Động cơ các cuộc thử nghiệm
Chỉ trong ngày hôm đó, 11 bệnh nhân đã được đưa vào Bệnh viện Stanford với triệu chứng viêm phổi, sốt và nhiễm trùng đường tiết niệu nghiêm trọng. Một trong số họ là thợ sửa ống nước đã nghỉ hưu 75 tuổi tên là Edward J. Nevin, người qua đời ba tuần sau đó. Các xét nghiệm cho thấy thủ phạm là Serratia marcescens, một loại vi khuẩn hiếm đến mức không có một ca bệnh nào trong toàn bộ lịch sử của San Fransisco. Các bác sĩ của bệnh viện bối rối trước cụm lây nhiễm bất thường này, đến nỗi họ đã đưa ca nhiễm bệnh này lên tạp chí y khoa. Khi không có ca nhiễm mới nào xuất hiện, họ coi đó là một sự trùng hợp ngẫu nhiên.
Nhưng các bác sĩ và người dân San Fransisco không hề hay biết, những đám sương mù dày đặc len lỏi khắp thành phố vào mùa thu năm đó đã mang theo một điều bí mật: hàng nghìn tỷ vi khuẩn được phun ra từ một con tàu Hải quân ở ngoài khơi. Có mật danh là Sea Spray, chiến dịch này là một phần của dự án tuyệt mật thời Chiến tranh Lạnh nhằm kiểm tra xem San Fransisco dễ bị tổn thương tới đâu nếu bị tấn công bằng vũ khí sinh học.
Tuy nhiên, San Francisco không phải là thành phố duy nhất bị thử nghiệm. Từ năm 1949 đến năm 1969, Quân đội Mỹ đã cố tình để hàng chục thành phố nước này và hàng triệu người dân bình thường tiếp xúc với vi khuẩn và hóa chất có hại tiềm ẩn, tất cả đều nhân danh an ninh quốc gia. Đây là câu chuyện gây sốc về một trong những chương trình thí nghiệm trên người lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Ảnh minh họa: greetingsfromsanfran
Chiến tranh sinh học từ lâu đã là một phần trong cuộc xung đột của con người. Nhưng phải đến cuối thế kỷ 19, khi các nhà khoa học như Robert Koch và Louis Pasteur phát hiện ra các vi sinh vật gây bệnh và cách nuôi cấy chúng thì việc phát triển vũ khí sinh học chuyên dụng, hiệu quả mới bắt đầu một cách nghiêm túc. Trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất, Đế quốc Đức đã xây dựng một chương trình vũ khí sinh học rộng lớn, hoàn thiện các chủng bệnh than và loét mũi mà họ dự định lây nhiễm cho gia súc, động vật dùng trong đội của kẻ thù. Tuy nhiên, không có vũ khí nào trong số này từng được triển khai trước khi chiến tranh kết thúc. Nhưng tác động khủng khiếp của vũ khí hóa học khiến 146 quốc gia đã cùng nhau soạn thảo Nghị định thư Geneva về việc cấm sử dụng vũ khí sinh hóa năm 1925.
Trong hai thập kỷ tiếp theo, phần lớn các bên ký kết Nghị định thư Geneva đã tránh phát triển vũ khí sinh học. Tuy nhiên, các cường quốc phương Tây khuất phục trước sức hấp dẫn đen tối của chiến tranh sinh học.
Cuộc tấn công của Nhật Bản vào Trân Châu Cảng vào ngày 7/12/1941 cũng khiến Mỹ đảo ngược lập trường về chiến tranh sinh học. Đầu năm 1942, Bộ trưởng Chiến tranh Mỹ Henry Stimson bày tỏ mối quan ngại với Tổng thống Franklin D. Roosevelt về việc Mỹ dễ bị tấn công sinh học. Để đối phó với điều này, vào tháng 11/1942, Roosevelt đã đồng ý cho xây dựng một chương trình vũ khí sinh học của Mỹ, do Cơ quan Chiến tranh Hóa học của Lục quân Mỹ giám sát và tập trung tại Fort Detrick, Maryland. Đến năm 1945, chương trình chiến tranh sinh học của Mỹ đã sản xuất thành công vài tấn mầm bệnh được vũ khí hóa, trong đó có bệnh than và bệnh đậu mùa, mặc dù không loại nào từng được sử dụng trong chiến đấu.
Chính sách thời chiến của Mỹ quy định rằng những vũ khí như vậy chỉ được sử dụng để trả đũa hoặc để ngăn chặn các cuộc tấn công sinh học của kẻ thù. Xét về mặt này, chương trình đã rất thành công. Sau chiến tranh, các tài liệu thu giữ được cho thấy chính nỗi sợ bị Mỹ trả đũa đã khiến Đức Quốc xã từ bỏ chương trình chiến tranh sinh học.
Ảnh minh họa: todayifoundout
Chiến tranh Lạnh đã khiến Mỹ cảm thấy cấp bách phải có chương trình vũ khí sinh học. Mỹ còn nhiều câu hỏi phải trả lời: mầm bệnh nào sẽ gây ra thiệt hại nhiều nhất? Phương tiện phân tán hiệu quả nhất là gì? Mầm bệnh lây lan ở các thành phố khác so với nông thôn thế nào? Những thành phố nào của Liên Xô và Mỹ dễ bị tấn công sinh học nhất, và làm thế nào để bảo vệ những thành phố Mỹ?
Họ đã đánh giá ba phương pháp tiềm năng để trả lời những câu hỏi này: thứ nhất, thử nghiệm quy mô nhỏ bằng cách sử dụng các thành phố mô hình trong các đường hầm gió; thứ hai, thử nghiệm toàn diện sử dụng mầm bệnh sống ở các thành phố mô phỏng; và thứ ba, thử nghiệm toàn diện bằng cách sử dụng mầm bệnh mô phỏng ở các thành phố thực. Hai phương pháp đầu tiên nhanh chóng bị gạch bỏ vì phương pháp thứ nhất có những hạn chế về kỹ thuật và phương pháp thứ hai có chi phí mô phỏng toàn bộ thành phố quá cao. Còn lại phương pháp số 3: giải phóng mầm bệnh mô phỏng trên các thành phố thực. Do đó, người ta bắt đầu tìm kiếm các thành phố phù hợp ở Mỹ.
Cuối cùng, các thành phố được chọn gồm Oklahoma, Kansas, Omaha, Cincinnati, St. Louis, Chicago và Winnipeg ở Canada và Minneapolis. Các thành phố ở California và Florida cũng được chọn để thử nghiệm liên quan đến các khu vực ven biển. Để mô phỏng các tác nhân chiến tranh sinh học, các nhà nghiên cứu đã chọn bốn loại vi khuẩn khác nhau: Serratia marcescens, Bacillus globigii, Bacillus subtilis và Aspergillus fumigatus.
Mặc dù vậy, vì lý do an ninh và để có được kết quả chính xác nhất có thể, người dân của các thành phố mục tiêu sẽ không được thông báo rằng các cuộc thử nghiệm đang diễn ra.
Cuộc thử nghiệm vũ khí sinh học đầu tiên trên đất Mỹ diễn ra vào tháng 8/1949, khi các đặc vụ thuộc Bộ phận Chiến dịch Đặc biệt của Trại Detrick thả vi khuẩn trơ vào hệ thống thông gió của Lầu Năm Góc. Các chiến dịch quy mô lớn hơn diễn ra ngay sau đó, trong đó có cả Chiến dịch Sea Spray.
Những thử nghiệm phun vi khuẩn
Trong khoảng thời gian từ ngày 20 đến ngày 27/9/1950, một tàu quét mìn của Hải quân Mỹ ở ngay ngoài khơi Vịnh San Fransisco đã phun hỗn hợp Serratia marcescens và Bacillus globigii từ các vòi lớn trên tàu. Trong khi đó, 43 trạm quan trắc trên toàn thành phố San Fransisco ghi lại quá trình phát tán của vi khuẩn.
Theo Leonard J. Cole, tác giả của cuốn sách "Clouds of Secrecy" (Những đám mây bí mật), dữ liệu cho thấy: "Gần như tất cả trong số 800.000 người ở San Francisco tiếp xúc với đám mây ở nhịp thở bình thường (10 lít mỗi phút) đã hít phải 5.000 hạt trở lên mỗi phút trong vài giờ khi các hạt ở trong không khí".
Các thử nghiệm tương tự đã được tiến hành ngoài khơi bờ biển Nam Carolina, Georgia và Florida.
Năm 1965, theo một phần Dự án 112 của Lầu Năm Góc, các nhà nghiên cứu Mỹ đã thả Bacillus globigii tại Sân bay Quốc gia và Nhà ga Greyhound ở Washington, D.C.. Trên 130 hành khách đã bị phơi nhiễm, sau đó làm lây lan vi khuẩn tới 39 thành phố ở 7 bang trong hai tuần tiếp đó.
