Trạng nguyên Hoàng Văn Tán và câu đối “Kiến bò đĩa thịt, đĩa thịt bò".
Chuyện xưa kể lại rằng, một hôm mẹ Tán đi chợ ở làng Thị Cầu thấy đám rước "Vinh quy bái tổ" của một vị tiến sĩ về làng Kim Đôi rất đông vui, trang trọng, lộng lẫy và bà ao ước con trai mình cũng được học hành đỗ đạt như vậy. Về nhà nhìn vào hoàn cảnh gia đình bà chỉ biết than thở rồi kể lại chuyện đó với con trai. Cậu bé Tán bèn sà vào lòng mẹ và nói như đinh đóng cột rằng: Con mà được đi học thời con sẽ đỗ cao hơn!
Thấy Tán còn nhỏ mà ăn nói khảng khái khác thường, bà mẹ quyết tâm đưa con tìm thầy học chữ. Nghe tiếng thầy đồ làng Vị (nay thuộc làng Phương Vĩ, phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh) nổi tiếng hay chữ, bà đưa Tán đến xin "nhập môn". Ngắm đi ngắm lại tướng mạo cậu bé, thầy đồ vui vẻ nhận lời. Lớp học có hơn chục nho sinh nhưng thầy chưa cho Hoàng Văn Tán được học chữ ngay, cậu chỉ được giao làm những việc vặt như quét nhà, dọn dẹp, nước nôi, điếu đóm phục vụ lớp học. Cậu bé Tán chỉ đứng ở bên ngoài học lỏm, nhưng với trí thông minh bẩm sinh nên cậu "nhập tâm" và thuộc bài làu làu còn giỏi hơn các nho sinh ở trong lớp. Một hôm có cụ Chánh mang lễ và dẫn con trai đến nhập học. Nhìn lên mâm lễ lớn vừa đặt trên hương án, thầy đồ tức thì ra một vế đối có ý thử tài trò mới và các nho sinh. Vế đối như sau: Ruồi đỗ mâm xôi, mâm xôi đỗ.
Vì thầy chơi chữ nên vế này rất khó đối, cả đám học trò ngơ ngác im lặng, thầy đồ lắc đầu, hết hy vọng. Bất ngờ cậu bé Tán từ bếp chạy lên, tay vẫn xách siêu nước bốc hơi nghi ngút, cậu kính cẩn xin phép thầy được đối lại, thầy gật đầu bằng lòng. Cụ Chánh và đám nho sinh đứng ngây như phỗng nhìn cậu bé Tán với vẻ ngờ vực. Nhưng Tán đã dõng dạc đọc: Kiến bò đĩa thịt, đĩa thịt bò.
Thầy đồ giật mình vì vế đối của Tán chữ và nghĩa rất chỉnh. Còn cánh nho sinh thì phục lắm! Từ hôm đó, thầy cho cậu "nhập môn" chính thức. Với bản chất con nhà nghèo vốn cần cù, chịu khó cộng với sự thông minh sẵn có nên Tán học một biết mười. Hoàng Văn Tán miệt mài ngày đêm luyện bút, rèn văn dùi mài kinh sử. Năm sau nhà vua mở khoa thi và lớp học thì đông nên thầy đồ muốn chọn những môn sinh đã học lâu năm có nhiều học vấn, kinh nghiệm để lên kinh đô ứng thí. Hoàng Văn Tán không được xếp trong diện đó.
Khi các môn sinh khác chuẩn bị "lều chõng" lên đường đi thi thì trời nổi cơn mưa, nhân lúc đó thầy đồ muốn khảo thí các môn sinh lần cuối bèn ra một vế đối:
- Lác đác mưa sa làng Vị Vũ (Vị Vũ - làng Phương Vĩ, phường Vũ Ninh ngày nay - quê thầy đồ).
Một lần nữa cả môn trường im lặng, thầy trầm tư với vẻ mặt không vui. Bỗng nhiên có tiếng xin thầy được đối vang lên từ phía sau, thầy ngoảnh lại thấy Hoàng Văn Tán. Thấy vậy thầy vui vẻ đồng ý nhận lời và Tán thưa lại rằng: Ầm ầm sấm động đất Xuân Lôi (Xuân Lôi là quê của Hoàng Văn Tán). Và cậu bé Tán vừa đọc dứt vế đối thì trên trời lóe chớp và tiếp theo là một tiếng sấm rất lớn. Thầy đồ sung sướng reo lên: Trạng nguyên của ta đây rồi!
Quả nhiên, đến khoa thi năm Quý Mùi niên hiệu Thống Nguyên 2-1523, đời vua Lê Cung Hoàng, Hoàng Văn Tán đi thi và đã đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ nhất danh Trạng nguyên (khoa này lấy đỗ 36 người, trong đó có 3 tiến sĩ cập đệ, 8 tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp), 25 đồng tiến sĩ xuất thân). Sau này ông được giao cùng với Đông các đại học sĩ Nguyễn Văn Thái thảo tờ chiếu của vua Lê Cung Hoàng nhường ngôi cho Mặc Đăng Dung và làm quan cho nhà Mạc tới chức Tả thị lang bộ Lễ.
Lời bàn về Hoàng Văn Tán và lịch sử khoa cử Việt Nam
Lịch sử các kỳ thi Nho học ở Việt Nam được bắt đầu từ năm 1075, dưới triều vua Lý Nhân Tông và chấm dứt vào năm 1919, đời vua Khải Định. Trong 845 năm, các triều đại phong kiến Việt Nam đã tổ chức 185 khoa thi có 2.898 sĩ tử đỗ đại khoa (từ phó bảng trở lên), trong đó có 56 người đỗ trạng nguyên. Người đỗ trạng nguyên đầu tiên là Lê Văn Thịnh, người làng Đông Cửu, xã Chi Nhị, tổng Đại Lai, huyện Yên Định, lộ Bắc Giang (nay là thôn Bảo Tháp, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh). Sau khi thi đỗ, ông được bổ làm quan, dần trải đến chức Thái sư triều Lý. Năm 1084, ông thành công trong việc bàn nghị về cương giới với quan nhà Tống, khiến nước này phải trả lại 6 huyện 3 động thuộc châu Quảng Nguyên của nước Đại Việt.
Theo các tài liệu còn lưu truyền đến ngày nay, việc thi cử ngày xưa không phải chỉ có mang lại niềm vui, vinh dự cho người có tên trong bảng vàng mà còn là niềm tự hào của cả dòng họ, quê hương người đỗ đạt. Trong xã hội hiện đại ngày nay, giáo dục nho học không còn tồn tại, nhưng tấm gương hiếu học của Trạng nguyên Hoàng Văn Tán vẫn là một điểm sáng cho con cháu hậu thế noi theo. Tên tuổi của ông gắn liền với truyền thống hiếu học và khoa bảng của vùng đất Kinh Bắc văn hiến. Nơi người đời vẫn truyền tụng rằng: Một giỏ sinh đồ, một bồ ông cống, một đống trạng nguyên, một thuyền bảng nhỡn. Và vấn đề đặt ra sau giai thoại trên là tuổi trẻ ngày nay làm gì để nối bước tổ tiên để Việt Nam sớm sánh vai với các cường quốc năm châu?
N.N (Theo Báo Bình Phước)
No comments:
Post a Comment