Saturday, December 31, 2016

CHÉN CHÚ, CHÉN ANH!

Tối nay về nhà ba má tôi cùng mấy anh em, các con, các cháu vui vầy bên nhau trong một bữa cơm tối "tả bín lù" và đồ ăn Nhật gọi là "Christmas Party" dù "Lạy chúa con là người ngoại đạo nhưng tin có chúa ngự trên cao", cũng nên nói thêm từ ngày thằng em tôi theo đạo, ba tôi cũng có treo bức ảnh của Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp trong nhà để cầu mong thêm nhiều may mắn.


"Chén cha, chén con, chén anh,chén em" trong bữa ăn, về đến nhà lai rai thêm mấy ly nữa nên cũng hơi xỉn xỉn. Nãy giờ tìm tài liệu post lên cho các bạn đọc chơi nhưng đầu óc hơi mông lung, quay qua, quay lại chỉ thấy trang của BS Hoàng là có nhiều đề tài để giới thiệu. Vậy thì xỉn theo xỉn cho các bạn một bài. (LKH)

CHÉN CHÚ, CHÉN ANH!

Bạn đọc nếu có hảo ý theo dõi các hoạt động truyền thông của tôi thì đã ít nhiều có thể ghi nhận tôi là nhà điều trị không đặt nặng giá trị tuyệt đối vào các hình thức kiêng khem đơn điệu. Theo tôi, chức năng của thầy thuốc là trị bệnh cho dứt, trị bệnh cho sớm, trị bệnh cho hay. Nếu người bệnh tìm đến thầy thuốc trong cảnh não nề tuyệt vọng chỉ để nhận thêm một bản giới răn khắc nghiệt nào đó, thì “thầy thuốc”, cho dù có được bệnh nhân lịch sự ưu ái đặt tên như thế, chỉ mới làm “thuốc” nhưng quên làm “thầy”.
Tuy nhiên, tôi đành phải phá lệ một lần vì khó lòng tách khỏi khuôn khổ kiêng khem với nội dung bài viết lần này, cho dù ai đó có ráng sức biện bạch “nam vô tửu như kỳ vô phong”.


Nếu luận về tầm nguy hại của rượu mạnh trên gan, thận, thần kinh, tâm lý… thì đúng là làm mất thời giờ của bạn đọc vì trước tôi đã không có không biết bao nhiêu nhà khoa học mổ xẻ vấn đề này đến tận chi tiết cuối cùng. Bỏ công bài bác men cay thì nhiều nhưng thành quả lại rất khiêm tốn, vì rượu vẫn được bày bán nhan nhản. Nhắm mắt cũng đoán được, đường biểu diễn con số đối tượng nghiện rượu, viêm gan, xơ não… sẽ tiếp tục tăng nhanh hơn dân số trên các nước nghèo! Thôi thì đành bó tay làm ngơ với rượu mạnh để bàn về… bia! Nước Đức thường ví von như xứ sở của bia. Sai, nếu nhìn cảnh hè phố Sài Gòn sau giờ tan sở ( tôi cố tránh không viết “trong giờ làm việc”), thì nước ta mới xứng đáng là đất nước đang lên… men!
Phải viết ngay để trấn an số ẩm khách đang vui vì bia. Bia không có hại cho sức khỏe nếu dùng trong tiết độ. Thanh gươm quý là thanh gươm còn cài trong vỏ. Rút gươm quá thường thì bảo kiếm có khác gì dao đồ tể! Chuyên gia ở Đại học J. Hopkins đã xác minh rõ ràng, người uống đúng nửa lít bia mỗi ngày ít bị tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim hay viêm tĩnh mạch thuyên tắc! Các nhà nghiên cứu ở Anh còn dễ thương hơn nữa khi tán thêm, chỉ cần uống đúng một phần tư lít bia mỗi ngày thậm chí có thể cải thiện chức năng gan! Các nhà điều trị ở Đại học Goettingen, Đức, cũng đã mạnh miệng bào chữa cho bia khi chứng minh, người uống bia thật điều độ có hàm lượng chất béo trong máu thậm chí còn tốt hơn người lắc đầu ngoảnh mặt với hơi cay. Điều độ bao giờ cũng mật thiết với liều lượng.
Nhưng đừng quá vội mừng. Tất cả dẫn chứng nêu trên chỉ có kết quả mong muốn trên người có lá gan chưa bị thương tổn về rượu. Như thế, nếu chưa có lần vào bệnh viện vì rượu thì nên liệu mà điều chỉnh lượng bia mỗi ngày để biến bia thành… thuốc! Được như thế thì y thuật mới trọn nghĩa toàn hảo, vì có thuốc nào ngon như… bia!


Việc lạm dụng bia chính là nguyên nhân dẫn đến một số bệnh chứng đang rất thường gặp trong giới doanh nhân:
• Trước hết bia làm tăng chất sinh sạn khớp (acide urique) và dẫn đến bệnh thống phong, sạn thận, bệnh ngoài da… Chiêu thuốc hạ acide urique bằng ngụm bia cho trơn cổ họng thì quả thật trọn nghĩa mâu thuẫn của cuộc đời.
• Bia làm tăng huyết áp. Nhiều loại thuốc hạ huyết áp dễ bị mất tác dụng chỉ vì người bệnh sau ít giờ uống thuốc lại khui chai bia. Thường thì không trúng xe du lịch mà lại trúng xe… cấp cứu!
• Người uống trên 15 lít bia mỗi tháng, theo kết quả nghiên cứu ở Anh, nơi nổi tiếng với bia đen, thì cầm chắc trong tay phần ung thư, không ruột thì cũng bàng quang! Chắc chắn sẽ có nhiều khách sành điệu tìm cách bào chữa: bia ở nước mình là bia trắng mà! Trắng hay đen gì cũng thế, đã là bia mà uống đến phình bụng thì người uống sớm muộn gì cũng là tấm… bia của bệnh tật!
Rượu cũng có năm bảy đường… rượu! Nếu rượu mạnh là chất độc, nếu bia dễ trở thành chất độc khi bia bước nhẹ ra ngoài đường ranh liều lượng, thì rượu chát, trong hình thức tiết độ, lại là thuốc quý! Thức uống được Pasteur không ngần ngại tán dương như món uống có giá trị cao nhất trong tập quán dinh dưỡng của loài người, đã từ lâu được chứng minh về tác dụng kháng khuẩn, thông mạch, giúp tiêu hóa cải thiện biến dưỡng, phòng chống ung thư, chống lão hóa… Nói theo kiểu “quảng cáo”, biết cách uống rượu chát thì sống lâu, ít bệnh. Điều đáng tiếc là thói quen dùng ly rượu chát sau bữa ăn chiều (ly khác với chai, ly đề cập ở đây cũng không đồng nghĩa với ly… cối!) vẫn còn quá xa lạ với nhiều người trong nước. Điều đáng tiếc hơn nữa là hiện có nhiều loại rượu chát “made in Vietnam” với chất lượng không thua hàng ngoại. Điều đáng tiếc hơn nữa là nhiều nhà sản xuất rượu chát trong nước cứ tiếp tục bỏ công làm rượu cho khéo, nhưng lại quên quảng bá sự hữu dụng về mặt sức khỏe của rượu chát cho người tiêu dùng.


Bỏ hẳn rượu, tránh hẳn bia là điều chưa hẳn đúng, thậm chí quá sai là khác. Thử tưởng tượng, buổi tiệc cưới linh đình liệu có còn giữ lại dư âm ngày vui, nếu thực khách khi nâng ly chỉ toàn… nước suối! Tôi không có ý mượn bài viết này để rao lời thánh hiền. Công việc đó xin nhường cho các bậc chân tu. Với ít dòng phân tích thô thiển, tôi chỉ mong người còn nặng nợ với men cay cứ yên tâm thưởng thức, nhưng cần quán triệt với hai tiếng “rượu chè”. Vấn đề chỉ xoay quanh một điểm rất đơn giản: chú muốn bao nhiêu chén là quyền của chú vì cuộc đời của chú thuộc về… chú!, nhưng anh đây trước sau chỉ một chén, hay cao lắm là… hai!
Thêm một lời gây nhiều bất mãn cho một số đồng nghiệp: nếu người lái xe không được phép uống rượu vì an nguy của khách đi đường, thì tại sao thầy thuốc được phép hành nghề khi nhà điều trị đang… xỉn!
(trích từ Thuốc đắng đã tật”)
Bác Sĩ Lương Lễ Hoàng

MÓN CANH CHUA VUA CŨNG THÈM

Thú thật với các bạn, mới nhìn qua cái hình minh họa, tôi tưởng là con lươn hay con cá chình nhưng tai sao bài viết gọi là cá lạc. Tôi chưa biết qua bao giờ nên mới tìm xem.



Như vậy trước khi đọc bài viết mình phải tìm hiểu xem con cá lạc là con gì. Tôi dám chắc các bạn ở thành phố và không mấy thích ăn cá biển thì chắc chắn sẽ không bao giờ nghe qua tên con cá lạc như tôi.
Cá dưa xám
Cá dưa xám, hay cá lạc, cá lạc bạc hay cá lạc ù hay còn gọi là mạn lệ ngư, (danh pháp hai phần: Muraenesox cinereous) là một loài cá biển thuộc họ cá Muraenesocidae, phân bố ở vùng biển Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Ở Việt Nam, cá lạc phân bố ở vùng biển phía Nam như Phú Yên, Đà Nẵng.
Đặc điểm sinh học
Cá lạc có mỏ dài, mình tròn, thân hình ống dài, hình dạng giống cá chình, phía thân trước tiết diện ngang gần như tròn, phần thân sau dẹt về một bên. Thân cá trơn, không vẩy. Khoảng cách giữa 2 lỗ mũi khá rộng. Mõm ngắn, hình nón hơi nhô ra. Mắt lớn, đường kính của mắt có thể bằng 2 đến 2,5 lần chiều dài của mõm.
Miệng cá rộng, hàm trên kéo dài vượt quá mắt. Hàng răng nanh ngoài cùng của hàm dưới dài, hướng thẳng lên trên. Răng nanh nằm trên xương khẩu cái. Lỗ mang mở rộng nằm dưới vây ngực. Vây lưng và vây bụng liền nhau tạo thành cả vây đuôi. Vây ngực phát triển. Toàn thân màu xám, bụng trắng bạc hay ở lưng có màu xám lợt, bụng có ánh vàng. Cá dài trung bình từ 1,5 đến 2m. Về khối lượng, có con to cỡ bằng bắp chân người lớn, con nhỏ cỡ chừng bằng ngón chân người lớn, cá thường sinh sống ở tầng nước sâu ngoài biển. Loại cá này rất nhiều xương trong thịt. Cá lạc có hai loại, loại cá lạc mình có màu vàng gọi là cá lạc vàng, ngoài ra còn có cá lạc ù mình màu xám trắng.


Giá trị
Thịt cá lạc
Theo y học cổ truyền, cá lạc có tên là mạn lệ ngư, vị ngọt, tính bình, không độc. Công dụng trừ các thứ độc, chữa phong lở, tê thấp, đau lưng, mỏi chân, sát trùng lao. Còn theo các nhà dinh dưỡng, cá lạc rất bổ dưỡng, chứa nhiều chất béo, calcium, sắt và Vitamin A. Cá lạc được chế biến nhiều món ăn ngon, hấp dẫn như: nướng, chiên, hấp, kho dưa cải, nấu canh chua, cá lạc nấu cà ri, cá lạc nướng sả.
Bây giờ đại khái, các bạn biết con cá lạc rồi chớ? Bây giờ mời đọc bài viết sau đây nói về "con cá lac":  (LKH)

MÓN CANH CHUA VUA CŨNG THÈM
Đó là câu nói vui của ba về món canh chua cá lạc. Nhớ một lần má đi chợ về, nói với ba là chợ có cá lạc tươi rói nhưng em không mua. Đầu năm mà ăn cá lạc là… lạc đường lạc ngõ. Ba chưng hửng, nói “má thằng cu ơi, lạc đây là lạc “vui” chớ hổng phải như má nó nghĩ đâu”. Má vặn, “hỏi vui là vui cách sao?”


Ba thủng thẳng: “Cá lạc thịt dai, thơm ngon, lành tính, nấu canh chua thì… vua cũng thèm. Thằng cu mình mà ăn cá này bảo đảm lớn… vùn vụt vì cá có chất bổ xương. Má nó coi, không vui sao được”. Má nguýt ba, nói “bổ xương cho thằng cu hay để anh gật gù với rượu?”
Nói vậy thôi nhưng má “lén” ba, luồn ngõ sau đi chợ “tăng” hai, nê về một con cá lạc mập ú, dài… miên man, da bóng nhẩy. Má làm cá. Ba hăng hái ra vườn kiếm chuối chát, khế, cà chín cho má nấu canh chua.
Nhìn cái cách ba “nhiệt tình” giúp má, mình biết tỏng thế nào ổng cũng múc riêng một tô rồi sai mình mua bánh tráng, tiện đường mời bác Sáu hàng xóm qua chơi. Ba cà rà bên má, nói “anh hổng dám mơ tới thịt, chỉ chút da thôi là “toại nguyện” lắm rồi”. Má nói “đừng có om sòm làm bộ làm tịch, cứ tha hồ mà ăn, em mua tới một con lận”. Nồi canh chua cá lạc thơm từ bếp thơm lên.


Không phải lần đầu tiên ăn canh chua cá lạc nhưng lần nào tôi cũng ngây ra, tự hỏi cà thơm thì đã đành, nhưng chuối chát với khế thì thơm nỗi gì? Vậy mà khi vào nồi canh, 2 món phụ gia này tỏa mùi hương vừa chua vừa thanh như lời chị Hai nói: “Cà, khế, chuối bùi bùi, chua chua, chát chát mà thơm ngát mâm cơm”.
Còn “nhân vật” chính là cá lạc thì khỏi nói. Da cá dẻo thơm. Thịt cá ngọt lừ, trắng phau khiến người đau đang đắng miệng ăn cũng thấy ngon. Riêng cái khoản nước chấm thì ba là người giản đơn số một: Rót nước mắm nguyên chất, dùng đũa dằm trái ớt là xong.
Ba nói nước chấm vậy mới “tôn vinh” được miếng cá lạc, mới thấy thế nào là mặn mòi. Chứ còn lúc nào cũng tỏi chanh đường, nước mắm mất đi cái đậm đà bản sắc. Mình để ý, hễ mỗi lần ba say sưa “luận” về món ăn và cách ăn thì bác Sáu “tăng cường” gắp gắp, chấm chấm, nhai nhai, nuốt nuốt, chỉ nói mỗi một từ “đúng đúng”.


Có lần mình thỏ thẻ chuyện này với ba, ba cười khà khà nói: “Thằng này thương ba dữ bây. Nhưng đó là nhịn miệng đãi khách con à. Ăn cá lạc phải “vui”. Vui nhất là ba hiểu được “văn hóa canh chua” từ bàn tay đảm đang của má”.
Theo Trần Cao Duyên (Vĩnh Long Online)


ĐỪNG SỐNG TRONG QUÁ KHỨ

Cho dù quá khứ có như thế nào thì tất cả cũng đã trôi qua. Bạn không thể làm được gì để thay đổi bất cứ điều gì đã qua, do đó bạn cần phải chuyển sự tập trung của mình vào những gì đang xảy ra ở ngay tại đây và ngay lúc này. Rất khó để có thể quên đi những gì đã qua nữa, nhưng nếu bạn muốn thành công trong cuộc sống, bạn cần phải chuyển sự tập trung của mình sang những gì đang xảy đến với bạn ngay lúc này.


Bạn thường muốn nhắc đi nhắc lại những điều đã qua bởi vì nó thật kinh khủng hay bởi vì nó thật tuyệt vời, nhưng dù là thế nào đi chăng nữa, bạn vẫn phải bỏ nó lại phía sau bởi vì cách tốt nhất để sống là sống trong thực tại.
Nếu bạn đang nhớ lại những việc đã qua bởi vì bạn cảm thấy hối tiếc thì bạn cần phải hiểu rằng bạn không thể quay trở lại và làm lại những gì bạn đã làm. Nếu bạn vẫn cảm thấy tội lỗi thì bạn chỉ đang huỷ hoại chính mình. Tất cả chúng ta đều đã có những quyết định sai lầm làm ảnh hưởng không tốt đến những người xung quanh chúng ta, những người mà chúng ta cho rằng chúng ta yêu quý họ nhưng họ lại chính là những người bị chúng ta đối xử theo một cách đáng hổ thẹn. Bạn không thể làm bất cứ điều gì để giũ bỏ được trách nhiệm. Điều mà bạn có thể làm đó là cố gắng để không đưa ra những quyết định sai lầm thêm một lần nữa. Đó là tất cả những gì mà bất kỳ người nào cũng đòi hỏi ở bạn - rằng chúng ta nhận thức được về chỗ mà chúng ta đã gây ra rắc rối và cố gắng hết sức để không lặp lại điều đó.


