Thursday, December 8, 2016

MÍT NÀI LÀ SA KÊ ?

Tôi đọc bài về cây Mít Nài đã lâu rồi nhưng chưa tiện post, hôm qua post bài giới thiệu về cây Sa Kê nên sẵn post lên luôn một lược cho các bạn thắc mắc "Mít Nài và Sa Kê"


Thắc mắc này tôi đã có khi đọc bài về cây Mít Nài, tôi có lên mạng tìm tòi, lúc bài liên hệ được đăng trên "Thời báo Kinh Tế Sài Gòn online", có rất nhiều độc giả thắc mắc vì nghĩ là có sự lẫn lộn giữa cây Sa Kê và cây Mít Nài . Tờ báo có cho người xuống Cần Thơ tìm gặp tác giả là anh Lâm Văn Sơn và cuối cùng có một giải thích mà tôi sẽ post sau đây. Lời giải thích cũng rất chính đáng nhưng trên mạng lại có những giải thích khác nên có lẽ sẽ có người hoang mang.
Nguyên buổi chiều nay, khi thấy comment của các bạn thắc mắc, tôi lên mạng lục thêm nhiều lần nữa để giải đáp phần nào cho các bạn. Cuối cùng tôi có thể nói cho các bạn biết: Cây Sa Kê không phải là cây Mít Nài. Dân Cần Thơ kêu cây Mít Nài thì đúng là có cây Mít Nài mới kêu được, để rồi có cái tên góp vào việc hình thành lịch sử Cần Thơ.
Cây Mít Nài và Sa Kê giống nhau như anh chị em sinh đôi, lá giống, thân giống, trái giống nhưng ruột không giống kiểu "cha mẹ sinh con, trời sinh tính". Các bạn xem hình tôi post để so sánh.
Để dễ hiểu:
- Một loại tên khoa học là ARTOCARPUS ALTILIS, người VN gọi là cây Sa Kê, tiếng Anh là BREADFRUIT TREE, trái không hột, người ta ăn thịt của trái.
- Một loại tên khoa học là ARTOCARPUS CAMANSI, người VN ở Cần Thơ gọi là cây MÍT NÀI, tiếng Anh gọi chung là BREADNUT TREE, trái có hột rất to, người ta chỉ ăn hột thôi.
Còn bây giờ mời các bạn đọc bài giải thích của Mai Lĩnh đăng trong Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online. (LKH)



MÍT NÀI LÀ SA KÊ ?

Sau hai bài viết về di tích Đàn Tiên Cái Khế ở thành phố Cần Thơ của tác giả Lâm Văn Sơn, có bạn đọc cho rằng tác giả đã nhầm lẫn giữa cây sa kê với mít nài và hình ảnh minh họa trong bài chính là cây sa kê. Sau đó, nhiều người khác tham gia bàn thêm về thông tin này, nhiều bạn còn trích dẫn các nguồn từ Internet để chứng minh cho ý kiến của mình.
Câu trả lời từ thực tế
Chúng tôi đã về Cần Thơ, gặp anh Lâm Văn Sơn và được anh đưa đến viếng chùa Hiệp Minh, nơi còn lại duy nhất một cây mít nài. Cũng thật may vì trong khu vườn của ngôi chùa này cũng có một cây sa kê có độ cao tương ứng với cây mít nài gần đó.


Chùa Hiệp Minh nằm cạnh chợ Mít nài (đường Huỳnh Thúc Kháng, phường An Nghiệp, thành phố Cần Thơ). Địa danh này đã có từ xưa và theo lời kể của người dân sống quanh khu vực này thì địa danh hình thành do nơi đây xưa kia có rất nhiều cây mít nài. Vào chùa, gặp lúc một số đạo hữu đang dọn cỏ vườn cây hoa cảnh, chúng tôi hỏi chuyện một bà cụ trên 80 tuổi và vài người khác ở độ hơn 50 tuổi và được chỉ cho thấy cây mít nài nằm về phía bên phải và một cây sa kê ở bên trái khu vườn.
Thoạt nhìn, hai cây như một, giống y nhau từ lá, cành, thân và quả. Đứng giữa hai cây, chú ý quan sát và so sánh, chúng tôi vẫn chưa nhận ra sự khác biệt nào của cây sa kê và cây mít nài! Đến gần từng cây và nhìn soi kỹ từng phần, chúng tôi mới phát hiện ở gần cuống nhứng trái mít nài có nhưng trái nhỏ (đường kính chừng 2 - 3cm, dài 10 - 15cm).


