Miến 麵 không có nghĩa là… miến
Vâng, miến 麵 không có nghĩa là miến. Điều này không có gì lạ. Nó cũng giống như chuyện salade của tiếng Pháp không có nghĩa là xà-lách vì salade là một danh từ chủng loại (générique) dùng để chỉ một số giống rau mà lá thường dùng để trộn giấm. Còn xà-lách của tiếng Việt thì hoặc chỉ là chicorée (rau diếp xoăn), hoặc chỉ là laitue (rau diếp) của tiếng Pháp mà thôi. Hoặc như mẫu đơn 牡丹 trong tiếng Hán không phải là mẫu đơn trong tiếng Việt (miền Bắc), mà trong Nam gọi là bông trang. Hoặc nữa, cũng như bàn của tiếng Việt thì tương ứng với tiếng Anh và tiếng Pháp table chứ không có nghĩa là mâm như bàn 盤 trong tiếng Hán. V.v.. và V.V…
Thế thì miến 麵 trong câu đang xét có nghĩa là gì? Thưa rằng đó là mì. Vâng, miến 麵 là mì. Hán Việt tân từ điển của Nguyễn Quốc Hùng giảng miến là: “Bột mì – Bột mì chế thành sợi nhỏ, tức sợi mì. Ta cũng gọi là mì” Các quyển từ điển tiếng Hán cũng giảng như thế. Nhưng, nói chung, các quyển từ điển đó còn chưa nói rõ về cái nghĩa sau đây: Mì là một món ăn lấy sợi mì làm nguyên liệu chính, trụng vào nước sôi cho chín rồi rưới nước dùng vào mà ăn. Đây là chỉ cái nghĩa đặc dụng một cách phổ biến ở các xe mì, tiệm mì của người Hoa; chứ có lẽ ai cũng biết rằng mì sợi còn có thể được chế biến theo cách khác, chẳng hạn như xào, chiên (rán), v.v… Đó là nói về nghĩa. Còn về âm thì người Quảng Đông đọc chữ miến 麵 là mìn: yâu mìn 幼麵 (ấu miến) là mì nhỏ; tshốu mìn 粗麵 (thô miến) là mì lớn; má mìn 孖麵 là (tô) mì hai vắt (âm Hán – Việt của chữ 孖 là tư/tử nhưng ở đây nó là một tục tự Quảng Đông). Mì là một cách nói trại của mìn khi đi vào tiếng Việt. Điều này cũng chẳng có gì lạ vì từ tiếng Quảng Đông sang tiếng Việt thì một số tiếng/từ đã bị “rụng đuôi”, nghĩa là bị mất phụ âm cuối: phá xáng 花 生 (hoa sinh) thành phá xa; phẳn 粉 (phấn) thành phở; xuýn mụi 酸梅 (toan mai) thành xí mu(ộ)i, v.v…
Vậy miến 麵 không có nghĩa là miến, mà là mì. Trong tiếng Hán thì phấn ti 粉絲 hoặc phấn điều 粉條 mới có nghĩa là miến, mà trước 1954, người miền Nam gọi là bún Tàu.
Hồn đồn 琿飩 không có nghĩa là “mì vằn thắn”
Hồn đồn 琿飩 chỉ là vằn thắn chứ không phải “mì vằn thắn”. Vằn thắn là hình thức phiên âm của phương ngữ Bắc Bộ từ tiếng Quảng Đông oằn thắn 雲吞 (âm Hán – Việt là vân thôn – còn tiếng Anh thì phiên thành wonton). Nó đã được ghi nhận trong Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học do Hoàng Phê chủ biên (Nxb. Đà Nẵng – Vietlex, 2007), cùng với hai biến thể mằn thắn (cũng của miền Bắc) và mì thánh (của miền Nam). Quyển từ điển này giảng vằn thắn, mằn thắn, mì thánh là “món ăn làm bằng thịt giã hoặc băm nhỏ bao trong bột, ăn với nước dùng”. Vằn thắn đại khái là như thế.
Mì vằn thắn thì khác. Đây là món mà tiếng Bắc Kinh gọi là hún tún miàn 餛飩麵 (hồn đồn miến), tiếng Quảng Đông là oằn thắn mìn 雲吞麵 (vẫn thôn miến). Nó gồm có hai thành phần chính: mì và vằn thắn. Ở trong Nam, ít nhất cũng là tại Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định, người ta gọi nó là mì hoành thánh.
An Chi
Theo: Rong chơi miền chữ nghĩa