Nếu quá khứ là những gì tốt hơn đối với bạn và bạn khao khát sẽ lại có được những ngày tháng huy hoàng đó, bạn hãy học cách biết trân trọng những kỉ niệm nhưng ngay bây giờ bạn cần phải tiếp tục tiến lên và cố gắng để có được một khoảng thời gian đẹp đẽ khác. Nếu thật sự là sẽ tốt hơn nếu bạn quay trở lại quá khứ (hãy bỏ những hình ảnh đầy màu hồng đó ra ngoài một lát) thì có lẽ bạn sẽ lý giải được chính xác tại sao bạn lại muốn quay trở lại - tiền bạc, quyền lực, sức mạnh, sự vui vẻ, sự trẻ trung. Sau đó, bạn hãy tiếp tục tìm kiếm những con đường mới để khám phá. Tất cả chúng ta đều cần phải bỏ lại phía sau những gì là tốt đẹp và tìm kiếm những thử thách mới, những lĩnh vực mới để thôi thúc chúng ta tiến lên.
Hàng ngày, việc chúng ta thức dậy là một sự khởi đầu mới và chúng ta có thể nghĩ tới những gì chúng ta muốn, viết những gì chúng ta thích lên tờ giấy còn trống. Để giữ mãi được sự hăng hái có thể rất khó khăn - cũng giống như việc cố gắng duy trì việc tập thể dục. Một vài lần đầu có thể bạn gặp rất nhiều khó khăn nhưng nếu bạn kiên trì thì đến một ngày bạn sẽ nhận thấy bạn đang chạy bộ, đi dạo, đi bơi mà không hề có ý thức gì về việc cần phải nỗ lực, nhưng khi mới bắt đầu thì thật sự rất khó khăn và đòi hỏi phải dồn hết sự tập trung, sự hăng hái, lòng nhiệt huyết và sự kiên nhẫn để làm điều đó.


Hãy thử coi quá khứ của bạn như là một căn phòng tách biệt với căn phòng mà bạn đang ở bây giờ. Bạn có thể đi vào đó nhưng bạn không bao giờ còn sống trong đó nữa. Bạn có thể ghé thăm nó nhưng nó không còn là mái ấm của bạn nữa. Mái ấm là ở đây - là căn phòng hiện tại này. Mỗi giây phút của hiện tại đều rất quý giá. Đừng lãng phí bất kỳ khoảnh khắc quý báu nào với việc dành quá nhiều thời gian ở trong căn phòng cũ kỹ đó. Đừng bỏ lỡ bất cứ điều gì đang diễn ra ngay lúc này chỉ vì bạn quá bận bịu với việc nhìn lại những gì đã qua, hay sau này bạn cũng sẽ bận bịu với việc nhìn lại những gì đang xảy ra tại thời điểm này và tự hỏi tại sao bạn lại lãng phí nó. Bạn hãy sống ở ngay tại đây, ngay bây giờ và ngay giây phút này.
Những quy tắc trong cuộc sống
Tác giả: Richard Templar

KỲ THÚ NGÔI CHÙA VÀNG NẰM CHÊNH VÊNH TRÊN TẢNG ĐÁ

Ngôi chùa Kyaiktiyo còn gọi là chùa Đá Vàng, thực sự là một kiệt tác của thiên nhiên, gắn liền với nó một truyền thuyết huyền bí. Nhìn hình dáng chênh vênh của ngôi chùa này, không ít người lo sợ rằng nó sẽ đổ xuống bất cứ khi nào. Tuy nhiên, nó vẫn vững vàng cùng năm tháng.

Thay vì tránh xa tảng đá chênh vênh này, người dân lại đổ về ngôi chùa Đá Vàng (chùa Kyaiktiyo) ở Myanmar để cầu nguyện.
Chùa Kyaiktiyo được xây dựng vào năm 574 trước Công Nguyên và được xem như một trong những kỳ quan của vùng Đông Nam Á. Chùa này chỉ cao 7,3m, nằm bên cạnh là tảng đá lớn được phủ bởi các lá vàng do những người hành hương dán lên khi đến chiêm bái. Chùa Kyaiktyo được tương truyền là một trong ba ngôi chùa cất giữ báu vật của Phật.
Theo truyền thuyết, Đức Phật trong một lần xuống hạ giới đã tặng một sợi tóc cho vị ẩn sĩ tên TaikTha. TaikTha đã giữ gìn sợi tóc của Phật một cách cẩn thận. Trước khi qua đời, ông trao sợi tóc lại cho người con nuôi là vua Tissa (Vua của Myanmar), với mong muốn “hãy cất giữ xá lợi này trong một hòn đá có hình dáng như đầu của vị ẩn sĩ”.
Nhà vua thừa kế quyền lực siêu nhiên từ cha mình là Zawgyi (thành thạo thuật giả kim), và mẹ là một công chúa rắn Naga. Vua Tissa với sự giúp đỡ của các thần linh, đã tìm đến hòn đá nằm trên đỉnh núi Kyaikhtiyo, ông đã cho xây một ngôi chùa trên đỉnh để thờ cúng xá lợi Phật. Và người ta tin rằng, chính nhờ có sợi tóc của Đức Phật mà hòn đá này nằm yên trên một vị trí cheo leo hiểm hóc hàng trăm năm nay. Tuy nhiên, hòn đá thiêng khổng lồ này vẫn có thể chuyển động tới lui nhưng hoàn toàn thăng bằng, vững vàng

Tảng đá dát vàng trông như sắp trượt ra khỏi nền đá phía dưới xuống đám đông. Tuy nhiên, nhiều người cho biết chùa vẫn đứng vững suốt nhiều thế hệ, mặc mưa lớn, gió bão.
Theo tục lệ, chỉ có những người đàn ông có thể lại gần khu vực Hòn Đá Vàng để có thể dán những miếng vàng dát mỏng lên, áp đầu vào hòn đá và cầu nguyện. Còn phụ nữ thì không được đi vào khu vực Hòn Đá Vàng, họ chỉ có thể lặng lẽ thành kính dâng lễ vật cúng lên các bàn thờ rồi quỳ trên nền đất, cầu nguyện hàng giờ trong khói hương mờ ảo.

Các tín đồ Phật giáo là nam giới được phép đi qua rào chắn để dán các lá vàng lên tảng đá, thể hiện lòng thành.
Hòn Đá Vàng được coi là một trong những tác phẩm nghệ thuật thăng bằng hoàn hảo, kỳ thú của tự nhiên. Bởi vị trí đặc biệt của hòn đá, dân địa phương gọi là hòn đá thiêng. Họ thờ cúng lễ bái rất thành tâm, đa số người Burna rất nghèo khó nhưng họ dành dụm chắt chiu để cùng nhau thếp vàng lên toàn bộ hòn đá . Để leo lên Golden Rock, những người hành hương và du khách phải cởi bỏ giày dép và đi bằng chân trần.

Nhiều người dành dụm vàng để dán lên hòn đá
Ngày nay, chùa Kyaiktiyo không chỉ điểm hành hương nổi tiếng của tín đồ Phật giáo ở tỉnh Mon, Myanmar, mà còn là điểm đến quan trọng trong lộ trình hành hương của du khách trong nước cũng như quốc tế. Chùa Kyaiktiyo ngày càng trở nên hấp dẫn đối với khách hành hương, du lịch. Và tảng đá thiêng càng trở nên kỳ bí hơn đối với khách thập phương.

Nơi này được coi là thánh địa linh thiêng thứ ba với các tín đồ theo Phật giáo Burma (Miến Điện). Tương truyền, ngôi chùa được xây trên một sợi  tóc của Đức Phật.
Người dân thắp nến và cầu nguyện quanh tảng đá này đã nhiều năm, đông nhất là vào mùa hành hương.
Các tín đồ tin rằng ai tới chùa Đá Vàng 3 lần một năm sẽ được phù hộ và trở nên giàu có.
Du khách có thể ngắm nhìn toàn cảnh ngôi chùa độc nhất vô nhị này từ đỉnh núi cạnh đó.
Dòng người đổ về ngắm nhìn ngôi chùa lạ lùng, không quản ngại con đường gập ghềnh để tới cho được nơi gọi là Thánh địa này.
Tuệ Tâm, tổng hợp

ĐIỀU THẤY ĐƯỢC Ở ĐỊA NGỤC

LÀM QUAN TUYỆT ĐỐI KHÔNG ĐƯỢC ỨC HIẾP BÁ TÁNH

Đột nhiên có một ngày, Mẫn Ngọc Thương thức dậy tử rất sớm, triệu tập tất cả bạn bè người thân đến và nói với họ....



Mẫn Ngọc Thương tiên sinh ở Hàng Châu cả đời làm quan thanh liêm. Sau khi được thăng lên chức Hình Bộ Lang Trung, mỗi tối, đều đi tới âm ti đảm nhiệm chức vụ Diêm Vương. Mỗi tối đến canh hai, ở bên đó đều phái một cỗ xe ngựa đến để tiếp đón ông. Âm ti tổng cộng có năm điện, Mẫn Ngọc Thương quản lý điện thứ năm. Trước mỗi lần thăng điện, Tổng Phán Quan mang đến một viên thiết hoàn, nhìn giống như quả trứng gà, nặng khoảng 1 lạng, mời ông nuốt vào bụng, sau đó mới bắt đầu thẩm tra án kiện.

