Friday, September 1, 2023

NHẬT BẢN XẢ NƯỚC THẢI HẠT NHÂN: NIỀM TIN HAY NỖI LO?

Sự kiện Nhật Bản xả nước thải hạt nhân ra biển đã gây ra một làn sóng chỉ trích từ nhiều quốc gia, nhiều người đặt câu hỏi liệu Cơ quan Nguyên tử Quốc tế có đủ uy tín để cấp phép.


Thời kỳ Chiến tranh Lạnh, một loạt vụ thử vũ khí hạt nhân được các siêu cường tiến hành trong bối cảnh thế giới chạy đua vũ trang, nó để lại một lượng phóng xạ lớn trong bầu khí quyển.

Một số hòn đảo đã phải hứng chịu bụi phóng xạ ở mức độ cao dẫn đến ngày nay con người không thể quay trở lại sinh sống vì "ô nhiễm di sản".

Sự kiện Nhật Bản bắt đầu xả 1,3 triệu nước thải hạt nhân đã qua xử lý khiến thế giới lo sợ điều tương tự sẽ xảy ra khi nó có thể để lại hậu quả lâu dài. Một số quốc gia láng giềng của xứ sở mặt trời mọc đã ngay lập tức bày tỏ quan ngại chương trình này của Nhật Bản.

Ngày 24/8, ngay khi Nhật Bản bắt đầu xả nước thải đã qua xử lý ra biển, quốc gia ngay lập tức đã gặp phải một số hạn chế thương mại. Điển hình như Trung Quốc đưa ra lệnh cấm nhập khẩu toàn bộ thủy hải sản có nguồn gốc từ Nhật Bản.

Người dân Nhật Bản biểu tình phản đối việc Chính phủ xả nước thải hạt nhân đã qua xử lý vào môi trường (Ảnh: CNN).

Quốc gia giờ đây đang phải đối mặt với rất nhiều áp lực khi làn sóng phản đối chương trình xả nước thải hạt nhân, ngày càng lan rộng. Thế giới đặt niềm tin vào kế hoạch này của Nhật Bản hay hành động để ngăn chặn vụ việc? Điều đó vẫn đang nhận được rất nhiều luồng ý kiến khác nhau.

Khởi nguồn

Năm 2011, Nhật Bản hứng chịu một trong những trận động đất mạnh nhất trong lịch sử. Hậu quả khiến 15.899 người thiệt mạng; 2.572 người vẫn mất tích và được cho là đã chết, trên 6.000 người bị thương và nhiều thị trấn bị xóa sổ khỏi bản đồ.

Đặc biệt, trận động đất đã tàn phá nhà máy điện hạt nhân Fukushima nằm gần bờ biển, sóng thần tấn công đã làm hỏng hoàn toàn các hệ thống làm mát thanh nhiên liệu hạt nhân, gây ra thảm họa nghiêm trọng.

Nó đã biến các vùng dân cư xung quanh bị nhiễm phóng xạ, cho đến ngày nay nhiều nơi 10 năm sau con người vẫn chưa thể sinh sống trở lại.

Thảm họa năm 2011 khiến ba lò phản ứng nhà máy điện hạt nhân Fukushima bị phá hủy, rò rỉ phóng xạ ra ngoài môi trường.

Để ngăn chặn thảm họa tiếp theo, các công nhân đã bơm nước vào các lò phản ứng để làm mát nhiên liệu nóng chảy khiến nước đó nhanh chóng bị ô nhiễm hạt nhân nặng.

Các lò phản ứng của nhà máy điện Fukushima hiện không còn hoạt động nhưng chúng vẫn cần được làm mát, đó là lý do tại sao nước thải tiếp tục tích tụ. Trong những năm kể từ khi vụ tai nạn xảy ra, nước ngầm cũng đã thấm vào khu vực này và một phần cũng bị ô nhiễm.

Xử lý lượng nước phóng xạ này là một thách thức kỹ thuật lớn đối với chính phủ Nhật Bản. Theo các nhà chức trách của quốc gia, hiện tại có khoảng 1,3 triệu tấn nước thải ô nhiễm hạt nhân đang được lưu trữ trong hơn 1.000 bể chứa. Các bể này đã gần hết chỗ chứa vì vậy nước cần được xả ra.

Hệ thống xử lý chất lỏng tiên tiến có đủ an toàn?

Để làm được điều này, các nhà khoa học Nhật Bản đã nghiên cứu một hệ thống lọc phức tạp giúp loại bỏ hầu hết các đồng vị phóng xạ khỏi nước.

Nó được gọi là Hệ thống xử lý chất lỏng tiên tiến ( ALPS), hệ thống này giúp lọc một số chất gây ô nhiễm phóng xạ khác nhau khỏi nước.

Chỉ riêng ALPS là chưa đủ, để có thể loại bỏ một số đồng vị rất nguy hiểm cho con người và hệ sinh thái như Caesium-137 và strontium-90, nó còn phải kết hợp với một số hệ thống khác và hiện tại Nhật Bản đang thực hiện phương án này. 

Hệ thống xử lý ALPS đã được Nhật Bản nghiên cứu trong nhiều năm để có thể lọc các chất phóng xạ khỏi nước ô nhiễm (Ảnh: The Japan News).

Nhưng có một chất phóng xạ không thể lọc được chính là tritium. Đây là một đồng vị của hydro và hydro là một phần của nước, vì vậy không thể tạo ra một bộ lọc có thể loại bỏ hoàn toàn tritium.

Nhật Bản dĩ nhiên không thể xả thải khi nồng độ tritium trong nước còn cao, đầu tiên họ sẽ pha loãng nước thải đã qua các hệ thống lọc với nước biển để có ít tritium hơn.

Chính phủ nước này cho biết, các nhà khoa học sẽ đưa mức tritium xuống dưới mọi giới hạn an toàn và dưới mức do một số nhà máy hạt nhân đang hoạt động thải ra.

Sau đó họ lấy nước pha loãng nó cho đi qua một đường hầm dưới đáy biển đến một điểm ngoài khơi bờ biển Fukushima ở Thái Bình Dương, điều này giúp nước thải loãng tritium hơn.

Quá trình xả thải được Nhật Bản thực hiện một cách chậm rãi, ước tính sẽ mất nhiều thập kỷ để có thể thải hết được lượng nước thải trong các thùng chứa tại nhà máy điện Fukushima.
 
Niềm tin

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã bình duyệt kế hoạch xả thải này của Nhật Bản vào tháng 7. Tổ chức này tin rằng, nó phù hợp với các tiêu chuẩn an toàn quốc tế, đồng thời họ cũng có kế hoạch tiến hành giám sát độc lập để đảm bảo việc xả thải được thực hiện đúng quy trình.


Tổng giám đốc IAEA, Rafael Mariano Grossi tuyên bố, nước thải bị ô nhiễm khi qua xử lý an toàn để uống hoặc bơi lội.

Đáp lại IAEA, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định: "IAEA vội vàng đưa ra báo cáo với những kết luận hạn chế và phiến diện về kế hoạch xả nước thải nhiễm hạt nhân từ Fukushima xuống đại dương, đồng thời không giải quyết được mối lo ngại của cộng đồng quốc tế về vấn đề phức tạp này".

Câu chuyện nếu nước thải hạt nhân đã qua xử lý của Nhật Bản an toàn, tại sao nó không được dùng để làm nước uống hoặc dùng cho các bể bơi như tuyến bố từ IAEA càng làm dấy lên nhiều hoài nghi trong cộng đồng quốc tế về chất lượng nước xả của quốc gia này.

Lượng nước Nhật Bản xả ra ngoài đại dương đủ để bơm đầy 500 bể bơi Olympic.

Giáo sư Jim Smith, Đại học Portsmouth, người đã dành phần lớn thời gian trong cuộc đời để nghiên cứu phóng xạ trong đường thủy sau các vụ tai nạn hạt nhân, bao gồm cả ở thảm họa Chernobyl đánh giá rủi ro từ sự kiện xả thải là rất thấp.

"Theo quan điểm của tôi, nếu vấn đề xả thải được thực hiện đúng cách thì liều lượng bức xạ mà con người nhận và hệ sinh thái nhận được sẽ không đáng kể".

Nhật Bản đưa ra kế hoạch pha loãng nguồn nước này (tritit hóa) để giảm mức độ phóng xạ xuống dưới 1.500 becquerels mỗi lít (Bq/L), thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn của quốc gia là 60.000 Bq/L.

Mỗi ngày, đồng vị phóng xạ tritium thường xuyên được thải vào nước bởi các nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động trên khắp thế giới, cũng như bởi các nhà máy tái xử lý chất thải hạt nhân.


Nhiều người khi nghe đến việc xả nước thải hạt nhân vào đại dương là một điều đáng kinh tởm nhưng nếu chúng ta nhìn nó từ góc độ kỹ thuật, thật khó để tranh luận tác động từ kế hoạch của Nhật Bản sẽ tồi tệ hơn những gì đang xảy ra tại các nhà máy điện hạt nhân trên toàn thế giới.

Tác động lâu dài của việc xả nước thải nhiễm hạt nhân ra biển đối với môi trường biển và an toàn thực phẩm cũng không phải là điều mà IAEA có thể dễ dàng kết luận.

Nỗi lo

Nhưng không phải ai cũng đồng tình rằng xả nước thải hạt nhân đã qua xử lý là phương án tốt nhất.

Nhà khoa học Ken Buesseler, Viện Hải dương học Woods Hole (Mỹ) cho rằng, Nhật Bản nên giữ nước bị ô nhiễm trên đất liền, quốc gia nên sử dụng nước này trộn vào bê tông để cố định nó.


Ông không lo lắng việc nước thải sẽ đe dọa hệ sinh thái khắp Thái Bình Dương, nhưng các chất ô nhiễm khác không phải là tritium có thể bị hệ thống ALPS bỏ sót, tích tụ gần bờ theo thời gian.

Buesseler cảnh báo: "Các vùng gần bờ của Nhật Bản có thể bị ảnh hưởng về lâu dài do sự tích tụ các dạng phóng xạ phi triti. Điều này cuối cùng có thể gây tổn hại cho nghề cá trong khu vực, vốn là nguồn thu nhập chính của nhiều người dân nước này".

Điều đáng suy ngẫm ở đây chính là nếu thế giới tin tưởng kế hoạch này của Nhật Bản, nó có thể là "kim chỉ nam" gửi tới các quốc gia khác sẽ học theo cách xử lý chất thải hạt nhân trên biển.

Trong quá khứ, nhiều quốc gia đã phải hứng chịu bụi phóng xạ ở mức độ cao do các vụ thử hạt nhân trong khí quyển thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Có những hòn đảo mà người dân ngày nay không thể quay trở lại sinh sống vì ô nhiễm di sản.

Đặc biệt, thế giới đang phải đối mặt với nhiều hậu quả do biến đổi khí hậu và mực nước biển ngày càng dâng cao so với phần còn lại của hành tinh. Nếu nước thải hạt nhân của Nhật Bản xả ra đại dương không đủ an toàn, nó sẽ dẫn đến một thảm họa vô cùng khủng khiếp.

Nam Đoàn / Theo: Dân Trí
Link tham khảo: