Thursday, May 28, 2020

SƠN TRÀ, BUỒN CHO MỘT KIẾP HOA

Hoa trà hay còn gọi là hoa Sơn trà (Tsubaki), là một loài thực vật nổi tiếng nhất thuộc họ Trà. Sơn trà Nhật Bản còn được biết đến với tên gọi “hoa hồng mùa đông” vì loài hoa này chỉ nở trong mùa đông lạnh giá và bao phủ đầy tuyết trắng.


Tên tiếng Anh của hoa được đặt theo tên của Joseph Camellus, một tu sĩ thuộc Moravia vùng Trung bộ của Tiệp Khắc, ông đã du hành qua Ấn Độ, Trung Hoa, sau đó đến Nhật Bản.

Theo sử sách ghi lại, Joseph Camellus chính là người đầu tiên đã phát hiện ra loài hoa Sơn trà và ông cũng phổ biến rộng rãi loài hoa này ở những quốc gia mà ông đã từng đặt chân đến. Ngày nay, Sơn trà còn được chiết xuất thành dầu gội và tinh dầu để làm đẹp cho phụ nữ.


Theo kí sự cổ của Nhật ghi lại, vì lá Sơn trà dày và nhiều, mạnh mẽ như hình ảnh của một vị thần, nên họ cho rằng loại cây này có thể xua đuổi tà ma, vì thế Tsubaki thường được các nhà sư trong chùa ,đền thờ, dùng như một lá bùa trừ tà.
Ngoài ra, trong tiếng Nhật thì Tsu là 2, Ba là 8 (vì phát âm hán việt giống như bát=8), Ki là cây. Vì vậy, ở Nhật ngày 8 tháng 2 là ngày của hoa Sơn trà.


Nhiều bạn trẻ khi xem Anime( phim hoạt hình) hay thấy hoa này xuất hiện, hoặc trên những chiếc Kimono truyền thống của người Nhật cũng thường được hoạ tiết bằng hoa Sơn trà với nhiều màu sắc, nhưng lại không hiểu ý nghĩa của chúng là gì? Thực ra thì, hoa Trà có 4 màu cơ bản đó là, đỏ, vàng và trắng. Mỗi màu sắc của chúng cũng mang một ý nghĩa khác nhau.

Sơn trà đỏ


Mọi người xem đây là biểu tượng ngọt ngào của tình yêu, vì hoa Sơn trà đỏ khi tàn không rơi từng cánh như những loài hoa khác mà chúng rụng cả bông. Thế nhưng, đối với các võ sĩ Samurai thì lại xem đây là một điềm báo xấu, nên họ thường kiêng kỵ với Sơn trà đỏ.

Sơn trà vàng


Mang ý nghĩa là một niềm khát khao vô bờ bến, cố gắng phấn đấu vượt qua mọi khó khăn thử thách. Vì thế, Sơn trà vàng được xem là mạnh mẽ nhất trong 4 loại Sơn trà.

Sơn trà trắng


Sơn trà trắng mang một vẻ đẹp hoàn hảo cao sang, lạnh lùng xen lẫn một chút u buồn, cũng chính vì thế mà nó mang ý nghĩa của sự thương tiếc, chờ đợi, trông mong một điều gì đó xa xăm. “Hoa nở không ai biết, hoa tàn không ai hay”, người ta thường dùng để diễn tả nét đẹp thuần khiết nhưng u buồn của loại “ bạch trà“ này.

Sơn trà hồng


Không quá rực rỡ như Sơn trà đỏ, cũng chẳng u buồn như Sơn trà trắng, thế nhưng hồng trà được mọi người ưa chuộng bởi màu hồng tươi trẻ như một cô gái tuổi thanh xuân, luôn luôn yêu đời và tràn đầy sức sống. Bởi vậy mọi người gắn cho loài hoa này một ý nghĩa tương xứng, đó chính là sự ngưỡng mộ và lạc quan.


Hoa Sơn trà đã từng làm say đắm biết bao tâm hồn của các nhà thơ, nhà văn trên khắp thế giới bởi vẻ đẹp mỹ miều của chúng, loại hoa này cũng từng xuất hiện nhiều trong các tác phẩm nghệ thuật, và trong đó điển hình là tác phẩm Trà Hoa Nữ (The lady of the Camellias) của tác giả Alexandre Dumas.

Đây là một trong những tiểu thuyết kiêm kịch, tác giả nổi tiếng người Pháp trong những năm của thế kỷ 19. Trong tác phẩm này, tác giả đã dùng hình ảnh của Sơn trà đỏ và Sơn trà trắng đeo lên người nữ nhân vật chính, để thể hiện theo từng cung bậc cảm xúc của nhân vật.


Ngoài ra, Sơn trà còn được người dân Nhật Bản cũng như một số quốc gia khác trên thế giới, chọn làm hoa chủ đạo trong dịp kỷ niệm 51 năm ngày cưới của các đôi vợ chồng, tức là sau lễ kỷ niệm vàng (Golden 50 Anniversary) 1 năm.


Một loài hoa đẹp và có ý nghĩa thế này nhưng sao không được nhiều người biết đến nhỉ? Vì Sơn trà không sánh bằng những loài hoa khác?

Hay tại vì sự vô tâm của chúng ta, đã vô tình làm cho vẻ đẹp của Sơn trà chỉ mãi nở rồi tàn ở một nơi nào đó xa xôi đầy lạnh giá!

Hải Âu

No comments: