Thursday, February 2, 2017

TỔ CỦA NGHỀ MAY

Bà tổ của nghề may
NGUYỄN THỊ SEN

Ngày 12 tháng Chạp hằng năm, hầu hết các thợ may cả nước đều giỗ tổ để ngưỡng vọng công đức tổ nghề và các vị tiền bối có công lưu truyền thủ nghệ. Giỗ tổ nghề may đã trở thành thông lệ và là một cách hành xử văn hóa của bộ phận người lao động đối với truyền thống cha ông. 


Lễ vật dâng tổ nghề thường là một cành hoa, con gà, đĩa trầu cau, ly rượu và chén nước lã. Nhiều tiệm còn cúng đầu heo, heo quay hay vịt là tuỳ theo ý nguyện và hiệu quả làm ăn trong năm. Tổ nghề may được dân gian lưu truyền là bà Nguyễn Thị Sen.
Nguyễn Thị Sen, là thứ phi của vua Đinh Tiên Hoàng trong lịch sử Việt Nam, quê quán ở làng Trạch Xá, xã Hòa Lâm huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Theo thần tích đền thờ tổ nghề ở Trạch Xá, Bà tổ nghề may Nguyễn Thị Sen là một người con gái xinh đẹp, đảm đang của làng Trạch Xá. Tục truyền rằng: Bà kết duyên cùng đức Vua Đinh Tiên Hoàng khi ông về đây chiêu mộ hào kiệt. Về Kinh đô Hoa Lư, Nguyễn Thị Sen được phong là thứ phi. Với sự khéo léo và sáng tạo, bà đã giúp các cung nữ phát triển, sáng tạo được nghề may trong cung vua.


Sau khi Vua Đinh Tiên Hoàng mất quyền hành rơi vào tay Dương Vân Nga và Lê Hoàn, bà đã từ giã hoàng cung cùng với con trở về quê hương truyền dạy nghề cho nhân dân trong làng. Khi mất bà được lập đền thờ và tôn làm bà tổ nghề áo dài truyền thống.


Từ đó đến nay, cha truyền con nối, thế hệ trước dạy cho thế hệ sau, nghề may gắn bó với người Trạch Xá và trở thành nghề truyền thống của làng. Trạch Xá hôm nay có cả một đại bản doanh của mình trên đất Hà Thành. Trước năm 1980 nghề may áo dài Trạch Xá phát triển mạnh mẽ. Đến làng Trạch Xá thời gian này, đâu đâu cũng thấy những tà áo dài mềm mại treo trong nhà, ngoài phố. Trẻ con 8 tuổi đã bắt đầu làm quen với việc đơm cúc, thêu áo... Những đứa trẻ sáng dạ thì 15 tuổi đã có thể tự hào vì mình đã may được một chiếc áo dài đẹp. Nhiều gia đình đã gắn bó với nghề may áo dài. Mỗi nhà một bí quyết, người cao tuổi truyền lại cho giới trẻ bởi vậy mà tinh hoa ngàn đời được tích tụ lại, được nhân rộng với sự sáng tạo để mang đến những tà áo dài đẹp, sang trọng, khoe nét duyên dáng tuyệt vời của người phụ nữ Hà Nội. Thật đúng như ái đó đã nói đất Trạch Xá được ưu ái cho đôi bàn tay khéo léo, may những tà áo dài đẹp, nổi tiếng ít nơi sánh bằng.


Cũng giống như Kimono của Nhật Bản, Hanbok của Hàn Quốc hay Sari, trang phục truyền thống của phụ nữ Ấn Độ, Áo dài của Việt Nam cũng yêu cầu những chuẩn mực hết sức khắt khe nhằm thể hiện được những nét tinh tế nhất, từ việc lựa chọn kiểu may, màu sắc, chất liệu vải, đến những họa tiết trang trí... May áo dài khó nhất có lẽ là may những đường luôn (đường tà), nên ở Trạch Xá ai cũng thuộc lòng câu “trong dán hồ, ngoài phô trứng nhện”, nghĩa là phải khâu đường tà sao cho mũi kim chỉ tròn nhỏ xíu như trứng con nhện, thậm chí dùng mũi chỉ trắng khâu đường tà cho áo màu đên cũng không được nhìn thấy.... Để có những mũi chỉ như thế, người Trạch Xá đã phát minh ra cách cầm kim dọc làm đường kim sẽ không bao giờ chệch hướng và đều. Tuy nhiên có đường tà đẹp vẫn chưa đủ mà việc đo và cắt sao cho “ngang canh thẳng sợi” cũng là một trong những bí quyết góp phần làm những chiếc áo dài của người Trạch Xá bao giờ cũng mềm mại hơn, tha thướt và thực sự quyến rũ hơn.


Làm nghề, người làng càng yêu nghề. Không chỉ để áo dài phát triển trong làng, người làng tìm cách mang áo dài giới thiệu khắp mảnh đất Hà Nội, vào Nam, ra thế giới. Đã có rất nhiều du khách nước ngoài đã tìm đến Trạch Xá, không chỉ để đặt mối quan hệ hợp tác đưa sản phẩm Áo dài của Việt Nam đến với bạn bè trên thế giới, mà còn để chiêm ngưỡng những đôi bàn tay, những ngón tay búp măng đang lướt nhẹ trên những suối lụa mềm, để hiểu sâu sắc hơn về giá trị văn hóa phi vật thể của chiếc áo dài Việt Nam. Còn đối với người Trạch Xá, dù đi đâu, họ vẫn luôn yêu quý và gìn giữ nghề như một báu vật mà cha ông đã truyền lại, một nghề mà họ luôn tự hào có thể đem lại cho phụ nữ cái đẹp mãi trường tồn cùng dân tộc, trường tồn cùng năm tháng.
Theo Vinatex
(Sưu tầm trên mạng)

No comments: