Monday, June 10, 2024

TU TẬP THEO SỰ HƯỚNG DẪN CỦA ĐỨC THẾ TÔN THÌ KHI NÀO ĐẾN ĐƯỢC NIẾT BÀN?

Tất cả mọi nỗ lực tu luyện đều hướng đến sở đắc tương lai, trong khi Đức Phật lại dạy “viễn ly, ly tham, đoạn diệt” chính là buông mọi nỗ lực để trở thành - tức mong cầu sở đắc tương lai - để trở về giác ngộ Niết-bàn ngay nơi hiện tại.


Một hôm chư Tăng đi với đức Phật đến bên một dòng sông. A-nan hỏi Phật: “Bạch Thế Tôn, chúng con tu tập theo sự hướng dẫn của Thế Tôn thì khi nào đến được Niết-bàn?”. Đức Phật chỉ khúc cây trôi giữa dòng sông và nói: “Nếu khúc cây kia không bị tấp vào bờ này, bờ kia, không tự mục nát, không bị chìm đắm, không bị vớt đi thì chắc chắn tự vào biển cả”.

Câu chuyện này vô cùng sâu sắc. Ai cũng tưởng mình phải cố gắng tu luyện cho nhanh để mau đạt tới Niết-bàn. Nhưng không phải. Chỉ cần không vướng vào nhị nguyên tham ưu, lấy bỏ (bờ này bờ kia), không sống buông lung phóng dật (tự mục nát), không bám trụ sở đắc (bị chìm đắm), không ham hưởng phước nhân thiên (bị vớt đi) thì ngay đó là Niết-bàn chứ không phải bản ngã muốn nỗ lực tu luyện để sở đắc Niết-bàn trong ảo mộng.

Bậc Thánh Tu-đà-hoàn (quả Nhập Lưu) là người đã bắt đầu sống thuận với sự vận hành của Pháp, nói cho dễ hiểu là đã trở về với Pháp Tánh tự nhiên vốn hoàn hảo, nên không cần nỗ lực hướng ngoại tìm cầu sở đắc gì nữa. Tất cả mọi nỗ lực tu luyện đều hướng đến sở đắc tương lai, trong khi Đức Phật lại dạy “viễn ly, ly tham, đoạn diệt” chính là buông mọi nỗ lực rèn luyện để trở thành - tức mong cầu sở đắc tương lai - để trở về giác ngộ Niết-bàn ngay nơi hiện tại.


Bất cứ pháp hành gì xuất phát từ ý đồ trở thành hay đạt đến sở đắc tương lai đều rơi vào tham vọng của bản ngã. Như vậy, không thể chấm dứt tham sân si, không thể chứng ngộ Niết-bàn được. Hướng tới tương lai chỉ có giá trị trong tục đế, còn tìm kiếm Niết-bàn trong tương lai thì chỉ mất thời gian thả mồi bắt bóng, vì Niết-bàn luôn có mặt ngay nơi thực tại hiện tiền, vượt khỏi thời gian mà Đức Phật dạy:

“Quá khứ không truy tìm,
Tương lai không ước vọng,
Quá khứ đã đoạn tận,
Tương lai thời chưa đến,
Chỉ có pháp hiện tại,
Tuệ quán chính là đây, ...
Không động không rung chuyển
Biết vậy nên tu tập
Hôm nay nhiệt tâm làm,
Ai biết chết ngày mai” ...

Không động tức “không, vô tướng, vô tác, vô cầu” hay “không sinh-hữu-tác-thành”. Pháp tánh là chân lý muôn đời, không sinh diệt nên Đức Phật dạy: “Dù Như Lai ra đời hay không ra đời Pháp vẫn vậy”. Do đó ai ít “bụi trong mắt” đều có thể thấy ngay không cần lăng xăng nỗ lực “sinh-hữu-tác-thành” để rồi chỉ tạo ra luân hồi sinh tử, phiền não khổ đau.


Nỗ lực tạo tác mà tưởng là tu hành, thực ra chỉ đang đầu tư cho vô minh ái dục của bản ngã. Khi còn cái “tôi” tạo tác, mong cầu, thì không bao giờ thấy Pháp được. Vì vậy đức Phật nói quá trình hành đạo của Ngài là đi tìm người thợ làm nhà. Đến lúc chứng đạo quả dưới cội bồ-đề, Ngài tuyên bố, Như Lai đã tìm được người thợ làm nhà, đã bẻ gãy tất cả kèo cột rui mè mà người thợ đã dựng lên. Người thợ làm nhà đó chính là bản ngã “sinh-hữu-tác-thành”, là 5 uẩn, 12 duyên sinh và luân hồi sinh tử, phiền não khổ đau. Vì vậy cần phải thận trọng, nếu hành không đúng hướng thì thiền chỉ là động thái tạo tác lăng xăng của bản ngã mà thôi.

HT. Viên Minh