Wednesday, December 7, 2016

TÌNH ANH BÁN CHIẾU

Tháng trước tôi có post một bài với cái tựa "Về thăm dòng kênh 'Tình anh bán chiếu'", để nói về Ngã Bảy, tối hôm nay 07/12/2016 xem lại chương trình "Ai là triệu phú" phát sóng hôm trước, có một câu hỏi mà tôi trả lời sai bét.


Trong cuộc sống đôi lúc có cái ta không biết, có cái ta biết nhưng không nhớ và có cái ta biết, ta nhớ nhưng ta trả lời sai vì hấp tấp, vì quá ỷ y hoặc tự tin một cách cố chấp không suy nghĩ hay lắng nghe cặn kẽ. Tối nay tôi phạm phải một sai lầm như vậy.

Câu hỏi của anh LVS như vầy: "Trong bài cải lương "Tình anh bán chiếu", những chiếc chiếu có xuất xứ từ đia danh nào ?". Gợi ý: "A. Vĩnh Long - B. Cần Thơ - C. Cà Mau - D. Bạc Liêu". Câu hỏi đọc xong không cần gợi ý tôi trả lời ngay "Ngã Bảy" nhưng gợi ý không có "Ngã Bảy", chỉ có Cần Thơ thì tôi đứt khoát trả lời là Cần Thơ, người chơi trả lời "Bạc Liêu". Sai hết câu trả lời đúng là "CÀ MAU". Quá bất ngờ phải không? Cuộc sống không phải biết sơ sơ là đủ, anh LVS đọc mấy câu trong bài vọng cổ đầu tiên đã cho biết xuất xứ của nó:

Tôi lại tìm ra được một bài khác nói về bài hát này. (LKH)




THỰC HƯ "TÌNH ANH BÁN CHIẾU"

“Hò ơ... chiếu Cà Mau nhuộm màu tươi thắm

Công tôi cực lắm mưa nắng dãi dầu
Chiếu này tôi chẳng bán đâu
Tìm cô không gặp - Hò ơ... tìm cô không gặp tôi gối đầu mỗi đêm...” 

(Trích lời tác phẩm vọng cổ “Tình anh bán chiếu” của soạn giả Viễn Châu).

Ở tuổi đôi mươi, Út Trà Ôn (tên thật là Nguyễn Thành Út, 1919 – 2001) đã sớm khẳng định tài năng khi đoạt giải nhất ca cổ tại Sài Gòn (năm 1937) và nổi danh qua các bài: “Thức trót đêm đông”, “Tôn Tẫn giả điên”, “Sầu bạn chung tình”...



Nhưng có lẽ khi bản vọng cổ “Tình anh bán chiếu” ra đời thì ngôi vị “đệ nhất danh ca” của Út Trà Ôn mới được xác lập. Trong khi đó, trong lĩnh vực sáng tác, “Tình anh bán chiếu” hợp cùng các bản vọng cổ: “Hòn vọng phu”, “Mùa xuân của mẹ”, “Hai sắc hoa ti-gôn”, “Nguyệt Kiều xuất gia”, “Hoa mộc lan”,... cũng đã đưa soạn giả Viễn Châu (còn có nghệ danh khác là Bảy Bá, phát xuất từ tên thật của ông là Huỳnh Trí Bá) vào hàng “ngũ đại gia” của sân khấu cải lương.

Hai tên tuổi lớn trong làng cải lương đã về cõi vĩnh hằng, được người đời nhắc đến. Nhưng câu chuyện bối cảnh ra đời của bài vọng cổ “Tình anh bán chiếu” cũng như bề dày lịch sử của làng nghề dệt chiếu Cà Mau một thời vang danh khắp sông nước miền Tây xem ra vẫn còn ít người tường tận...

Theo các lão nghệ nhân, làng chiếu Tân Thành, trải dài gần chục cây số dọc bờ sông Cái Nhúc đã hình thành hơn trăm năm qua, bởi một số quân binh của Gia Long trên đường đi cầu Xiêm đã chán ghét chiến tranh, trốn lại sinh cơ lập nghiệp tại làng Tân Thành (nay là xã Tân Thành, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau). Thời kỳ cực thịnh, chiếu Tân Thành đã vang danh khắp Nam kỳ lục tỉnh.



Cụ bà Tạ Thị Khuyến, 82 tuổi, ngụ ấp 6, xã Tân Thành có hơn 70 năm làm thợ dệt chiếu nhớ lại: “Mấy chục năm trước, làng chiếu Tân Thành nổi danh lắm, ghe xuồng xuôi ngược trên dòng sông Cái Nhúc, lớp mang hàng ra chợ Cà Mau bỏ cho vựa, lớp xuôi về Ngã Bảy, ra Phụng Hiệp, Phong Điền bán cho thương hồ. Bởi vậy chiếu Tân Thành hay chiếu Cà Mau cũng đều là một mà thôi”. Anh Hồ Minh Luông, Trưởng ban văn hóa - xã hội xã Tân Thành cũng khẳng định như đinh đóng cột: “Tôi đoan chắc là bài vọng cổ “Tình anh bán chiếu” lấy bối cảnh làng chiếu Tân Thành này, vì cả cảnh cả người đều sao giống quá!”.

Ông Lý Văn Hiền, chủ gia đình có 3 thế hệ làm chiếu ở ấp 6 thì bảo: “Đại ý của bài vọng cổ này nói về chuyện lãng mạn, si tình của anh bán chiếu. Đó là một anh chàng nghèo lam lũ quanh năm với nghề dệt chiếu. Một bận chèo ghe đi “tiếp thị”, anh chàng đã được một cô gái con nhà trâm anh đưa vào tận phòng riêng để đo ni chiếc giường gỗ đỏ, và đặt làm đôi chiếu bông loại nhất. Xao xuyến trước người đẹp, anh chàng ra giá như cho, rồi luýnh quýnh quay về miệt mài chọn lựa từng cọng lác sợi gai, tỉ mẩn dệt đôi chiếu cho thật tinh xảo để lấy lòng cô gái. Nhưng hỡi ôi, khi anh chàng hí hửng mang đôi chiếu đến giao cho người đẹp, thì mới hay “hung tin”, nàng đã theo chồng sang xứ khác! Tôi nghĩ đây là câu chuyện có thật, và không phải một mà rất nhiều chàng trai hồi ấy đều có hoàn cảnh như vậy: Phận nghèo chỉ yêu đơn phương mà thôi”.



Hư thực chưa biết thế nào, nhưng hiện tại không ít khách mê vọng cổ khi tìm về làng chiếu Tân Thành, đều được lão Năm Điện ở ấp 3 hát tặng bài “Tình anh bán chiếu”. Hát miễn phí thôi, bởi lão Năm cũng là một tay có máu cải lương số một, xem “đệ nhất danh ca” Út Trà Ôn như thần tượng. Lão muốn chia sẻ tình cảm với mọi người ấy mà!

Theo Hoàng Mai (Gia đình)



No comments: