Sunday, July 2, 2017

TẠI SAO NGƯỜI TỐT PHẢI CHỊU KHỔ ĐAU CÒN NGƯỜI XẤU LẠI ĐƯỢC GIÀU CÓ SUNG TÚC?

Nói đến "nhân quả" chắc ai cũng nghe qua và ai cũng nghĩ rằng mình hiểu luật nhân quả theo kiều "gieo nhân nào gặp quả nấy". Người có đạo thì tin và cố gắng tu tập nhưng nếu niềm tin không sâu thì đôi lúc cũng phải nghĩ lại hay gặp phải những đau khổ, nghèo khó rồi phải cất tiếng than và mất dần niềm tin hay phản lại niềm tin.


Có rất nhiều giải thích về nhân quả nhưng hôm nay đọc được bài này và với những lời giải thích của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa , tôi thấy là đơn giản và dễ hiểu giúp cho mình tin tưởng hơn và chịu đựng được những gì đã và sẽ xảy ra trong cuộc đời mình.
Vể Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa, tôi mới biết ngài và tìm đọc về ngài, bây giờ chúng ta đọc về cách giải thích của ngài trước và tôi sẽ post một chút về tiểu sử của ngài cho các bạn nào chưa biết. (LKH)

TẠI SAO NGƯỜI TỐT PHẢI CHỊU KHỔ ĐAU CÒN NGƯỜI XẤU LẠI ĐƯỢC GIÀU CÓ SUNG TÚC?


Hỏi :
Bà Đỗ Thị Huệ đã từng theo con đường tu hành, nhưng cuối cùng đã giả từ cửa Phật, vì bà chứng kiến một người bạn thân của mình sống trong chân thành, luôn lao động cần cù nhưng không cải thiện được cuộc sống gia đình, vẫn sống trong đói nghèo, bệnh tật và có những lúc còn bị đối xử bất công. Trong khi đó có những người trong đời sống này sống toan tính lừa lọc, thậm chí chà đạp lên lợi ích người khác, nhưng lại sung túc và giàu có. Bà Huệ không thể giúp gì cho người bạn của mình, bà thấy bất lực và đã rời bỏ chốn tu hành. Nếu bây giờ người đàn bà bất hạnh đó hỏi: “Đức tin của tôi phải hướng vào đâu, tôi phải tìm hạnh phúc ở đâu trong hiện thực một xã hội như thế này?” Chúng ta sẽ nói với bà điều gì và phải làm thế nào có thể mang lại niềm tin cho người đàn bà ấy?

Giải thích của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa:

Đạo Phật thật ra không phải là một tôn giáo, mà là cách thức, phương tiện giúp cho con người sống có hạnh phúc ngay trong cuộc sống thực tại.
Như vậy, điều quan trọng là các Phật tử và mọi người khác, nên làm thế nào để hướng cuộc đời mình theo cách sống có ý nghĩa, tốt đẹp, an lạc và hài hòa với mọi người.
Trong trường hợp câu hỏi của bà Huệ, đạo Phật có một từ gọi là quy luât về NGHIỆP, đơn giản hơn là quy luật NHÂN-QUẢ. Nếu ta gieo trái ngọt, sẽ được trái ngọt. Giao hạt đắng sẽ cho quả đắng.
Đôi khi, do chưa hiểu biết thấu đáo về luật nhân-quả nên người ta thường thắc mắc là tại sao đời này tôi sống tốt mà mà vẫn phải chịu khổ đau. Và vì sao có người sống rất bất thiện mà lại có hạnh phúc. Bởi ta chưa biết rằng trong đời trước, năm trước, ta đã gieo nhân bất thiện nên nay phải nhận quả đắng. Còn những người kia, có thể trong kiếp trước họ đã gieo nhân lành nên bây giờ họ đang được hưởng quả lành.
Tuy vậy, tất cả chúng ta đều không thể biết khi nào thì quả của mình sẽ chín. Cũng như chúng ta trồng một cái cây, không thể ngồi mong đợi quả chín. Đến mùa, đầu đủ điều kiện (nhân duyên) thì trái mới chín, ngoài khả năng kiểm soát của mình.


Nhân quả giống như một vòng quay. Nhân tạo quả, quả lại tạo nhân. Ta gieo một hạt cho ra quả, quả lại cho ta vô số hạt mới. Chúng ta gọi là vòng luân hồi sinh tử. Trong đó, con người bị dẫn dắt trôi lăn trong vòng sinh tử.
Nhưng chẳng có gì là quá muộn. Nếu trong kiếp trước, chúng ta đã từng phạm sai lầm, nhưng nay đã tỉnh ngộ biết tìm một hướng sống mới, thì ngay bây giờ đây, vẫn có thể loại trừ được Nghiệp. Giống như trường hợp bệnh ung thư, nếu được phát hiện sớm thì vẫn có cách điều trị.
Đối với luật nhân-quả, không bao giờ là quá muộn, chúng ta vẫn có thể làm điều gì đó và nên nỗ lực làm gì đó để loại bớt khổ đau trong kiếp sống hiện tại bằng cách sống tốt hơn, hòa bình hơn, yêu thương và chia sẻ với mọi người nhiều hơn. Đừng vì một bất công, với cái nhìn hiện tại mà từ bỏ niềm tin, từ bỏ con đường đẹp đẽ mình đang theo.
Tôi khuyên mọi người nên tin vào quy luật nhân quả, chấp nhận những nghiệp quả của mình đã chín, dù là quả khổ đau đang phải gánh chịu. Hơn nữa, các bạn nên biết vẫn còn cách thay đổi lối sống, thay đổi các hành động của mình. Đừng vì hoàn cảnh hoặc lý do nào khác mà hủy hoại niềm tin của mình. Cuộc sống không có đức tin sẽ đi vào tăm tối u mê.
Tôi khuyên bà Huệ hãy tìm hiểu kỹ về quy luật nhân-quả, từ đó phát khởi được niềm tin, sẽ biết sống một cách tích cực hài hòa, gieo trồng thiện hạnh để cân bằng với những hạt giống bất hạnh mà mình đã gieo từ nhiều đời trước.
Hãy tìm cho mình đức tin để chuyển hóa cuộc sống hiện tại và trở lại với cuộc sống tâm linh, làm những gì có thể để loại trừ bớt các bất thiện nghiệp. Đau khổ này không phải do ai mang lại mà do chính mình đã gây ra, có thể từ tháng trước, năm trước hay từ vô số kiếp trước.


Có một số người muốn đổ lỗi cho Phật, Ông trời, Chúa … đã mang lại bất hạnh cho chúng ta. Nhưng sự thực, cách nhìn của triết lý Phật giáo là không bao giờ đổ lỗi cho bất kỳ ai. Người đáng đổ lỗi nhất chính là bản thân mình, là sự lười biếng buông trôi hay vô minh của chính bản thân.
Như trường hợp khi biết mình có bệnh, tìm đến bác sĩ, bác sĩ hướng dẫn một vài phương pháp điều trị mà mình vẫn không nghe theo. Khi bệnh trở nặng thì ta không thể đổ lỗi cho bác sĩ. Không có ai mang khổ đau đến cho mình ngoài chính mình. Hãy nỗ lực cố gắng cải thiện cuộc sống hiện tại vẫn sẽ còn kịp thời chuyển bớt những quả xấu mà mình đã tạo. Tìm về cội nguồn mọi khổ đau, mọi bất an trong chính chúng ta để cải thiện bản thân thì hạnh phúc sẽ luôn ở bên chúng ta.

GYALWANG DRUKPA

Gyalwang Drukpa hay còn gọi là pháp vương Drukpa là một nhà tu hành ở Tây Tạng và là bậc lãnh tụ tâm linh đứng đầu Truyền thừa Drukpa, còn được biết đến dưới tên gọi Truyền thừa Rồng Thiêng. Ông sinh tại thánh địa Hồ Liên Hoa Tso Pema, nơi từng là Vương quốc Zahor thuộc bang Himachal Pradesh (Ấn Độ). Ông sinh vào sáng ngày 10/1/1963 (Quý Mão, thuộc cung thứ 16 theo Tạng lịch). Ông được coi là bậc thầy giác ngộ tâm linh quốc tế.


Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa hiện đời là bậc lãnh đạo tối thượng và hóa thân chuyển thế đời thứ XII của bậc sáng lập Truyền thừa Phật giáo Đại thừa – Kim cương thừa Drukpa, Đức Pháp Vương đời thứ I Drogon Tsangpa Gyare. Ông quan niệm rằng: Đời sống của chúng ta cần phải được vạch hướng đi đúng đắn bằng chính hành động của chúng ta. Những hành động này không bừa bãi bản năng mà phải dựa trên động cơ tích cực. Cần hiểu biết rằng không chỉ loài người mà rất nhiều loài động vật khác đều có quyền làm chủ thế giới này. Bởi vậy cần hành động một cách hiểu biết, trân trọng quyền làm chủ và bảo vệ sự tồn tại của mọi loài.

Theo Wikipedia
(Sưu tầm trên mạng)