(ảnh: Tinhhoa)
Trên đời này, thật sự có người có thể sống một cuộc đời êm đềm thuận lợi không có bất kỳ thất bại và đau khổ sao? Chắc hẳn là không rồi.
Trên đường đời, quả thật có chỗ bằng phẳng thì cũng sẽ có chỗ nhấp nhô gập ghềnh.
Từng có người hỏi rằng: “Làm thế nào để tôi có thể sống một cuộc đời thuận lợi hơn?”
Vào thời Chiến Quốc, Quỷ Cốc Tử tiên sinh đã nói với chúng ta 3 câu châm ngôn: Khi nghịch cảnh đến đừng nổi giận; Khi biến cố xảy ra đừng sợ hãi; Khi bị vu khống đừng tranh luận.
Mỗi khi gặp chuyện không như ý, hãy nhớ đến 3 câu này, chắc chắn sẽ mang lại cho bạn phúc báo không ngờ đến, cũng sẽ khiến đường đời của bạn ngày càng rộng mở!
1. Khi nghịch cảnh đến đừng nổi giận
Khi gặp chuyện không hài lòng thì không tức giận, không oán trách, đây là một quá trình tu dưỡng.
Khi gặp nghịch cảnh mà không nổi giận là một loại tu dưỡng (ảnh: Trungtamytequan6)
Bạn biết rằng, mọi người trong đời ai cũng sẽ phải gặp những điều không suôn sẻ hoặc những người không thích bạn. Đối diện với điều này, có người dễ dàng trở nên bực dọc, thậm chí trở nên cáu kỉnh đến mức mất bình tĩnh với bất cứ ai.
Điều này khá trẻ con! Kỳ thực, mất bình tĩnh cũng không thể giải quyết được bất cứ vấn đề gì, nó chỉ khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn mà thôi.
Khổng Tử đã từng cảnh cáo mọi người rằng: “Bất thiên nộ, bất nhị quá”, có ý là chẳng giận lây, chẳng đổ lỗi 2 lần.
Phản ứng đầu tiên của một người thực sự thông minh không phải là phàn nàn hay tức giận khi có chuyện không như ý xảy ra, mà là bình tĩnh lại, tìm hiểu rõ ngọn nguồn vấn đề rồi nghĩ cách giải quyết.
Trước đây có một câu chuyện thế này:
Một cặp vợ chồng đang lái xe về nhà thì người vợ vô tình lái xe lao vào vòi cứu hỏa khiến ô tô lật ngửa, kết quả làm cả 2 người bị thương.
Người chồng vẫn còn hoảng hốt, tuy nhiên khi kiểm tra thấy vợ chỉ bị trầy xước ngoài da chứ không có vấn đề gì đáng ngại, thì lại đề nghị chụp ảnh cùng với vợ một bức để làm kỷ niệm.
Thử nghĩ xem, nếu là một người chồng thích nổi nóng khi có sự việc xảy ra, có thể ngay từ đầu đã đổ lỗi cho vợ không biết lái xe, thậm chí còn cãi vã, từ việc buộc tội “em biết lái xe không?” đến việc “Lại tốn biết bao nhiêu tiền để sửa xe?”.
Có một kiểu tu dưỡng gọi là không nổi giận khi xảy ra chuyện. Không tức giận, nhìn thấu đáo, suy nghĩ thoáng, buông tâm xuống, đây là một loại kỹ năng, nhưng cũng là phong thái sống.
Đối mặt với đủ loại khó khăn trong cuộc sống, hãy học cách tiết chế bản thân, không tức giận, giữ tâm ngay chính và đối mặt với mọi thứ một cách lạc quan, như vậy hạnh phúc mới có thể tìm đến bạn.
2. Khi biến cố xảy ra đừng sợ hãi
Khi gặp phải những biến cố đột ngột xuất hiện trong đời thì không hoảng loạn, đây là một loại khí phách.
Đời người mấy ai luôn thuận buồm xuôi gió. Khi gặp phải những biến cố, khả năng thích ứng của một người sẽ quyết định rất lớn đến thành tựu của người đó.
Khi gặp chuyện thì không hoảng loạn, đây là một loại khí phách (ảnh: Phongkhamthuanduc)
Vào thời nhà Tống, có một người tên là Lữ Văn Tĩnh, có 4 người con trai.
Để thử thách xem ai trong số các con trai của mình có thể làm tể tướng, ông đã ra lệnh cho nha hoàn cố tình làm vỡ một món đồ bằng ngọc ở trong sân, nơi bốn đứa trẻ đang chơi đùa.
Tận mắt chứng kiến toàn bộ quá trình đồ ngọc bị vỡ, 3 trong số 4 người con hét lên và chạy vào báo với người mẹ, chỉ có người con thứ 2, Công Trứ, là vẫn bình thản như không có chuyện gì xảy ra.
Thấy vậy, Lữ Văn Tĩnh hỏi con: “Đồ ngọc bị vỡ rồi, sao con không có chút vội vàng nào vậy?”
Công Trứ bình tĩnh trả lời: “Cha ơi, nó đã hỏng rồi, vội vàng có ích gì?”
Quả nhiên, sau này Công Trứ đã làm quan đến chức tể tướng.
Người làm được việc lớn thì gặp chuyện cũng không sợ hãi, đây là phong thái hiếm thấy.
Từ xưa đến nay, các bậc hiền nhân, thánh nhân càng gặp phải những sự kiện kinh thiên động địa và nguy hiểm, họ càng có thể giữ được bình tĩnh như nước, sẽ không sợ hãi, nóng vội.
Khi cuộc sống của bạn gặp phải biến cố hay bất hạnh, bạn phải học cách bình tĩnh đối phó với nó, đừng sợ hãi, hãy từ từ tu dưỡng để nội tâm trở nên mạnh mẽ.
3. Khi bị vu khống đừng tranh luận
Khi bị người khác buộc tội hoặc vu khống một cách vô lý, bạn có thể không tranh luận, cũng không phản bác đối phương, đây là một loại ý chí.
Khi bị vu khống mà không tranh luận là một loại ý chí kiên cường (ảnh: Theki)
Đôi khi bạn sẽ gặp phải những lời chế nhạo, tin đồn và lời gièm pha của người khác. Nếu bạn có thể đối mặt với những điều này mà không giải thích, không tranh luận, thì sẽ không loạn tâm.
Sau khi Vương Dương Minh dẹp loạn Ninh Vương Chu Thần Hào, ngày càng có nhiều người vu khống, bình luận về ông, có người ghen tị với quyền lực của ông, có người bất mãn với học thuyết của ông.
Nhưng Vương Dương Minh không quan tâm đến điều này, ông chỉ tập trung vào việc tu dưỡng tâm tính của mình và cố gắng hết sức để truyền lại tư tưởng “Trí lương tri”. Ông biết rõ rằng “trọc giả tự trọc, thanh giả tự thanh”, người ngay thẳng thì không phải biện minh.
Tu dưỡng là điều quan trọng nhất của con người, nếu thật sự là thánh nhân, thì dù người khác có đến phỉ báng, cũng sẽ không động tâm, giống như mây chỉ che mặt trời, chứ làm sao có thể làm mất đi ánh sáng của mặt trời?
Khi đối mặt với những tin đồn và những lời vu khống, bạn không cần phải nóng vội làm sáng tỏ chúng, bạn chỉ cần giữ tâm bình tĩnh thì những lời đồn đại sẽ tự tiêu tan.
Uyển Nhi / Theo: Aboluowang
No comments:
Post a Comment