Sunday, February 5, 2017

CÂY ĐINH LĂNG


Trong chương trình "Một trăm triệu một phút (tập 6)" mà tôi xem tối nay, có một câu MC Trấn Thành hỏi người chơi : "Ở Thanh Hóa, người ta thường gói kèm vào nem chua loại lá gì ?. Có 3 câu trả lời:
A. Lá gừng
B. Lá chanh
C. Lá đinh lăng.
Tôi hoàn toàn không biết và bất ngờ với câu trà lời đúng là lá "đinh lăng". Ở Cái Răng nổi tiếng với món nem nướng và nem chua. Thông thường nem chua ở Cái Răng hay ở miền Nam mà tôi có ăn qua thì người ta trộn gia vị ủ lên lúc gói thì hay để thêm 1-2 lát tỏi thái mỏng, 1-2 miếng ớt đỏ, vài hột tiêu và kèm theo một lá vông non.
Còn cây đinh lăng thì miền Nam thiếu gì. Lúc tôi về miệt vườn người ta thường trồng cây đinh lăng để làm hàng rào vì nó dễ trồng và mau lớn. Tôi lên mạng tìm hiểu thêm về món "nem chua Thanh Hóa", có một câu giải thích mà tôi thấy cũng rất chí lý cho một đặc sản của miền Trung:
"Mỗi một chiếc nem chua được người gói cho kèm thêm chút tỏi, lá đinh lăng, ớt, những phụ gia này có tác dụng làm cho hương vị nem chua trở nên ngon hơn, hấp dẫn hơn và cũng là để cân bằng giữa lạnh (nem chua ) với nóng ( lá đinh lăng, ớt ). Lá chuối gói nem chua phải là lá chuối ngự vừa xanh vừa dầy, bởi trong quá trình vận chuyển và bảo quản nem chua vẫn tiếp tục lên men. Nem chua Thanh Hóa có vị rất khác với nem chua Hà Nội hay nem lụi ở Huế, lại càng khác xa với nem chua rán hay nem tai. Nó vừa chua, vừa cay lại có cả vị mặn mà của gia vị, có vị ngọt của thịt làm ta không thể không ăn tiếp vài cái nem chua nữa."
(trích trong Món ngon Việt Nam)


Còn với cây đnh lăng xin mời các bạn đọc thêm tài liệu sau theo Wikipedia. (LKH)

Đinh lăng hay cây gỏi cá, nam dương sâm (danh pháp hai phần: Polyscias fruticosa, đồng nghĩa: Panax fruticosum, Panax fruticosus) là một loài cây nhỏ thuộc chi Đinh lăng (Polyscias) của Họ Cuồng cuồng (Araliaceae). Cây được trồng làm cảnh hay làm thuốc trong y học cổ truyền.

CÂY ĐINH LĂNG

Khí hậu nhiệt đới nóng ẩm của nước ta phù hợp với sự sống và phát triển của cây Đinh lăng lá nhỏ (Panax fruticosum) còn gọi là Đinh lăng lá xẻ, hay cây lá xẻ, cây Dũng lâm nam. Cây được trồng ở đình chùa, trong vườn và làm cảnh. Cây thường mọc tự nhiên từ đồng bằng ven biển đến trung du miền núi và rất dễ trồng.
Đã từ lâu, y học cổ truyền nước ta đã dùng Đinh lăng lá nhỏ dưới dạng thuốc sắc, rượu ngâm hoặc bột khô để chữa chứng ho, đau tức vú, tắc tia sữa, làm lợi sữa, làm thuốc chữa kiết lỵ, thuốc tăng lực cho các đô vật trong dịp hội hè. Đặc biệt rượu và nước sắc rễ Đinh lăng lá nhỏ ngày xưa được các lương y dùng để chữa chứng suy nhược cơ thể, làm thuốc bổ tăng lực nên danh y Hải Thượng Lãn Ông đã gọi cây Đinh Lăng lá nhỏ là “Cây Sâm của người nghèo”. Người ấn Độ còn dùng Đinh Lăng lá nhỏ làm thuốc hạ sốt, làm săn da, niêm mạc.


Những nghiên cứu khoa học hiện đại ngày càng chứng minh sự đúng đắn của kinh nghiệm Y học dân tộc. Về thực vật, cây Đinh Lăng lá nhỏ được xếp vào họ Nhân Sâm (Araliacede). Những nghiên cứu về hoá học bằng diện di và sắc ký cho thấy rễ cây Đinh lăng 3 năm tuổi chứa hàm lượng hoạt chất cao trong vỏ như gluxit, saponin triterpenic, tanin. Thân và lá cũng chứa chúng nhưng hàm lượng thấp hơn. Khi so sánh thành phần dịch chiết của Đinh Lăng lá nhỏ và Nhân Sâm Triều Tiên, người ta thấy dịch chiết rễ Đinh Lăng lá nhỏ có 7 vết còn Nhân sâm Triều Tiên có 12 vết, trong đó có 6 vết giống nhau.
Nghiên cứu bột rễ Đinh lăng lá nhỏ đã phát hiện thấy nó rất giống sâm. Bột này chứa 20 axit amin, trong đó có một số axit amin cơ thể người không thể tổng hợp được, vitamin nhóm B và các nguyên tố vi lượng. Nghiên cứu về độc tính, người ta thấy Đinh Lăng lá nhỏ nước ta ít độc hơn so với Nhân sâm Triều Tiên và sâm Liên Xô Eleutherococcus
Những nghiên cứu về dược lý học đã cho thấy nước sắc hay bột rễ Đinh Lăng lá nhỏ có tác dụng bổ, tăng lực, khôi phục sức khoẻ cơ thể bị suy nhược, làm ăn ngon, ngủ tốt, lên cân... làm nhịp tim sớm trở lại bình thường sau khi gắng sức. Vì vậy mà các chế phẩm đó đã được dùng cho vận động viên trong thi đấu, quân đội trong hành quân kéo dài. 


Các chế phẩm này cũng làm tăng thể lực và sức chịu đựng của các nhà du hành vũ trụ trong luyện tập trong tư thế tĩnh đầu dốc ngược hay điều kiện bất lợi như trong môi trường không trọng trường. Bởi vậy mà các chế phẩm rễ Đinh Lăng lá nhỏ được các nhà nghiên cứu Nga gọi là “Thuốc sinh thích nghi“ (Adaptogen) và đã được Liên Xô và nước ta sử dụng trong chương trình Du hành vũ trụ Intercosmos và chúng tỏ nó tốt hơn Sâm Liên Xô.
Các nghiên cứu của nước ta cũng cho thấy bột rễ hay dịch chất rễ Đinh Lăng lá nhỏ có khả năng làm tăng sức chịu đựng của cơ thể con người trong điều kiện nóng ẩm tốt hơn Vitamin C và chè giải nhiệt. Dịch chiết rễ hay bột rễ Đinh Lăng lá nhỏ còn có tác động ức chế men Monoamin oxydaza (M.A.O) trên cơ thể (Sâm Triều Tiên và Tam thất không có). Nhờ vậy giúp duy trì việc dẫn truyền xung động thần kinh một cách liên tục và mạnh mẽ, gây nên sự kích thích sinh học cơ thể, làm cơ thể không mỏi mệt, có cảm giác sung sức thoải mái. Đó là tác dụng làm tăng lực của cây thuốc này.
Vì có khả năng ức chế M.A.O, nên dịch chiết rễ và bột rễ Đinh Lăng lá nhỏ có tác dụng kích thích miễn dịch, tăng sức đề kháng đối với bệnh tật.
Những nghiên cứu về tính kháng khuẩn đã cho thấy nước sắc, rượu lá Đinh Lăng lá nhỏ có tác dụng ức chế sự sinh trưởng các vi khuẩn sinh mủ và vi khuẩn đường ruột, nên các chế phẩm đó có tác dụng chống tiêu chảy, nhất là trên gia súc.


Do giá trị y học to lớn và tính phổ biến của cây Đinh Lăng lá nhỏ- cây thuốc quý dễ tìm hay ta có thể gọi nó là “cây sâm của mọi nhà”, mỗi gia đình nên trồng trong vườn cây thuốc này để sử dụng. Xí nghiệp dược phẩm nước ta nên đầu tư kinh phí để tạo nguồn nguyên liệu sản xuất các chế phẩm Sâm Đinh lăng (dịch chiết rễ, bột rễ...) cung cấp cho thị trường nội địa và có thể xuất khẩu ra nước ngoài.
BS Nguyễn Phước