Theo họ, việc xây lên bức tường này là điều cần thiết để ngăn chặn các điệp viên phương Tây thâm nhập vào Đông Berlin. Đồng thời, nó cũng ngăn chặn cư dân sống ở Tây Berlin lẻn vào Đông Berlin để tìm mua các loại hàng hóa rẻ hơn (do được trợ giá) dành cho người Đông Berlin.
Cộng hòa Liên bang Đức (Tây Đức) thì lại cho rằng bức tường là một nỗ lực của Liên Xô nhằm ngăn cản cư dân Đông Berlin tìm cách trốn vào Tây Berlin. Người Mỹ lúc đầu xem bức tường là bước đầu tiên của Liên Xô trong việc khởi động một cuộc nội chiến chống lại Tây Đức, và Tổng thống John F. Kennedy đã gửi thêm quân tới Tây Berlin. Sau khi nhận ra rằng không có cuộc chiến nào xảy ra, Tổng thống Kennedy đã quay sang ủng hộ việc xây dựng bức tường Berlin. Ông đã tuyên bố rằng “một địa ngục còn tốt hơn nhiều so với chiến tranh”.
1. Bức tường Berlin không chia đôi Đông Đức và Tây Đức
Từ trước đến nay vẫn có một sự nhầm lẫn phổ biến rằng bức tường Berlin phân chia nước Đức thành Đông và Tây Đức. Đây là một nhận thức sai lầm. Bức tường chỉ tách Tây Berlin ra khỏi Đông Berlin và phần còn lại của Đông Đức. Lý do là Tây Berlin nằm bên trong Đông Đức.
Để hiểu Tây Berlin (thuộc Cộng hòa Liên bang Đức) nằm bên trong Đông Đức (thuộc Cộng hòa Dân chủ Đức) như thế nào, chúng ta cần phải hiểu cách mà nước Đức bị phân chia sau Thế chiến thư hai. Vào cuối Thế chiến thứ hai, các nước Đồng minh đã thỏa thuận chia nước Đức thành 4 khu vực. Mỗi khu vực sẽ được kiểm soát bởi Mỹ, Anh, Liên Xô hoặc Pháp.
Họ cũng phân chia Berlin, thủ đô nước Đức (nằm trong khu vực kiểm soát của Liên Xô) thành 4 khu vực, cũng do 4 nước Đồng minh kiểm soát. Tuy nhiên, những bất đồng với Liên Xô sau đó đã khiến Mỹ, Anh, Pháp hợp nhất 3 khu vực của họ làm một, hình thành nên Tây Đức và Tây Berlin, để Liên Xô tách riêng với phần còn lại là Đông Đức và Đông Berlin.
Đường biên giới bên trong nước Đức rõ ràng là phức tạp hơn bức tường Berlin. Nó có chiều dài hơn 1.300km, gấp 8 lần so với chiều dài 154km của bức tường. Ngoài ra, chỉ có 43km chiều dài của bức tường là thực sự tách khu Tây Berlin ra khỏi Đông Berlin. Phần còn lại của bức tường chủ yếu ngăn cách Tây Berlin với Đông Đức.
2. Thực ra có đến hai bức tường
Không giống với những gì nhiều người tin tưởng, bức tường Berlin không phải là một bức tường, mà là hai bức tường được xây song song cách nhau 100 mét. Trong đó, bức tường mà chúng ta thường liên tưởng khi đề cập về nó là bức tường nằm gần khu vực Đông Berlin. Việc xây dựng bức tường đầu tiên bắt đầu từ ngày 13 tháng 8 năm 1961; còn bức tường thứ hai thì được xây dựng trễ hơn một năm. Giữa hai bức tường là một vùng đất hoang, được gọi là “Death strip” (Dải đất chết).
Không ai được phép vào “Death strip” và những người cố tìm cách vượt qua để trốn vào Tây Berlin có nguy cơ bị bắn. Các tòa nhà bên trong “Death strip” đều bị phá hủy. Toàn bộ khu vực đã được san bằng và rải đầy sỏi mịn để làm lộ dấu chân của bất kỳ kẻ lẫn trốn nào. “Death strip” cũng được chiếu sáng bằng đèn pha để ngăn việc tẩu thoát vào ban đêm.
Bên trong “Death strip”, chính quyền Đông Đức và Liên Xô đã cho phá hủy tất cả các tòa nhà, ngoại trừ một ngôi nhà thờ có tên là “Hòa Giải”. Tuy nhiên, Giáo hội không thể tổ chức việc thờ phụng trong nhà thờ vì nó nằm trong một khu vực hạn chế. Câu chuyện liên quan đến nhà thờ Hòa Giải khá thú vị.
Sau khi phe Đồng mình tiến hành phân chia Berlin, khu vực xung quanh nhà thờ bị rơi vào đường ranh giới giữa Pháp và Liên Xô. Điều oái oăm là nhà thờ nằm trong khu vực Liên Xô, trong khi giáo dân lại sống trong khu vực Pháp. Khi bức tường được dựng lên, nó đã tách rời nhà thờ khỏi hội thánh của nó. Vào thời điểm bức tường thứ hai được dựng lên, một số ít giáo dân sống trong khu vực Liên Xô thậm chí cũng không thể đến nhà thờ được nữa.
Ở Tây Berlin, ngôi nhà thờ bỏ hoang này được tuyên truyền như một biểu tượng của việc đàn áp tôn giáo tại Đông Berlin và Đông Đức. Bản thân nhà thờ đã sớm trở thành một vấn đề khó xử đối với các lính canh phía Đông Đức, bởi vì họ buộc phải đi vòng quanh nó để tuần tra. Đồng thời, một số nhà thờ ở bên Đông Đức đã trở thành nơi ẩn náu cho các nhân vật đối lập, vì vậy chính phủ cần gửi đến họ một thông điệp chính thức. Vấn đề này lên đến đỉnh điểm thể hiện qua việc quyết định phá hủy nhà thờ.
Việc phá dỡ nhà thờ bắt đầu vào ngày 22 tháng 1 năm 1985. Chính quyền Đông Berlin tuyên bố rằng cần phải “tăng cường an ninh, trật tự, và sự sạch sẽ”. Tuy nhiên, việc phá hủy chỉ làm cho tình hình phức tạp hơn và làm cho nhà thờ được nhiều người biết đến hơn. Khi các hình ảnh của nó được lưu hành khắp thế giới, nó trở thành biểu tượng của sự đàn áp tôn giáo thực hiện bởi chính phủ Đông Đức.
4. Hệ thống tàu điện ngầm bên dưới bức tường Berlin
Mặc dù bức tường Berlin ở trên mặt đất, nhưng tác động của nó lan tỏa đến hệ thống tàu điện ngầm nằm bên dưới thủ đô Berlin. Trước khi có bức tường, toàn bộ thành phố Berlin sử dụng chung một hệ thống tàu điện ngầm. Sau khi xuất hiện bức tường, hai bên đã chiếm hữu các trạm và đường ngầm thuộc về ranh giới hai bên. Điều này nhanh chóng trở thành một vấn đề nan giải bởi vì các chuyến tàu đi giữa hai điểm ở Tây Berlin đôi khi cần phải đi qua các tuyến đường bên dưới Đông Berlin.
Để ngăn chặn sự trốn thoát và lẫn lộn giữa các công dân của cả hai phía, chính quyền ở Đông Berlin đã phong tỏa các tuyến đường do Tây Berlin khai thác. Các trạm dừng bị niêm phong và các đường ray được vây bằng dây thép gai, và hệ thống báo động được lắp đặt để ngăn người dân Đông Berlin không được lên các chuyến tàu điện ngầm của Tây Berlin.
Các đoàn tàu của Tây Berlin cũng không dừng tại các ga thuộc về Đông Berlin. Trạm duy nhất mà họ dừng lại là trạm Friedrichstrabe và nó chỉ dành cho những người Tây Berlin đi vào Đông Berlin. Phía Tây Berlin thừa nhận sự tồn tại của toàn bộ tàu điện ngầm Đông Berlin mà nó gắn nhãn là “các trạm mà tàu không dừng lại”. Ngược lại, phía Đông Đức đã loại bỏ chúng khỏi bản đồ của họ. Bằng cách đó, các trạm này với họ xem như không tồn tại.
5. Một bức tường Berlin nhỏ hơn chia đôi một ngôi làng
Sau khi nước Đức bị chia cắt, con sông Tannbach chảy qua làng Modlareuth ở Bavaria và Thuringia ngày nay, được sử dụng làm đường biên giới giữa các khu vực do Mỹ và Liên Xô kiểm soát. Khi đường biên giới bên trong của Đức được xây dựng, nó đi xuyên qua làng, chia Modlareuth ra làm hai.
Ban đầu, người dân không lường hết hậu quả của việc chia cắt này vì họ vẫn được tự do băng qua biên giới để đến thăm các thành viên gia đình ở phía bên kia. Rồi một hàng rào bằng gỗ được dựng lên vào năm 1952 đã hạn chế một phần sự tự do này. Và đến năm 1966, quyền tự do này biến mất khi hàng rào được thay thế bằng các tấm xi măng cao 3m – cùng loại được sử dụng để xây bức tường Berlin.
Bức tường khiến cho dân làng không thể di chuyển giữa hai bên Đông và Tây, cắt đứt liên lạc giữa các gia đình. Ở phương Tây, ngôi làng Modlareuth được gọi là “tiểu Berlin” vì nó gợi nhớ đến cách mà bức tường Berlin đã chia tách các gia đình ở Berlin.
Tuy nhiên, hoàn cảnh ngặt nghèo của dân làng còn chưa kết thúc với bức tường. Các nhà chức trách Đông Đức sau đó còn bổ sung thêm một hàng rào điện để ngăn chặn các cuộc trốn thoát tiềm ẩn từ việc lén vào làng để trèo tường sang Tây Đức. Điều này nhanh chóng trở thành một cơn ác mộng đối với người dân vì họ khó có thể rời khỏi làng.
Một phần của bức tường tại làng Modlareuth (bao gồm tháp canh và nhà bảo vệ) vẫn còn đứng vững cho đến hôm nay. Tuy nhiên, ngôi làng vẫn bị chia cắt giữa hai bang của Cộng hòa Liên bang Đức ngày nay.
Bức tường Berlin gồm hai bức tường xây song song với nhau. Bức tường phía Tây Berlin đã trở thành nơi thu hút các nghệ sĩ đam mê nghệ thuật graffiti sau khi xây dựng. Tuy nhiên, bức tường phía Đông Berlin lại bị để trống vì phía Đông Đức cấm không cho ai đến gần nó.
Sau sự sụp đổ của bức tường Berlin vào năm 1989, nhiều nghệ sĩ đã tìm đến bức tường phía Đông Berlin để thực hiện các bức bích họa graffiti. Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất là bức graffiti vẽ ông Leonid Brezhnev, nhà lãnh đạo Liên Xô, trong một nụ hôn đắm đuối với ông Erich Honecker, nhà lãnh đạo Đông Đức. Bức họa graffiti này được đặt tên là The Kiss of Death (Nụ hôn chết chóc) và được một họa sĩ người Nga tên Dmitri Vrubel vẽ. Anh đã chú thích nó là “Chúa đã giúp tôi sống sót trong tình yêu chết người này”.
Bức họa này ghi lại sự kiện hai nhà lãnh đạo hôn nhau vào năm 1979 trong buổi lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Cộng hòa Dân chủ Đức. “Nụ hôn hữu nghị” này là truyền thống phổ biến giữa các nước thành viên Cộng sản thời kỳ đó.
7. Hơn 6.000 cảnh khuyển bảo vệ “The Death strip”
“Dải đất chết” (Death strip) – khoảng trống giữa hai bức tường Berlin – được phía Đông Đức bảo vệ nghiêm ngặt bằng nhiều biện pháp, bao gồm cả việc sử dụng hàng ngàn con chó được huấn luyện kỹ càng, gọi là “Wall dog” (Chó gát tường) để ngăn chặn bất kỳ kẻ đào tẩu nào.
Loại chó được chọn là chó chăn cừu Đức, mặc dù các giống khác như Rottweiler, Great Dane và griffon cũng được sử dụng. Không ai biết có bao nhiêu con chó ở đó. Một số người cho rằng có khoảng 6.000 con, trong khi những người khác ước lượng lên đến 10.000.
Những con chó này không di chuyển tự do bên trong “Death strip”. Thay vào đó, chúng được buộc vào một sợi dây xích dài 5m, cho phép chạy theo bất kỳ hướng nào. Dây xích được gắn vào một sợi cáp dài 100m chỉ cho phép con chó chạy song song với bức tường. Bằng cách đó, những con chó sẽ ở tại khu vực của nó và giữ chân những người chạy trốn cho đến khi lính bảo vệ đến.
Sau khi bức tường Berlin sụp đổ, những con chó này được cho làm vật nuôi (thú cưng) ở Đông Đức và Tây Đức. Tuy nhiên, người dân Tây Đức cảm thấy ngần ngại khi nuôi chúng vì các phương tiện truyền thông từng lên án chúng như những con vật nguy hiểm có thể xé một người đàn ông ra thành từng mảnh.
Mặc dù Liên đoàn bảo vệ động vật ở Đức ủng hộ việc nhận nuôi chó, nhưng họ quan ngại về việc một số người xem những con chó này như một món đồ lưu niệm sống của bức tường Berlin. Họ cũng không muốn chúng bị giết. Tuy nhiên, họ đề xuất cung cấp hóa chất cho việc giết không đau đớn nếu điều đó thực sự cần thiết bởi vì đó là một lựa chọn tốt hơn phương pháp tiêu chuẩn của Đông Đức là giết chết bằng sốc điện.
8. Thủ tướng Margaret Thatcher và Tổng Francois Mitterrand vẫn muốn duy trì bức tường Berlin
Ban đầu, Thủ tướng Margaret Thatcher của Anh và Tổng thống Pháp Francois Mitterrand phản đối việc phá hủy bức tường Berlin và thống nhất nước Đức. Bà Thatcher từng phát biểu: “Chúng tôi đã đánh bại người Đức hai lần, và bây giờ nhìn họ quay trở lại”.
Bà Thatcher đã tốn nhiều thời gian cho việc ngăn chặn quá trình thống nhất nước Đức và thậm chí cố gây ảnh hưởng để lôi kéo chính phủ Anh đứng về phía bà (nhưng họ không đồng ý). Khi nhận ra rằng không thể ngăn cản, bà Thatcher đưa ra đề nghị thống nhất nước Đức sau một giai đoạn chuyển tiếp 5 năm thay vì làm ngay một lúc.
Tổng thống Mitterrand lại lo lắng về những người mà ông gọi là “người Đức xấu”. Ông cũng sợ rằng một nước Đức thống nhất sẽ có ảnh hưởng lớn ở châu Âu, thậm chí còn hơn cả Adolf Hitler.
Khi Tổng thống Mitterrand nhận ra rằng sự phản đối của ông sẽ không ngăn được tiến trình thống nhất, ông đã thay đổi lập trường của mình và bắt đầu ủng hộ nó. Tuy nhiên, ông cũng ủng hộ bà Thatcher trong sự phản đối của bà. Ông Mitterand giữ quan điểm rằng nước Đức chỉ có thể được kiểm soát nếu nó tham gia vào một cộng đồng châu Âu thống nhất, mà ngày nay chúng ta gọi đó là Liên minh châu Âu.
9. Một đoạn tường bị bỏ quên trong 28 năm mới được phát hiện
Khi bức tường Berlin bị phá hủy vào năm 1989, người ta để lại một số đoạn với mục đích làm di tích về một giai đoạn lịch sử của nước Đức. Tuy nhiên, có một đoạn tường dài 80m nằm ở Schonholz (ngoại ô Berlin) bị bỏ quên và mới được tiết lộ bởi nhà sử học Christian Bormann.
Trong một bài đăng trên blog vào ngày 22 tháng 1 năm 2018, Bormann cho biết ông đã phát hiện ra đoạn tường này từ năm 1999, nhưng đã quyết định giữ bí mật. Ông phải công bố thông tin về sự tồn tại của nó vì hiện nay bức tường đang trong tình trạng hư hỏng nghiêm trọng và có thể bị sụp đổ. Vị trí ẩn khuất của bức tường trong một khu vực nhiều bụi rậm giữa các đường ray và nghĩa trang là lý do khiến nó bị lãng quên.
Sự phân chia nước Đức và thủ đô Berlin sau Thế chiến thứ hai không chỉ đơn giản là việc xây dựng bức tường chia đôi đất nước. Đó còn là sự khác biết về ý thức hệ, mà các hiệu ứng của nó cho đến giờ vẫn còn có thể cảm nhận được. Ví dụ rõ nhất là Tây Đức đi theo con đường chủ nghĩa tư bản trong khi Đông Đức lại hướng đến chủ nghĩa xã hội. Chỉ riêng điều này đã ảnh hưởng đến chế độ chính trị của mỗi bên, cách thức mà họ điều hành đất nước, và mức độ phát triển mà họ đã đạt được.
Người ta thậm chí có thể phân biệt được Đông Berlin và Tây Berlin trong một bức ảnh nguyên bản do phi hành gia Andre Kuipers chụp từ trạm vũ trụ quốc tế (ISS) vào năm 2012. Nó cho thấy một cách rõ ràng Đông Berlin cũ với ánh sáng màu vàng và Tây Berlin cũ với ánh sáng xanh. Nguyên nhân của sự khác biệt này là do loại đèn đường mà hai bên sử dụng. Các đèn ở Tây Đức thân thiện với môi trường hơn ở phía đông nước Đức.
Ngày nay, ở Đông Đức có mức lương trung bình thấp hơn Tây Đức. Vì nhiều nhà máy ở miền Đông nước Đức không thể cạnh tranh với các đối tác phương Tây sau khi bức tường sụp đổ, họ phải đóng cửa. Ngược lại, Tây Đức là nơi tập trung phần lớn các ngành công nghiệp, họ phải tăng tiền lương để thu hút công nhân.
Hệ quả là người lao động ở Đông Đức thích di chuyển sang miền Tây nước Đức để tìm việc làm. Trong khi điều này làm giảm tỷ lệ thất nghiệp ở miền Đông nước Đức, nó cũng tạo ra một dòng chảy chất xám về miền Tây, buộc các công ty ở miền Đông quay sang Ba Lan và Cộng hòa Czech tìm kiếm công nhân.
Về mặt tích cực, Đông Đức tạo ra ít rác hơn Tây Đức. Đây là một thực tế từ những ngày còn sống dưới chế độ cộng sản, người dân Đông Đức chỉ mua những gì cần thiết đối với họ; khác với thói quen mua sắm của Tây Đức. Đông Đức cũng có dịch vụ chăm sóc trẻ tốt hơn Tây Đức. Điều này là do các bà mẹ Đông Đức phải ra ngoài làm việc trong khi các bà mẹ Tây Đức thường ở nhà.
Người dân Đông Đức cũng có trang trại lớn hơn, được chủng ngừa cúm nhiều hơn và thường ngủ bên trong lều trại. Ngược lại, người dân Tây Đức thích ngủ trong xe moóc. Điều này là do người dân Tây Đức có thu nhập cao hơn và có khả năng mua sắm một số thứ xa xỉ mà người dân Đông Đức không thể.
Nguồn KTNN số 1003
No comments:
Post a Comment