THÔNG TẮC BẤT THỐNG
Dưới lăng kính khoa học thực nghiệm thầy thuốc nào ngày nay cũng hiểu về mối liên hệ mật thiết giữa triệu chứng đau và tình trạng rối loạn tuần hoàn vi mạch do hệ tuần hoàn vì lý do gì đó không cung ứng dưỡng khí và chất dinh dưỡng theo đúng yêu cầu của cơ thể. Máu không thể làm tròn chức năng nếu lưu hành sai vận tốc. Dòng máu trong mạch tất nhiên không thể loãng như nước lã mà phải có độ đậm đặc nào đó, còn gọi là độ nhớt của máu theo tiếng chuyên môn, tùy thuộc vào thành phần tương đối phức tạp của máu bao gồm nhiều loại huyết cầu và đủ loại hoạt chất. Vận tốc luân lưu của dòng màu vì thế tùy thuộc vào độ nhớt của máu. Trong mọi trường hợp, dòng máu quá đậm đặc không có lợi gì cho cơ thể vì tế bào khó mà tiếp nhận đủ dưỡng khí khi độ nhớt của máu quá cao. Giữ cho độ nhớt của máu trong giới hạn bình thường, hay khéo hơn nữa, loãng hơn một chút khi tuổi đời chồng chất, lúc áp lực công việc bội tăng, khi sức đề kháng suy yếu chính là một trong các nguyên tắc phòng bệnh theo đúng cơ chế sinh học. Nói cách khác, dòng máu loãng vừa phải là phương tiện đơn giản để cơ thể lâu già, để con người ít bệnh.
Có lẽ vì thế mà y sư Lý Thời Trân đã không ngần ngại xếp các loại dược thảo hay thực phẩm có tác dụng giữ cho máu loãng, như nấm mèo, vào nhóm thuốc bổ được tán dương đến độ “cải lão hoàn đồng”. Nghe qua tưởng chừng như cường điệu nhưng nhờ nhiều công trình nghiên cứu vào cuối thế kỷ 20 mới biết thầy thuốc họ Lý hoàn toàn có lý. Từ phát hiện tình cờ của Gurewich về tác dụng làm loãng máu cũa nấm mèo, món ăn này đã được nghiên cứu tận tình tại Hoa Kỳ và nhiều nước châu Âu với mục tiêu áp dụng cho bệnh nhân tim mạch để phòng tránh nhồi máu cơ tim cũng như để ngăn ngừa biến chứng của cao huyết áp trên não, thận, mắt… Nếu so sánh với nhiều loại thuốc hóa chất thì hoạt chất trong nấm mèo và các cây thuốc đồng môn có cơ chế tác dụng hầu như hoàn hảo nhờ tác dụng chống đông máu vừa không đơn điệu như các loại thuốc làm loãng máu bằng cách ức chế phản ứng đông máu, vừa có cường độ hòa hoãn giúp người bệnh tránh được nguy cơ chảy máu trong khi dùng thuốc. Mặt khác, các cây thuốc thuộc nhóm “hoạt huyết” đều ít nhiều chủ động xúc tác phản ứng biến dưỡng cholesterol trong gan để qua đó gián tiếp giảm thiểu độ nhớt của dòng máu.
Bệnh lý do thuyên tắc mạch máu vẫn trước sau là mối đe dọa chưa có giải pháp. Kỹ thuật chẩn đoán cũng như phương tiện điều trị có được tiếp tục cải thiện bao nhiêu thì thầy thuốc vẫn giữ vai trò thụ động trong cuộc chiến phòng chống bệnh tim mạch. Giữ cho máu loãng vì thế là giải pháp đơn giản lại thêm hữu hiệu. Nhưng không lẽ vì thế mà đành suốt đời nuốt thuốc hóa chất để rồi trả giá bằng phản ứng phụ?! Trở về với thiên nhiên, trở về với cây thuốc nhưng với tri thức khoa học là con đường ngắn nhất để bảo vệ sức khỏe mà không đánh mất chất lượng của cuộc sống.
Bác Sĩ Lương Lễ Hoàng (12/06/2012)
(Sưu tầm trên mạng)
No comments:
Post a Comment