Friday, July 12, 2024

THOI TƠ - NGUYỄN BÍNH


Thoi Tơ - Nguyễn Bính

Em lo gì giời gió,
Em sợ gì giời mưa,
Em buồn gì mùa hạ,
Em tiếc gì mùa thu.

Em cứ yêu đời đi!
Yêu đời như thuở nhỏ.
Rồi để anh làm thơ,
Và để em dệt lụa.

Lụa dệt xong may áo,
Áo anh và áo em.
May áo nếu lụa thiếu,
Xe tơ em dệt thêm.

Thơ làm xong, anh đọc,
Bên anh, em lắng nghe.
Và để lòng thổn thức,
Theo vần âu yếm kia.

Mộng đẹp theo ngày tháng,
Đi êm đềm như thơ.
Khác nào trên khung cửi,
Qua lại chiếc thoi tơ.

Nguyễn Bính (Tập thơ: Lỡ bước sang ngang 1940)

Bài thơ này đã được nhạc sĩ Đức Quỳnh phổ nhạc thành bài hát cùng tên.


Sơ lược tiểu sử tác giả:

Nguyễn Bính (13/2/1918 - 20/1/1966) tên thật là Nguyễn Trọng Bính, sinh tại làng Thiện Vinh, huyện Vụ Bảng, tỉnh Nam Định. Ông mồ côi mẹ từ nhỏ, tự học ở nhà, bắt đầu làm thơ từ năm 13 tuổi, được giải khuyến khích thơ của nhóm Tự lực văn đoàn năm 1937 với tập thơ Tâm hồn tôi.

Ông tham gia kháng chiến chống Pháp tại Nam Bộ, tập kết ra Bắc năm 1954, làm việc tại Hội văn nghệ Việt Nam, Ty văn hoá thông tin Nam Hà. Năm 1958, Nguyễn Bính làm chủ bút báo Trăm hoa. Nhiều tài liệu ghi ông mất ngày 20-1-1966 (tức ngày 29 Tết - không có ngày 30) tại Hà Nội. Tuy nhiên nhà văn Vũ Bão cho biết ông qua đời tại nhà riêng của một người bạn tên là Đỗ Văn Hứa, hiệu Tân Thanh, tại thôn Mạc Hạ, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.


Thơ Nguyễn Bính “chân quê”, giản dị, mộc mạc, nhẹ nhàng, trong sáng, và hồn nhiên như ca dao trữ tình. Ông viết về làng quê qua lăng kính tình cảm lãng mạn, biểu lộ một tình quê, một hồn quê chân tình và gần gũi. Giáo sư Lê Đình Kỵ có nhận xét về thơ Nguyễn Bính: “Nổi bật lên ở Nguyễn Bính là ca dao, ở cảm xúc lẫn tư duy, ở cả ý, tình, và điệu,...”

Nguồn: Thi Viện