Phán Quan nói: “Đây là an bài của Thượng Đế, ngài (chỉ Thượng Đế) sợ rằng khi Diêm La Vương xử lý các vụ án ở âm ti, lưỡng lự tư tình, cho nên lệnh cho ông nuốt viên thiết hoàn đó, để giữ áp chế tâm của ông ta. Đây là phương pháp thường lệ được dùng hàng mấy nghìn năm nay”. Thượng Đế biết: Bá tánh bị quan tham tại dương gian vì tư tình mà xử sai, thống khổ không chịu nổi. Sau khi chết rồi, đến âm gian, lại còn bị chịu hãm hại, thì thật sự chẳng còn nơi nào có thể giải oan cho họ nữa. Cho nên ngài quy định: Diêm La Vương trước khi xử án, bắt buộc phải nuốt thiết hoàn, để ức chế tư tâm mà lo liệu việc công tâm.




Trước mỗi lần xử án, Mẫn Ngọc Thương theo lệ nuốt viên thiết hoàn. Đợi khi xử lý hết các án xong, liền nhả viên thiết hoàn ra, rửa sạch, giao lại cho Phán Quan thu giữ.

Mẫn Ngọc Thương xử lý các sự vụ tại âm gian xong, buổi sáng thức dậy đều quên hết. Tuy nhiên cũng có lúc nhớ, nhưng ông trước giờ đều không nói cho ai biết cả. Ông bình thường chỉ khuyên mọi người không nên ăn thịt bò, thường xuyên niệm 《Chú Đại Bi》 mà thôi. Tuy vậy, sau này ông nhấn mạnh một điều: làm quan tuyệt đối không được ức hiếp bách tính !



Đột nhiên có một hôm, Mẫn Ngọc Thương thức dậy rất sớm, triệu tập bạn bè thân thích lại và nói với họ: “Tôi bây giờ mới biết: Làm quan nhất định phải thanh liêm, nếu không chỉ có thể làm được những việc tốt nhỏ nhặt, không có tác dụng gì. Đêm qua, biểu đệ của tôi Lý Mỗ qua đời, linh hồn của anh ta được giải tới âm ti, Phán Quan lấy những việc sai trái khi làm quan của anh ta trình báo cho tôi, xin chỉ thị của tôi, yêu cầu tống anh ta vào địa ngục, sau khi thẩm vấn định ra tội danh, thì phát công văn cho Đông Nhạc Đại Đế thực thi. Tâm tôi vì anh ta (biểu đệ Lý Mỗ) mà cảm thấy khó chịu, bèn lấy thẻ ngục để lên trên án, nháy mắt ra hiệu cho Lý Mỗ 3 lần. Lý Mỗ nói bình thường không ăn thịt bò, khi anh ta làm quan, cấm chỉ tư hạ giết mổ bò, liệu có thể dùng công đức này để giảm bớt tội của bản thân. Tôi còn chưa lên tiếng. Phán Quan liền phản bác anh ta: “Đây là điều Mạnh Tử đã nói, đó là ơn nghĩa đối với loài cầm thú, ngươi đối với lão bách tính tàn khốc như thế, mà lại còn muốn giảm tội sao, không có ích gì đâu. Người không ăn thịt bò, tại sao lại ăn thịt người, uống máu người ?”



Lý Mỗ biện giải nói: “Tôi chưa từng ăn thịt người”. Phán Quan nói “của cải – mồ hôi nước mắt của dân chính là thịt người”. Ngươi làm tham quan, ăn chặn mồ hôi nước mắt của hàng nghìn vạn người, cho dù không ăn thịt bò, người thử nghĩ kỹ xem, một việc làm nhỏ nhặt ấy có thể giảm nhẹ tội ác to lớn của người không ?”. Lý Mỗ nghe vậy không nói được gì nữa.



Tôi biết Lý Mỗ từ trước đến nay thường niệm 《Chú Đại Bi》. 《Chú Đại Bi》được âm ti xem trọng nhất. Vì thế, tôi viết ba chữ “Chú Đại Bi” lên lòng bàn tay, rồi chìa tay ra cho anh ta xem. Lý Mỗ đột nhiên không niệm nổi một từ nào. Tôi thay anh ta niệm vài câu, tất cả Phán Quan và dịch lại đều đồng loạt quỳ xuống nghe, từ phía Tây bỗng nhiên có một đám mây màu đỏ bay tới. Lúc đó, viên thiết hoàn trong bụng tôi bắt đầu làm cho bụng tôi đau, chuyển động qua trái qua phải, làm cho ruột tôi như muốn xé ra. Tôi đau đến mức không còn cách nào bèn vội vàng cầm lấy ngục bài, dùng bút đỏ phê chuẩn, lệnh cho quan dịch lại đưa Lý Mỗ xuống địa ngục. Đến lúc này, viên thiết hoàn trong bụng tôi mới chịu yên trở lại. Tôi tiếp tục thẩm tra một án nữa mới quay trở về.



Những người thân thích hỏi tôi: “Vậy cuối cùng có được ăn thịt bò hay không ?” Mẫn Ngọc Thương nói: “câu trả lời nằm giữa được ăn và không được ăn”. Hỏi đạo lý ở đâu, ông ta nói: “Việc này giống như việc trân trọng những tờ giấy đã viết rồi, Thánh nhân không lấy điều này cho vào phạm vi cấm kỵ, chỉ có điều nếu có tâm muốn phát triển nông nghiệp và văn học, lấy những sự vật đồng loại đem so sánh và suy luận, thực ra nó có cùng bản chất. Cấm ăn thịt bò là nhân từ. Nhưng, hãy thử nghĩ xem, công chí vô tư, để cho thiên tử cho đến bách tính đều có áo mặc, công lao ấy còn lớn hơn con bò nhiều, tính mạng người so với bò càng quý hơn, vì sao phải luộc bò nấu bò, lấy ruột, lòng bò để ăn, kỳ thực không có ai nghĩ cho nó, cấm chỉ giết nó, tại sao vậy ? Đều là bởi vì thiên địa có nguyên tắc: Con người mới là quý báu, còn súc vật không đáng quý như vậy, đó là cái lý đương nhiên. Cho nên, làm quan bắt buộc phải liêm khiết công minh ! Ức hiếp bóc lột bách tính chính là ăn thịt người, là uống máu dân, đó là tội ác cùng cực. Bất luận là có làm được việc thiện nào, cũng không thể giảm nhẹ được tội ác to lớn đó !”

(Viết theo sách “Tử Bất Ngữ” của Viên Mai, đời nhà Thanh)


Tác giả: Huệ Thuần Chỉnh Lý, Dajiyuan | Dịch giả: Việt Nguyên

BÍ MẬT CỦA PHONG THỦY

Xưa nay người ta vẫn chú trọng về phong thủy, và thường coi phong thủy ở phần mộ tổ tiên hoặc nhà ở, đất cát… Tuy nhiên điều trọng yếu ở phong thủy lại không phải nằm ở đó.


Bí mật của phong thủy, không phải ở phần mộ tổ tiên, cũng không phải nhà ở…

Vậy như thế nào là phong thủy?

“Phong” là sự chuyển động của không khí, di động liên tục từ nơi này đến nơi khác. “Thủy” có nghĩa là “nước”, là dòng chảy lưu động.

Phong thủy nguyên lai là gì đây? Đặc biệt trọng yếu chính là ở bốn chữ “tâm sinh vạn pháp”, vô cùng đơn giản, nhưng cũng đúng đắn phi thường.





Tất cả trong phong thủy bao gồm:

Đầu tiên trong phong thủy là gì? Chính là Người

Thứ hai trong phong thủy là gì? Là Tâm

Thứ ba trong phong thủy là gì? Là Hành vi

Người có lòng biết ơn, luôn nghĩ tốt cho người khác, cái này gọi là tụ quang. Quang hướng về phía trước, biểu hiện ở trên mặt, chính là nụ cười. Khuôn mặt vui vẻ mỉm cười, miệng tựa như đóa hoa sen, khẳng định sẽ phát tài.

Người thường xuyên có ý nghĩ không tốt, oán hận người khác, ghen tị với người khác, cái này gọi là tụ âm. Khí âm thì trầm xuống, biểu hiện ở trên mặt, chính là vẻ mặt u ám rầu rĩ, cáu bẳn, khẳng định là gặp xui xẻo, vận xui.



Ngọn nguồn của phong thủy, ở chỗ hiếu thân tế tổ, yêu quý gia đình, cung kính tổ tiên, thì sẽ tự nhiên ăn sâu bén rễ, cành lá tự nhiên tốt tươi. Sự nghiệp thịnh vượng, gia đình thịnh vượng, gặp nhiều quý nhân, mọi sự đều hưng thịnh.

Một người mà không hiếu thuận với cha mẹ, là tuyệt đối không thể làm đại quan, bởi vì anh ta bất hiếu thì liền sẽ không tôn trọng thượng cấp, đồng sự và mọi người, anh ta hằng ngày cuộc sống lẫn công tác cũng sẽ không thuận lợi, cả đời liên tục suy sụp, ở thời khắc trọng yếu mà bại trận.

Trong phong thủy, phúc nhân cư phúc địa. Nghĩa là, người nếu như có phúc, thì chỗ ở của người đó nhất định là phúc địa. Nếu chỗ ở của bạn vốn dĩ không phải là phúc địa, thì bạn cũng có thể ngụ ở đó và biến nó thành phúc địa.

Cho nên, quan trọng nhất của phong thủy chính là bản thân mình phải thay đổi, chính mình cải biến, khi sửa đổi tâm mình, thì các loại vấn đề của phong thủy, nếu như vốn trước đó không thuận lợi cũng sẽ tự nhiên mà tiêu mất.

Xưa nay mọi người đều biết phong thủy ảnh hưởng đến con người, nhưng lại có rất ít người biết rằng con người có thể ảnh hưởng và hình thành phong thủy:



Người thích nỗ lực cố gắng, phúc báo càng ngày càng nhiều;

Người thích cảm ơn, thuận lợi càng ngày càng nhiều

Thích giúp người, quý nhân càng ngày càng nhiều;

Thích oán hận, phiền não sẽ càng ngày càng nhiều;

Thích hài lòng, khoái hoạt càng ngày càng nhiều;

Thích trốn tránh, thất bại sẽ càng ngày càng nhiều;

Thích chia sẻ, bằng hữu càng ngày càng nhiều;

Thích tức giận, bệnh tật càng ngày càng nhiều;

Thích lợi dụng, bần cùng liền càng ngày càng nhiều;

Thích bố thí, phú quý càng ngày càng nhiều;

Thích hưởng thụ, thống khổ liền càng ngày càng nhiều;

Thích học tập, trí tuệ liền càng ngày càng nhiều.



Một cuộc sống hạnh phúc sung sướng thật sự, không có gì ngoài “tích phúc tạo phúc”. Chúng ta cần phải tích đức, tích phúc, quý trọng gia đình và mọi người xung quanh mình.

Bảo An, theo NTDTV

Friday, December 30, 2016

NGÀY MAI ĐẾN TRƯỚC HAY KIẾP SAU ĐẾN TRƯỚC?

Mùa holiday năm nay không có đi đâu xa, chỉ nghỉ vài ngày ở nhà, mấy hôm trước ngồi xem và có giới thiệu với các bạn bộ "Ký Sự Hỏa Xa", xem xong rồi nên qua bộ khác.
Đang ngồi xem "Mê Kông ký sự", có đoạn nói qua về cung Potala và người Tây Tạng, nghe người thuyết minh nói về cuộc sống của người Tạng tộc. Hỏi họ suy nghĩ hay lo âu nhiều về điều gì:" suy nghĩ về kiếp trước, mơ hồ về kiếp sau hay lo lắng cho mưu sinh trong hiện tại" nhưng câu nói thường xuyên nhất của họ là: "Hãy coi chừng kiếp sau của anh sẽ đến trước ngày mai" 


Câu nói mang đầy triêt lý nhân sinh, tôi bật ngay cái laptop, bay lên mạng tìm xem có gì liên hệ hay bổ xung. Tình cờ đọc được bài viêt thật cảm động, nó nói lên cái u hoài của cuộc sống, cái lo âu vớ vẩn nhưng có thể xảy ra bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu mà người "được sống" hay "bị chết", "giàu sang" hay nghèo khó" phải chăng là do cái "nghiệp"?
Nếu không có ngày mai: 
NGÀY MAI ĐẾN TRƯỚC HAY KIẾP SAU ĐẾN TRƯỚC?
Có lẽ bạn sẽ trả lời tất nhiên là ngày mai rồi đúng không? Nếu không phải là ngày mai, thì sao? Petalia xin chia sẻ cùng bạn chuỗi các câu chuyện và bài viết về chủ đề này.
Hôm qua tôi ngẫu nhiên đọc được một câu chuyện giản dị trên facebook của một giáo viên trẻ ở Singapore, Matthew Zachary Liu. Liu nghe được tin về máy bay MH17 trên đường đến trường và quyết định rằng buổi dạy của anh ngày hôm qua sẽ không diễn ra theo cách bình thường.


Lớp học của Liu có 40 học sinh mới 9 tuổi. Anh đến và viết lên bảng chữ MH17. Không nhiều đứa biết chuyện gì đã xảy ra. Anh kể cho chúng rằng đó là một chiếc máy bay đã bị rơi ở miền Đông Ukraine và đã có gần 300 người chết. Anh hỏi chúng nghĩ thế nào. Một em đứng lên và nói rằng mình cảm thấy buồn vì có những người đã mất đi người thân của mình. Bọn trẻ cũng hiểu rằng chuyện tương tự hoàn toàn có thể đã diễn ra với một chiếc máy bay Singapore.
Anh hỏi có bao nhiêu bạn quan tâm nếu đó là một chiếc máy bay Singapore? Tất cả các cánh tay giơ lên. “Tôi bảo chúng hãy tưởng tượng rằng trên chiếc máy bay đó có một người bạn cùng lớp. Nếu như điều cuối cùng mà các bạn làm hoặc nói với bạn đó là lời trêu chọc hoặc bắt nạt thì sao? Các em sẽ cảm thấy gì?”. Thày Liu bảo các em quay sang vỗ vai bạn bên cạnh và nói rằng mình yêu bạn. Cả lớp làm theo và những tràng cười xuất hiện. “Một em còn chạy sang lớp khác để ôm bạn của mình” – Liu kể.


Thoạt trông thì việc nói với trẻ con về cái chết có vẻ lẩm cẩm, nhưng đó là một suy nghĩ không bao giờ thừa. Cho đến đêm qua, thì câu chuyện của thày Liu đã thu được 23 nghìn lượt thích và hơn 8 nghìn lượt chia sẻ.
Báo Telegraph, Anh hôm qua có bài viết: “Chuyến bay MH17 và sự hỗn loạn của thế giới mới”. Sẽ rất mất thời gian để giải thích khái niệm “sự hỗn loạn của thế giới mới” từ cái nhìn của những nhà kinh tế học và xã hội học, để hiểu được sự tranh chấp giữa các siêu cường và hệ lụy – mà thảm kịch MH17 là một trong số đó.
Trong sự hỗn loạn này, khi “lần đầu tiên sau bảy thập kỷ, thế giới không có vai trò của người dẫn dắt” (báo Foreign Policy, tháng 5/2012), khi các siêu cường vẫn đang mải mê phân chia hành tinh, mỗi con người trong chúng ta đều đối mặt với sự thiếu ổn định ở mức cao hơn trước. Hãy cứ tưởng tượng rằng một chính sách trả đũa kinh tế của Mỹ có thể khiến một doanh nghiệp Trung Quốc đóng cửa nhà máy ở Bình Dương. Bỗng nhiên có hàng nghìn thanh niên mất việc, đói khát, tuyệt vọng, không thể về quê mà tìm cách trụ lại trên đường phố TP HCM bằng nhiều cách, kể cả những cách như tôi đã đọc trên các trang báo pháp luật. Rất buồn lòng.


Một quả tên lửa bắn đi từ xung đột của các nhóm lợi ích không nhất thiết phải là một quả tên lửa theo nghĩa đen và nạn nhân không nhất thiết phải đang bay qua vùng chiến sự.
Thật ra, đó chỉ là những phân tích để cảm nhận rõ thêm sự thiếu ổn định của thế giới. Chứ không cần đến sự mất trật tự này, thì bản thân cuộc sống đã khó lường rồi. Nếu có điều gì chúng ta học được từ thảm kịch của MH17, khi hàng trăm người bỗng nhiên đi vào hư vô mà không phải bởi “nghiệp” của họ, thì đó không phải tranh chấp Nga – phương Tây, không phải là bản chất của Euromaidan hay vấn đề ngoại giao nào, mà đó là sự vô định của kiếp người.


Không phải ngẫu nhiên mà bài học quá đỗi đơn giản của thày giáo Matthew Zachary Liu lại được yêu thích như thế. Không biết lần cuối cùng chúng ta vỗ vai một người bạn, lần cuối chúng ta ôm con là khi nào. Không biết ngày mai chúng ta có còn cơ hội làm việc đó hay không. Không biết, hôm nay chúng ta đã yêu thương đủ nhiều để ngày mai ra đi cũng không phải hối tiếc hay chưa?
Đức Hoàng (Vnexpress)

NHỮNG ĐIỀU THÚ VỊ QUANH VIỆC ĂN CHAY Ở CỐ ĐÔ HUẾ

Tục lệ ăn chay có từ bao giờ? Các món sẽ được nấu ra làm sao? Ăn như thế nào? Rất có thể bạn chưa biết hết đâu…


Ở Việt Nam, nhắc đến ăn chay không thể không nhắc tới Huế, nơi có nhiều món ăn chay nhất, thậm chí việc nấu đồ ăn chay ở Huế đã trở thành một nghệ thuật. Việc ăn chay đã thịnh hành từ thời Lý – Trần cho đến đời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725), Huế trở thành thủ phủ của Phật giáo, tục ăn chay cũng bắt đầu phổ biến ở Huế trong cả tầng lớp quý tộc lúc bấy giờ. Cho đến ngày nay, người Huế, từ bình dân đến quý tộc, đều có truyền thống ăn chay, cốt để cho tâm hồn thanh tịnh.
Nếu như bạn có dịp ghé thăm Huế vào những dịp lễ, đến các ngôi chùa ở nơi đây, bạn sẽ được thưởng thức cỗ chay mà nhà chùa thường làm để đãi phật tử bốn phương. Mâm cỗ chay rất đơn giản chỉ gồm tương, muối, rau, dưa… đều là những sản vật do các vãi cùng những phật tử trồng ngay trong vuờn chùa. Bữa cơm đạm bạc là thế nhưng lúc nào cũng thu hút rất nhiều người.


Người Huế không chỉ ăn chay vào ngày rằm, ngày mồng một hay ngày lễ, họ ăn chay như một thói quen thường nhật. Dường như quanh năm, cơm chay đều thường xuyên xuất hiện trong bữa ăn của những gia đình người Huế. Họ định ngày ăn chay trong tháng gọi là trai kỳ; ăn chay hai ngày rằm, ngày ba mươi gọi là nhị trai; ăn chay bốn ngày gọi là tứ trai. Và cứ ngày mười bốn và cuối tháng âm lịch hay ngày Phật đản, phần lớn các quán bún bò của Huế đều đổi món bán bún chay.


Ở Huế, hầu hết các gia đình đều tự nấu những món chay cho bữa ăn. Bữa cơm chay tham đạm cũng là cách mà người Huế bày tỏ sự quý mến và tấm chân thành với bạn bè. Đây là một nét văn hóa độc đáo mà có lẽ chỉ có riêng ở xứ Huế. Bữa ăn ngày Tết cũng vậy, mâm cỗ ngày Tết ở Huế thường là mâm cỗ chay, cho đến ngày nay, tuy đã có nhiều thay đổi, nhưng món chay vẫn là những món không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết của người Huế.


Đến với Huế, bạn sẽ được thưởng thức từ cơm chay, bún chay,…cho đến đùi gà chay, cá chay, giò chay… Củ, quả, đậu, dầu thực vật phút chốc đều biến thành những món ăn bắt mắt và hấp dẫn vô cùng. Đủ các món sơn hào hải vị từ nem công, chả phượng, giò lụa, thịt gà đến tôm hùm, cá rán nom đẹp mắt vô cùng nhưng đều được chế tác từ… thực vật. Điểm đặc biệt là ngay khi thưởng thức, vẫn cứ ngỡ như là thịt cá thật. Đó chính là cái tài chế tác từ những bàn tay nội trợ điệu nghệ xứ Huế. Sự kết hợp hài hòa màu sắc của rau, đậu, hoa quả đã được xào nấu bằng dầu thực vật, xì dầu, hoặc những món rau sống, khế chua, dưa hành, nộm hoa chuối…v.v, rồi bày trí các món ăn trên bàn ăn sao cho đẹp mắt cũng rất được quan tâm. 


Các món ăn thường được bày ít, và xếp trên những chiếc đĩa nho nhỏ, khiến thực khách thưởng thức rồi mà vẫn có cảm giác thòm thèm muốn ăn thêm chút nữa. Món khai vị cho một bữa tiệc chay ở Huế thường là cà rốt, đu đủ được tỉa thật khéo để trang trí xung quanh những lát chả phù được làm từ lá phù chúc màu vàng mơ, xen lẫn là mì căn gói bánh tráng chiên giòn làm nem rán. Súp măng cua được nấu từ bắp non, nấm rơm, hạt sen… Và tất nhiên không thể thiếu cơm, xôi…


Không chỉ vậy, bạn còn có thể được thưởng thức bánh bèo, bánh lọc, bánh ít… với nhân chay. Và một món ăn quen thuộc thường xuất hiện trong những bữa cơm chay của người Huế chính là món chao. Chao là món ăn có vị gần giống như một món mặn, được chế biến từ đậu nành, làm thành đậu khuôn, đậu khuôn ủ lên men thì thành chao. Chao có hương vị rất hấp dẫn và bảo quản được lâu ngày.


Đất Huế thơ mộng, lại mang nét văn hóa ăn chay độc đáo, thật dễ khiến lòng người nhớ mãi không nguôi…
Theo PLXH
(Sưu tầm trên mạng)


MỘT THUỞ CẦN THƠ



MỘT THUỞ CẦN THƠ 
tác giả: Trúc Thanh Tâm

Ta đứng bên nầy bờ hiện tại
Tiếc thời thơ ấu đã rong chơi
Màn sương huyền ảo trên cành lá
Ngang trời lạc lõng tiếng vạc rơi

Xóm Chài, đò nhỏ qua bến đợi
Xin vớt giùm ta chút hồn nhiên
Ánh mắt em nhìn đời rất lạ
Làm sao nói hết chút tình riêng

Ngồi quán cà phê, trưa khói bụi
Nhớ em áo tím xóm Cả Đài
Đợi chuyến xe Lam về Bình Thủy
Thương bạn mình rớt tú tài hai

Mưa Cái Răng, dạt về Tham Tướng
Mấy nhỏ bạn xưa đã có chồng
Ly rượu đầy vơi, đời khốn khổ
Mùa hè cũng lạnh cứ gì đông

Một thời hoa mộng đâu còn nữa
Lúm tiền duyên và mái tóc dài
Ta nghe từng giọt thời gian rụng
Bến Ninh Kiều, một ánh trăng phai !

TRÚC THANH TÂM



Sơ lược tiểu sử tác giả:




Trúc Thanh Tâm, tên thật  Dư Thanh Tâm, sinh ngày 21/08/1949, tại Long Mỹ ( Cần Thơ ), Quê gốc: Cái Nước ( Cà Mau ), lớn lên và làm Văn nghệ ở Cần Thơ . Làm thơ, viết văn đăng báo, tạp chí từ năm 1964. 

- Sáng lập : Văn nghệ Hoa Thời Gian, Thi văn đoàn Trăng Nguyên Thủy, Văn nghệ Cần Thơ (hoạt động đến 1975)
- Bút danh khác : Lý Thị Phương Hà, Lê Nghiêm Châu, Trương Hoài An, Bá Tùng, Hải Hà, Rạng Đông...
Hiện nay sinh sống tại Châu Đốc.

(Sưu tầm trên mạng)

HỌ ĐẠO PHỤNG HIỆP

Tôi đang tìm thêm về những món ăn ngon hay chốn đẹp của miền Tây Đô, thấy giới thiêu về chợ nổi Phụng Hiệp mà bây giờ chắc không còn. Chợ nổi thì nhiều nơi có nên không tìm thêm nữa, tình cờ xem được một tài liệu làm cho tôi không dè là họ đạo ở Phụng Hiệp lâu đời đến như vậy.


Tôi không phải là người có đạo nên không biết nhiều về các nhà thờ ở Cần Thơ dù tôi có nhiều bạn người Công Giáo mà đôi lần đến nhà bạn dự lễ Noel hay đến nhà thờ chánh tòa Cần Thơ ở Cầu Xéo. Sau này biết thêm dường như có một nhà thờ nữa ở nửa đường vào Cái Răng, cập theo mé sông (?), lúc tôi làm việc một thời gian ngắn ở trường An Thạnh 2 (?) không biết nhớ đúng không nhưng nhớ là trường Trinh Vương cũ trước 1975) khoảng cuối năm 1978 (dường như bây giờ là trường Lương Thế Vinh thì phải) trước khi rời quê hương.
Tài liệu này đăng trong trang mạng của Giáo Phận Cần Thơ, nó mang tính chất lịch sử cho bạn nào muốn tìm hiểu. (LKH)

HỌ ĐẠO PHỤNG HIỆP – 70 NĂM HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN


Bảy nhánh sông chảy vào Phụng Hiệp,
Sóng nước ân tình như điệp khúc hoan ca.
Ai về Phụng Hiệp quê ta,
“Đất lành chim đậu”, phù sa dâng tràn.

I. NGUỒN GỐC ĐỊA DANH
Sau khi chiếm trọn Nam kỳ Lục tỉnh (1867), ngày 01/01/1868, thực dân Pháp nhanh chóng lập hạt thanh tra Cần Thơ trên cơ sở huyện Phong Phú cũ. Ngày 23/3/1876 lại đổi thành hạt tham biện Cần Thơ với 9 tổng, 90 làng. Thời điểm này, Cần Thơ vẫn chưa thành lập quận. Chịu khó truy tìm tư liệu ở giai đoạn này, ta mới lần ra manh mối vùng Phụng Hiệp - Ngã Bảy xưa thuộc đơn vị hành chính nào.
Theo Tự điển địa danh hành chính Nam bộ của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư (xuất bản năm 2008) ghi nhận: "Làng Phụng Hiệp, tổng Định Hòa thành lập vào ngày 01/01/1903". Lại truy tìm địa danh tổng Định Hòa, mới khám phá thêm chi tiết: "Tổng Định Hòa thuộc hạt tham biện Cần Thơ, lập mới từ ngày 28/01/1892, gồm 15 làng: Thạnh Hưng, Thạnh Xuân, Trường Khánh, Thường Bình, Như Lăng (trước thuộc tổng Định Bảo), cùng các làng mới thành lập là: Đông Sơn, Long Sơn, Mỹ Trường, Phú Hòa, Phụng Sơn, Phụng Tường, Tân Thạnh Hòa, Tân Hiệp, Mỹ Thanh Đông, Xuân Hòa". Như vậy, về phía Bắc tổng Định Hòa giáp đến Cái Tắc (Làng Như Lăng), phía Nam cận kề làng Xuân Hòa (thuộc huyện Kế Sách sau này).


Đến năm 1903, bổ sung thêm làng Phụng Hiệp. Mổ xẻ tên "Phụng Hiệp" phải chăng đó là từ ghép xuất xứ bởi sự chia tách, giải thể các làng có mang từ "Phụng" và từ "Hiệp" trước đó như Phụng Sơn, Phụng Tường và Tân Hiệp cũng đều thuộc đầu thời Pháp thuộc tổng Định Hòa? Hoặc giải nghĩa theo lối chiết tự: "Phụng" là loài chim quí, "Hiệp" là hợp lại. Phải chăng Phụng Hiệp xưa có nhiều loài chim sinh sống, nên nhà cầm quyền đặt địa danh Phụng Hiệp để cho thấy: đây là nơi đất lành chim đậu, ngụ ý mong muốn người tứ xứ kéo về sinh sống làm ăn?
Năm 1903 tổng Định Hòa lại chia đôi thêm tổng Định Phước. Có lẽ đây là giai đoạn khởi đào kinh Ngã Bảy, dân cư quy về đông hơn nên có điều kiện lập thêm làng mới.
Định Phước lúc này có 7 làng: Thường Phước, Như Lăng, Trường Thạnh Sơn, Long Mỹ, Song Mỹ, Đông Sơn, Phụng Hiệp. Tổng Định Hòa còn lại 8 làng: Thạnh Xuân, Thạnh Hưng, Tân Bình, Hội Mỹ, Trung Hưng, Tân Hưng, Mỹ Phước, Tân Lập.
Như vậy đã rõ: tổng Định Hòa là địa danh hành chính đầu tiên của vùng Phụng Hiệp - Ngã Bảy xưa.
II. GIAI ĐOẠN THÀNH LẬP
Năm 1942, tại Thị trấn Phụng Hiệp chỉ có ba gia đình Công Giáo sốt sắng, nhiệt thành, hàng tuần, hàng tháng phải đi vô trong Phụng Tường dự lễ và lãnh Bí tích. Những gia đình này khởi đầu như men, làm nảy sinh ra các gia đình khác.
Đến năm 1945, vì vấn đề an ninh cha JB. Võ Hiền Sư – cha sở Phụng Tường phải rời bỏ Phụng Tường ra ở Phụng Hiệp. Trong khoảng thời gian này, ngài vẫn còn trở về Phụng Tường để dâng Thánh Lễ và ban các Bí Tích. Đến năm 1946, ngài mới chính thức nhậm chức cha sở họ đạo Phụng Hiệp.
Khởi đầu bao giờ cũng khó khăn và nhiều thiếu thốn: không một nơi để thờ phượng, không có chỗ cho chủ chăn, ngài phải ở tạm nhà giáo dân.
Cảm tạ hồng ân Thiên Chúa, ngay giai đoạn đầu khó khăn này, họ đạo có những giáo dân nhiệt thành và quảng đại, cùng với vị chủ chăn của mình chung góp công sức xây dựng họ đạo. Ông bà Tư Trinh là một gia đình Công Giáo nhiệt thành và sốt sắng, ông bà đã dâng cho họ đạo miếng đất mua lại của ông Galine (người pháp) làm nhà xứ, nhường hai lẫm lúa làm nhà thờ và trường học.
Lòng nhiệt thành, sự lo lắng của Cha JB. Võ Hiền Sư đã càng ngày càng làm cho bầu khí của họ đạo thêm ấm cúng và sốt sắng.
III. GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN
Trong thập niên 1940, những vùng xung quanh càng ngày càng mất an ninh, số đông dân chúng, trong đó có số đông người công giáo đã lánh ra Phụng Hiệp sinh sống. Do đó, số giáo dân ngày càng đông. Cha JB. Võ Hiền Sư cố gắng lo cho họ đạo phát triển về mọi mặt. Đến năm 1954, vì nhu cầu giáo vụ, ngài được Đức Giám Mục bổ nhiệm về coi sóc họ đạo Bãi Giá (1954 – 1958). Sau đó, 1958, cha được bài sai vể làm cha sở Năng Gù (giáo phận Long Xuyên ngày nay). Cha qua đời đột ngột ngày 30.10.1962. Trong lúc đang ngồi lấy khẩu cung hôn phối, cha cúi mặt xuống bàn và tắt thở. Linh cửu cha Gioan Baotixita được an táng tại đất thánh Năng Gù.


Đến năm 1954, cha Ca-rô-lô Huỳnh Tuấn Tú (1954 – 1955) kế nhiệm cha JB. Sư. Trong thời gian này, Cha vừa là cha sở Phụng Hiệp, kiêm nhiệm các họ đạo khác như: Phụng Tường, Xuân Hòa, Ba Trinh. Sau hiệp định Genève (1954), tình trạng an ninh đã giãn hồi, nên một số gia đình công giáo trở về quê hương của mình, số giáo dân giảm đi. Nhưng cha đã cố gắng làm cho sinh hoạt của họ đạo được phát triển tốt đẹp.
Đến năm 1956 – 1957:
Cha Phê-rô Nguyễn Quang Trọng về phụ trách họ đạo. Chỉ trong một năm, mà cha cố gắng sửa sang lại nhà thờ, nhà xứ. với tầm nhìn xa về tương lai của họ đạo, căn nhà nhỏ bé không đủ dung nạp số giáo dân trong tương lai, nhất là Nhà Chúa cần phải khang trang, xứng hợp hơn.
Cho nên, ngài đã mua miếng đất của bà Thử; ông bà Phê-rô Nguyễn Văn Đức dâng thêm miếng đất 2780 m2; ông bà Phê-rô Nguyễn Văn Sang dâng thêm 1200 m2. Nơi này, lúc đầu chỉ là miếng đất xình lầy và cỏ rác. Nhưng cha cố gắng quy động nhân công để vượt nền nhà thờ, xây trường tiểu học… công việc đang tiến hành tốt đẹp, ngài vâng phục Đức Cha sang du học tại Roma.
Từ năm 1957 – 1960 :
Cha Giuse Trần Minh Chiêu là cha sở Vinh Phát, cha cố gắng tiếp nối công việc còn dang dở, rất nặng nề của họ đạo Phụng Hiệp. Ngôi trường Tiểu Học Phụng Sự ra đời, với ba lớp học khang trang, mát mẻ. bà con lương giáo ai ai cũng phấn khởi vì từ nay, con em họ có nơi học giáo lý và văn hóa đàng hoàng.
Cơ sở giáo dục đầu tiên của họ đạo bắt đầu sinh hoạt với số học sinh lương giáo khá đông, với sự phục vụ của nữ tu dòng Chúa Quan Phòng. Tiếp đến, ngài vận dụng nhân công để tiếp tục vượt nền nhà thờ. Trong thời gian cha Giuse coi sóc, cha đã thành lập các hội đoàn: Gia Đình Phạt Tạ, Legio Mariæ, hội Con Đức Mẹ….
Từ năm 1960 – 1966:
Tiếp nối công việc của cha Giuse Trần Minh chiêu, cha Giacôbê Lê Văn Tỏ lo cho các đoàn thể CGTH được sống mạnh, và hăng say trong việc tông đồ. Năm 1962 ngài xây cất nhà quý Sœur, đơn sơ nhưng tiện nghi, ngăn nắp. nhờ đó quý Sœur có điều kiện để phục vụ họ đạo và giáo dục các em thiếu nhi trong họ đạo.
Năm 1963, khởi công xây Thánh Đường Phụng Hiệp (chiều dài = 36m; ngang = 14m, với tháp chuông cao 22m). Đến tháng 7 – 1964, cha được gọi về TGM làm quản lý.
Trong thời gian này, cha Gia-cô-bê vẫn quan tâm, lo lắng và cộng tác với cha Tô-ma Võ Thành Năng để xây cất ngôi nhà thờ. Trong năm này, ngôi Thánh Đường Phụng Hiệp đã được khánh thành.
Từ năm 1966 – 1967:
Cha Augustino Huỳnh Văn Mão đã cố gắng tô điểm thêm cho tháp chuông, bàn ghế cho lớp học và nhà thờ được hoàn chỉnh, và củng cố lại các hội đoàn, làm cho tinh thần sinh hoạt họ đạo ngày càng phát triển.
Một năm sau, cha vâng lệnh Đức Giám Mục lên đường nhận nhiệm vụ mới……


Từ năm 1967 – 1970:
Cha Antôn Nguyễn Hữu Văn được Đức Cha bổ nhiệm về coi sóc họ đạo. một cha sở nhiệt tâm và có nhiều sáng kiến, cha đã hăng say với phong trào Công Giáo Tiến Hành, làm cho các hội đoàn sống lại trong tinh thần mới và trẻ trung hơn, sốt sắng hơn.
Cha đã xây nhà xứ, một trệt, một lầu, với 4 phòng rộng rãi mát mẻ, và các cơ sở hạ tầng: nhà bếp, phòng giáo lý. Và vì nhu cầu giáo dục trong thị trấn, ngài xây cất và mở trường Trung Học Phụng Sự với ban giáo sư uy tín, tận tình với học sinh. Trong thời gian này Đức Giám Mục bổ nhiệm cha Giuse Nguyễn Đức Cường về để giúp cha sở điều hành nhà trường và chia sẻ với ngài trách nhiệm họ đạo.
Từ 1970 – 1974:
Cha Đôminicô Vũ Ngọc Tường đang phụ trách trường Trung Học Rạng Đông (Sóc Trăng) được Đức Giám Mục bổ nhiệm làm cha sở.
Với tinh thần hoạt động hăng hái, và có nhiều kinh nghiệm về giáo dục, ngài đã tiếp tục lo cho trường Trung – Tiểu Học Phụng Sự càng thêm phát triển.
Trong thời gian này cha phó Giuse Cường chuyển đi, cha Phê-rô Chu Quang Minh về thay thế. Một thời gian sau, cha Đôminicô Cao Quang Ngoạn về thay thế Cha Minh.
Đến 8/1974, vì lý do sức khỏe, cha Đôminicô phải nghỉ bệnh, Đức Giám Mục bổ nhiệm cha Giuse Phạm Văn Chỉnh về thay thế cho đến khi có cha sở mới.
Từ năm 1975 – 1976:
Cha Giuse Nguyễn Công Định rời Lộ 20 về nhậm sở họ đạo Phụng Hiệp, được tròn 1 tháng cha phải đi nơi khác. Trong thời gian này, họ đạo không có cha sở. Nhưng có các nữ tu Chúa quan Phòng phụ giúp. Cha sở Phụng Tường Augustinô Nguyễn Huy Tưởng đến dâng Thánh Lễ, ban các Bí Tích khi cần thiết.
* CHA GIOAN BAOTIXITA NGUYỄN THANH TƯỚC:
Từ năm 1976 – 2004: Ngày 12-2-1976, tin vui đã đến với họ đạo. khi Đức Giám Mục bổ nhiệm cha Gioan Baotixita. Nguyễn Thanh Tước. một linh mục trẻ trung năng động, với nhiều kinh nghiệm mục vụ tại Chánh Tòa, với nhiều kinh nghiệm giáo dục ở trường Đồng Tâm, Tây Đô…
Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, ngài cố gắng đem lại bầu khí tin tưởng, sốt sắng cho mỗi giáo dân trong họ đạo. trong tinh thần giao tiếp tế nhị, cha đã gây được uy tín về đạo cũng như đời. Cha còn phải vất vả kiêm nhiệm lo cho họ đạo Vinh Phát.


* XÂY DỰNG KIẾN THIẾT: Cho dù nền kinh tế tụt hậu do chiến tranh, nguồn lợi của họ đạo cũng không có bao nhiêu. Thế nhưng, nhờ sự cộng tác tích cực của Quý Hội Đồng Giáo Xứ, và giáo dân, ngài đã kiến thiết một số công trình đáng kể:
1. Đài Đức Mẹ: ngày 19-10-1977 khởi công xây Đài Đức Mẹ.
Tượng đài Đức Mẹ do Đại Chủng Viện Thánh Quý tặng cho họ đạo Phụng Hiệp .
Chúa Nhật ngày 5-12-1977, ba hồi chuông vang lên, cung nghinh Đức Mẹ lên Đài, trong sự hiện diện của toàn thể giáo dân trong họ đạo. Mọi người phấn khởi vui mừng, có người xúc động đến rơi lệ, vì từ nay khi bước vào nhà Chúa đều qua Mẹ, thấy Mẹ đứng đó, hiền từ tha thiết mời gọi đoàn con hãy vững tin trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay.
2. Cung Thánh: ngày 14-01-1980, tu sửa lại gian Cung Thánh cho phù hợp với Công đồng chung. Cung thánh mang nhiều sắc thái đông phương, dochính cha sở thiết kế. Tiếp đến, ngài cũng lo tu sửa lại mái nhà thờ, tôn tạo lại nền nhà thờ, chỉnh trang lại khuôn viên nhà thờ ngăn nắp, kín đáo hơn.
Sau hơn 28 năm gắn bó với họ đạo. Cha Gioan Baotixita đã được Chúa gọi về ngày 10/07/2004. Trong tâm tình kính nhớ, họ đạo chúng con chân thành ghi nhớ công ơn của cha Gioan Baotixita, và luôn cầu nguyện cho cha.
Từ năm 9/2004 – nay:
Khoảng hai tháng sau, ngày 22-09-2004, Đức Cha Emmanuel bổ nhiệm cha Alphonso Lê Kim Thạch về coi sóc họ đạo. Với tinh thần chịu khó, hòa nhã, khiêm tốn, cha Alphonso tiếp tục công việc của vị tiền nhiệm của mình trong việc củng cố các hội đoàn, và tái thiết các công trình làm cho nhà Chúa trang nghiêm hơn.
Lúc bấy giờ, cơ sở hạ tuần xuống cấp: nhà thờ ẩm thấp, thấm nước, nhà sinh hoạt còn thô sơ, sân nhà thờ thì ngập nước…
* XÂY DỰNG NHÀ SINH HOẠT:
Ngày 19/3/2007 khởi công xây dựng ngôi nhà sinh hoạt cho họ đạo.
Ngôi nhà được thiết kế kiểu hội trường, một trệt, một lầu, phù hợp cho việc sinh hoạt giáo lý, và hội họp.
Nhờ ơn Chúa giúp qua lời chuyển cầu của Mẹ Maria Nữ Vương. Ngày 01/01/2008, Đức Cha Emmanuel làm phép và khánh thành.


* XÂY DỰNG NGÔI THÁNH ĐƯỜNG MỚI:
Ngày 01/08/2009 khởi công xây dựng ngôi Thánh Đường mới. Trong thời buổi kinh tế bị khủng hoảng toàn cầu, vấn đề kinh phí dự trù quả là khó khăn. Nhưng với sự tin tưởng mạnh mẽ vào bàn tay Chúa Quan Phòng, và Mẹ Maria Nữ Vương Hòa Bình, bổn mạng của họ đạo, và sự khéo léo, kiên trì, nhã nhặn của cha Alphonso. Cho đến ngày hôm nay (2012) công trình xây dựng đang sớm bước vào khâu hoàn thiện.
Mặc dù vậy, nhưng khó khăn thách thức vẫn còn đó. Để cho công việc xây dựng nhà Chúa được hoàn thành. Chúng con xin quý cha, quý tu sĩ, quý ân nhân xa gần tiếp tục cầu nguyện, và giúp đỡ cho họ đạo chúng con. Chúng con mãi mãi khắc ghi công ơn của quý vị.
Đây là những tư liệu còn lưu giữ lại, chắc chắn còn nhiều thiếu sót. Kính xin những ai còn lưu giữ tư liệu cũng như hình ảnh liên quan đến họ đạo Phụng Hiệp. xin gởi về cho chúng con, để chúng con sớm hoàn thành quyển kỷ yếu “70 năm thành lập họ đạo”.
Nguồn: Giáo Phận Cần Thơ (16/10/2014)