Ăn trầu là tập tục phổ biến ở nhiều vùng nhiệt đới châu Á và châu Đại Dương, trong đó phổ biến là hỗn hợp dùng lá trầu không với cau. Ở các quốc gia Nam Á hay Đông Nam Á, tục ăn trầu còn là nghi thức xã giao cúng lễ nghi.
Ở mỗi vùng miền khác nhau lại có tục ăn trầu riêng biệt. Nếu tại Việt Nam, người ta ăn trầu có thêm vôi, vỏ quế và thuốc lào, thì ở Ấn Độ, trầu gọi là “paan”, thường kèm thêm một số hương liệu khách như bạch đậu khấu, thuốc lào, cau vụn gói trong lá trầu. Du khách tới Ấn Độ thường bày tỏ sự thích thú khi chứng kiến cảnh người bản địa ăn món “trầu lửa” nổi tiếng tại New Delhi hay Mumbai.
Cận cảnh một gói trầu lửa
Ăn trầu hay “paan” trở thành một phần trong ẩm thực Ấn kể từ thời Vedic. Ngày nay, trầu được phục vụ ở những quầy hàng rong tại nhiều khu chợ bình dân. Với sự cạnh tranh khốc liệt đến vậy, các nhà cung cấp “paan” liên tục giới thiệu nhiều loại mới, trong đó ấn tượng nhất là “trầu lửa” – món ăn nhẹ còn cháy bừng bừng trước khi đưa vào miệng.
Người bán hàng sẽ đốt trầu trước khi đưa vào miệng khách
Thực khách ăn trầu lửa khi vẫn đang cháy phừng phừng
Có thể tìm thấy trong các góc phố của Ấn, món trầu lửa là hỗn hợp gồm gia vị, trái cây sấy khô, hạt thì là nướng, lá bạch đậu khấu, đinh hương, thảo quả, nước sốt. Tất cả bọc trong lá trầu tươi. Người bán hàng sẽ châm lửa đốt trước khi đưa vào miệng thực khách. Người Ấn tin rằng, món ăn này có thể chữa được nhiều bệnh tật, bao gồm ho, cảm lạnh hay nhức đầu, giúp tăng cường sức khỏe. Dù lửa cháy bên ngoài nhưng không khiến người ăn bị bỏng miệng.
Thực khách nữ cũng thử món ăn này
Gia đình ông Pradhuman Shukla có một quầy hàng bán “trầu lửa” ở Delhi trong suốt hơn 20 năm qua. Cửa hàng càng trở nên nổi tiếng hơn khi đoạn video giới thiệu từng xuất hiện trên Barcroft TV. “Tôi từng có vị khách ruột thường xuyên ghé quán ăn trầu. Anh ta than phiền bị loét miệng mà chữa mãi không khỏi. Ngày nọ, anh ta ăn thử miếng trầu lửa. Đến hôm sau quay lại hàng, vị khách hồ hởi khoe vết loét miệng đã khỏi”, chủ cửa hàng vui vẻ kể lại.
Trầu lửa đặc biệt nổi tiếng ở New Delhi và Mumbai
Với những thực khách từng nếm “trầu lửa” nhận định, họ không có cảm giác bị nóng bỏng. “Ngay khi đưa vào miệng và nhai, ngọn lửa sẽ tắt ngấm. Sau đó, bạn chỉ còn cảm giác the mát trong miệng”, một thực khách mô tả lại.
Việt Hà
Theo Od, WK