Không chỉ là siêu thực phẩm, nấm còn có công dụng tuyệt vời (ảnh minh họa: Pixabay).
Theo CNBC đưa tin, một nghiên cứu tại Đại học Utrecht ở Hà Lan cho thấy, chất thải còn sót lại từ quá trình trồng nấm mỡ trắng có thể được sử dụng để lọc nước.
Nấm loại bỏ chất ô nhiễm vi mô
Trong tài liệu công bố vào tháng 4, nhóm nghiên cứu giải thích rằng, nấm mỡ trắng nằm trong số các loại nấm sản sinh ra enzyme phân hủy lignin. Lignin là loại polymer được tìm thấy trong thành tế bào của hầu hết các loại thực vật trên đất liền và hoạt động như một chất kết dính tự nhiên, có độ nhớt cao. Những enzyme này cũng đã được chứng minh là có khả năng phân hủy các chất khác.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy, lượng lớn chất nền còn sót lại sau khi thu hoạch nấm mỡ trắng ở Hà Lan được vận chuyển sang Đức để làm phân bón. Chất nền này đóng vai trò như đất để trồng cây.
Họ đã quyết định kiểm tra hiệu quả của chất nền trồng nấm trong việc loại bỏ chất gây ô nhiễm trong nước. Họ thêm 8 chất như hóa chất diệt cỏ, caffeine và dược phẩm vào nước rồi trộn với các mảnh chất nền.
Kết quả là trong bảy ngày, có tới 90% chất ô nhiễm vi mô hữu cơ đã được loại bỏ khỏi nước.
Một báo cáo năm 2023 từ Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (EIB) nhấn mạnh rằng, các phương pháp xử lý nước thải truyền thống không thể loại bỏ hoàn toàn các chất ô nhiễm vi mô. Ngoài ra, việc thực hiện các biện pháp bổ sung nhằm giảm lượng chất ô nhiễm vi mô trong nước cũng cần đến chi phí lớn.
Một nghiên cứu khác công bố vào tháng 5, do nhà nghiên cứu Brigit van Brenk đồng tác giả đã phát hiện rằng, chất nền trồng nấm khi được ngâm với một loại "trà" có thể loại bỏ thuốc nhuộm vải khỏi nước.
Nấm còn được sử dụng ở rừng nhiệt đới Amazon để dọn sạch dầu tràn. Một nhóm ở Hạt Sonoma, California, Hoa Kỳ đã chuyển sang dùng nấm sò để xử lý chất độc sau khi cháy rừng bùng phát. Ở New Zealand, nấm được dùng để xử lý đất bị nhiễm thuốc trừ sâu PCP.
Tuy vậy, biện pháp sử dụng nấm để làm sạch môi trường vẫn chưa được áp dụng rộng rãi. Theo giáo sư công nghệ sinh học môi trường Diane Purchase tại Đại học Middlesex ở Anh, một thách thức lớn là do thiếu đầu tư.
Bà nói: “Ví dụ, việc tích hợp một bước xử lý bổ sung vào hệ thống xử lý nước thải hiện có đòi hỏi có nguồn đầu tư trước để thay đổi cơ sở hạ tầng hiện có”.
Ngoài ra, theo nhà nghiên cứu sinh học Micaela Mafla Endara tại Đại học Lund ở Thụy Điển, cũng cần có “cầu nối” giữa những nghiên cứu đang được thực hiện trong lĩnh vực này.
Nấm mỡ trắng (ảnh: Nguồn công cộng)
Công ty khởi nghiệp về nấm
Một số công ty khởi nghiệp đã khai thác khả năng phân hủy sinh học của nấm để thiết kế các giải pháp xử lý chất thải. Công ty Mycocycle của Mỹ sử dụng nấm để hấp thu và loại bỏ độc tố trong chất thải công nghiệp, chuyển nó thành nguyên liệu thô có hàm lượng carbon thấp.
Công ty khởi nghiệp MycoMine của Thụy Điển có một nhà máy sử dụng nấm để phân hủy các chất ô nhiễm và tạo ra sinh khối (biomass), một vật liệu hữu cơ có thể được sử dụng làm năng lượng tái tạo.
Theo nền tảng dữ liệu toàn cầu Dealroom, 139 startup công nghệ về nấm đã huy động được tổng cộng 2,5 tỷ USD trong 5 năm qua.
Bà van Brenk có kế hoạch thành lập một công ty với sản phẩm chính là chất nền trồng nấm.
Bà nói: "Nước là nguồn sống chính của chúng ta... nếu chúng ta hủy hoại các dòng sông, thì [chúng ta] cũng có thể đang phá hủy nguồn nước uống của mình".
Theo: CNBC
Thùy Anh biên dịch
Link tham khảo: