Để một house – ngôi nhà thuần túy vật chất trở thành home – mái ấm cư ngụ an hòa, thì luôn cần lưu tâm đến các vấn đề cộng hưởng giữa yếu tố môi sinh cảnh quan tự nhiên với yếu tố nhân văn và tâm linh.
Biết “có kiêng có lành”
Nếu quan sát và phân tích đúng, ta sẽ thấy cần phải “kiêng” những bố trí không gian sai lệch phong thủy dẫn đến thiếu hụt kết nối trong các thành viên gia đình. Một số gia chủ than phiền về tình trạng gia đạo không yên ấm, thực ra chủ yếu đều xuất phát từ các giao tiếp nội bộ thiếu sự đầu tư đúng mức về mặt bài trí nội thất hài hòa phong thủy. Có những cấu trúc nhà khi sử dụng dễ khiến các thành viên rơi vào tình trạng “gần mặt mà vẫn cách lòng” như một số trường hợp sau:
– Nhà ngăn chia phòng quá nhiều theo kiểu “nhà trọ”: khiến Trường Khí chung bị chia cắt. Mọi người về đến nhà là “trốn” ngay vào phòng riêng, cuộc sống công nghiệp vốn bận rộn càng thêm tách biệt các thành viên với nhau bởi kiểu ngăn chia quá biệt lập.
– Nhà mở thông thống từ trước ra sau: gây ra Tán Khí, mọi người cảm thấy thiếu sự riêng tư, sinh hoạt ảnh hưởng lẫn nhau. Dạng nhà buôn bán, sản xuất mà không được ngăn cách khéo léo cũng làm cho người ở thấy nhà mình “lúc nào cũng như cái chợ”.
– Nhà bố trí quá nhiều tiện nghi công nghệ, thiết bị điện tử,… khiến nhà không còn là nơi nghỉ ngơi quây quần nữa mà thành một kiểu văn phòng, chơi game hay lướt net, với từ tính trong nhà rất nhiều. Hệ quả là các thành viên thiếu quan tâm đến nhau, chỉ lo tận hưởng các tiện nghi vật chất trong góc riêng của mình.
– Nhà bố trí không gian chung phô trương xa xỉ nhưng chỉ dùng khi có khách, dịp lễ tết ở chỗ cần khoe, còn thường ngày thì sinh hoạt co cụm bề bộn. Lâu ngày thành nếp quen, môi trường sống thiếu chăm sóc đúng mức.
– Thế hệ lớn tuổi hay chuộng đồ cổ, gỗ quý, trưng bày kỷ vật… trong khi thế hệ trẻ hơn thì ưa vật dụng công nghệ hiện đại, cũng gây ra các xung đột ngấm ngầm trong sinh hoạt, lâu ngày thành kiểu gia đình không thể “ngồi lại bên nhau”.
Một chỗ quây quần gia đình, một bàn thờ trang trọng mà gần gũi luôn là những tiêu chí hàng đầu để giữ gìn sinh khí cho mọi mái ấm
Tất cả các dạng nêu trên đều có thể khắc phục được nếu chủ động tính toán từ đầu, đặt ra các tình huống cụ thể, làm nhà cho chính mình chứ không bắt chước dạng thức của người khác. Ví dụ, nhà phố có nhu cầu buôn bán (hoặc cho thuê kinh doanh) thì nên phân bố ngay từ đầu, nên đưa bếp ăn và phòng khách lên lầu để dành trệt cho buôn bán và xe cộ. Hay ở căn hộ chung cư thì không thể tùy tiện “trồng cây gì nuôi con gì” như ở nhà riêng dưới trệt có sân vườn được.
Dù nhà trong hẻm nhỏ hay căn hộ tầng cao, chút cây xanh hoa lá luôn rất cần thiết để mọi góc sống được giao hòa Thiên – Địa – Nhân tốt hơn
Chút lãng mạn nơi phòng ngủ, thông qua hoa lá điệu đà với những dòng chữ yêu thương là điểm nhấn quan trọng nên tạo dựng để thương yêu được lan tỏa
Nâng cao giá trị tinh thần, tâm linh
Dù có theo tôn giáo nào thì ai cũng có ông bà tổ tiên, và việc thờ cúng không chỉ là cách biểu lộ tình cảm, tưởng nhớ tiền nhân mà còn là văn hóa Việt, sợi dây tinh thần nối kết các thế hệ. Nhưng thực tế vẫn có một số nhà có thái độ cực đoan với không gian này, hoặc quá xem nhẹ, bài trí sơ sài, hoặc quá sa đà phức tạp cầu kỳ, biến nhà ở thành dạng điện thờ miếu phủ, âm tính nặng nề. Bên cạnh đó, tủ thờ là vật dụng mang tính truyền thống, kỷ niệm nhưng hay lạc lõng trong không gian nội thất của ngôi nhà mới vốn khá hiện đại. Phong thủy vốn không có những quy định bắt buộc phải bố trí phòng thờ, bàn thờ theo kiểu cách cụ thể nào, chỉ cần đảm bảo các vấn đề cơ bản sau:
– Vị trí góc thờ, bàn thờ nên đặt trong khoảng trung cung của mặt bằng nhà và không thuộc vào hẳn một phòng riêng nào. Điều này giúp tính giao tiếp và kết nối thế hệ cũng như nhu cầu tâm linh được đáp ứng rõ nét hơn. Hầu như nhà nào cũng có lối đi lại ở khoảng giữa, cần khéo tính toán để không gian tâm linh (thờ, thiền hay sinh hoạt tôn giáo) không bị giao thông va chạm, nhưng cũng không quá kín đáo cô quạnh.
– Tủ thờ có thể kết hợp với tủ trang trí trong phòng khách, phòng sinh hoạt (nếu diện tích không dư dả làm phòng thờ riêng). Rất cần bố trí hệ thống lam hay cửa sổ để tăng thông thoáng vì không gian thờ có nhang khói nhiều. Nên nghiên cứu bố trí không gian tủ thờ hiện đại và thêm tính tiện dụng, thay vì chỉ làm có mỗi một loại tủ thờ đồ sộ cầu kỳ bằng gỗ chạm như hiện nay, vừa chiếm nhiều không gian, vừa khó kết hợp được các công năng, lại có thể không đồng bộ với các phong cách nội thất hiện đại. Việc “trẻ hóa” tủ thờ, phòng thờ không hề bất kính, mà còn giúp kết nối tốt hơn các thế hệ hậu sinh với quan niệm tâm linh của người đi trước.
Chọn đồ nội thất hợp tuổi tác
Các vật kỷ niệm gia đình cần đặt tại nơi trang trọng để giữ cho gia chủ sự quân bình giữa công việc và gia đình. Những vật trang trí có ý nghĩa may mắn nên chọn lọc và đặt để đúng chỗ, đúng dịp, giúp kích hoạt năng lượng tích cực, tạo môi trường phong thủy thuận lợi hơn. Ngoài ra, cần quan tâm Ngũ Hành Bản Mệnh của các thành viên gia đình mà các bố trí tiện nghi tương ứng:
Bên cạnh các tiện nghi công nghệ, rất cần nội thất có những góc cho việc đọc sách, chơi nhạc, vẽ tranh… giúp nâng cao năng lực thụ cảm thẩm mỹ, kết nối tình thân gia đình
Người mệnh Thổ: có thể trang trí bằng đồ gốm sứ, màu vàng, cam và nâu là những màu hợp mệnh. Nội thất nên cân bằng, có các khung cửa rộng và dùng nhiều nét ngang, phẳng lặng, chú ý các khu vực trung tâm, ánh sáng vàng là phù hợp.
Người mệnh Kim: có thể chọn các tiện nghi hiện đại, thiết bị âm thanh, giải trí, với các tông màu trắng, xám, bọc nhũ và mạ bóng, màu ánh kim loại làm chủ đạo. Tuy nhiên nơi phòng ngủ rất cần sự tĩnh lặng thì tránh để máy móc nhiều, có thể bổ sung hành Mộc và Thổ để quân bình lại.
Người mệnh Thủy: hợp nét mềm mại và những yếu tố dịu mát, với gam màu đen và xanh dương làm cơ bản. Họa tiết trang trí uốn lượn và vật dụng pha lê, thủy tinh, khung kính tròn cũng khá hợp với nội thất của nhà người mệnh Thủy.
Người mệnh Mộc: nghiêng về sự đơn giản và thuần tính thiên nhiên. Gỗ đi kèm với vải, thảm và những chất liệu mềm đem lại hiệu quả cao, có thể kết hợp thêm cây xanh mặt nước (Thủy dưỡng Mộc). Cần lưu tâm đến các vật dụng nhỏ đóng vai trò điểm nhấn tại bàn làm việc, bàn ăn, tiếp khách… nhằm giữ hòa khí gia đình và tạo sự thu hút.
Ngăn chia ước lệ không gian sẽ gia tăng khả năng liên kết khí, tạo sự liên thông quây quần
Người mệnh Hỏa: vừa giữ Hỏa đồng thời cũng phải biết cách giảm Hỏa trong nhà với các gam màu tươi và nóng như cam, đỏ, vàng rực làm điểm nhấn trên nền tảng màu nhã và nhẹ (như trắng kem, xanh nhạt). Có thể điểm xuyết một số nét xéo, xiên tạo cá tính riêng, tranh ảnh tự do phóng khoáng… giúp nội thất hợp với ngũ hành gia chủ hơn.
Cần quan tâm đặc trưng riêng về nấu nướng để bố trí bếp trong căn hộ cho người trẻ phải khác với bếp nơi nhà phố có người cao tuổi
Dù diện tích nhỏ, ở trên gian áp mái… vẫn có thể sắp xếp thế giới riêng cho trẻ đủ tiện nghi, sắc màu
Ngày càng nhiều gia chủ trẻ tuổi và thành đạt chọn không gian sống theo quan niệm hiện đại độc đáo, thậm chí khác lạ, đề cao tiện nghi cao cấp, thiết bị công nghệ… Tuy nhiên, nếu không có điều tiết đúng mức thì các thiết bị công nghệ sẽ là nguyên nhân khiến ngôi nhà chỉ là nơi tập hợp hệ thống vật chất, mà thiếu hẳn tương tác nhân văn giữa con người với nhau. Xu hướng chung tại các nước đã phát triển hiện nay là giảm thiểu mang công việc về nhà, đề cao các không gian và thời gian gắn bó con người với thiên nhiên, tránh tình trạng “ngồi bên nhau cầm điện thoại thật lâu”, mọi thành viên gia đình có không gian riêng đặc thù nhưng vẫn quan tâm chăm sóc nhau nhiều. Đó cũng là nguyên tắc nền tảng để ngôi nhà từ những house vật chất dần trở thành home mái ấm thực sự an lành và bền vững.
Theo noithatmagazine
No comments:
Post a Comment