Sunday, May 31, 2020

KẸO CAU

Kẹo Cau thức quà tuổi thơ của người dân xứ Huế

Bên cạnh các món đặc sản ngon như bún bò Huế, cơm hến, kẹo mè xửng…Thì không thể không kể đến món ăn vặt Kẹo cau – một loại thức quà tuổi thơ của người dân xứ Huế.


Đến Huế mà bạn không thử một lần ăn kẹo cau quả là một điều đáng tiếc đấy nhé. Kẹo cau đã từ lâu là món ăn quà vặt tuổi thơ ngon ngọt ngào của người dân xứ Huế. Nếu có cơ hội thưởng thức bạn chỉ muốn hòa mình vào Huế, không muốn rời khỏi nơi đây nhất là những lúc căng thẳng mệt mỏi vì công việc.

Thức quà lưu giữ tuổi thơ người dân xứ Huế


Ngoài những món đặc sản đã quá nổi tiếng như: Bún bò Huế, cơm hến, kẹo mè xửng…Thì không thể không nói đến món ăn vặt Kẹo cau – đây được xem như là một loại kẹo tuổi thơ dành cho trẻ con cũng như người dân ở xứ Huế. Kẹo có hình như miếng cau chẻ sáu hoặc bốn, được chia thành 2 phần: bên ngoài màu trắng viền kẹo được làm từ bột gạo và đường thể hiện vỏ cau. Bên trong là phần cứng có màu vàng nhạt được làm từ đường cô đặc thể hiện nhân cau.


Nhìn hoàn toàn giống như một phần của quả cau được chẻ 4 chẻ 6 gói trong giấy bóng sạch sẽ cực kỳ ngon mắt. Ngày xưa, khi làm kẹo cau người ta có bỏ thị quả cau vào trong kẹo nhưng vì mùi của thị cau khá hăng, khó chịu nên thịt quả cau đã không còn đưa vào làm nhân kẹo nữa.


Mặc dù, kẹo có độ hơi cứng mà không mềm mại như kẹo dừa nhưng lại làm say đắm biết bao người. Chỉ cần ngậm chờ tan dần, bạn sẽ từ từ cảm nhận hương vị ngọt thanh, nhẹ nhàng càng ngậm lâu độ ngọt trong kẹo sẽ được hòa tan vào miệng khiến cho người ăn có cảm giác nhớ quê hương nhất là những ai đang xa quê.

Món quà tuyệt vời của xứ Huế


Mặc dù kẹo khá ngọt và cứng không thể ăn nhanh như kẹo sữa hay kẹo dừa mà phải ngậm từ từ. Nhưng khi ngấm vào lưỡi sẽ đánh thức mọi giác quan cảm xúc của người ăn, đặc biệt nếu vừa ăn kẹo vừa uống trà ấm nóng bạn sẽ cảm nhận được đúng vị ngọt béo của kẹo kết hợp với vị đắng của trà mang đến một cảm giác mới lạ. Đây cũng chính là một thú vui tuyệt vời nhất của những người lớn tuổi tại Huế từ xa xưa đến ngày nay.


Ngoài ra, nếu bạn không biết mua gì làm quà cho ý nghĩa để tặng người thân, bạn bè, đồng nghiệp mỗi khi có dịp đến Huế thì đây sẽ là một gợi ý không thể tuyệt hơn. Hoặc nếu bạn là người ở Huế cũng có thể chuẩn bị những túi kẹo để làm quà tặng cho những người con Huế xa nhà xa quê giúp họ gợi nhớ đến sông Hương, núi Ngự hay chợ Đông Ba…. Và đặc biệt là nhớ tất cả những gì thuộc về vùng đất Huế mộng mơ này. Có thể nói rằng sự giản dị mà thân thương, ngon ngọt của kẹo cau đã khiến hầu hết mọi du khách khi đến với Huế đều không thể bỏ qua món đặc sản nổi tiếng này.

Địa chỉ mua kẹo cau ngon ở Huế ?


Nếu các bạn muốn mua kẹo cau làm quà tặng hay thưởng thức có thể dễ dàng mua tại các cửa hàng lớn ở trung tâm thành phố Huế, chợ Đông Ba, các khu chợ, trong khu vực Đại Nội… Đặc biệt, kẹo ở những địa điểm này có giá đúng với giá thị trường hoàn toàn là nơi đáng để bạn có thể mua về làm quà tặng, thưởng thức đấy nhé.

Hy họng thông qua những chia sẻ trên bạn nào chưa một lần nếm thử thứ kẹo đặc trưng của Huế sẽ không bỏ qua món đặc sản này. Tin rằng đây cũng là một đặc sản thích hợp làm quà cho người thân, bạn bè sau chuyến đi đến với Huế.

binhqb94 (Tổng hợp)

QUẦN ĐẢO FALKLAND

Khám phá quần đảo thiên đường chim cánh cụt Falkland

Nhiều năm đã trôi qua sau chiến tranh Anh – Argentina, thiên nhiên hoang dã trên quần đảo Falkland đang dần phục hồi. Nhưng vẫn còn đó xác trực thăng và hàng ngàn mìn chôn chưa được gỡ bỏ.



Dù vậy, nó vẫn được khoanh vùng để trở thành khu vực bảo tồn chim cánh cụt nức tiếng nơi nơi. Nước Anh, vì thỏa thuận dọn sạch mìn chiến tranh, đã nỗ lực tiến hành rà soát và gỡ mìn trên quần đảo này. Nhưng thay vì hoan nghênh, người Argentina sinh sống tại đây lại kịch liệt phản đối.

Thiên đường động vật hoang dã đa dạng

Nếu bạn muốn một thế giới tự nhiên mà ở đó động vật hoang dã không hoảng sợ khi thấy người, hãy đến với Falkland, quần đảo bao gồm 776 hòn đảo lớn nhỏ nằm cách biển Argentina chừng 402km. Thật kỳ lạ là động vật trên quần đảo Falkland xem con người như bằng hữu.

Chim ưng caracara vằn thậm chí dám cướp giựt cả đồ của du khách. Đám hải âu mày đen không chỉ vô tư khoe dáng trước máy quay, mà còn cố ý quệt chân của chúng vào người đang đứng ngắm cảnh khi bay ngang qua họ nữa.

Quần đảo Falkland là khu vực bảo tồn chim cánh cụt nổi tiếng nhất thế giới

Trên hòn đảo Steeple Jason của Falkland, hải âu mày đen đậu chen chúc y hệt như một cánh đồng chim trên cao. Bên dưới vách đá liền kề bờ biển của hòn đảo ấy, chim cánh cụt rockhopper tấp nập đi lên đi xuống. Giữa không trung, chim ưng caracara vằn quắc đôi mắt sắc lẻm, quét tìm trứng và chim non.

Nó là mối nguy hiểm tự nhiên duy nhất trên quần đảo Falkland, nhưng vẫn được quan tâm bảo vệ. Dưới làn nước biếc, hải cẩu lông mao, cá voi sát thủ, cá heo thống lĩnh các rừng tảo bẹ rộng lớn. Hải cẩu, sư tử biển thì thảnh thơi nô giỡn trên bờ ghềnh.

Dù Falkland nổi tiếng khắp thế giới là quần đảo bảo tồn chim cánh cụt, nó còn là khu vực bảo tồn sư tử biển. Chỉ riêng trên đảo con Stick-in-the-Mud, ước tính đã có khoảng 7.500 sư tử biển. Giữa thế kỷ 20, loài động vật biển này của quần đảo Falkland đã suýt bị tuyệt chủng. Nhờ hoạt động bảo tồn, chúng lại tiếp tục sinh sôi.

Một cặp mẹ con cá heo Peale bơi gần đảo đơn New

Cá heo Peale thì chủ yếu bơi quanh quẩn gần đảo New. Chúng thường đi theo nhóm, khoảng từ 2-20 con, rất ưa nhào lộn trước mũi thuyền. Chim cánh cụt tất nhiên là đông đúc, bao gồm đủ các nhánh của nhà chim cánh cụt, trong đó có cả chim cánh cụt vua. Đặc biệt, chim cánh cụt vua tại điểm Volunteer của quần đảo này còn nhiều đến hàng ngàn cặp.

117 bãi mìn và 20.000 mìn chôn

Hiện nay, Falkland được xem như lãnh thổ hải ngoại tự quản của Anh. Nó có diện tích 12.200km2 và khoảng 3.200 dân. Tuy nhiên, Argentina chưa bao giờ thừa nhận điều đó. Họ liên tục tuyên bố chủ quyền.

Lịch sử Falkland cũng là lịch sử của tranh chấp và xung đột. Quần đảo này đã không hề có người ở cho đến tận năm 1764, khi người Pháp thứ nhất đặt chân lên. Chỉ có điều người Pháp không phải là những người đầu tiên phát hiện ra Falkland. Đó là công lao của một thuyền trưởng người Anh tên John Strong.

Hải âu mày đen chen chúc nhau làm tổ trên đảo đơn Steeple Jason

Sau năm 1766, Pháp nhường Falkland cho Tây Ban Nha. Qua tranh chấp, Anh và Tây Ban Nha quyết định chia đôi quần đảo, mỗi bên chiếm lĩnh một nửa. Nhưng chẳng bao lâu sau đó, cả Anh lẫn Tây Ban Nha đều bỏ bê Falkland. Mãi tới lúc này, Argentina mới nhảy vào tuyên bố chủ quyền, tố cáo Anh tội xâm lược.

Trong Thế chiến thứ nhất, Falkland từng phải hứng chịu trận chiến khốc liệt giữa hải quân Anh và hải quân Đức. Trong Thế chiến thứ hai, nó lại biến thành điểm đóng quân của một tiểu đoàn Anh. Trước năm 1982, Anh có cân nhắc chuyện trả lại chủ quyền quần đảo Falkland cho Argentina, nhưng sau đó trở mặt. Tháng 4.1982, Argentina đưa quân đội lên Falkland, chính thức tuyên chiến với Anh.

Xung đột vũ trang giữa Anh – Argentina kéo dài 2 tháng, kết thúc bằng chiến thắng của Anh. Song nó cũng để lại trên quần đảo tuyệt đẹp Falkland những 117 bãi mìn và khoảng 20.000 mìn chôn, từ mìn chống xe đến mìn chống người. Bởi việc dò gỡ mìn quá nguy hiểm, cả Anh lẫn Argentina đều thoái thác trách nhiệm cho đến khi Anh ký hiệp ước đảm bảo sẽ dọn sạch mìn chiến tranh vào năm 2009.

Chỉ riêng đảo nhỏ Stick-in-the-Mud đã có hơn 7.000 sư tử biển

Gỡ mìn hay không gỡ mìn thì tốt hơn?

Vào thập niên 1990, nhà đầu tư Michael Steinhardt của Mỹ bỏ tiền ra mua một vài hòn đảo ở Falkland. Năm 2001, vợ Steinhardt là bà Judy quyết định tặng tất cả cho Hiệp hội Bảo vệ Động vật Hoang dã. Từ đó, Falkland trở thành khu bảo tồn tự nhiên, đặc biệt chú trọng bảo tồn loài chim cánh cụt.

Mìn là mối nguy cơ lớn nhất trên quần đảo Falkland, song nó lại chẳng ảnh hưởng gì mấy đến loài chim cánh cụt. Chí ít, nó cũng vô hại với hai loài chim cánh cụt nhỏ là magellan và gentoo vì chúng không đủ nặng để kích nổ mìn.

Việc gỡ mìn cũng rất phức tạp, và trên hết là nó không hẳn cần thiết nên cư dân Falkland tuyên bố thẳng thừng: “Chúng tôi thà để yên các bãi mìn như cũ. Đằng nào thì tất cả chúng cũng đều được đánh dấu rõ ràng, có hàng rào bao bọc. Người ở đây cũng chưa ai từng bị thương vì mìn. Thế nên hỡi chính phủ Anh quốc, hãy cứ đi đến nơi nào khác cần giải phóng đất đai làm nông nghiệp mà phung phí tiền của chứ đừng đụng đến nơi này”.

Một hàng rào cảnh báo có mìn ở Falkland

Nhưng Anh đã ký hiệp ước xóa sổ các bãi mìn và họ cần nghiêm chỉnh thực hiện điều đó. Vì vậy, từ năm 2009 cho đến nay, Anh đã chi hàng chục triệu bảng cho việc rà, quét mìn ở Falkland. Điều phiền phức nằm ở chỗ, phá mìn cũng đồng nghĩa với làm nổ mìn. Mà nổ mìn thì lại cày tung cả một khu đất, gây ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái vừa mới bước đầu phục hồi.

Thêm vào đó, cư dân Falkland nhiệt tình với việc bảo vệ sinh thái hơn là dọn mìn. Không như các nơi khác, họ kiếm sống chủ yếu nhờ vào du lịch sinh thái. Hàng năm, Falkland đón khoảng 60.000 lượt du khách ghé thăm. Chống lại chiến dịch dọn mìn chiến tranh của Anh không chỉ để bảo vệ môi trường mà còn là vì miếng cơm manh áo của họ nữa.

Dù sao, Anh vẫn cứ bất chấp dọn mìn. Tính đến hiện nay, họ đã gỡ bỏ thành công 70% mìn ở Falkland. 30% còn lại bao gồm các bãi mìn quanh vịnh Yorke, nơi cư trú của chim cánh cụt magellan, hải cẩu lông mao và chim oystercatcher; và một số bãi mìn gần các khu định cư. Chúng quá khó để thực hiện nên Anh vẫn còn đang tính toán.

Nguồn: DoanhNhan+

NHÂN NGHĨA LÀ GÌ?

Trong cách suy nghĩ của người Nhật, có một điều rất quan trọng là yếu tố “Nhân Nghĩa”.


Nhân Nghĩa được tạo nên bởi hai từ đơn lẻ đó là “Nhân” và “Nghĩa”.

“Nhân” tức là suy nghĩ đến cảm giác của người đối diện rồi sau đó hành động.

Nếu mà người khác không thích thì tuyệt đối mình không làm.

“Nghĩa” tức là làm đúng.

Không nói dối, không phản chủ làm đúng những gì mình nói.

Đây là kiểu suy nghĩ của những người theo võ thuật, tuy nhiên ngày nay những người làm kinh doanh cũng phải nhớ điều này.

Không lừa dối khách hàng, chăm sóc phục vụ họ một cách chân thành.

Nhiều lần như thế sẽ lấy được sự tin tưởng của khách hàng từ đó chúng ta mới có việc để làm.


Nếu không thực hiện được việc này thì dần dần khách hàng của bạn sẽ bỏ bạn mà đi.

Như việc các nhân viên nhà hàng phải thật sự lễ phép khi giao tiếp với khách hàng.

Nếu bạn hiểu được suy nghĩ của người khác ắt bạn sẽ làm thỏa mãn được họ.

Các sản phẩm của Nhật cũng vì thế mà được khách hàng khắp thế giới ưa chuộng.

Yakuza là một loại mafia của Nhật, trong thế giới ngầm này họ cũng tuân thủ suy nghĩ này rất nghiêm ngặt.

Vốn dĩ họ không phải là những người bán thuốc phiện, bảo kê hành vi trộm cắp gì cả, họ là những người rất hung hãn đứng ra để giải quyết vấn đề khó khăn của một địa phương nào đó.


Đây là những người sẽ giải quyết những việc mà cảnh sát không thể giải quyết được.

Nếu xét về mặt pháp luật thì những việc này của họ xấu nhưng về mặt cử xử họ rất có tình có nghĩa. Yakuza bây giờ không còn nhiều những người như thế.