Hỏi thì được biết đó là những hoa mít (thường gọi một cách thông tục là dái mít, như các loại mít khác); có trái phủ lốm đốm những chấm vàng (dái đực) hoặc màu xanh trơn (dái cái). Theo lời các bác ở chùa cho biết, dái đực sẽ tự khô héo và rụng, dái cái lớn dần thành trái mít (đường kính 10 - 14cm). Ở cây sa kê, hoàn toàn không có những trái như dái mít.
Một điểm khác biệt nữa để nhận dạng là đầu ngọn cành cây sa kê ra từng chiếc lá non được bọc trong lớp bao mỏng (như mo bọc buồng hoa cau), lớp vỏ này tách đôi và khô, rụng khi lá bung ra. Trên cây mít nài, lá non ở đầu ngọn cành cây đâm ra không có lớp vỏ bao như vậy.


Chúng tôi xin phép hái mỗi cây một trái và xẻ ra xem thử. Trái mít nài có vỏ ngoài nhìn xa tưởng giống trái sa kê nhưng để bên nhau sẽ thấy gai mít dài hơn; bên trong cũng có xơ, múi mít và cả cồi cuống như các loại mít khác, chỉ khác là trái nhỏ hơn nên múi mít cũng ít, hột mít lại lớn hơn hột mít bình thường nếu so tỉ lệ với kích thước của trái.
Ruột trái sa kê hoàn toàn khác, không có điểm nào tương đồng để có thể nhầm lẫn với trái mít nài. Như vậy, thông tin về cây và trái mít nài trong bài của tác giả Lâm Văn Sơn là hoàn toàn chính xác, không hề có sự nhầm lẫn giữa cây mít nài và cây sa kê như nghi vấn của một số bạn đọc.


Có bao nhiêu loại cây mít nài?
Nhân đây, cũng xin nói thêm, cũng tên gọi mít nài nhưng mỗi vùng mỗi khác. Tiếc rằng, hiện nay trên mạng Internet, có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về cây mít nài từ những nguồn đáng tin cậy nhất định; theo chúng tôi, không loại trừ trường hợp cùng tên nhưng khác loại cây. Mong sao, các nhà nghiên cứu chuyên ngành có sự phối kiểm và đưa ra tài liệu chính xác, có sự khác biệt tên gọi theo từng vùng miền.
Theo trang Agriviet.com thì cây mít nài có hình dạng cây và lá giống các loại mít thường gặp, nhưng trái chỉ nhỏ cỡ quả trứng vịt (hoặc to hơn chút xíu), bên trong trái chỉ có xơ và mủ , không ăn được vì mủ của trái này có độc tính, nếu ăn phải thì miệng sẽ bị phồng rộp như bị phỏng vậy. Chỉ riêng bấy nhiêu cũng có thể thấy “cây mít nài” được Agriviet.com nói đến là loại cây hoàn toàn khác với cây mít nài ở Cần Thơ. Chỉ tiếc rằng, thông tin trên Agriviet.com chỉ đề cập sơ sài, không có hình ảnh và tài liệu dẫn chứng.


Cũng theo Agriviet.com, gỗ của mít nài cũng không sử dụng được vì thớ gỗ mềm, xốp, rất dễ bị mục hoặc mối ăn. Nhưng trang web Nhà gỗ Việt Hùng của Công ty cổ phần Việt Hùng, chuyên kinh doanh, chế tác gỗ ở Bình Dương lại đưa ra nhiều thông tin cụ thể và hình ảnh các súc gỗ mít nài của những cây có đến vài trăm năm tuổi. Không biết mấy cây mít nài thuộc loại đại thụ này thuộc loại mít nài chúng tôi ghi nhạ ở Cần Thơ hay loại được trang Agriviet.com đề cập, hoặc một loại khác nữa chăng?
Ngoài ra, có thể đọc thêm bài “Theo dấu mít nài” trên báo Sài Gòn Tiếp Thị Online hoặc tài liệu Tra cứu thực vật rừng Việt Nam trên trang Sinh vật rừng Việt Namvới những thông tin được trình bày khá chi tiết.
Bài: Mai Lĩnh - Ảnh: Bảo Thư

Ghi chú: Tôi kiếm được vài tài liệu để các bạn tham khảo về cây Mít Nài Cần Thơ. (LKH)


No comments: