Chơi đàn là một nghệ thuật. Nghe nhạc lại là một nghệ thuật khác. Thường thường người ta chỉ quan tâm đến nghệ thuật thứ nhất mà quên đi nghệ thuật thứ nhì. “Nghe” được âm nhạc có nghĩa là “giải mã” được ngôn ngữ âm nhạc để vượt qua được dòng suối thanh âm, và đến với bờ bến bên kia. Trong thơ ca Trung quốc và Việt nam có rất nhiều bài nói về cảm xúc khi nghe nhạc. Cùng Tỳ Bà hành của Bạch Cư Dị, chúng ta đã nghe tiếng đàn não nùng cay đắng của thiếu phụ trên sông Tầm dương, Long Thành cầm giả ca của Nguyễn Du mãi ray rức trong tiếng đàn ai oán tang thương của cô Cầm đất Thăng long, Tiền Xích Bích phú của Tô Đông Pha mênh mang theo tiếng tiêu réo rắt trong đêm trăng thu trên dòng sông Xích bích… Các nhà thơ kim cổ, mỗi người mỗi vẻ, đã dùng ngòi bút thiên tài của mình tạo nên cái thế giới âm nhạc kì diệu trong cõi thi ca sương khói mênh mông.
Bài Lý Bằng không hầu dẫn (Bài ca về tiếng đàn không hầu của Lý Bằng ) của Lý Hạ – một trong những bài thơ nói lên cái nghe thượng thừa trong âm nhạc- lại rất ít được nhắc đến. Giống như số phận cô độc của chính nhà thơ. Trong thế giới thi ca kì dị của thiên tài Lý Hạ vốn được mệnh danh là Thi Quỉ, thì đây là một bài thơ tương đối hiếm hoi. Ta không còn nghe tiếng quỉ ngâm thơ trên nấm mồ trong đêm thu lạnh, không còn nghe tiếng hận lòng u uất trong thế giới lãng đãng hồn ma. Mà cõi thơ ông dường như sáng hẳn lên trong ánh sáng ảo huyền của tiếng không hầu. Ta thử cùng theo Lý Hạ để cảm nhận thế giới âm nhạc qua tiếng đàn của Lý Bằng:
Lý Bằng không hẫu dẫn
Ngô ti Thục đồng trường cao thu,
Không sơn ngưng vân đồi bất lưu.
Giang Nga đề trúc, Tố Nữ sầu,
Lý Bằng Trung quốc đàn không hầu.
Côn sơn ngọc toái phượng hòang khiếu,
Phù dung khấp lộ hương lan tiếu.
Nhị thập môn tiền dung lãnh quang,
Nhị thập tam ti động Tử hoàng.
Nữ Oa luyện thạch bổ thiên xứ.
Thạch phá thiên kinh đậu thu vũ.
Mộng nhập thần sơn giáo Thần ẩu,
Lão ngư khiêu ba sấu giao vũ.
Ngô Chất bất miên ỷ quải thọ,
Lộ cước tà phi thấp hàn thố.
李 憑 箜 篌 引
吳 紫 蜀 桐 長 高 秋,
空 山 凝 雲 頹 不 流。
江 娥 啼 竹 素 女 愁,
李 憑 中 國 彈 箜 篌。
菡 山 玉 碎 鳳 凰 叫,
芙 蓉 泣 露 香 蘭 芼。
二 十 門 前 融 冷 光,
二 十 三 絲 動 紫 皇。
女 媧 煉 石 補 天 處,
石 破 天 驚 逗 秋 雨。
夢 入 神 山 教 神 嫗,
老 魚 跳 波 瘦 龍 舞。
吳 質 不 眠 倚 桂 樹,
露 腳 斜 飛 濕 寒 兔。
Bài ca về tiếng đàn Không Hầu của Lý Bằng
Gỗ đàn nước Thục, dây Ngô.
Trời thu, mây núi lững lờ ngừng trôi.
Giang Nga khóc trúc ngậm ngùi,
Cung không hầu vọng bồi hồi thở than.
Nghe như tiếng hót phượng hoàng,
Côn Sơn ngọc vỡ trên ngàn xa khơi.
Phù dung khóc hạt sương rơi,
Còn nghe e ấp nụ cười hương lan.
Sáng nhoà các cổng Trường An,
Tiếng tơ vang động Tử hoàng trên cao.
Nữ Oa luyện đá nơi nào,
Trời tan đá vỡ lắng vào mưa thu.
Mộng non thần, tiếng nhạc ru,
Cá già lướt sóng, lượn lờ giao long.
Tựa cây quế, thức mơ mòng,
Sương gieo gót lạnh ướt vầng trăng đêm.
Lời thơ quá đẹp, quá tài hoa, tôi không dám bàn gì thêm. Không hầu là một loại nhạc cụ dây thời cổ, khi chơi đàn thì dùng ngón tay để búng. Lý Bằng không rõ là ai, nhưng có lẽ là một nhạc công tuyệt diệu đương thời. Nghe nhạc đến mức thượng thừa như thế ắt hẳn phải có một đôi tai vô cùng tinh tế và một tâm hồn cực kì sâu lắng. Âm nhạc có lẽ là loại hình nghệ thuật mang tính trừu tượng cao nhất trong các bô môn nghệ thuật. Lời thơ lại phải nhờ vào cái không phải là nhạc để nói lên âm nhạc, dùng hình ảnh để nói đến thanh âm, nên càng mơ hồ trừu tượng thêm một tầng nữa. Và do đó, dễ đi vào chỗ sáo rỗng. Nhưng những thi sĩ chân tài, khi đem cái tài hoa của mình để trộn lẫn vào cái sáo rỗng thì cái sáo rỗng cũng trở nên chân thực, thanh tao. Thử hỏi tiếng ngọc vỡ hay tiếng phượng hoàng hót thì nói được gì về âm nhạc? Giả sử có kẻ tài tử nào đó trong đời, đem tiền muôn bạc vạn mua ngọc Côn sơn về đập vỡ để nghe được tiếng ngọc tan, vì thói cuồng ngông một thuở, thì cái đó cũng chỉ nói lên được tiếng nhạc trong muôn một. Nhưng dù sao tiếng ngọc vỡ trên núi Côn sơn, tiếng chim phượng hoàng lãnh lót vẫn còn có thể nói lên được tiếng nhạc, vì đó là thanh âm. Thế còn hoa phù dung khóc sương mai, và đóa hương lan vừa hé nụ?
Côn sơn ngọc toái phượng hoàng khiếu
Phù dung khấp lộ hương lan tiếu
Một đặc điểm khác của âm nhạc là tính liên tưởng và tính gợi cảm cực kì tinh diệu. Nhân vật Marka trong một truyện ngắn của Gorki, khi miêu tả sắc đẹp hoang dã của nàng zi-gan Radda, bảo rằng “Radda mà tả bằng lời thì chẳng nói được chút gì hết. Cái nhan sắc đó thì may ra chỉ có thể ca ngợi trên phím vĩ cầm, mà cũng chỉ có kẻ nào đã am hiểu cây đàn như hiểu chính tâm hồn của mình mới ca ngợi nổi “. Cho nên nơi nào ngôn ngữ cảm thấy bất lực trong việc biểu đạt, diễn cảm thì chính nơi đó âm nhạc sẽ bắt đầu. Mà đã gợi cảm thì có nghĩa âm nhạc không mô tả cụ thể. Nó chỉ khêu gợi lên được những gì người nghe vốn đang ấp ủ trong tâm hồn. Cùng trong một giai điệu mà có thể người này hình dung ra cảnh một đêm trăng êm đềm nơi điền dã, có người tưởng tượng ra cảnh đồng lúa non rì rào trong trong nắng mới. Ai đúng ai sai? Thật khó lòng mà khẳng định. Giai điệu thanh âm tác động lên tâm hồn và gợi lên hình ảnh. Thanh âm gợi lên sắc tướng và đến lượt nó, sắc tướng lại biểu đạt bản chất của thanh âm. Thế cho nên bài thơ nhắc đến nào hình ảnh hoa phù dung khóc sương mai, nào cánh hương lan hé nụ, nào các cổng thành đẫm mình trong ánh sáng, nào con giao long gầy nhảy múa, nào con cá già lướt sóng.., tất cả các thứ đó cũng đều là hình tượng của âm nhạc.
Trong cái thế giới ảo huyền của âm nhạc đó, điều quan trọng là chúng ta có tìm lại được chính tâm hồn mình hoặc nhận thấy được tâm hồn của người đàn hay không. Giai thoại tri âm giữa Bá Nha-Tử kỳ vẫn mãi mãi là giai thoại đẹp nhất trong lịch sử nhân loại về cái nghe trong âm nhạc theo lẽ “Thanh khí ứng cầu”. Người nghe đã cảm được cái tâm, cái chí của người đàn. Cũng như trong tiếng đàn của người ca kỷ đất Long Thành, Nguyễn Du đã “nghe” ra tất cả cung bậc đoạn trường của tang thương, dâu bể. Trong cảnh giới đó, không còn ai là người nghe, ai là người đàn nữa, không còn phải bâng khuâng tự hỏi:
“Ai nghe hát và ai hay nghe hát”
(Nguyễn Công Trứ)
Dư ba của hai mươi ba sợi dây đàn không hầu của Lý Bằng nào phải dội lên tận cõi Tử hoàng trên trời cao vót, mà thật ra là vang dội vào tận những chiều sâu thăm thẳm trong hồn người. Nào phải con giao long gầy đang nhảy múa, hay con cá già đang lướt sóng mà chính hồn người đang lượn múa trên dòng suối âm thanh.
Nghe nhạc như thế là một cách biểu đạt tâm hồn và cách tìm tới với một tâm hồn thông qua những tiếng tơ.
Tác giả: Huỳnh Ngọc Chiến