"Tình cờ chẳng hẹn mà nên,
Mạt cưa mướp đắng đôi bên một phường."
(Truyện Kiều - Nguyễn Du)
Xưa, có anh trồng nhiều mướp đắng nhưng khi đem bán thường vắng khách. Một hôm, anh nghĩ thầm làm ăn kiểu này chắc thất bại, bèn lấy mướp đắng giả làm dưa chuột, hy vọng có nhiều người mua. Vậy là, trong một phiên chợ chiều, lợi dụng trời nhá nhem tối, anh bày “dưa chuột” ra mời mọc, cốt sao bán được hoặc đổi trao xong là mừng.
Khéo sau lúc ấy, có một bà bán “cám gạo” đi đến. Mụ ấy vốn xưa nay quen thói lọc lừa, lấy mạt cưa rây làm cám gạo, cũng đợi chợ chiều chập choạng, sẽ mập mờ bán buôn, toan đánh tráo hoặc đổi chác được bao nhiêu cũng mừng.
Chàng mướp đắng gặp mụ mạt cưa. Hai bên buong lời mời mọc và cuối cùng mỗi bên đều hí hửng mang về nhà thứ mà mình đổi được. Anh bán mướp đắng nhìn mớ cám gạo không ngớt mừng thầm. Mụ bán mạt cưa không thể giấu nụ cười trên môi khi nhìn rổ dưa. Cả hai đều cảm thấy mình đắc thắng, bước cao bước thấp, hớn hở ra về.
Thế nhưng khi về đến nhà, cả hai mới vỡ lẽ bởi món hàng mình đổi được đều là hàng giả: Cám gạo chỉ là mạt cưa, còn dưa chuột chỉ là một loại mướp đắng chát.
Theo Truyện dân gian Việt Nam
Bài học đạo lý:
Người bán mướp đắng lại có kẻ buôn mạt cưa. Lừa người lại bị lừa ngay. Đó là điều tất nhiên theo định luật nhân quả, một thứ nhân quả nhãn tiền. Gieo nhân nào gặt quả nấy, nếu mình sống dối trá thì sẽ gặp gian xảo. Đạo lý này mới nghe qua rất đơn giản, dễ hiểu nhưng thực ra, nó rất sâu sắc, thâm thuý. Bởi nó có tính phổ quát, bao trùm lên mọi sự vật hiện tượng, có thể giải thích mọi khía cạnh của cuộc sống, và đạo Phật gọi là định luật nhân quả. Giàu sang phú quý hay bần cùng khổ sở, được tin yêu hay bị hất hủi khinh khi, được người hiền lương giúp đỡ hay bị kẻ xấu lường gạt… tất cả đều tuỳ thuộc vào cái nhân mà mình đã gieo, có tu nhân tích đức, có sống hiền thiện hay không.
Biết rõ đã gieo nhân tất phải gặt quả, nên người Phật tử thận trọng trong lời nói, hành động và suy nghĩ sao cho không gây ra khổ đau cho mình và người. Kinh Phật nói “Bồ tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả”. Người có giác ngộ tỉnh thức luôn xem xét, sợ sệt cái nhân, còn kẻ si mê chỉ biết sợ, hối tiếc khi đã vào tù.
Có điều, nhân quả không phải lúc nào cũng diễn ra hiện tiền trước mắt, mà có khi vài tháng, vài năm, thậm chí vài đời sau nữa. Luật nhân quả Phật giáo phải được xem xét trên ba phương diện quá khứ, hiện tại và tương lai. Do không hiểu điều này (người ta chỉ thấy kẻ làm ác, trốn thuế, hại người… sao mà giàu có; còn người lương thiện, hiền lành sao hay bị ức hiếp, nghèo khổ), nên nhiều người không tin nhân quả. Một khi không tin vào luật nhân quả rồi thì không việc xấu ác nào mà người ta không làm.
Vả chăng, sự thật giữa cuộc đời vẫn có trường hợp hàng giả đổi được hàng thật. Cho nên, bi kịch xảy ra trong phiên chợ chiều kia không phải là mướp đắng đổi được mạt cưa mà chính là mướp đắng đổi được cám gạo hay mạt cưa đổi được dưa chuột. Nói cách khác là hàng giả đổi được hàng thật, hay tiền thật mua trúng hàng giả. Đó mới là bi kịch xảy ra trong nội hàm câu chuyện.
Bi kịch ấy phản ánh một khía cạnh hiện thực của xã hội: hàng giả, bằng giả, tri thức giả… đâu đâu cũng thấy. Tai hại hơn nữa là bằng giả, tri thức giả ấy lại có một địa vị thật trong xã hội. Đó là một sự thật làm đau lòng những nhà lãnh đạo, quản lý, giáo dục chân chính, có lương tâm và trách nhiệm về tương lai của đất nước và dân tộc. Vì một khi cái giả, cái không thật lên ngôi thì hệ quả hình thành nên một xã hội dối trá sẽ rất gần.
Vì vậy, những bài học đạo đức, có tính giáo dục về định luật nhân quả như chuyện “mướp đắng và mạt cưa”, cần phải được đề cao và định hướng cho giáo dục, thì may ra mới tránh được nguy cơ hình thành một xã hội chỉ toan tính lọc lừa.
(Sưu tầm trên mạng)
No comments:
Post a Comment