Friday, December 9, 2016

MÀU HOA NHƯ MÁU TRONG TIM

Nếu chỉ được chọn một loài hoa để giới thiệu đến độc giả thì tôi, dựa vào bối cảnh dịch tể trong nước, sẽ không ngần ngại dành ưu tiên cho loài bụp giấm (Hibicus sabdariffa), không vì sắc màu hấp dẫn của cánh hoa, mà vì phần hoạt chất khiêm tốn núp kín trong đài hoa.


Nếu xét về mặt điều trị thì đặc tính nổi bật hàng đầu của loài bụp giấm chính là tác dụng kháng sinh. Do đó không lạ gì khi thầy thuốc cổ truyền Ấn Độ từ mấy ngàn năm đã chọn bông bụp làm thuốc trị nóng sốt cho bệnh nhân bị bội nhiễm, khi hồng đài là vị thuốc cơ bản trong thang “Ngũ Hoa Giải Độc” rất quen thuộc với thầy thuốc Trung Y. Nhiều công trình nghiên cứu đã chứng minh tác dụng kháng sinh của hồng đài trên lắm loại vi trùng sinh bệnh trong đường tiêu hóa, hô hấp và tiết niệu. Hồng đài vì thế nên là thức uống để phòng ngừa bội nhiễm cho người phải sinh hoạt trong môi trường thuận tiện cho sự phát triển của vi sinh, nấm mốc, từ người phải ngồi nhiều giờ trong phòng gắn máy lạnh cho đến đối tượng dù không muốn nhưng mỗi ngày phải hít bụi khói của công trường, cơ xưởng…


Nhưng nếu chỉ dùng bông bụp theo kiểu “ăn xổi” mỗi lần bội nhiễm thì thật đáng tiếc. Hàm lượng rất cao của nhiều hoạt chất thuộc nhóm tiền sinh tố A và flavonoide trong hồng đài chính là cơ sở vững chắc cho tác dụng ngừa ung thư, ngăn xơ vữa mạch máu và chống lão hóa của loài hoa mang màu rực rỡ. Do đó nên áp dụng thành phẩm dẫn xuất từ hồng đài trong ý nghĩa điều trị dự phòng cho người lớn tuổi, cho bệnh nhân ung thư sau khi xạ trị hay áp dụng hóa liệu pháp. Đi xa hơn nữa, theo như kết quả nghiên cứu gần đây, hồng đài có tác dụng bảo vệ niêm mạc và mạch máu trước độc chất trong môi trường ô nhiễm và giảm tầm tác hại của tia tử ngoại cũng như quang xạ từ màn hình. Thức uống có hoạt chất của hồng đài vì thế nên có trong tầm tay của người phải làm bạn với máy vi tính thường hơn với người thân.


Muốn tìm dược liệu thiên nhiên có công năng giải độc thì không mấy khó. Nhưng tìm được hoạt chất có khả năng giải độc toàn diện thì không phải dễ. Hồng đài đúng là “chuyên gia” giải độc nhờ có tác dụng lợi mật, lợi tiểu, nhuận trường vừa nhẹ nhàng lại thêm đồng bộ. Hơn thế nữa, một số công trình nghiên cứu đã chứng minh khả năng làm tan sỏi mật của hồng đài. Với người có cơ tạng dễ sinh sạn thận, cụ thể là đối tượng có nhiều người thân đã khổ vì sạn trên đường tiết niệu, hồng đài có tác dụng ngừa sạn một cách toàn diện nhờ vào cơ chế vừa thay đổi môi trường của nước tiểu để sạn khó kết tủa, vừa chủ động hạ chất sinh sạn (acid uric) trong máu. Nạn nhân của chứng thống phong (bệnh gout) vì thế không nên quên là giải pháp rất đơn giản đang chờ đợi trên hàng dậu bên đường.


Nếu chỉ dựa vào màu đỏ như máu của bông bụp để đoán mò về ảnh hưởng trên hệ tuần hoàn thì cũng không sai. Bên cạnh tác dụng hạ chất mỡ trong máu của hoạt chất trong hồng đài đã được chứng minh trong thực nghiệm cũng như trên thực tế, bụp giấm còn giúp điều hòa huyết áp bằng cách chống co thắt mạch máu. Chén trà hồng đài vì thế nên có mặt cho thường trên bàn ăn của đối tượng phải đối đầu với nguy cơ nhồi máu cơ tim hay tăng huyết áp. Cũng dựa trên cơ chế thông mạch, một số nhà điều trị ở Đức đã từ nhiều thập niên áp dụng tinh chất của hồng đài để trị chứng nhức đầu nữa bên (thiên đầu thống) do rối loạn nội tiết tố của quý cô vào tuổi dậy thì, quý bà trong thời mãn kinh. Tặng hoa hình như hiện nay đang đúng mốt. Tại sao lại không chọn thêm ít đóa hồng đài cho trọn nghĩa sức khỏe m?i lần muốn chứng minh khả năng nịnh đầm?


Chiều hôm qua có dịp về ngang ngôi trường cũ. Cúi nhặt cánh bông bụp vương vãi trên thềm xưa mà cứ tưởng như thời gian của bốn mươi năm dịu vợi đã dừng lại một lần. Biết làm thế nào mượn màu cánh hoa để tô lại cuộc đời cho bớt nét bạc trắng như vôi?
Bác sĩ Lương Lễ Hoàng
(Sưu tầm trên mạng)


No comments: