là không ngừng học lên cái cao hơn, cao hơn nữa.
Có câu nói rất hay rằng: “Làm tốt mọi việc bình thường nghĩa là không bình thường, làm tốt mọi việc đơn giản nghĩa là không đơn giản”. Trong việc bình thường có những việc lớn lao, trong những việc đơn giản có những việc phức tạp. Nho học có câu: “Cực cao minh nhi đạo trung dung”, tức là cực điểm của cao minh chính là đạo trung dung. Đạo trung dung lại thể hiện ở những việc bình thường.
Vua Thương Thang từng nói: “Cẩu nhật tân, nhật nhật tân, hựu nhật tân” nghĩa là ngày một mới, mỗi ngày mới, ngày ngày mới. Đó cũng chính là yêu cầu cơ bản khi dùng Nho để làm người, mỗi ngày đều phải yêu cầu bản thân mình, hoàn thiện mình hơn.
Dùng đạo để dưỡng sinh
Trí tuệ của Nho gia, được ví như tinh thần của ánh mặt trời, còn tinh thần Đạo gia lại được ví với tinh thần của ánh trăng, kẻ tài trí giả như ngu dốt, kẻ khôn ngoan giả như khiếp sợ, biết đủ thường vui, ẩn mình chờ thời, lấy nhu thắng cương, không tranh giành với thiên hạ. Bao nhiêu trí tuệ nhân sinh được ẩn giấu trong sự khiêm tốn của Đạo gia, sự khiêm tốn này giống như mặt trăng vẫn âm thầm bảo hộ trái đất.
Mặt trăng mặt trời cùng giao thoa chiếu rọi, kho tàng trí tuệ vô biên của cổ nhân chính là sự đan xen của Nho gia và Đạo gia. Nho gia và Đạo gia bổ sung cho nhau, giống như mặt trời và mặt trăng thay nhau vận hành, giống như vòng tròn Càn Khôn, âm dương tương hỗ, cương nhu phối hợp, hư thực tương sinh.
Cái phong cốt của Nho gia và khí tượng của Đạo gia, nhập thế và xuất thế, hữu vi và vô vi, khí phách hùng hồn và chính nghĩa cương trực, sự kết hợp kỳ diệu như vậy, đã tạo nên một trí tuệ cổ nhân vừa biến hóa kỳ ảo vừa đồ sộ tráng lệ ở mọi phương diện.
Dùng thiền để dưỡng tâm
Trong quan niệm của cổ nhân, thiền là một loại thái độ cuộc sống, một cảnh giới trong cuộc đời, một phương pháp sống vô cùng ý nghĩa. Thiền không thể tách rời cuộc sống, thiền khiến cuộc sống càng thêm ý nghĩa, tăng phần giá trị, khiến chúng ta có thể tận hưởng, tĩnh tâm lại một chút trong vòng danh lợi ồn ào náo động ở bên ngoài thế giới hỗn loạn.
Thiền có thể giúp con người dưỡng được ngũ tâm là tâm từ bi, tâm bình thản, tâm thanh tịnh, tâm tự tại và tâm tự nhiên. Tâm từ bi, sẽ khiến cuộc sống của chúng ta tỏa ra ánh hào quang, khiến cuộc sống ấm áp vô biên. Tâm bình thản sẽ khiến chúng ta cảm thấy thoải mái, hài lòng với bản thân. Tâm thanh tịnh khiến cho tâm hồn chúng ta không hề có tạp niệm, tâm trạng sảng khoái. Tâm tự tại lại khiến chúng ta an bình, không gặp bất kì trắc trở nào. Tâm tự nhiên sẽ khiến chúng ta vượt ra ngoài thiên địa hữu hình, quay trở về khởi điểm của sinh mệnh, để đạt được sự yên ổn hoàn mỹ. Nhờ đó chúng ta mới có thể vượt qua được những hoang mang bối rối trong hành trình nhân sinh, tự do, thoải mái, vui vẻ mà sống.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập / Theo: trithucvn