Saturday, May 30, 2020

NGỌT NGÀO ĐƯỜNG BÁT

“Biết em từ thuở trong nôi, 
Ru em không nín anh “đôi” cục đường.
Bây chừ em nói không thương,
Một hai ba bốn trả cục đường lại cho anh”. 


Câu hát ru ni không biết chỉ có ở quê tôi hay nhiều nơi khác cũng biết. Tôi thì thuộc và nhớ mãi bởi trong câu hát có câu chuyện về cục đường có chút ngọt có chút bùi ngùi...

Là cục đường nhỏ được chia ra từ bánh đường bát cũng là một món quà của những năm tuổi thơ tôi. Đường bát là một sản phẩm truyền thống làm từ cây mía ở Quảng Nam. Theo một người bạn hồi sinh viên của tôi thì ở vùng quê Quảng Nam, từ miền đồng bằng lên trung du hay trải dọc theo hai con sông Vu Gia và Thu Bồn đất phù sa màu mỡ là nơi thích nghi với nhiều loại cây trồng trong đó có cây mía. Khi những bông mía bắt đầu tàn, những cơn gió lạnh ngày càng nhạt dần là mùa đạp mía, nấu đường bắt đầu. Người Quảng Nam gọi là mùa làm đường. Đây là mùa bận rộn nhất của người nông dân các vùng trồng mía Quảng Nam. Rồi những cặp đường bát theo những chuyến xe đi khắp trong Nam ngoài Bắc đến cả những vùng quê xa ngái như quê tôi bên phá Tam Giang xứ Huế...

Tôi nhớ những lần được mạ hay mệ nội sai đi mua mấy thứ lặt vặt ở mấy quán hàng xén nhỏ xóm bên của mụ Nguyệt, o Gái. Khi thì 5 hào bột ngọt, khi thì 2 hào muối; nhưng tôi vẫn thích nhất là được sai đi mua đường hay mua xì dầu. Đơn giản là đi mua đường cục thì dọc đường phải cắn bớt miếng; còn xì dầu thì dốc ngược chai nếm cái vị thơm thơm lạ lạ.


Mà cái bánh đường bát hồi đó không phải là hiếm nhưng cũng quý. Thấy trong đôi triêng gióng của mạ có cặp đường là nhớ sắp đến ngày rằm lớn rồi, sắp được ăn chè rồi. Hồi nhỏ ở làng chỉ biết ăn chè đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ nhưng nhiều nhất là chè nếp. Chè nếp mà ăn cỡ hai chén là thấy bưa; rứa mới có câu thành ngữ “bưa như chè nếp”... Tết Đoan Ngọ mới được ăn chè kê rồi Tết mới được ăn chè đậu xanh đánh... Còn chè hột sen thì chỉ nghe qua câu ca:”Thương chồng nấu cháo le le - Nấu canh bông lý nấu chè hột sen”. Nghe thôi chứ không được thấy, được ăn. Lên phố rồi mới biết hương vị của chè hột sen. Chừ thì hột sen đã thành phổ biến từ phố về quê. Tất nhiên đã là chè hột sen nấu với đường phèn kết tinh thì phải ngon rồi nhưng thiệt lạ là tôi vẫn thèm cái hương vị của những chén chè đậu nấu với đường bát ngày xưa...

Ngày mùa thì mạ mua sẵn cặp đường cất trong cụi bếp để khi nấu chè, khi thì cạo đường ra cuốn với bánh tráng nhúng nước để ba và mấy người bạn gặt ăn bữa lỡ... Lại nhớ mấy bận xã tổ chức đá banh. Khi mô đội banh của chi hội tôi cũng gánh theo một thùng nước chè xanh với một thau chanh dầm đường. Nghỉ giữa trận mấy chú cầu thủ được bồi dưỡng mấy miếng chanh đường để thêm sức mà đá cho hay. Con nít như chúng tôi đứng coi thèm rệu nước miếng và ước ao lớn mau để được đi đá banh...


Mà nói đến đường đen là nhớ kẹo cau. Một thời cũng là món quá vặt quen thuộc của trẻ con làng quê. Đơn giản là bởi nó rẻ, dễ làm dễ ăn. Hồi nhỏ tôi cũng có cái thú là đi coi đổ kẹo cau. Người đổ kẹo là bác Nuôi hàng xóm của mình. Ba bốn bánh đường đen chi đó, chặt ra từng cục, thêm ít gừng rồi thổi củi nấu lên cho đến khi nào nó dẻo ra mà theo cách gọi của bác Nuôi là đường đã tới; rứa là đổ ra nhồi cho dẻo sau đó bưng cả giã đường đang nóng hôi hổi đó vắt lên cái chạc ba treo ở cột nhà mà đập. Đập liên tục như thế đến khi nào đường kết dính với nhau, trắng ra là đưa xuống bỏ vào cái mẹt bột sắn để cho kẹo khỏi chảy nước rồi cắt ra thành từng cái kẹo một. Kẹo cau ăn ngon nhất là khi còn nóng bởi khi đó viên kẹo còn dẻo, mềm. Để càng lâu thì kẹo càng cứng. Cái thời bao cấp, tìm cả chợ quê của tôi chỉ có mấy bì kẹo chanh, mấy bì bánh tai heo thì kẹo cau bán được lắm. Ở gần chợ có một nhà chuyên làm kẹo cau bỏ mối cho khắp vùng. Học trò đi học ca trưa mùa lạnh tạt qua xóm mua mấy đồng kẹo cau nóng ăn chống đói. Đội đoàn đi cắt lúa, đi làm thủy lợi cũng mua mấy chục kẹo cau để ăn bữa lỡ. Cái kẹo cau thời bé dại ăn có khi mẻ cả răng mà vẫn thấy ngon…

Phi Tần / Báo Du Lịch