Năm sau, Bacillus Subtilis được đưa vào hệ thống tàu điện ngầm ở New York. Họ thả những bóng đèn chứa đầy vi khuẩn xuống đường ray. Những vi khuẩn này đã lây lan nhanh chóng qua các tuyến tàu điện ngầm. Báo cáo chính thức của Lục quân Mỹ về thí nghiệm kết luận: "Các cuộc tấn công bí mật tương tự với một tác nhân gây bệnh trong thời gian giao thông cao điểm có thể khiến một số lượng lớn người bị lây nhiễm và sau đó là bệnh tật hoặc tử vong".
Ảnh minh họa: Flickr
Tuy nhiên, thí nghiệm lớn nhất trong số này là Chiến dịch LAC, diễn ra từ năm 1957 đến năm 1958. Viết tắt của "Large Area Coverage" (Bao phủ khu vực lớn), LAC đã đánh giá tính khả thi của việc thả các tác nhân gây chiến tranh sinh học từ máy bay để chúng phủ các khu vực rộng lớn. Sử dụng máy bay chở hàng Fairchild C-119 Flying Boxcar, LAC đã giải phóng hàng trăm tấn kẽm cadmium sulphide (một loại bột mịn phát quang) trên 33 khu vực nông thôn và thành thị ở miền Trung Tây nước Mỹ và Canada. Các trạm mặt đất giám sát quá trình phát tán bột huỳnh quang này. Các thử nghiệm cho thấy phương pháp phân tán trên không cực kỳ hiệu quả, khi chất mô phỏng di chuyển tới 1.900 km từ nơi nó được thả xuống.
Thử nghiệm y tế trên người ở Mỹ có xu hướng mang yếu tố phân biệt chủng tộc mạnh mẽ, thường nhắm vào các cộng đồng da đen nghèo và các nhóm dễ bị tổn thương khác. Chiến dịch LAC cũng không ngoại lệ. Bắt đầu từ giữa những năm 1950, Lục quân Mỹ bắt đầu phun bột kẽm cadmium sulphide từ trên nóc Pruitt-Igoe, một khu nhà ở công cộng lớn ở St. Louis, nơi hầu như hoàn toàn là nơi sinh sống của người da đen nghèo.
Là một phần chương trình St. Jo của Quân đoàn Hóa học Lục quân, vi khuẩn cũng được phun từ máy bay và xe tải ở St. Louis, Minneapolis và Winnipeg, cũng chủ yếu ở các khu dân cư nghèo hơn. Vì không thể dễ dàng che giấu các máy phun, người ta thông báo cho dân rằng họ đã tạo ra một màn khói vô hình để che chắn các thành phố khỏi radar của Liên Xô.
Từ năm 1949 đến năm 1969, Lực lượng Vũ trang Mỹ đã tiến hành tổng cộng 239 thí nghiệm chiến tranh sinh học ngoài trời trên 66 thành phố của Mỹ và Canada, 80 thí nghiệm trong số đó sử dụng vi khuẩn sống. Chương trình chỉ bị dừng lại theo một chỉ thị năm 1969 của Tổng thống Richard Nixon. Chỉ thị kêu gọi loại bỏ toàn bộ kho dự trữ tác nhân chiến tranh sinh học của Mỹ. Quá trình tiêu hủy hoàn tất vào năm 1973.
Serratia marcescens biến bánh mì thành màu đỏ khi vi khuẩn phát triển. Ảnh: Wikimedia Commons
Mặc dù các quan chức chính phủ Mỹ đã nghĩ rằng tất cả các hồ sơ về thí nghiệm chiến tranh sinh học trên người sẽ bị hủy cùng với các vũ khí này, nhưng năm 1976, phóng viên Drew Fetherston của tờ Newsweek đã phát hiện ra các tài liệu mật tiết lộ nhiều cuộc thử nghiệm bí mật. Chính điều này đã khiến tờ San Fransisco Chronicle phát hiện và đưa tin về các thí nghiệm trong Chiến dịch Sea Spray vào tháng 9/1950. Trước những tiết lộ này, vào năm 1977, chính phủ liên bang đã thành lập Tiểu ban Nghiên cứu Khoa học và Sức khỏe thuộc Thượng viện Mỹ để điều tra các cáo buộc về các thí nghiệm phi đạo đức.
Mặc dù Lục quân Mỹ tin rằng các vi khuẩn được sử dụng trong các thí nghiệm sống của mình là vô hại đối với con người, nhưng giờ đây người ta đã biết rằng với liều lượng đủ lớn, Serratia marcescens và Bacillus globigii có thể gây nhiễm trùng nghiêm trọng.
Hiện nay, người ta tin rằng việc giải phóng những vi khuẩn này ở San Francisco đã làm thay đổi vĩnh viễn hệ vi sinh vật của khu vực, gây ra bệnh nhiễm trùng van tim trong bệnh viện và các bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng khác ở những người tiêm chích ma túy trong suốt những năm 1960 và 1970. Và vào năm 2004, một loạt ca lây nhiễm do vaccine cúm gây ra có liên quan tới ô nhiễm Serratia marcescens tại nhà máy của Tập đoàn Chiron ở Alameda, California.
Tuy nhiên, thẩm phán các cấp phán quyết rằng 11 ca nhiễm trùng đường tiết niệu do Serratia marcescens gây ra vào ngày 11/10/1950 ở San Fransisco không liên quan đến Chiến dịch Sea Spray, bất chấp sự phản đối của gia đình nạn nhân.
Về chất kẽm cadmium sulphide được sử dụng trong các thí nghiệm LAC của Lục quân Mỹ, vào thời điểm đó, hợp chất này được coi là vô hại, nhưng hiện nay, người ta đã biết rằng cadmium là một chất gây ung thư mạnh ở người và ở nồng độ cao có thể gây tổn thương phổi, thận và các cơ quan khác.
Sau khi biết về các thí nghiệm ở St. Louis, vào năm 2012, giáo sư xã hội học Lisa Martino-Taylor tuyên bố đã kiểm tra hồ sơ bệnh án và phát hiện ra tỷ lệ ung thư tăng đột biến trong những thập kỷ sau các cuộc thử nghiệm. Tuy nhiên, không có thêm bằng chứng nào xác nhận mối liên hệ này. Do đó, nếu không có nghiên cứu độc lập sâu hơn, tác động thực sự của các thí nghiệm LAC có thể không bao giờ được biết đến.
Là một phần của thí nghiệm vũ khí sinh học, Serratia marcescens (hình ảnh trên đĩa thạch ở trên) đã được thả ra ở San Francisco vào năm 1950.
Ngày nay, kiến thức thu được qua các cuộc thí nghiệm này được sử dụng cho mục đích phòng thủ thuần túy. Năm 1972, 109 quốc gia, trong đó có Mỹ, đã ký Công ước về Cấm Phát triển, Sản xuất, Tàng trữ Vũ khí Vi khuẩn (Sinh học) và Vũ khí Độc tố và Vấn đề Tiêu hủy.
Từ đó, quân đội Mỹ đã không duy trì năng lực chiến tranh sinh học tấn công hay phòng thủ nào. Tuy nhiên, vẫn có những lời buộc tội rằng quá trình thử nghiệm trên người vẫn tiếp tục trong bí mật. Ví dụ, vào năm 2019, nghị sĩ Cộng hòa Chris Smith đã cáo buộc rằng từ năm 1950 - 1975, Lục quân Mỹ đã thả bọ ve bị nhiễm bệnh Lyme để kiểm tra ảnh hưởng đối với người dân Mỹ. Nếu đúng, điều này có nghĩa là Chính phủ Mỹ đã biết về bệnh Lyme từ rất lâu trước khi nó được phát hiện chính thức vào năm 1982. Tuy nhiên, vẫn chưa có bằng chứng thuyết phục nào chứng minh cho tuyên bố của ông Smith.
Cùng với các dự án quân sự bí mật khác, như các thí nghiệm kiểm soát tâm trí MKULTRA của Cục Tình báo Trung ương Mỹ và các nghiên cứu tiêm plutoni của Đại học California, các cuộc thử nghiệm chiến tranh sinh học của Lục quân Mỹ là một trong những điều trớ trêu nhất của Chiến tranh Lạnh. Vì mặc dù những thí nghiệm này có mục đích cuối cùng là để bảo vệ người dân và bảo vệ các thể chế của Mỹ, nhưng cuối cùng chúng chỉ làm được điều duy nhất là gây hại cho hàng triệu công dân Mỹ.
PV / Theo: Báo Tin Tức
Link tham khảo: