Thursday, July 25, 2024

BÌNH SA LẠC NHẠN - PHẠM ĐÌNH HỔ


Bình Sa Lạc Nhạn - Phạm Đình Hổ

Hồi Nhạn phong biên nhạn trận tà,
Hàm lô thiếp thiếp lạc bình sa.
Nhất thanh ngư địch kinh qua xứ,
Xung phá trường không triện bích hà.


平沙落雁 - 范廷琥

回鴈峰邊鴈陳斜,
含蘆跕跕落平沙。
一聲漁笛經過處,
沖破長空篆碧霞。


Nhạn sà xuống bãi cát 
(Người dịch: Nguyễn Chân)

Đỉnh Hồi Nhạn, nhạn bay ngang
Ngậm lau sà xuống cả đàn ven sông
Sáo chài vẳng tiếng trên không
Vút lên in bóng vào trong ráng chiều.


Sơ lược tiểu sử tác giả:

Phạm Đình Hổ 范廷琥 (1768-1839) tên chữ là Tùng Niên 松年, Kiều Niên 喬年, Bỉnh Trực 秉直, hiệu Đông Dã Tiều 東野樵, tục gọi là Chiêu Hổ. Ông là học giả, và là nhà văn, nhà thơ Việt Nam khoảng cuối thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 19.
 
Ông sinh năm Mậu Tý (1768), người làng Đan Loan, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương (nay thuộc huyện Cẩm Bình, tỉnh Hải Dương). Sinh trong một gia đình khoa bảng, cha ông là Phạm Đình Dư, đậu Cử nhân, làm Hiến sát Nam Định, thăng Tuần phủ Sơn Tây, rồi cáo quan về ở phường Hà Khẩu (Hàng Buồm, Thăng Long) năm Giáp Ngọ (1774).
Ngay từ nhỏ, Phạm Đình Hổ đã tỏ bày tỏ chí rằng: "Làm người con trai phải lập thân hành đạo... Lấy văn thơ nổi tiếng ở đời..." Tuy học và đọc nhiều sách (năm 9 tuổi, ông đã học sách Hán thư), nhưng ông chỉ đỗ đến Sinh đồ (tức Tú tài) vào khoảng cuối đời Chiêu Thống.

Gặp buổi loạn lạc, vua Lê Chiêu Thống cho người chạy sang cầu cứu nhà Thanh, rồi triều đình Lê Trịnh sụp đổ, nhà Tây Sơn lên cầm quyền... Suốt quãng thời gian này, Phạm Đình Hổ sống đời hàn nho dạy học ở quê.


Đến khi Gia Long lên ngôi, cho khôi phục lại việc học hành thi cử; ông có đi thi Hương ba lần, nhưng đều không đỗ. Hồi ấy ông đang dạy học ở phường Thái Cực, huyện Thọ Xương trong thành Thăng Long, hằng ngày rèn luyện học trò và biên soạn sách. Ở đây, ông kết bạn thơ với nữ sĩ Hồ Xuân Hương.

Năm Canh Thìn (1820), có chỉ triệu ông và Phan Huy Chú vào Huế đợi mệnh cất dùng, nhưng vì ốm ông không vào được. Năm Tân Tỵ (1821), vua Minh Mạng ra Bắc. Khi ấy, Phạm Đình Hổ ở tuổi 53, được vời ông đến hỏi về học vấn, thi cử và tính hình nhân tài đất Bắc. Lại khuyên hễ có những sách tiền triều, sách trước thuật...nên đem tiến trình. Ông bèn dâng lên nhà vua những sách do mình biên soạn, bèn được triệu vào Huế làm Hành tẩu Viện Hàn lâm, được ít lâu, ông xin từ chức. Năm Minh Mạng thứ 7 (1826), vua lại triệu ông, cho làm Thừa chỉ Viện Hàn Lâm, tiếp đến làm Tế tửu Quốc Tử Giám. Năm sau, xin nghỉ bệnh rồi từ chức. Sau, ông lại vào sung chức, được thăng Thị giảng học sĩ.
 
Năm Nhâm Thìn (1832), ông xin về hưu luôn. Năm Kỷ Hợi (1839), Phạm Đình Hổ mất, thọ 71 tuổi.

Nguồn: Thi Viện