Monday, July 15, 2024

TRẬN HẢI CHIẾN NÀO KHIẾN NGA PHẢI TỰ HỦY TÀU CHỞ KHO VÀNG 133 TỶ USD?

Tàu tuần dương Dmitrii Donskoi bị đánh chìm hơn một thế kỷ trước ở ngoài khơi Hàn Quốc có thể ẩn chứa kho báu khổng lồ 5.500 thùng vàng trị giá 133 tỷ USD.

Tàu tuần dương Dmitrii Donskoi

Con tàu bị đánh chìm có chủ ý vào mùa xuân năm 1905, để ngăn kho báu rơi vào tay quân Nhật trong cuộc chiến tranh Nga-Nhật. Số vàng trên tàu ước tính lên tới 200 tấn.

Nhưng hiện chưa rõ kho vàng có còn nằm lại dưới đáy biển cùng con tàu hay không.

Alexei Kojevnikov, một giáo sư sử học tại Đại học British Columbia nói một tàu tuần dương như Dmitrii Donskoi tham gia chiến trận, không có lý gì mang nhiều vàng đến như vậy. "Điều này thật phi lý", ông nói.

Tàu chở vàng của hạm đội đế quốc Nga

Chiếc tuần dương hạm bọc thép này được đóng năm 1883, mang tên Đại Công tước Dimitrii Donskoi. Tàu dài 93m, lượng giãn nước 6.200 tấn và được biên chế vào Hạm đội Baltic của hải quân đế quốc Nga.

Tuần dương hạm Dmitrii Donskoi được cho là mang theo 5.500 thùng vàng xuống đáy biển.

Chiến tranh Nga-Nhật bùng nổ năm 1904 do mâu thuẫn về quyền kiểm soát bán đảo Triều Tiên và khu vực Mãn Châu. Hải quân Nhật không ngừng cướp bóc, vây hãm các hải cảng do Nga kiểm soát.

Hạm đội Baltic của đế quốc Nga nhận lệnh đến ứng cứu. Đội hình tàu chiến hùng hậu có tuần dương hạm Dimitrii Donskoi. Con tàu được cho là chở theo nhiều tiền vàng để thanh toán chi phí cho các chuyến tiếp tế ở cảng nước ngoài cũng như chi trả tiền lương cho các sĩ quan, binh sĩ.

Số tiền, vàng trên các tàu chiến bị đắm trong hạm đội cũng được cho là chuyển lên tàu Dimitrii Donskoi.

Đêm ngày 26/5/1905, khi tiến đến eo biển Tsushima, hạm đội Baltic của Nga bị tàu tuần tiễu của Nhật phát hiện. Hải quân Nhật huy động Hạm đội Liên hợp gồm 40 tàu chiến gồm nhiều thiết giáp hạm, tuần dương hạm, khu trục hạm và tàu phóng lôi tham gia tập kích.

Thất bại ở eo biển Tsushima khiến đế quốc Nga mất toàn bộ thiết giáp hạm.

Trận chiến diễn ra hết sức ác liệt, khi cả lực lượng hải quân Nga-Nhật đều quyết sống mái với nhau. Tuy nhiên, hải quân Nhật tỏ rõ ưu thế cả về sức chiến đấu và tàu chiến, khiến hạm đội Nga gặp tổn thất nặng nề.

Kết thúc trận chiến, các tàu chiến hạm đội Nga rút chạy tán loạn, 8 tàu bị đánh đắm hơn 4.300 sĩ quan và thủy thủ thiệt mạng, hơn 6.000 người bị bắt sống.

Hành trình trốn chạy trong vô vọng

Tuần dương hạm Dimitrii Donskoi không trực tiếp tham gia giao chiến vì có nhiệm vụ hỗ trợ các tàu vận tải trong hạm đội. Khi nhận thấy trận chiến ngã ngũ, tàu Dimitrii Donskoi mở hết tốc lực chạy về phía tây bắc với hy vọng về được cảng Vladivostok.

Tàu chiến Nhật khi đó có hỏa lực mạnh hơn, độ chính xác cao hơn các tàu Nga.

Những con tàu khác trong hạm đội Baltic tản ra nhiều hướng khác nhau để chia nhỏ lực lượng tàu chiến Nhật truy đuổi. Không ít tàu bị đánh đắm và các thủy thủ không có cơ hội trở về quê nhà.

Tàu Dimitrii Donskoi may mắn hơn, bỏ xa các tàu chiến Nhật nhưng lại bị 4 tàu tuần tiễu của Nhật phát hiện trên đường rút chạy.

Ivan Lebedev, thuyền trưởng tàu Dimitrii Donskoi, quyết không đầu hàng, ra lệnh các thủy thủ mở hết tốc lực, đưa tàu chạy trốn. Không may cho Dimitrii Donskoi là tàu chiến Nga đụng độ với 2 tàu tuần dương cỡ nhỏ thế hệ mới của Nhật. Đây những tàu có hỏa lực trung bình nhưng đạt tốc độ cao, vượt trội so vơi Dimitrii Donskoi.

Cuộc truy đuổi diễn ra rất ác liệt cho đến khu vực ngoài khơi đảo Ulleungdo của Hàn Quốc. Dimitrii Donskoi là tuần dương hạm bọc thép nên chịu được nhiều loạt đạn pháo của các tàu Nhật Bản.

Tàu Dmitrii Donskoi được cho là bị đánh chìm khi đang chở theo 5.500 thùng vàng trị giá 133 tỷ USD.

Sau 2 ngày giao chiến, đến sáng ngày 29/5/1905, các thủy trên tàu đã kiệt sức, 60 người thiệt mạng và 120 người khác bị thương. Thuyền trưởng Lebedev ra lệnh cho những người còn sống sót sơ tán lên đảo, trước khi cho đánh chìm tàu Dimitrii Donskoi.

Đội tàu Nhật sau đó đổ bộ lên đảo bắt sống những người còn sống sót vừa rời tàu Dimitrii Donskoi. Việc đánh đắm tàu chiến không còn khả năng chạy trốn là chiến thuật thường thấy của hải quân các nước trong suốt một quãng thời gian dài của lịch sử, bao gồm cả Thế chiến 2. Các thiết bị lặn thô sơ khi đó không thể giúp tiếp cận xác tàu đắm.

Đăng Nguyễn / Theo: Dân Việt
Link tham khảo: