Thursday, May 4, 2017

CÓ HAY KHÔNG CÓ SỐ PHẬN RỦI MAY?

Cùng hiểu hơn về số phận con người và sự may rủi dưới lăng kính của Nho giáo và Phật giáo.


Cuộc sống mỗi người trên Trái đất vốn rất đa dạng, muôn màu và luôn có sự khác biệt. Sự thật là, mỗi người trong chúng ta đều có một cấu trúc tâm sinh lý, hoàn cảnh, điều kiện sống hoàn toàn khác nhau.


Đã bao giờ bạn hỏi rằng, tại sao cùng là con người nhưng có người vô cùng xinh đẹp, dáng người thanh tú, nước da trắng ngần, còn người kia lại sở hữu làn da đen nhẻm, khuôn mặt bình thường? Hay có người bỗng nhiên trúng số độc đắc rồi trở nên giàu có, còn người khác liên tục làm ăn thua lỗ phải vất vả mưu sinh từng bữa qua ngày.

Phải chăng đó là số phận may rủi ở mỗi người? Nếu bạn gặp may, bạn làm gì cũng thuận nhưng khi "vận đen" ghé tới thì việc gì cũng rối. Vậy số phận là gì và sự may rủi trong số phận mỗi con người ra sao? Hãy cùng tìm hiểu những khái niệm này dưới góc độ Phật giáo.

Số phận rủi may dưới trường phái triết học Nho giáo

Rất nhiều học thuyết đã được đưa ra nhằm lý giải cho số phận, thiên mệnh của mỗi con người. Tuy nhiên, chưa một học thuyết nào có thể giải thích tường tận về số phận.

Trong Nho giáo, số phận là quan niệm của các trường phái triết học như Túc mệnh luận, Định mệnh luận và Thiên mệnh luận. Theo đó, Túc mệnh luận cho rằng, mỗi người đều có một số mệnh do quá khứ an bài và xếp đặt, mọi cố gắng đều vô ích.

Hình vẽ chân dung Khổng Tử - người sáng lập ra thuyết Thiên mệnh. 

Định mệnh luận có cùng quan niệm như Túc mệnh luận nhưng cường điệu hơn. Số phậnkhi đã quyết định thì không thể thay đổi và phủ nhận hoàn toàn mọi nỗ lực cá nhân.

Thiên mệnh luận của Nho giáo quan niệm Thiên mệnh là do trời định đoạt. Nên dù bạn cố gắng đến đâu nhưng số phận khổ, may của mỗi người khó có thể thoát khỏi ý trời.

Do đó hiểu đơn giản, mỗi người đều có một số phận đã được an bài, định đoạt bởi một ai đó, một vị thần thánh hay đấng siêu nhiên nào đó. Và khi số phận an bài, con người cần chấp nhận, mãi mãi không bao giờ thay đổi được số phận đó.

Chẳng hạn như một người khi sinh ra đã bị khiếm thị. Chính cha mẹ hay bản thân họ đều không mong muốn điều đó xảy ra với mình nhưng phải chịu thân phận mù lòa do người này đã được ông Trời định đoạt như vậy.

Nhưng sự thật là, những điều trên chỉ là do chúng ta suy luận mà thôi. Bởi dưới góc độ Phật giáo, sự rủi may trong số phận không phải do ông Trời hay do một đấng siêu nhiên nào có thể quyết định.

Hình ảnh mô tả con trai thứ 9 của Đường Thái Tông Lý Thế Dân (599 – 649) - Lý Trị - người sinh ra đã được trời định là làm con vua.

Không ít người cho rằng, chính vì tin vào những học thuyết Thiên mệnh, số phận an bài... đã khiến chúng ta quá "an phận" trong cuộc sống.

Có người cảm thấy quá mặc cảm vì vẻ ngoại hình xấu xí hay gia cảnh nghèo khó mà không cố gắng vươn lên, hay người khác lại dựa vào lời tiên đoán tương lai mình sẽ giàu có mà "ôm cây đợi thỏ" bỏ quên lao động... Nhưng đó chỉ là những suy đoán chủ quan tích góp từ kinh nghiệm mà thôi.

Bởi một triết gia đã từng nói: “Chúng ta không có quyền chọn người sinh ra mình hay chọn nơi mình sinh ra, nhưng chúng ta có quyền chọn cách mình sẽ sống. Cách sống ấy có thể đúng, có thể sai trong mắt người đời nhưng chỉ cần từ tận sâu thẳm con tim mình luôn tin đó là đúng thì nó là đúng".

Điều này hẳn sẽ khiến nhiều người nghĩ đến số phận của chàng trai không chân tay Nick Vujicic. Không ai cho rằng với thân hình như vậy - anh lại có thể trở thành một nhà diễn thuyết tài năng hay cưới được một người vợ xinh đẹp. Nhưng chính vì không chịu khuất phục bởi số phận, anh đã vươn lên và trở thành một nhà diễn giả nổi tiếng.

Diễn giả Nick Vujicic không chấp nhận số phận mà luôn vươn lên trong cuộc sống.

... và sự may rủi của số phận dưới góc nhìn Phật giáo

Dưới lăng kính Phật giáo, sự rủi may trong số phận không phải do thiên mệnh hay định mệnh mà thân phận mỗi con người là kết quả do quá trình của chúng ta hành động từ một đến nhiều đời.

Hay nói cách khác, con người hiện hữu và tồn tại với các đặc tính khác nhau là kết quả của Nghiệp - được tạo tác bởi chính họ trong hiện tại và quá khứ. Theo Kinh Tiểu Nghiệp Phân Biệt – Trung Bộ III có nói: “Con người là chủ nhân của Nghiệp, là kẻ thừa tự Nghiệp… Nghiệp là thai tạng, Nghiệp là điểm tựa”.


Điều đó có nghĩa, sự hiện hữu của mỗi con người trên thế gian này là sự hiện hữu của nghiệp thiện và bất thiện của họ từ quá khứ.

Nghiệp tức là chủ động tạo điều kiện để tái sinh trong kiếp hiện tại và cho những kiếp tương lai. Vì thế tất cả mọi khổ vui, thành công, thất bại, tướng diện đẹp xấu, thông minh hay khờ dại… của con người trong kiếp sống này là sự lĩnh hội những quả nghiệp do chính họ tự tạo từ quá khứ, chứ không do sự thưởng, phạt nào của bất cứ ai.

Cùng với đó, sự may mắn hay rủi ro mà mỗi người đang "lĩnh hội" hiện tại đều do chính chúng ta tạo dựng ra. Cuộc sống của bạn hạnh phúc, an lành hay đau khổ, bất an tùy thuộc vào cách sống của mỗi người.


Nếu ai đó gặp thất bại trong công việc thì hãy đi tìm nguyên nhân chứ đừng nên nói rằng mình gặp vận xui. Theo Phật giáo, đó là kết quả mà bạn cần phải chịu do đã tạo ra những nghiệp xấu gây ra trước đó. Một sự không chu toàn trong hành xử, nói lời khó nghe... đôi khi cũng khiến bạn gặp thất bại.

Bởi vậy, thay vì than thân trách phận thì hãy vượt qua bằng cách làm nhiều việc tích cực và thông cảm nhiều hơn. Biết đâu vào lúc nào đó, bạn sẽ lại gặp được người tốt giúp đỡ mình.

Còn nếu việc thất bại là do sự bất tài, thiếu kinh nghiệm, lười nhác thì bạn cần cố gắng, cải tiến học hỏi để khắc phục thất bại.

Đức Phật dạy rằng, điều lành là kết quả thiện - phát sinh từ những nguyên nhân tốt và kết quả xấu chỉ có thể dẫn đến từ các nguyên nhân bất thiện.


Một người luôn mang trong mình tâm không sạch, hành động ác không thể nói rằng, cuộc đời anh ta gặp “vận rủi ro”. Ý nghĩ xấu, hành động ác độc sẽ chỉ tạo nên cuộc sống bất hạnh. Trái lại, ý nghĩ thiện và hành động tốt sẽ đem đến cho bạn cuộc sống an vui, gặp may trong cuộc đời.

Dưới góc độ Phật giáo, Nghiệp do con người tạo ra trong quá khứ và từng phút từng giây trong hiện tại qua ba con đường: hành động (Thân nghiệp), ngôn ngữ (Khẩu nghiệp) và tư duy (Ý nghiệp) rồi trở lại chi phối chính người ấy.

Không ít bạn cho rằng, tháng 7 âm lịch là "Tháng Cô hồn" và bạn sẽ gặp nhiều điều xui xẻo. Sự thật là, không có sự may rủi trong cuộc sống và không có một thế lực siêu nhiên nào chi phối, khiến bạn gặp xui xẻo. Mà sự may rủi đó chính là do bạn tạo nên. Những hành động hướng thiện, tâm hồn trong sáng... là yếu tố giúp bạn luôn gặp may mắn trong cuộc đời.

Bạn hãy nhớ rằng, dù chúng ta sinh ra như thế nào, trong hoàn cảnh ra sao thì hãy luôn sống có ý nghĩa và có ích cho xã hội. Cuộc sống có sướng khổ, buồn, vui là do bạn tự định đoạt tương lai cho mình.

Nguồn: Thuvienhoasen, Thegioiphatgiao, Giacngo