Hôm nay (03/08/2014), xem một chương trình du lịch của Hong Kong giới thiệu về Nhật Bản nói về một chuyến cắm trại trong khu rừng ở Nhật với cảnh thiên nhiên hùng vĩ, suối nước nóng, thú rừng hoang dã với sự bảo vệ thiên nhiên và môi trường của chánh phủ và nhân dân Nhật Bản, Những con sông, suối trong vắt có thể thấy cá lội nhưng người hướng dẫn nói không bao giờ có ai phá hoại bằng cách xuống tắm hay câu cá dù không bao giờ có người coi giữ mọi việc điều trông vào sự tự ý thức và tự tôn trọng của người dân Nhật Bản mà câu cuối cùng của người điều khiển chương trình HK phải nói :"Ở đây muốn tìm một miếng rác thật là khó". Có lẽ đó là sự tự trọng bằng tấm lòng nghĩa hiệp của người Nhật, có lẽ cũng giống như sự suy nghĩ của Kim Dung và Nhị Nguyệt Hà qua buổi nói chuyện sau đây:
ĐỐI THOẠI VỚI KIM DUNG (金庸) VÀ NHỊ NGUYỆT HÀ (二月河)
Đây là buổi trò chuyện đầu tiên diễn ra trên đài truyền hình Thâm Quyến giữa Kim Dung - một tiểu thuyết gia võ hiệp chiếm nhiều độc giả nhất và Nhị Nguyệt Hà - người đã viết lại câu chuyện lịch sử của 130 năm vương triều nhà Thanh. Xin giới thiệu lại cuộc đối thoại thú vị này:
* Khán giả: Thưa ông Nhị Nguyệt Hà, trong những bộ tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung, ông thích tác phẩm và nhân vật nào nhất?
- Nhị Nguyệt Hà: Tất cả tác phẩm của Kim Dung tôi đều thích nhưng thích nhất là “Thần điêu hiệp lữ”, còn nhân vật mà tôi yêu thích nhất ư ? Chính là Hoàng Dược Sư.
* Khán giả: Thưa ông Kim Dung, xin hỏi ông thích nhất tác phẩm nào của Nhị Nguyệt Hà?
- Kim Dung: Trong ba bộ tiểu thuyết nhà Thanh, tôi thích nhất là Hoàng đế Ung Chính.
* Khán giả: Kim Dung từng nói tác phẩm ông ấy thích nhất là Lộc Đỉnh Ký nhưng trong lần phỏng vấn vào năm ngoái, ông Nhị Nguyệt Hà có nói Lộc Đỉnh Ký là tác phẩm ông không thích mấy, có phải như thế không thưa ông?
- Nhị Nguyệt Hà: Tôi cảm thấy Vi Tiểu Bảo là một tên chuyên giở thủ đoạn. Nhân vật quan trọng như Ung Chính sao có thể để Vi Tiểu Bảo làm rối tinh lên thế. Nhưng tôi không thích Lộc Đỉnh Ký không phải vì truyện này không hay, cũng giống như tôi không thích tác phẩm Chiến tranh và hòa bình vậy.
- Kim Dung: Thực ra tôi chưa bao giờ nói tôi thích Lộc Đỉnh Ký, Lộc Đỉnh Ký là tác phẩm khắc họa cái bất hảo trong xã hội Trung Quốc.
* Khán giả: Hai vị thấy tác phẩm nào của mình được chuyển thể thành phim xem là thành công nhất?
- Kim Dung: Tôi thích xem bộ phim truyền hình Vương triều Ung Chính được chuyển thể từ tác phẩm của Nhị Nguyệt Hà.
- Nhị Nguyệt Hà: Trong những bộ phim được chuyển thể từ những tác phẩm của Kim Dung, tôi xem Thiên Long Bát Bộ là nhiều nhất.
- Kim Dung: Là tác giả nên những gì của tôi mà bị người ta sửa đổi, tôi đều không thích, Thiên Long Bát Bộ xem ra ít bị thay đổi.
* Khán giả: Tác phẩm đã ra đời nhiều năm rồi sao ông vẫn muốn chỉnh sửa lại?
- Kim Dung: Tôi thấy một số tác phẩm vẫn còn sai sót nên muốn chỉnh sửa một chút. Tôi đã làm không rõ ràng mối quan hệ của rất nhiều nhân vật trong Thiên Long Bát Bộ. Hiện nay Thiên Long Bát Bộ bản mới được chỉnh sửa rất nhiều, những mối quan hệ đấy đã được làm rõ. Thật ra Lộc Đỉnh Ký là tác phẩm tôi muốn chỉnh sửa nhiều nhưng độc giả gởi thư tới phản đối quá nên bộ truyện này xem ra chỉ bổ sung chút ít cho những thiếu sót mà thôi.
* Khán giả: Đã qua 20 năm , giờ ông có nghĩ đến chuyện sẽ chỉnh sửa tác phẩm của chính mình không, thưa ông Nhị Nguyệt Hà?
- Nhị Nguyệt Hà: Những tác phẩm đã như bánh nướng đã ra lò, bạn đã bóp vụn nó rồi thì làm sao nướng lại được nữa.
* Khán giả: Tác phẩm của hai ông đều chọn bối cảnh nhà Thanh, tại sao hai vị có cảm hứng với lịch sử triều Thanh đến thế?
- Kim Dung: Các triều đại càng cách xa càng khó viết, người của thời Hán Đường như thế nào tôi cũng không rõ. Tập quán và sinh hoạt của người Thanh cách chúng ta khá gần nên dễ viết.
- Nhị Nguyệt Hà: Triều đại nhà Thanh cách chúng ta khá gần, những tư liệu còn lưu lại rất nhiều. Chỉ cần bỏ công nghiên cứu là có thể thâm nhập và đặt bút sáng tác. Với lại thời kỳ của ba vị hoàng đế Khang Hy, Ung Chính, Càn Long có nền văn hóa phong phú, phản ánh tư tưởng nhân văn khá nhiều, rất dễ lôi cuốn người đọc.
* Khán giả: Kim Dung tiên sinh đang theo học học vị tiến sĩ tại đại học Cambirdge ở Anh, xin hỏi người thầy hướng dẫn của ông đã có nhận xét thế nào về ông?
- Kim Dung: Ông ấy nói tôi “Trình độ tiếng Trung của tôi cao hơn những người Anh bình thường còn tiếng Anh thì phải học thêm nữa.” (Mọi người bật cười khi nghe câu trả lời dí dỏm của Kim Dung)
* Khán giả: Tại sao ông lại từ chức viện trưởng học viện nhân văn của Đại học Chiết Giang?
- Kim Dung: Tôi cảm thấy mình không đủ trình độ học vấn nên mới sang Đại học Cambirdge học lấy bằng tiến sĩ. Họ có thể cho tôi một học vị tiến sĩ trên danh nghĩa nhưng tôi thấy tốt nhất nên có được một học vị chân chính. Trước tiên tôi học một năm lấy bằng thạc sĩ, sau đó sẽ học tiếp ba năm nữa để có được học vị tiến sĩ.
* Khán giả: Tại sao ông lại chọn đại học Cambirdge để học lịch sử Trung Hoa mà không phải là một trường ở Trung Quốc?
- Kim Dung: Cách học của Trung Quốc và Anh quốc khác nhau, học giả Trung Quốc viết văn theo nhiều hướng, viết dẫn dắt theo lối đề cương, cách học người Anh hoàn toàn khác, đưa ra một vấn đề, nhất định phải có chứng cứ, có chứng cứ mới đưa ra phán đoán.
* Khán giả: Tác phẩm của hai vị đều nhấn mạnh tinh thần nghĩa hiệp, tinh thần nghĩa hiệp ấy được định nghĩa như thế nào?
- Kim Dung: Giúp người là một việc làm tốt, hại người lợi mình hay hại người không lợi mình đều là chuyện xấu, người có tinh thần nghĩa hiệp biết hi sinh giúp đỡ người khác và biết tương trợ cho nhau.
- Nhị Nguyệt Hà: Qua những tác phẩm của Kim Dung tôi lĩnh ngộ được câu “Hiệp chi đại giả, vi quốc vi dân” (Người có tinh thần nghĩa hiệp là người vì nước vì dân).
* Khán giả Có người cho rằng, tinh thần nghĩa hiệp ngày một thu nhỏ lại theo sự đa nguyên hóa của xã hội bây giờ, hai vị nghĩ sao?
- Kim Dung: Chính vì thế mới càng nên đề xướng tinh thần nghĩa hiệp, ngay từ những chuyện nhỏ nhặt nhất như nhặt rác vào thùng rác và hướng dẫn cách sống biết giúp đỡ người khác, không nên hại người. Hãy bắt đầu tinh thần nghĩa hiệp từ đấy.
LAN NHÃ (Theo Xinhuanet)
No comments:
Post a Comment