Ảnh minh họa
Bà Nguyễn Thị Duệ (1574-1654), còn có tên Ngọc Hoàn, Nguyễn Du, hiệu Diệu Huyền, sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống hiếu học ở Kiệt Đặc (nay là phường Văn An, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương). Từ nhỏ, bà Duệ đã vô cùng thông minh, lại thêm nhan sắc xinh đẹp hơn người nên chamẹ đã mời thầy giỏi họ Cao về để dạy bà học.
Năm Quang Hưng thứ 15 - Mạc Bảo Định nguyên niên 1592, quân Lê - Trịnh chiếm được Thăng Long buộc quân Mạc phải rút về phía Đông thuộc trấn Hải Dương. Đến đầu năm Quang Hưng thứ 16, quân Lê - Trịnh tiếp tục thu phục được vùng Hải Dương, trọng tâm là Nam Sách, Chí Linh nên nhà Mạc lại phải chạy lên Cao Bằng và lập căn cứ tại đây trên nửa thế kỷ. Khi nhà Mạc mở khoa thi Hội, bất chấp quy định con gái không được học hành thi cử, bà Nguyễn Thị Duệ đã cải nam trang để dự khoa thi Tiến sĩ năm Giáp Ngọ (1594). Kết quà bà đỗ đầu, còn thầy dạy đỗ thứ hai. Thầy Cao không khỏi cảm thán trước sự tài hoa của bà: "Màu xanh từ màu lam mà ra, thế mà lại đẹp hơn màu lam". Vượt qua kỳ thi Hương, Hội, Đình, bà trở thành nữ Trạng nguyên đầu tiên và duy nhất trong lịch sử khoa bảng thời phong kiến của Việt Nam.
Tranh vẽ bà Nguyễn Thị Duệ
Tương truyền, khi vua Mạc ban yến cho các sĩ tử đỗ cao, vua vô cùng ấn tượng với Trạng nguyên Nguyễn Ngọc Du vì mặt hoa da phấn, thân hình mảnh mai, sóng mắt long lanh. Sau khi hỏi rõ sự tình, vua vô cùng kinh ngạc khi biết Trạng nguyên là con gái. Tuy nhiên, ngài không những không trách phạt mà còn khen ngợi, cho lấy lại tên cũ và bổ nhiệm bà vào vị trí Lễ quan trong cung, chuyên dạy chữ và lễ nghi cho các cung tần, thị nữ. Sau đó, nhờ nhan sắc và trí tuệ hơn người mà vua Mạc cảm mến, phong bà làm Tinh Phi, ý ca ngợi vẻ đẹp và sự thông tuệ của bà tự như ngôi sao sa. Cũng từ phong hiệu này mà về sau, hậu thế tôn bà làm "Bà Chúa Sao Sa".
Tượng thờ Bà Chúa Sao Sa
Khi Cao Bằng thất thủ và vua Mạc bị quân Lê - Trịnh bắt về Thăng Long vào năm 1625, bà Nguyễn Thị Duệ ở tại chùa Sùng Phúc ở phía đông Cao Bằng, vừa làm trụ trì chùa, vừa dạy học và dạy lễ nghĩa cho con em dân bản. Tuy nhiên sau đó bà đã bị quân Trịnh bắt được và giải đến trước chúa Trịnh. Chúa cảm mến sự khiêm nhường, thông minh của bà nên đối đãi vô cùng tử tế, đem về Thăng Long phong làm Chiêu Nghi - đứng trên các cung tần. Trong sách Đại Nam nhất thống chí có ghi chép lại rằng: "Vua Lê triệu vào dạy cung nữ, phong cho tước hiệu là Nghi Ái quan".
Đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Thị Duệ trên đồi Mâm Xôi cạnh dãy Phượng Hoàng
Khi bước sang tuổi 70, bà Duệ xin được trở về Chí Linh an dưỡng tuổi già. Tại quê hương của mình, bà đã dựng am Đàm Hoa để ở, đọc sách, tĩnh tu và dạy dỗ các sĩ tử trong làng. Vua Lê ban bổng lộc cho bà bằng số thuế hằng năm của tổng Kiệt Đặc nhưng bà dành hết cho việc công ích và trợ giúp người nghèo, chỉ lấy một khoản nhỏ để chi tiêu. Năm 1654, bà qua đời, hưởng thọ 80 tuổi. Dân địa phương lập đền thờ và tôn bà làm phúc thần. Trên mộ bà có xây một ngọn tháp tên "Tinh Phi cổ tháp", có khắc mười chữ "Lễ Phi sinh thông tuệ, nhất kính chiếu tam vương", nghĩa là "Lễ phi là người thông tuệ, một gương soi chiếu ba vua".
PV / Theo: SHTT&ST