Lúc trước, thời đi học, có đọc qua mấy bài thơ trong cuộc đấu thơ giữa ông Cử Trị với Tôn Thọ Tường nhưng chưa từng nghe qua và không hề biết là Phan Văn Trị chán ngán sự thối nát của triều Nguyễn mà không ra làm quan về Phong Điền - Cần Thơ dạy học, bốc thuốc, chữa bịnh, làm thơ cho đến cuối đời. Như vậy Cần Thơ ngoài di tích "Thủ Khoa Nghĩa" ở Bình Thủy còn có thêm di tích "Cử Trị" ở Phong Điền nữa.
Mời các bạn đọc qua một bài thơ của ông họa lại bài "Từ Thứ quy Tào" của Tôn Thọ Tường để thấy nghĩa khí của ông. (LKH)
Mời các bạn đọc qua một bài thơ của ông họa lại bài "Từ Thứ quy Tào" của Tôn Thọ Tường để thấy nghĩa khí của ông. (LKH)
HỌA "TỪ THỨ QUY TÀO"
thơ Phan Văn Trị
thơ Phan Văn Trị
Quá bị trên đầu nhát búa voi,
Kinh luân đâu nữa để khoe mòi!
Xăn văn ruổi Nguỵ mây ùn đám,
Dáo dác xa Lưu, gió thổi còi.
Đất Hứa nhớ thân sa giọi tủi
Thành Tương mến chúa nhẹ tay roi!
Về Tào miệng ngậm như bình kín,
Trân trọng lời vàng đáng mấy thoi?
Sơ lược tiểu sử:
Phan Văn Trị 潘文值 (1830-1910), người đời thường gọi ông là Cử Trị, sinh năm 1830 tại làng Hưng Thạnh, huyện Bảo An, tỉnh Vĩnh Long, nay là xã Thuận Phú Đông, huyện Giồng trôm, tỉnh Bến Tre, đỗ cử nhân khoa Kỷ Dậu (1849) tại trường thi Gia Định, cùng khoa với Nguyễn Thông, nhưng nhỏ hơn ông này 3 tuổi, nhỏ hơn Nguyễn Đình Chiểu 8 tuổi. Phan không chỉ là bạn văn chương của hai người, mà còn là bạn chung lý tưởng chống bọn xâm lược và tay sai. Chán ghét triều đình nhà Nguyễn thối nát, ông không chịu ra làm quan, mà về dạy học ở làng Bình Cách (nay thuộc thị xã Tân An, tỉnh Long An), sau dời về Phong Điền, tỉnh Cần Thơ, vừa dạy học, bốc thuốc chữa bệnh, làm thơ cho đến cuối đời.
Sáng tác của ông có thể chia làm hai giai đoạn: trước khi Pháp xâm lược và sau khi Nam Kỳ rơi vào tay giặc. Giai đoạn đầu, phần lớn là những bài thơ vịnh cảnh, vịnh vật như Cái cối xay, Con mèo, Con rận, Con cào cào, Con cóc, Hột lúa... nhằm gởi gắm tâm sự, tỏ hoài bão, chí hướng của mình, phê phán bọn thống trị bất tài, dốt nát, hám danh lợi. Khi đất nước rơi vào vòng nô lệ, ông chuyển hẳn ngòi bút sang chống bọn cướp nước và đám tay sai.
Ông nổi tiếng trong cuộc bút chiến chống Tôn Thọ Tường (1825-1877), một tên tay sai của giặc Pháp, dù trước đây hai người là bạn thơ trong nhóm Bạch Mai thi xã. Bị dư luận lên án gay gắt, Tôn Thọ Tường làm bài thơ Từ Thứ quy Tào để ngụy biện, chống đỡ cho hành động phản dân hại nước của y. Phan Văn Trị công kích luận điệu của Tường bằng bài thơ Hát bội.
Cuộc bút chiến dưới hình thức họa thơ nổ ra từ đó. Tôn Thọ Tường làm 10 bài thơ liên hoàn tự thuật, tán dương sức mạnh vật chất của thực dân, cho rằng lực lượng kháng chiến non kém khó mà địch nổi, và trong thực tế cuộc kháng chiến đang lâm vào cảnh bi thảm. Cho nên người trí thức khôn ngoan là phải biết "tùy thời" mà ở.
Họa lại những bài thơ ấy, Phan Văn Trị đã mắng Tôn Thọ Tường là "đứa ngu", là kẻ "đáy giếng trông trời trơ mắt ếch", là "thằng hoang", là "đứa dại trót đời già cũng dại", là "loại tanh nhơ"... Bằng những lập luận sắc sảo, sáng ngời chính nghĩa, bằng những hình tượng độc đáo, rất đắt, với một thái độ đĩnh đạc, hiên ngang, ông giáng cho tên tay sai trơ trẽn này những cái tát đau điếng. Ông thách thức:
"Đừng mượn hơi hùm rung nhát khỉ
Lòng ta sắt đá há lung lay!"
Trong cuộc họa thơ này, Phan Văn Trị đã lôi cuốn được đông đảo sĩ phu Nam Kỳ vào cuộc như Bùi Hữu Nghĩa, Huỳnh Mẫn Đạt..., ông cảm hóa được những người lầm đường lạc lối như Lê Quang Chiểu trở về với chính nghĩa dân tộc, chống lại luận điệu bịp bợm của bọn bán nước.
Trong lịch sử văn chương yêu nước chống xâm lược trong gần một thế kỷ qua, cuộc bút chiến giữa Tôn Thọ Tường và Phan Văn Trị mang một giá trị đặc biệt. Thơ ông là lời phát ngôn của phong trào chống Pháp rộng lớn của sĩ phu và nhân dân Nam Kỳ ở cuối thế kỷ XIX. Đến nay, nhiều sáng tác của ông chưa sưu tầm hết, nhưng với trên dưới 50 bài thơ, mà chúng ta biết được, cho thấy rằng nhà thơ có một nhận thức sáng suốt, một lập trường kiên định, một tinh thần tự hào lạc quan, một khí phách hiếm thấy và một ý thức trách nhiệm công nhân đầy đủ đối với dân tộc và đất nước. Phan Văn Trị rất xứng đáng đứng trong hàng ngũ những nhà thơ tiêu biểu cho khuynh hướng văn học yêu nước chống xâm lược thời cận đại bên cạnh Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Thông, Nguyễn Xuân Ôn, Nguyễn Quang Bích... Trong phạm vị của tỉnh Bến Tre, Phan Văn Trị là ngọn cờ tiêu biểu thứ hai của văn chương yêu nước sau Nguyễn Đình Chiểu.
Nguồn: Thi Viện
No comments:
Post a Comment