Năm 2003, Viện Phim Mỹ tổ chức cuộc bầu chọn với quy mô khổng lồ để đánh giá các nhân vật vĩ đại của điện ảnh. Lần lượt những màn trình diễn xuất sắc đều được xem xét để chọn ra những gì tinh túy nhất của bộ môn nghệ thuật thứ bảy.
Ở danh sách những anh hùng vĩ đại nhất trên màn bạc, đứng đầu là Atticus Finch của bộ phim To Kill a Mockingbird (tựa tiếng Việt: Giết con chim nhại). Xếp ngay sau đó là 2 nhân vật kinh điển Indiana Jones (của loạt phim cùng tên) và James Bond (của loạt phim 007). Điều đó đủ nói lên sự tôn kính của giới điện ảnh đối với Finch - nhân vật xuất hiện từ năm 1962.
Càng thú vị hơn khi trong bộ phim To Kill a Mockingbird, Atticus Finch chỉ là luật sư chứ không phải nhân vật hành động. Vai diễn này được tôn vinh bởi hình tượng người cha đầy tình yêu thương gia đình và luật sư dám đại diện cho công lý cả ở những thời khắc đen tối nhất. Dù nhiều thập niên đã trôi qua, mẫu nhân vật này vẫn luôn khiến người đời ngưỡng mộ.
Một câu chuyện khác về To Kill a Mockingbird lại liên quan đến Walt Disney. Ông trùm của hãng Disney đã yêu cầu chiếu bộ phim này ở nhà riêng của mình. Sau khi xem xong, Walt Disney buồn bã nói: “Thật là một bộ phim tuyệt vời. Đó là kiểu phim tôi ước mình có thể làm”. Chúng ta nên biết nhà sản xuất này giữ kỷ lục ở giải Oscar với 26 tượng vàng. Do đó, bộ phim ông khen ngợi và “ước gì mình có thể làm” chắc chắn phải rất đặc biệt.
Bộ phim khắc họa những vấn đề xã hội và phân biệt chủng tộc trầm trọng ở nước Mỹ vào thế kỷ trước
Một bộ phim đậm chất hiện thực xã hội
Chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Harper Lee, To Kill a Mockingbird mượn lời dẫn chuyện của Scout (Mary Badham) - một cô bé hiếu động sống ở miền Nam nước Mỹ thập niên 1930. Cô cùng người anh - Jem (Phillip Alford) - trải qua tuổi thơ êm đềm dưới sự nuôi dạy của bố - vị luật sư góa vợ Atticus Finch (Gregory Peck).
Atticus được chỉ định bào chữa cho Tom Robinson (Brock Peters) - một người Mỹ gốc Phi bị buộc tội cưỡng hiếp và hành hung một cô gái da trắng. Vị luật sư chấp nhận vụ việc khiến không khí thị trấn căng thẳng còn 2 con ông phải hứng chịu những lời chế nhạo trong trường. Dù vậy, Atticus vẫn tin vào lẽ phải và quyết theo đuổi vụ án đến cùng.
Một tuyến truyện khác của phim xoay quanh những cuộc vui chơi của Scout và Jem ở thị trấn. Tại ngôi nhà lân cận, có những lời đồn về một người đàn ông bí ẩn tên Boo chỉ ra ngoài vào ban đêm, hay bắt thú vật để ăn. 2 đứa bé thường tìm kiếm Boo nhưng chưa bao giờ gặp người này.
Hình tượng con chim nhại xuất hiện qua những lời thoại trong bộ phim là biểu tượng cho tình người. Chim nhại vốn là loài vô hại nhưng bị kỳ thị và chịu nhiều sự ghét bỏ. Ở miền Nam nước Mỹ thập niên 1930 cũng có những “con chim nhại” như thế. Đó là Tom - một chàng trai da đen hiền lành hay giúp đỡ mọi người nhưng chẳng thể nào biện hộ cho bản thân trước tòa. Đó là Boo - một người hiền lành nhưng luôn bị dị nghị, thậm chí xem như quái vật bởi tính cách ngại tiếp xúc với người lạ.
To Kill a Mockingbird được khen ngợi từ sách đến phim
Cao trào phim xoay quanh phiên tòa chấn động của Tom Robinson. Từ lúc buổi xử án chưa diễn ra, những người dân da trắng đã mặc định Tom là kẻ thủ ác và còn định tìm đến nhà giam để tấn công anh. Chỉ khi Atticus và các con ra sức ngăn cản, họ mới tạm bỏ qua.
Ở phiên tòa, Tom bị kết tội qua 2 lời khai đầy lỗ hổng và thiếu bằng chứng cụ thể. Atticus nhanh chóng bẻ gãy lập luận của bên nguyên bằng những lập luận sắc bén. Tuy nhiên, bồi thẩm đoàn (đều là người da trắng) chẳng mảy may thay đổi quyết định của họ về Tom. Từ đó, bộ phim khắc họa những vấn đề xã hội và phân biệt chủng tộc trầm trọng ở nước Mỹ vào thế kỷ trước. Có những sự thật rành rành nhưng “đúng cũng thành sai” bởi tâm lý kỳ thị đã quá nặng nề.
Nhiều tình tiết về nạn phân biệt chủng tộc được đan cài suốt phim, như phân cảnh những đứa trẻ trêu chọc Scout vì “bố mày bào chữa cho bọn mọi đen” hay khi những người da đen phải nghe lời người da trắng răm rắp. Chàng trai Boo may mắn hơn Tom Robinson và công lý, hay một phần của nó, đã được thực thi ở cuối phim để gieo hy vọng cho khán giả vào một tương lai tươi sáng hơn. Tuy nhiên, nhìn chung, To Kill a Mockingbird vẫn là một bộ phim giàu chất hiện thực hơn lãng mạn.
Một người hùng chính trực
Nhân vật Atticus được xem là người hùng vĩ đại nhất màn bạc không phải vì sở hữu sức mạnh hay những kỹ năng siêu việt mà phẩm chất của ông là tấm lòng chính trực, sẵn lòng vì lẽ phải dù biết trước kết cục gần như sẽ thất bại. Ở phiên tòa, Atticus đã làm những gì có thể để chống lại sự bất công. Cho dù ngày hôm đó, vị luật sư chưa thể thành công nhưng từng lập luận của ông như những viên đá ném vào bức tường thành định kiến, hy vọng một ngày nó sẽ đổ sụp.
Atticus cũng là hình mẫu một người đàn ông từng trải, giữ được bình tĩnh trong mọi tình huống. Cả khi bị Bob Ewell (James Anderson) - cha của cô gái - nhổ toẹt vào mặt, ông cũng chẳng hề trả đũa hay nổi nóng mà chỉ im lặng rồi quay đi. Đó là cách cư xử của một người chính trực khi không chủ tâm dùng bạo lực đáp trả bạo lực.
Trong việc dạy con, Atticus là người cha mẫu mực. Với trái tim rộng lượng và sự thâm trầm, ông dạy các con rằng muốn hiểu một người phải ở vào địa vị của họ và cư xử theo kiểu của họ. Ông cũng lý giải cho Scout và Jem biết tại sao phải bảo vệ Tom Robinson dù việc đó có thể khiến gia đình họ thành mục tiêu của đám đông.
Hơn 70 năm trôi qua, những tư tưởng về giáo dục và đạo đức trong phim vẫn không hề lỗi thời. Sự tử tế và lương tri vẫn là những nền tảng để xã hội có thể phát triển xoay quanh nó, đặc biệt trong thời đại mà các giá trị vật chất đang lên ngôi như hiện nay.
Màn hóa thân thành luật sư Finch giúp Gregory Peck nhận một tượng vàng Oscar. Hình mẫu “người đàn ông chính trực” cũng gắn liền với sự nghiệp của tài tử sinh năm 1916.
Trong việc dạy con, Atticus là người cha mẫu mực
Bộ phim cũng khiến Mary Badham lập kỷ lục là người trẻ tuổi nhất từng được đề cử giải nữ diễn viên phụ. Nhân vật Scout được xây dựng thú vị với tính tình cứng cỏi, là nữ giới nhưng sẵn sàng đối đầu với đám con trai để bảo vệ danh dự gia đình. Trong quá trình quay phim, Badham đặc biệt thân thiết với Gregory Peck. Cô giữ liên lạc với ông, luôn gọi ông là “Atticus” cho đến khi ông qua đời vào năm 2003. Và Peck cũng thường gọi Badham là “Scout”.
To Kill a Mockingbird còn phát hiện được tài năng của Robert Duvall. Trong lần đầu đóng phim, tài tử nhận nhiều sự tán thưởng với vai Boo. Sau đó, ông lọt vào mắt xanh của nhiều nhà sản xuất và góp mặt trong nhiều tác phẩm đình đám như The Godfather (Bố già, 1972) hay Apocalypse Now (Tận thế đêm nay, 1979), trở thành một huyền thoại diễn xuất ở Hollywood.
Bên cạnh dấu ấn về nhân vật, To Kill a Mockingbird còn được đánh giá cao và thường xuyên nằm trong danh sách những bộ phim hay nhất mọi thời đại. Bàn tay tài hoa của đạo diễn Robert Mulligan đã tạo ra một tác phẩm đầy tính nhân văn và cuốn hút về nội dung. Đây là một trong những ví dụ khi cả tác phẩm văn học và phim điện ảnh chuyển thể đều vĩ đại và xứng đáng được thưởng thức trong nhiều năm sau nữa.
Ân Nguyễn
Ảnh: Internet