Hiện nay ở Nhật, những người có suy nghĩ đặt nhân nghĩa lên hàng đầu có đang bắt đầu giảm, điều đó thật đáng tiếc.

Theo: JAPO

Saturday, May 30, 2020

GÀ ÁC NGON VÀ BỔ ÁC!

Sau một thí nghiệm đối chứng, các nhà khoa học Trung Quốc kết luận gà ác có hàm lượng carnosine cao nhất trong các loại thịt gia cầm và gia súc.

Món xúp theo kiểu purée à la reine nấu gà ác với nấm. Thay cho bánh mì gạo nấu cháo húp khoái khẩu hơn. Ảnh: Thu Nguyễn.


Mày mò nấu gà ác theo công thức purée à la reine mà nhà triết học David Hume sưu tầm được có niên đại từ thể kỷ 17. Thế là có được món vừa bổ vừa ngon ác luôn!

Con gà người Việt đặt tên là ác (xấu?) có lẽ do thịt nó đen, chân chì, xương cũng đen như quạ. Nó làm ta nhớ đến phần đầu của một câu (1, 5) trong sách Diễm Ca của Kinh thánh Cựu Ước: “Em đen, nhưng em đẹp…” (Je suis noire, mais je suis belle). Ở đây gà với chức năng cho thịt. Nên cái đẹp của nó là bổ và ngon.

Nói về bổ, các nhà khoa học phòng lab Khoa học thực phẩm của bộ Giáo dục tại Nanchang, Trung Quốc đã lóc xương và xay thịt của 200 con gà ác đối chứng với 200 con gà Rock. Carnosine trong gà ác chiếm 0,45% so với gà Rock 0,22%. Thí nghiệm này, sử dụng phương pháp sắc ký lỏng cao áp, cũng được đối chứng với những con vật khác.Kết quả thí nghiệm được công bố tại hiệp hội Hoá chất Mỹ hồi tháng 9.2006 (1).Tưởng cũng nên biết là dòng gà White Plymouth Rock là một trong những giống gà cho thịt và trứng nổi tiếng nhất thế giới. Nhưng danh gà thế giới không địch nổi con gà ác xấu xí, bé bỏng có tên tuyệt đẹp – Thái Hoà (太和), được người Trung Quốc sử dụng như là món bổ dưỡng vào khoảng những năm 1.000 trCN.

Gà White Plymouth Rock

Nói về ngon, gà ác được kể là chắc thịt hơn hẳn gà ri và gà công nghiệp. Sự hao hụt khối lượng sau khi luộc của nó là 19,2% so với 21,3% ở gà ri và 26,2% ở gà công nghiệp. Tại chợ Bàn Cờ Sài Gòn, gà ác cỡ to chỉ 25.000 đồng/con.Không có vẻ gì quá tầm đại chúng.

Một ông bạn kể, dân Bến Tre có kiểu đem thịt gà ác xay nhuyễn ra để nấu cháo phục vụ món khai tiệc của đàng trai sau khi họ từ đàng gái trở về. Như ta biết, dân Việt Nam có tục đàng trai khi sang đàng gái rước dâu, thường bị chuốc rượu thật nhiều, dễ say nên khi về lại tiệc đàng trai không đủ sức cầm cự với rượu ở đó. Món cháo gà ác xay là giúp cho những người vừa trải “trận mạc” bên đàng gái nhờ đó tỉnh rượu.Một ông thầy thuốc lại cho rằng xương gà ác rất bổ.Lúc nấu nó, nên bằm cả thịt lẫn xương thay vì xay, sẽ tốt hơn. Các tiệm ăn ở Sài Gòn thường bán món gà ác tiềm thuốc bắc. Nhưng chẳng biết có thứ gì trong thang thuốc bắc ấy. Hôm về Cần Thơ, ông chủ nhà hàng Ven Sông đãi tôi món gà ác nấu với linh chi, lá xạ đen và sâm đại hành.Những thứ dược liệu này được trồng trong vườn thảo dược Ven Sông.Nếu nói về mỹ vị, món này chẳng gây ấn tượng gì cả. Xạ đen lại còn được quảng bá là hỗ trợ và phòng ngừa ung thư, nên được các nhà buôn thực phẩm chức năng xúm vào khai thác, nhưng không tìm thấy chứng cớ từ đâu cả. Số người mắc ung thư ở Việt Nam cũng không giảm. Nên món gà ác nấu với vị thuốc hôm ấy chỉ kể là món có vị “yên tâm” đặc trưng dành cho những người cần sự yên tâm trong ăn uống. Còn tôi, tôi fusion món xúp hoàng hậu mà Hume ca ngợi vô hồi kỳ trận.

Hume là một triết gia sành ăn và là một tay nghiên cứu và thực hành nấu nướng. Ông còn viết nhận thức luận về cái ngon rải rác trong thư từ trao đổi với người quen. Cái ngon theo ông vừa khách quan vừa chủ quan. Cũng giống như người ta phải đo đếm cái đẹp của các hoa hậu, vì vốn dĩ nó cũng vừa khách quan, vừa chủ quan. Chủ quan như với Hoạn Thư, Kiều xấu hoắc. Với mấy gã đàn ông và Nguyễn Du, Kiều đẹp chim sa cá lặn.


Các công thức của món purée à la reine gồm ức gà hầm nhừ với hồ trăn (dẻ cười), hạt lựu và hạnh đào đắng, theo ông, cho một vị đặc trưng. Nhưng Hume không đích thân vào bếp mà đào tạo cô nàng Peggy Irvine thành đầu bếp cao cấp, chuyên nấu haute cuisine của Paris phục vụ cho ông. Chắc chắn ông không có được con gà ác như tôi để nấu món xúp nữ hoàng mà ông mê muội rồi. Tiếc cho ông.

Dù cho xương bổ cách mấy, sau khi hầm nhừ con gà, tôi vẫn lấy xương vất đi, thịt nó tan lêu bêu trong nồi hầm, chỉ cần cho một ít gạo và nấm đông cô, nấm rơm, nấm bào ngư vào nấu cho đến khi thành xúp cháo, nêm với những thứ rau mùi có sẵn ở chợ, là đã có một bữa xúp ngọt ngào.

Ngữ Yên (theo TGTT)
—————–
(1) https://www.eurekalert.org/pub_releases/2006-09/acs-bsf082806.php

CỎ MỸ, NẤM THẦN, LÁ KHÁT: THẢO DƯỢC CHẾT NGƯỜI

Chúng ta luôn nghĩ những loại chất như Heroin, amphetamine,.. mới là ma túy. Những thứ như cỏ mỹ, nấm thần hay lá khát chỉ là thảo dược và nó không gây hại. Nhưng những thứ được coi là “thảo dược” này có thực sự an toàn. Bài viết sau sẽ làm rõ hơn thực chất cỏ mỹ, nấm thần, lá khát là gì.


1. Cỏ Mỹ

1.1 Cỏ mỹ là gì?

Cỏ Mỹ thực chất là “cần sa tổng hợp” được phun trên thực vật khô, băm nhỏ. Chất này còn được gọi là thảo dược. Những hóa chất này được gọi là cannabinoids vì tương tự như hóa chất trong cần sa. Do sự giống nhau này, cannabinoids tổng hợp đôi khi được gọi là “cần sa tổng hợp”. Những người bán loại ma túy này thường quảng cáo rằng đây là loại ma túy tự nhiên và vô hại. Nhưng điều này là sai sự thật. Trên thực tế, chúng không an toàn và ảnh hưởng đến não mạnh hơn nhiều so với cần sa. Tác dụng thực tế của chúng có thể không thể đoán trước và trong một số trường hợp có thể tử vong.

Cỏ Mỹ thực chất rất nguy hiểm

Người sản xuất bán các sản phẩm này đầy màu sắc để thu hút người tiêu dùng. Nhiều nhãn hiệu hiện đang tồn tại, bao gồm K2, Spice, Joker, Black Mamba, Kush và Kronic. Các hóa chất được sử dụng vô cùng độc hại và có khả năng gây lạm dụng cao. Nên chất này đã bị cấm. Tuy nhiên, người sản xuất đã lách luật này bằng cách thay đổi các công thức hóa học trong hỗn hợp. Điều này mang niềm tin rằng các sản phẩm cannabinoid tổng hợp là “tự nhiên” và vô hại. Đây có lẽ là lí do giới trẻ sử dụng chúng ngày càng nhiều. Một lý do khác để sử dụng là các xét nghiệm tiêu chuẩn không thể dễ dàng phát hiện các hóa chất được sử dụng trong các sản phẩm này.

Các sản phẩm cỏ mỹ hay gặp trên thị trường

1.2 Người ta sử dụng cỏ mỹ như thế nào?

Cách sử dụng phổ biến nhất cỏ mỹ là hút nguyên liệu thực vật khô. Người ta cũng có thể pha nó như trà và uống. Một số người khác mua các sản phẩm cannabinoid tổng hợp dưới dạng chất lỏng. Sau đó hóa hơi trong thuốc lá điện tử để hút.

Quấn lại và hút trực tiếp là cách sử dụng khá phổ biến

1.3 Cỏ mỹ tác động lên não bộ như thế nào?

Vì có cùng cấu trúc với cần sa nên Cannabinoids tổng hợp có trong cỏ mỹ tác động trên cùng các thụ thể não THC (delta-9-tetrahydrocannabinol). Cho đến nay, có rất ít nghiên cứu khoa học về tác dụng của cannabinoids tổng trên não người. Nhưng các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng cỏ mỹ tác động mạnh hơn cần sa trên thụ thể THC. Từ đó có thể tạo ra tác dụng mạnh hơn nhiều. Các hậu quả có thể không thể đoán trước và nguy hiểm hơn so với cần sa. Do nhiều thành phần hóa học của cỏ mỹ chưa được biết và có thể thay đổi từ lô này sang lô khác nên tác dụng khác nhau đáng kể.

Người dùng cỏ mỹ ( cannabinoid tổng hợp) kể về 1 một số trải nghiêm tương tự như tác dụng của cần sa:
  • Tâm trạng hưng phấn
  • Thư giãn
  • Thay đổi nhận thức đối với các sự vật và hiện tượng xung quanh
  • Các triệu chứng của loạn thần: Hoang tưởng hay suy nghĩ tách rời khỏi thực tế

Giống như cần sa, cỏ mỹ cũng tác động lên thụ thể THC, nhưng mức độ mạnh hơn

Một số người dùng vào thì có các trải nghiệm như:
  • Lo sợ tột độ
  • Lơ mơ
  • Hoang tưởng một cách cực đoan, mất lòng tin vô lý và có những hành vi bạo lực
  • Ảo giác: Cảm giác và hình ảnh có vẻ như thật mặc dù chúng không tồn tại.

1.4 Những tác động khác của cỏ mỹ lên cơ thể

Một số người đã sử dụng cannabinoids tổng hợp và đã được đưa đi cấp cứu đã cho thấy những ảnh hưởng nghiêm trọng bao gồm:

– Nhịp tim nhanh
– Nôn nhiều
– Hành vi bạo lực
– Ý nghĩ tự tử

Cannabinoids tổng hợp cũng có thể làm tăng huyết áp và làm giảm cung cấp máu cho tim, cũng như tổn thương thận và co giật. Sử dụng các cỏ mỹ có liên quan đến những cái chốt đột ngột.

1.5 Cỏ mỹ có gây nghiện không?

Câu trả lời là có, cỏ mỹ (cannabinoids tổng hợp) có thể gây nghiện. Vì tiền, bọn tội phạm đã tuyên truyền “cỏ Mỹ không gây nghiện” nhằm dụ dỗ, lôi kéo người thiếu hiểu biết sư dụng. Những người đã dùng cỏ mỹ thường xuyên, khi họ thử bỏ thuốc có thể có các triệu cai như:

Đau đầu
Lo âu
Trầm buồn
Dễ cáu gắt

Chính vì những cảm giác khó chịu này, khiến người sử dụng khó chịu và phải hút lại cỏ mỹ.

2. Nấm thần


2.1 Nấm thần là gì?

Nấm có chứa psilocybin được gọi là nấm thần (hay nấm ma thuật). Psilocybin là một chất kích thích thần kinh có trong hơn 100 loại nấm. Nó là một chất có khả năng gây lạm dụng cao và không phục vụ mục đích y tế hợp pháp. Hiện nay, người ta sử dụng psilocybin như một loại thuốc giải trí. Nó mang lại cảm giác hưng phấn và trải nghiệm cảm giác khác lạ giống chẩt gây ảo giác, chẳng hạn như LSD.

Psilocybin là một chất gây ảo giác tác động bằng cách kích thích thụ thể serotonin. Phần não này ảnh hưởng đến tâm trạng, nhận thức và nhận thức. Psilocybin có thể gây ra ảo thị hoặc ảo thính, làm biến dạng nhận thức của người đó về môi trường xung quanh. Các tác dụng gây ảo giác của psilocybin thường xảy ra trong vòng 30 phút sau dùng dài từ 4 đến 6 giờ. Ở một số cá nhân, những rối loạn tri giác và tư duy có thể kéo dài trong vài ngày

2.2 Người da dùng nấm thần như thế nào?

Người dùng thường sử dụng nấm thần pha với nước và như trà hoặc ăn trực tiếp nó. Một số người bán nghiền nhỏ nấm và chế thành dạng viên nang. Một số người dùng khác lại dùng sô cô la để che những nấm này.

Người dùng có thể ăn trực tiếp cây nấm để đạt cảm giác “phê”

2.3 Nấm thần tác động lên não như thế nào?

Tác dụng của nấm thần (psilocybin )thường tương tự như của LSD. Bao gồm thay đổi nhận thức về thời gian, không gian và những thay đổi mạnh mẽ về tâm trạng và cảm giác.Tác dụng có thể có của psilocybin. Mỗi miếng nấm được gọi bằng tiếng lóng là 1 “trip” – nghĩa là sau khi ăn nấm, người dùng sẽ rơi vào trạng thái ảo giác như có chuyến đi lên thiên đường, xuống địa ngục, lên mặt trăng, xuống đáy biển theo tưởng tượng của người dùng. tùy vào trải nghiệm của người dùng mà có những người được “good trip” hay bị gặp phải “bad trip”. Nếu may mắn, sẽ có một “chuyến du lịch tốt đẹp” (good trip), không may sẽ trải qua “một chuyến du lịch xui xẻo” (bad trip).

Một số người họ mô tả khi họ dùng họ có “good trip” như lạc vào thiên đường, cảm giác hưng phấn hân hoan, mọi thứ xung quanh bỗng trở nên chan hòa, yêu đời. Nhưng khi họ lạc vào “bad trip”, mọi trải nghiệm xung quanh rất kinh khủng như dưới địa ngục. Họ rơi vào trạng thái sợ hãi, hoản loạn khi nghe những tiếng động âm thanh không co thực như đang tấn công vào tai họ.

Người dùng có thể trãi nghiệm những “bad trip” với cảm giác sợ hãi tột cùng

Ngoài những tác động lên não, nấm thần còn gây các tác động lên cơ thể như: chóng mặt, buồn ngủ, giảm tập trung, yếu cơ, cơ thể phối hợp động tác vụng về ,cảm giác cơ thể khác thường, buồn nôn.

2.4 Nấm thần có gây nghiện không?

Hiện vẫn chưa đủ bằng chứng cho rằng Psilocybin gây nghiện. Khi người dùng ngưng sử dụng thì cũng không có triệu chứng cai như vật vã, bứt rứt xảy ra giống như những chất khác. Nhưng sử dụng thường xuyên có thể khiến một cá nhân trở nên dung nạp với tác dụng của psilocybin. Và từ đó họ tăng sử dụng với liều lượng cao hơn.

Có một đặc điểm rằng các cá nhân sử dụng loại này được trải nghiệm những cảm giác ảo giác khác. Sau vài ngày sử dụng psilocybin, các cá nhân có thể gặp khó khăn trong việc thích nghi lại với thực tế. Trên thực tế, điểm gây hại chết người của loại nấm này chính là đưa người dùng vào trải nghiệm ảo giác, hoang tưởng. Trong lúc này họ hầu như không thể kiểm soát được hành động và suy nghĩ của bản thân. Từ đó họ có những hành vi gây hại cho bản thân thậm chí là từ vong.

3. Lá Khát


3.1 Lá khát là gì?

Lá Khát hay tên tiếng anh là Khat hay Qat. Nó có tên khoa học là Catha edulis. Nó có chứa chất kích thích hệ thần kinh trung ương cathinone. Loại cây này được trồng rộng rãi chủ yếu ở Đông Bắc Châu Phi và Bán đảo Ả Rập. Do đó, việc nhai khat gắn liền với truyền thống văn hóa xã hội có từ hàng ngàn năm trước ở những nước này.

Cathinon có tác dụng tương tự như amphetamine dạng nhẹ. Nhưng nó có tác dụng nhanh hơn (khoảng 15 phút sau khi nhai so với 30 phút nếu dùng amphetamine). Nó có mức độ nguy hiểm hơn ma túy đá gấp nhiều lần và độc hại hơn các loại ma túy thông thường gấp 500 lần. Khi nhai lá khát, người dùng sẽ thấy phê sướng, tỉnh táo và hoạt ngôn hơn.

Từ cathinone có trong lá khat, có thể tổng hợp ra nhiều loại ma túy khác nhau. Nổi tiếng nhất là kết hợp giữa cathinone và methamphetamine tạo thành “Flakka” – “Muối tắm”. Flakka khiến người dùng bay bổng, cực kỳ kích thích, nhiều ảo giác, có cảm giác có sức mạnh phi thường và rất hung hăng. Nhưng cũng khiến họ lên cơn co giật, thân nhiệt cao (> 40 độ C), tim đập nhanh, hoang tưởng và thậm chí tử vong. Flakka gây tiêu cơ vân và xương nhanh chóng, dẫn đến tắc nghẽn các ống thận gây tổn thương thận cấp.

Tác động của “muối tắm” là cực kì độc hại

3.2 Lá khát tác động lên não và cơ thể như thế nào?

Cathinone làm tăng mức độ dopamine, chất dẫn truyền thần kinh khiến bạn cảm thấy dễ chịu. Nó cũng kích thích giải phóng hormone norepinephrine, khiến người dùng cực kì tỉnh táo. Trong cơ thể, khat có thể làm tăng huyết áp và nhịp tim, giống như các chất kích thích khác. Sử dụng khat nhiều hoặc trong một thời gian dài có thể gây sâu răng, bệnh nướu răng và các vấn đề về tim. Nó cũng có thể gây ra vấn đề với dạ dày và đường tiêu hóa chẳng hạn như táo bón, loét, đau. Tác dụng của khat có thể kéo dài 90 phút đến 3 giờ. Người dùng có thể cảm thấy chán nản và cáu kỉnh, chán ăn và mất ngủ.

Giống như amphetamine, cathinone trong Khat cũng tác động lên thụ thể Dopamine

Những năm trở lại đây, bên cạnh những loại ma túy “truyền thống” như heroin, amphetamine, cocain,.. được sử dụng theo đường tiêm chích hay hút, thì các loại ma túy mới mang cái danh “thảo dược” như nấm thần, lá khát, cỏ mỹ có thể dùng ăn nhai trực tiếp, chính vì nó ở dạng thô sơ, nên còn lẫn rất nhiều tạp chất chưa biết và rất nguy hại cho người dùng. Mong rằng bài viết phần nào giúp mọi người, đặc biệt là giới trẻ có thể hiểu kĩ hơn về những thứ “thảo dược” chết người này. Từ đó đưa ra quyết định có nên sử dụng hay không.

Bác sĩ Lê Hoàng Ngọc Trâm

ALISHAN (阿里山) – NHỮNG ĐIỀU KHÔNG THỂ BỎ QUA

“Shan” trong tiếng Hoa nghĩa là "núi", núi A Lý Sơn là trung tâm của Khu bảo tồn Quốc gia Alishan. Các khu vực Alishan là một vùng hoang dã tự nhiên rộng 415 km2 và sản xuất trà Alishan nổi tiếng ở Đài Loan.


Ngọn núi như một biểu tượng trong tâm trí của người Đài Loan, nổi tiếng với những điều thú vị như cảnh quan hữu tình từ cảnh buổi bình minh với khung trời rực rỡ, đến hoàng hôn từ đỉnh núi lãng mạn đầy thơ; cũng như chiêm ngưỡng phong cảnh thiên nhiên yên bình mà quyến rũ như biển mây trắng xóa phủ bước chân, hay rừng hoa anh đào mênh mông khoe sắc…

Ngắm Bình Minh Trên Đỉnh A Lý Sơn



Nếu hỏi bất cứ đâu về việc đáng làm nhất ở Alishan chắc chắn hầu hết sẽ trả lời là ngắm bình minh vào sáng sớm. Alishan luôn đẹp mê hồn vào mọi thời gian nhưng vào thời khắc bình minh khi những tia nắng xuyên qua những đám mây, những cành hoa đang đọng sương là lúc Alishan quyến rũ nhất.

Không có nơi đâu không khí lại trong lành như miền núi cao. Cảnh trong xanh của bầu trời và cảnh xanh bạt ngàn của núi đồi đã tao đã nên sự hùng vĩ nhưng cũng không kém phần nên thơ của Alishan.

Cây Thiên Khổng Lồ


Nếu bạn từng ngưỡng mộ về sự già nua của cây trò ngàn năm tuổi thì sẽ phải giật mình khi bước vào rừng cây ở Alishan, ở vương quốc của những shenshu (Cây thần) tre trẻ thì 7 - 800 năm, già vừa phải 1500 năm, già nhất là 3000 năm.

Những tán cây vẫn khiêm tốn nhả oxy vào không gian như chưa từng biết về sự thay đổi, chính vì vậy mà tôi tin rằng nếu được hít thở không khí ở Alishan mỗi ngày có thể làm cho con người ta trẻ mãi không già...

Thực dân Nhật đã từng tận dụng lợi thế gỗ của Đài Loan, di sản của họ vẫn tồn tại trên những lối đi mòn, đền thờ Nhật bản cũng như những chùa cây tâm linh là tàn dư của thời điểm đó mà bạn có thể nhận ra trên đường đi.

Thưởng Thức trà Alishan


Alishan cũng là vùng đất nổi tiếng về canh tác trà, cung cáp nhiều loại trà đặc sắc cho cả nước và xuất khẩu. Khi tham quan chúng ta sẽ thấy những đồi trà bạt ngàn, xanh mượt mà thấp thoáng những người nông dân đang khom lưng hái chè. Những cô gái trong chiếc nón rộng vành đang thu hoạch trà cũng tạo nên nét đẹp đặc trưng cho vùng núi này.

Đi xe lửa giữa rừng đào ở A Lý


Dù có khung cảnh rất nên thơ và hùng vĩ, nhưng núi A Lý lại không được nhiều người biết đến. Ngọn núi này chỉ thật sự nổi tiếng khi Nhật Bản đầu tư xây dựng tuyến đường sắt xuyên rừng vào năm 1912 để khai thác gỗ hương trên núi.

Hình ảnh đầu tàu sơn đỏ chầm chậm tiến vào sân ga, nơi những rừng hoa anh đào nở rộ đang khoe nhau đua sắc sẽ làm một hình ảnh ấn tượng cho du khách khi đến đây. Nắng ban mai ở Alishan rất lạ, trong vắt, xuyên qua tán cây tạo nên những đường kẻ thẳng tắp chia không gian thành những mảnh nhỏ lấp lánh...

Ngoài ra ở Alishan du khách sẽ thỏa sức đắm mình trong những dòng suối nước nóng thiên nhiên. Giữa khung cảnh nên thơ được ngâm mình trong những dòng suối nước nóng sẽ đưa chúng ta tới cảm giác như đang ở chốn thần tiên.

Ngoài cảnh thiên nhiên nhẹ nhàng và yên bình, phố núi Alishan còn nổi tiếng với những dãy nhà xinh xắn với mái ngói màu nâu dịu, tạo nên nét duyên dáng, ấm áp cho cảnh quang. Duyên dáng bên dãy núi là những ngôi nhà gỗ được lợp bằng mái ngói nâu.


Alishan là điểm đến trên cả tuyệt vời cho bạn nếu như có dự định đi dã ngoại, cắm trại cùng với bạn bè, người thân và gia đình.

Theo: VYC Travel

NGỌT NGÀO ĐƯỜNG BÁT

“Biết em từ thuở trong nôi, 
Ru em không nín anh “đôi” cục đường.
Bây chừ em nói không thương,
Một hai ba bốn trả cục đường lại cho anh”. 


Câu hát ru ni không biết chỉ có ở quê tôi hay nhiều nơi khác cũng biết. Tôi thì thuộc và nhớ mãi bởi trong câu hát có câu chuyện về cục đường có chút ngọt có chút bùi ngùi...

Là cục đường nhỏ được chia ra từ bánh đường bát cũng là một món quà của những năm tuổi thơ tôi. Đường bát là một sản phẩm truyền thống làm từ cây mía ở Quảng Nam. Theo một người bạn hồi sinh viên của tôi thì ở vùng quê Quảng Nam, từ miền đồng bằng lên trung du hay trải dọc theo hai con sông Vu Gia và Thu Bồn đất phù sa màu mỡ là nơi thích nghi với nhiều loại cây trồng trong đó có cây mía. Khi những bông mía bắt đầu tàn, những cơn gió lạnh ngày càng nhạt dần là mùa đạp mía, nấu đường bắt đầu. Người Quảng Nam gọi là mùa làm đường. Đây là mùa bận rộn nhất của người nông dân các vùng trồng mía Quảng Nam. Rồi những cặp đường bát theo những chuyến xe đi khắp trong Nam ngoài Bắc đến cả những vùng quê xa ngái như quê tôi bên phá Tam Giang xứ Huế...

Tôi nhớ những lần được mạ hay mệ nội sai đi mua mấy thứ lặt vặt ở mấy quán hàng xén nhỏ xóm bên của mụ Nguyệt, o Gái. Khi thì 5 hào bột ngọt, khi thì 2 hào muối; nhưng tôi vẫn thích nhất là được sai đi mua đường hay mua xì dầu. Đơn giản là đi mua đường cục thì dọc đường phải cắn bớt miếng; còn xì dầu thì dốc ngược chai nếm cái vị thơm thơm lạ lạ.


Mà cái bánh đường bát hồi đó không phải là hiếm nhưng cũng quý. Thấy trong đôi triêng gióng của mạ có cặp đường là nhớ sắp đến ngày rằm lớn rồi, sắp được ăn chè rồi. Hồi nhỏ ở làng chỉ biết ăn chè đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ nhưng nhiều nhất là chè nếp. Chè nếp mà ăn cỡ hai chén là thấy bưa; rứa mới có câu thành ngữ “bưa như chè nếp”... Tết Đoan Ngọ mới được ăn chè kê rồi Tết mới được ăn chè đậu xanh đánh... Còn chè hột sen thì chỉ nghe qua câu ca:”Thương chồng nấu cháo le le - Nấu canh bông lý nấu chè hột sen”. Nghe thôi chứ không được thấy, được ăn. Lên phố rồi mới biết hương vị của chè hột sen. Chừ thì hột sen đã thành phổ biến từ phố về quê. Tất nhiên đã là chè hột sen nấu với đường phèn kết tinh thì phải ngon rồi nhưng thiệt lạ là tôi vẫn thèm cái hương vị của những chén chè đậu nấu với đường bát ngày xưa...

Ngày mùa thì mạ mua sẵn cặp đường cất trong cụi bếp để khi nấu chè, khi thì cạo đường ra cuốn với bánh tráng nhúng nước để ba và mấy người bạn gặt ăn bữa lỡ... Lại nhớ mấy bận xã tổ chức đá banh. Khi mô đội banh của chi hội tôi cũng gánh theo một thùng nước chè xanh với một thau chanh dầm đường. Nghỉ giữa trận mấy chú cầu thủ được bồi dưỡng mấy miếng chanh đường để thêm sức mà đá cho hay. Con nít như chúng tôi đứng coi thèm rệu nước miếng và ước ao lớn mau để được đi đá banh...


Mà nói đến đường đen là nhớ kẹo cau. Một thời cũng là món quá vặt quen thuộc của trẻ con làng quê. Đơn giản là bởi nó rẻ, dễ làm dễ ăn. Hồi nhỏ tôi cũng có cái thú là đi coi đổ kẹo cau. Người đổ kẹo là bác Nuôi hàng xóm của mình. Ba bốn bánh đường đen chi đó, chặt ra từng cục, thêm ít gừng rồi thổi củi nấu lên cho đến khi nào nó dẻo ra mà theo cách gọi của bác Nuôi là đường đã tới; rứa là đổ ra nhồi cho dẻo sau đó bưng cả giã đường đang nóng hôi hổi đó vắt lên cái chạc ba treo ở cột nhà mà đập. Đập liên tục như thế đến khi nào đường kết dính với nhau, trắng ra là đưa xuống bỏ vào cái mẹt bột sắn để cho kẹo khỏi chảy nước rồi cắt ra thành từng cái kẹo một. Kẹo cau ăn ngon nhất là khi còn nóng bởi khi đó viên kẹo còn dẻo, mềm. Để càng lâu thì kẹo càng cứng. Cái thời bao cấp, tìm cả chợ quê của tôi chỉ có mấy bì kẹo chanh, mấy bì bánh tai heo thì kẹo cau bán được lắm. Ở gần chợ có một nhà chuyên làm kẹo cau bỏ mối cho khắp vùng. Học trò đi học ca trưa mùa lạnh tạt qua xóm mua mấy đồng kẹo cau nóng ăn chống đói. Đội đoàn đi cắt lúa, đi làm thủy lợi cũng mua mấy chục kẹo cau để ăn bữa lỡ. Cái kẹo cau thời bé dại ăn có khi mẻ cả răng mà vẫn thấy ngon…

Phi Tần / Báo Du Lịch

Friday, May 29, 2020

PHẬT GIA GIẢNG "CẦN BUÔNG BỎ", NHƯNG RỐT CUỘC LÀ BUÔNG BỎ ĐIỀU GÌ?

Phật gia giảng “Cần buông bỏ” nhưng rốt cuộc là buông bỏ điều gì?


1. Buông bỏ việc tranh luận đúng sai

Có rất nhiều người không thể tự nhận ra được sai lầm của bản thân, một mực khăng khăng là mình đúng. Nếu cứ tiếp tục như vậy, họ đâu có biết rằng nó sẽ mang lại áp lực và đau khổ cho chính bản thân họ lẫn người khác.

Trong khi bạn đang bực bội vì tranh luận với người khác, cố chấp bảo vệ quan điểm của bản thân mình, thì hãy nên dừng lại, tự hỏi bản thân làm như vậy có đúng hay không? nó có lợi cho mình và người khác không? Cái tôi của mình tại sao lại lớn như vậy? Nếu suy nghĩ một cách cẩn thận, bạn sẽ biết rằng tranh luận đúng sai đáng hay không?


2. Buông bỏ tâm thái muốn khống chế người khác

Sự tôn trọng với bất kỳ ai, không kể là người bạn yêu mến hay đối tác trong công việc, hoặc có thể chỉ là một người xa lạ trên đường phố sẽ khiến bạn cảm thấy tốt hơn bao giờ hết. Hãy nên tôn trọng tự do cá nhân và cố gắng không nên áp đặt lên người khác sũy nghĩ của mình.

3. Buông bỏ sự trách móc

Khiển trách người khác sẽ không mang lại cho chúng ta bất cứ điều gì tốt đẹp, kể cả khi tâm trạng chúng ta không tốt thì cũng không nên trách móc người khác, nếu bạn có thể làm được như vậy, tâm bạn sẽ được nhẹ nhàng thoải mái..


4. Buông bỏ cảm xúc dằn vặt bản thân mình

Nhiều người đau khổ do những suy nghĩ tiêu cực của chính bản thân họ, việc tự dằn vặt bản thân xuất hiện khi tâm trạng họ không tốt đồng thời lại phải chịu đựng nó.

Bạn không cần phải suy nghĩ về bất cứ những tư tưởng tiêu cực khiến mình phải dằn vặt, điều đó sẽ tốt hơn cho bản thân bạn.

5. Buông bỏ tự ti về hiểu biết hữu hạn của bản thân

Bạn có thể làm những gì và không thể làm những gì? Những gì bạn có thể làm được và không thể làm được? Kỳ thực, nếu bạn có thể buông bỏ sự tự ti về các vấn đề của bản thân, không cuộc hạn chính mình thì bạn có thể làm được mọi thứ.

Hãy dang rộng đôi tay của bạn, thỏa sức vút bay lên thật cao!


6. Buông bỏ tâm phàn nàn

Chúng ta nên dừng lại việc phàn nàn về những gì xung quanh chúng ta ví như con người, hoàn cảnh, các loại sự việc. Bạn biết không, không ai có thể làm cho bạn không vui, không một môi trường nào có thể làm cho bạn chán nản. Bởi lẽ không phải hoàn cảnh khiến bạn bị chán nản mà chính là tự bản thân bạn cảm thấy như vậy. Khi bạn có thể suy nghĩ tích cực hơn, hoàn cảnh sẽ thay đổi, và tự tâm chúng ta có thể thấy vui vẻ!

7. Buông bỏ cái tâm thái phê bình người khác và sự việc khác

Mỗi cá nhân chúng ta là khác nhau, tuy nhiên sẽ vẫn có điểm tương đồng, mọi người đều muốn được vui vẻ, được yêu thương và cảm thông. Vì vậy, nếu có thể thay sự phê bình người khác bằng việc xoay trở lại xét chính mình, bạn sẽ thấy bạn trở nên tốt hơn bao giờ hết.


8. Buông bỏ tâm cầu danh

Nếu bạn luôn xu nịnh và cố lấy lòng người khác thì chúng ta nên dừng lại, chỉ khi bạn cởi bỏ lớp vỏ ngụy trang và chiếc mặt nạ của mình xuống, thì khi đó mới là chính bạn, bạn mới có thể chấp nhận sự thực và người khác sẽ bị bạn thu hút. Vẻ đẹp thật sự chính là con người của bạn chứ không phải là lớp vỏ của ai khác!.

9. Buông bỏ tính lười nhác

Khi bạn thay đổi từ một người có độ ỳ cao trở thành chăm chỉ hơn, bạn có thể cải thiện cuộc sống chính bạn và những người xung quanh, hãy làm những gì bạn muốn làm, đừng lười nhác.


10. Buông bỏ tâm thái tùy ý nhận định người khác

Bạn không hiểu một ai hay một việc gì đó thì tốt nhất không nên tùy tiện định nghĩa và đánh giá, tuy rằng nhiều lúc trông họ rất lạ thường, nhưng bạn hãy mở rộng tâm mình ra hơn một chút.

Hãy luôn nhớ rằng, khi tâm bạn mở rộng bạn mới có thể làm được nhiều việc hơn, biết cảm thông và khoan dung cho người khác.

11. Buông bỏ sự sợ hãi

Sợ hãi chỉ là một cảm giác huyễn hoặc, nó không thực sự tồn tại, nó chính là do bạn tạo ra, và cũng chỉ tồn tại trong đầu óc bạn. Chỉ có một loại sợ hãi thực sự, đó là sợ hãi chính mình.

Khi bạn có thể khắc chế sự sợ hãi từ bên trong, thì mọi thứ bên ngoài tự nhiên sẽ trở nên tốt hơn.


12. Buông bỏ tâm bao biện

Có nhiều lúc, chúng ta luôn hạn cuộc bản thân của mình bằng việc sử dụng cách này hay cách khác bao biện, mà không nghĩ tới việc cải thiện hoàn cảnh của bản thân mình để nỗ lực vươn lên.

Bao biện sẽ tạo thành chướng ngại cho chúng ta, chúng ta sẽ bị nó lừa dối, bạn cần biết rằng 99% sự bao biện đều là giả dối.

13. Buông bỏ quá khứ
Buông bỏ quá khứ là rất khó, kỳ thực, nhiều khi quá khứ quá mỹ hảo khiến nhiều lúc sợ hãi về tương lai. Nhưng bạn cần nghiêm túc sống với thực tế, bởi lẽ hiện tại mới là những thứ mà bạn đang có.

Nhiều người trong chúng ta ao ước được như quá khứ, nhưng chúng ta hãy để đó như chỉ là những kỷ niệm tốt đẹp, hãy nhìn lại hiện thực và hưởng thụ chính nó.

Cuộc sống của con người là cả một quá trình, rồi sẽ đến hồi kết. Chúng ta nên tự chuẩn bị tốt cho mình và sống như chúng ta đang sống.


14. Buông bỏ tâm cố chấp

Sự cố chấp đối với đại đa số chúng ta mà nói xác thực là rất khó hiểu, nhưng không phải là không thể thực hiện được. Nếu bạn có thể dành thời gian nỗ lực rèn luyện bỏ sự cố chấp đó đi thì bạn sẽ phát hiện không gì là không thể.

Khi đó, bạn có thể đủ năng lực để lý giải được mọi việc, thậm chí kể cả những việc mà bạn chưa từng làm.

15. Buông bỏ việc nhìn vào người khác, sống cuộc sống của chính mình.

Trong số chúng ta luôn có nhiều người căn cứ vào quan điểm của người khác mà sống. Họ coi nhẹ khả năng của bản thân họ. Họ lãng quên việc tự định hướng cho cuộc sống của bản thân, quên mất rốt cuộc là mình thích những gì, muốn nghĩ gì, muốn làm gì.

Cuối cùng, họ đánh quên bản thân họ. Bạn có cuộc sống của riêng bạn, đây là quyền đầu tiên và thuộc về bạn. Bạn nên có phong cách sống riêng của mình và không nên bị ý kiến của người khác chi phối.

Bạn thấy đó, khi chúng ta có thể coi nhẹ hoặc buông bỏ được phần nào những tâm thái không tốt như trên, bạn sẽ phát hiện được bạn dần trở lên tốt hơn, và khi đó những người xung quanh bạn đều cảm thấy hạnh phúc.

Minh Minh / Theo DKN

MÙI CỦA LỬA

Nếu về mặt thị giác, màu vàng hay màu nâu gợi cho tôi về mùa thu thì về khứu giác, mùi của lửa và mùi khói là hai hương thơm làm mùa thu "nức nở"...


