Tổ tôm, hay theo Hán Việt tụ tam bài (聚三牌), là một trò chơi bài lá dân gian phổ biến của người Việt. Về tên gọi, có nguồn cho rằng "tổ tôm" là đọc trại âm "Tụ tam". "Tụ tam" theo từ nguyên là "góp ba thứ lại", tức ba hàng Văn, Vạn và Sách của bộ bài.
Hình vẽ trên mỗi quân bài lại mang phong cách tranh mộc bản (木本 mokuhan) của Nhật Bản nên có người đặt câu hỏi phải chăng tổ tôm xuất phát từ Nhật. Nguyên nhân có lẽ chỉ là do dưới thời Pháp thuộc, công ty A.Camoin & Cie của Pháp đã cho phát hành bộ bài tổ tôm với những hình trang trí lấy cảm hứng từ mĩ thuật Nhật Bản.
Hình ảnh của bộ bài tổ tôm được giữ nguyên từ đó cho đến nay. Có nguồn thì lại phỏng đoán cho tổ tôm xuất phát từ Trung Hoa. Tuy nhiên cho đến nay rõ một điều là cả Nhật và Trung Hoa đều không dùng bộ bài này.
Những nhân vật trên quân bài đều trang phục như người Nhật thời Edo, tức trước cuộc cải cách của Nhật hoàng Minh Trị 1868.
Trong các quân bài thì 18 quân vẽ hình người đàn ông (có tám người chân quấn xà-cạp kyahan), bốn hình phụ nữ và bốn hình trẻ em. Ngoài ra có vài quân vẽ những vật khác nhưng đều là mô hình thông dụng trong ngành hội họa Nhật: cá chép, trái đào, vọng lâu, tàu thuyền.
Lá bài làm bằng bìa cứng, hẹp và dài, một mặt để trơn, mặt kia có hình và chữ. Bề ngang lá bài khoảng chiều ngang hai ngón tay. Bề dọc dài hơn ngón tay giữa.
Lạ ở chỗ là bộ bài này chỉ có người Việt chơi, người Nhật không chơi, người Hoa cũng không chơi (Trừ một số ít Hoa Kiều ở Việt Nam). Nhưng những chữ viết trên lá bài là một loại chữ Hán (Kanji) kiểu cách, hơi giống Lệ Thư (Reisho) với nét cứng mạnh, gồm có bốn loại chữ là “văn, vạn, sách, thang, không biết có liên hệ gì với mạt chược, tiếng Nhật gọi là “majan” (Ma tước) không?
Còn các hình vẽ đều là hình vẽ của Nhật, có lẽ gốc là một lối tranh mộc bản (Mokuhan, học từ Trung Hoa nhưng trở thành đỉnh cao mỹ thuật độc đáo của Nhật) đơn giản và nay thường do người Hoa in ra bán.
Giáo Sư Yumio Sakurai đã giới thiệu trong cuốn “Nihon No Kinsei 1, Nhật Bản Cận Thế, tập 1″ do nhà xuất bản Chuo Koron Sha, Trung Ương Công Luận Xã, xuất bản năm 1992. Theo Giáo Sư, loại chữ ghi trên đó cũng lạ, không hẳn là chữ Hán bình thường, một số chữ có thể là chữ Nôm? Thực ra, tất cả chỉ là chữ Hán viết kiểu cách đi thôi.
Đưa cho một số người Nhật đọc thử một số nét chữ trên bộ bài Tổ Tôm, họ đọc không được hoặc vừa đọc vừa đoán. Ðặc biệt lá bài “nhất thang” (Chữ nhất viết theo lối cổ) có hình bà mẹ cho con bú, nét viết rất lạ (Bộ ba chấm thủy viết thành hình số 8, chữ nhất dạng cổ cũng khó nhận ra) thì hầu như không ai đọc được.
Thêm một điểm cũng lạ là người Việt chơi bài và cờ hầu như không biết chữ Hán, nhưng nhận diện quân Cờ Tướng, Mạt Chược và quân bài Tam Cúc hay Tổ Tôm viết bằng chữ Hán thì không sai.
Cửa tiệm Mekong Center ở Nhật Bán thường bán bài Tổ Tôm cho người Việt (Thanh niên miền Bắc) và cho người Nhật, họ không biết chơi, nhưng mua để nghiên cứu tìm hiểu nguồn gốc.
Thiên Trang / Theo: vietnamdaily
No comments:
Post a Comment