"Bồng bồng mẹ bế con sang
Đò dọc quan cấm, đò ngang không chèo
Muốn sang thì bắc cầu kiều
Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy"
(Ca dao)
Trên mạng có rất nhiều bài giải thích nhưng tôi thích nhất là bài viết của bác Bu nên share cho các bạn cùng đọc:
"MUỐN SANG THÌ BẮC CẦU KIỀU"
Muốn sang thì bắc cầu kiều
Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy
Bạn Thu Thủy cho rằng, trong câu đó Kiều là cây cầu, vậy thì chữ kiều trong câu này có nghĩa gì khác? Nếu không khác thì nói cầu kiều là trùng nghĩa ?
Bu chắc ngoài bạn Thủy ra, sẽ có nhiều người nghĩ như thế, nên nói lên đây để chúng ta cùng thảo luận xem sao.
Theo Bu, muốn hiểu câu này thì phải tìm nghĩa chữ kiều và chữ sang.
* Kiều là một từ Hán Việt. Có khoảng 10 chữ kiều, trong đó Bu dẫn ra 4 chữ có nghĩa liên quan đến vấn đề ta nói tới.
– 僑 : Cao lớn
– 喬 : Cao
– 嬌: Đẹp
– 橋: Cây cầu
* Sang cũng là từ Hán Việt. Có 3 chữ sang nhưng không có nghĩa chữ nào hợp với câu ngạn ngữ trên. Cứ dẫn ra để bạn tham khảo:
– 瘡: Mụn nhọt
– 創: Bị thương
– 創 : Thuyền
Như vậy phải dùng chữ sang theo nghĩa nôm trong Đại từ điển tiếng Việt, với hai nghĩa sau:
– Sang: Đến một chỗ khác, gần với nơi xuất phát.
– Sang: Có địa vị và danh vọng, được mọi người kính trọng.
Để cho dễ xét, trong hai chữ kiều có nghĩa là cao lớn ta loại đi một chữ. Loại thêm chữ kiều là cây cầu. Còn lại hai chữ: kiều là cao, và kiều là đẹp. Sẽ có hai cách hiểu vế 6 chữ của ngạn ngữ trên như sau:
1- Nếu quan niệm kiều là cao, thì sang phải là qua, là đến một chỗ khác.
2- Nếu quan niệm kiều là đẹp, thì sang phải là sang trọng.
* Trong trường hợp cầu kiều là “cầu đẹp” hẳn là có liên quan đến một điển tích thời Tam Quốc. Tào Tháo (220-264) cho xây một đài bên sông Chương Hà tỉnh Hà Nam có tên là Đài Đồng Tước cực kỳ tráng lệ, là nơi ở của các mỹ nữ. Đài Đồng Tước gồm có một đài chính và hai đài phụ hai bên, gọi là Ngọc Long và Kim Phượng. Ba đài này được nối với nhau bằng hai cây cầu vồng rực rỡ giữa lưng chừng trời. Muốn sang thì bắc cầu kiều là nói đến hai cây cầu này chăng?
* Trường hợp cầu kiều chỉ là cây cầu cao (cho thuyền bè đi dọc sông được) thì câu ngạn ngữ:
Muốn sang thì bắc cầu kiều
Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy
Là một chỉnh thể nói lên đạo lý tôn sư trọng đạo của người Việt. Ở đây có kết cấu theo quan hệ: điều kiện – giải thiết, muốn có A thì phải có B. Muốn sang sông thì phải bắc cầu, muốn con hay chữ thì phải yêu quý kính trọng thầy theo thang bậc quân – sư – phụ. Hay chữ không chỉ giỏi từng con chữ mà là giỏi làm người. Xưa, phụ huynh dẫn con trẻ đến nhập học, nói với thầy: “xin thầy dạy cháu dăm chữ để làm người”. Động từ “sang” gợi hình ảnh kiếp người trong hành trình giải thoát khổ nạn, đến bên bờ kia – đáo bỉ ngạn, để tìm hạnh phúc, an vui. Con người chưa qua sông lọt vào quẻ Vị Tế của Kinh dịch, nó là một thông điệp vĩnh hằng về phận người: “Hởi người, sinh ra không phải để yên nghỉ mà lên đường, lên đường bằng tất cả lo âu của kẻ vượt sông”. Mà lên đường với tư cách một con người biết làm người, tức là phải học thầy, kính trọng thầy.
* Bu tôi thiên về trường hợp vừa trình bày, không rõ Thu Thủy và các bạn chọn cách trả lời nào?
BULUKHIN NGUYỄN (27/12/2008)