BBQ MÙA THU

Tôi từng được một nhà báo hỏi mình về hương vị nào tuyệt vời nhất cho mùa thu, câu hỏi thật khó vì nó gần như phải thật bao quát, nhưng cũng phải chi tiết. Ký ức đẹp nhất trong tôi về mùa thu là trong khu vườn lá vàng, bạn bè quây quần với nhau quanh củi lửa, trên cái bếp tự chế đó có rất nhiều món ăn dân dã: thịt nướng, ngô nướng, khoai nướng. Văn hóa BBQ (Barbecue) - hay nướng là một loại văn hóa ẩm thực xuất hiện vào các mùa trong năm nhưng tuyệt vời nhất vào mùa thu, khi thời tiết không quá lạnh hay quá nóng.

Bạn có thấy những miếng thịt được treo lơ lửng? Đây là một cách “dry-aged” những miếng thịt và cũng là cách xử lý nguyên liệu nướng tuyệt nhất tôi từng được nếm qua.

Barbeque xuất phát từ tiếng Tây Ban Nha “barbacoa”. Theo như một vài người kể lại với tôi, loại hình này xuất hiện từ rất lâu và được một nhà thám hiểm tạo ra khi họ đặt chân đến vùng đất mới, nơi mà những dụng cụ nấu ăn quá là xa xỉ thì một chiếc bếp đơn giản đặt trên lửa lại là phương án tuyệt vời nhất. Với chiếc bếp đó, bạn có thể tạo ra một phương pháp nấu ăn vượt xa ngoài mong đợi khi các loại thịt, hải sản được nấu chín trực tiếp bởi lửa và khói, tạo ra một hương vị hết sức quyến rũ mà không dụng cụ nấu nướng nào có thể mang lại.

Món thịt bacon xông khói cũng là một tác phẩm tạo ra từ ngọn lửa.

Tôi đã từng có nhiều mùa thu ở nước ngoài, sau này để tìm lại những kỷ niệm đó thật khó tại Việt Nam, đặc biệt là ở Sài Gòn khi thời tiết hầu như rất nóng để có cơ hội đốt một bó củi ngoài trời. Tôi tìm đến một người bạn của mình - một đầu bếp nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam để tìm lại bức tranh mùa thu đó.

Geogre Bloomfield - đầu bếp người Úc đam mê phương pháp nấu ăn trực tiếp từ những ngọn lửa.

George là đầu bếp xử lý những ngọn lửa tốt nhất mà tôi từng biết. Anh đang làm việc tại nhà hàng Stoker - Woodfire Grill & Bar ở TP.HCM, nơi có một bếp lửa để tạo ra các món nướng và có văn hóa BBQ rõ nét trong các món ăn. George sinh ra và lớn lên ở Úc, nơi có một nền văn hóa BBQ khổng lồ. Tôi nghĩ đất nước Úc tận hưởng BBQ rất khác mọi nơi trên thế giới. Nó có thể hơi giống cách mà người Mỹ hay Tây Ban Nha đang làm nhưng với người Úc, văn hóa BBQ còn là một phần của gia đình, trẻ nhỏ và các mối quan hệ xa hội, đặc biệt vào những dịp lễ hay kỳ nghỉ dài.

HƯƠNG VỊ CỦA GIA ĐÌNH

Trong trăm ngàn thứ hương vị được tạo ra trên đời, với tôi có 3 loại mùi hương luôn mang lại cảm giác gia đình thân thuộc nhất: mùi cà phê vào buổi sáng, mùi thơm của bánh mỳ trong lò và mùi hương của củi cháy. Trong nấu ăn, “woodfire” là từ ngữ chỉ về phương pháp nướng sử dụng củi gỗ. Mùi thơm từ củi khi đốt lên sẽ cho ra một loại mùi hương “ám ảnh” theo nghĩa tích cực, ám ảnh từ quá trình nướng đến khi mang món ăn lên bàn. Các thực khách sẽ cảm thấy bụng cồn cào khi vô tình lướt qua thứ mùi hương này, tôi nghĩ đó là hương thơm đặc trưng nhất và kích thích bao tử nhất trong tất cả hình thức nấu ăn.

Vịt sau khi được “dry-aged” 14 ngày đạt đến chất lượng tuyệt hảo, được nướng trên lửa ăn cùng với táo xanh ngào đường.

Đối với George, món thịt hoàn hảo để nướng vào mùa thu là một miếng bít tết (beefsteak) được nướng trực tiếp trên củi lửa. Thịt bò khi được hòa vào lửa sẽ tạo thành lớp vỏ đẹp mắt và thứ mùi hương đáng kinh ngạc mà bạn chỉ có thể có được nướng. Nó còn tạo ra kết cấu hoàn hảo cho miếng thịt: sém lửa ở phía ngoài và ngon ngọt ở bên trong.

Thịt bò nướng kiểu truyền thống trên củi với màu sắc bắt mắt từ bên ngoài.

Cách làm này đòi hỏi đầu bếp phải có một phòng kín tuân thủ các nguyên tắc về nhiệt độ và độ ẩm. Miếng thịt sau khi được chọn lọc sẽ được treo lên trong thời gian chỉ định giúp phần nước được rút đi bớt nhưng vẫn còn đủ ẩm, tỉ lệ nạc mỡ được cân bằng và phần ngoài của miếng thịt hơi héo đi. Đến khi nướng, các miếng thịt sẽ đạt được độ thơm ngọt đậm đà, ẩm mượt và tan mềm trong miệng.


“Vậy hải sản thì sao?” tôi hỏi và George cho biết: “Khi nói đến hải sản, nó phải là bạch tuộc, nấu chậm đến khi mềm, sau đó nướng giòn phía ngoài, khi ăn sẽ cảm nhận được sự thú vị của một sản vật biển. Đây là một món ăn thời thơ ấu của tôi khi còn ở Úc. Nó làm tôi nhớ lại những ngày mùa thu, chúng tôi sẽ ăn trưa mỗi cuối tuần ngoài hiên nhà vì đến mùa đông thì quá lạnh, không thể có những món nướng như vậy ngoài trời”.

Món bạch tuộc BBQ với chanh và nước sốt sourdough, rong biển giòn và giấm sherry.


“Đơn giản” là từ khóa không bao giờ lỗi thời trong nấu ăn. Với các món ăn yêu cầu trân trọng những giá trị tuyệt vời của lửa, bạn cần nhớ những nguyên tắc sau: chất lượng thịt, một ít muối biển và vị chua (chanh, táo, cam quýt...) để tạo ra một món nướng cân bằng nhất. Rất nhiều người thích cho thêm tiêu khi ướp thịt nướng nhưng George thấy rằng nó bị cháy và biến thành một thứ mùi vị khác không nên có. Tốt hơn cả là cho tiêu vào sau khi nướng để giữ trọn hương vị của cá, tiêu và thịt.


MANG LỬA ĐẾN NHỮNG MÓN NGỌT...

George làm tôi bất ngờ khi hương vị của củi gỗ không những được áp dụng cho các loại thịt hay hải sản, mà còn khá thú vị khi kết hợp trong các món tráng miệng. Chẳng hạn như món táo được nướng ăn kèm cùng mứt sữa (dulce de leche) và phô mai mascapone vị chanh. Đây là một món ăn mang đến hiệu ứng thị giác tuyệt vời khi có thể cảm nhận được khói từ đĩa ăn lẫn với hương vị ấm áp của mùa thu.



Tôi nghĩ văn hóa BBQ không chỉ cần lửa hay thực phẩm mà còn cần những con người thân thuộc để cùng tận hưởng thứ kỳ diệu mà ngọn lửa mang lại: món ăn, cảm xúc gia đình, hương vị ấm áp.

Mùa thu sẽ không thể là mùa thu nếu thiếu các món ăn như vậy!

Chuyên gia ẩm thực Bùi Thu Thảo /Nguồn: Ảnh: Art Kitchen Studio