Sở dĩ Lão Tử nói như vậy là bởi vì một người có thể làm được hiểu rõ chính bản thân mình là việc không hề dễ dàng. Cổ ngữ nói: “Mục bất kiến tiệp” (目不見睫 mắt không nhìn thấy được lông mi), con người thường thường không nhìn thấy được khuyết điểm của chính bản thân mình. Càng khó hơn là nhìn thấy rõ được điểm mạnh điểm yếu của mình.
Trong cuộc sống đời thường, người ta dễ dàng bị trầm mê vào danh, lợi, tình mà lạc mất mình, cho nên hiểu rõ bản thân là việc tối trọng yếu. Một người cao minh, có thể nhìn rõ được mình thì cũng nhất định hiểu được người khác. Cái “minh tỏ” trong tư tưởng của Lão Tử chính là thấy rõ được năng lực, ưu khuyết điểm của bản thân, biết rõ được hành vi và tư tưởng của bản thân mình là đúng hay sai.
Như vậy, làm sao để chúng ta có thể trở thành bậc cao minh, thấy rõ được chính mình?
Thừa nhận chỗ vô tri của bản thân
Có lẽ đối với một người mà nói, việc khó nhất là thừa nhận chỗ vô tri (những điều mình không biết). Bởi vì khi một người thừa nhận những điều mình không biết thì chính là thể hiện cho người khác biết mặt yếu của mình. Người mà có thể làm được như vậy là đã phải buông bỏ được sự chấp nhất vào thể diện. Cho nên, một người bình thường sẽ rất khó để làm được điều đó, đặc biệt là những người hư vinh, chấp nhất vào thể diện.
Bản chất của học tập là nhận biết sự vô tri của mình, bồi đắp những điều mình không biết. Cho nên, một người có thể thừa nhận những điều mình không biết thì mới có thể tiến thêm một bước là nhìn rõ chính mình. Đây chính là mấu chốt để thay đổi cuộc đời.
Socrates được coi là nhà hiền triết của Hy Lạp cổ và ông cũng có tư tưởng rằng: “Hãy tự biết lấy chính mình”. Ông nói: “Tôi chỉ biết mỗi một điều duy nhất là tôi không biết gì cả”. Có câu chuyện kể về ông như thế này:
Chaerephon là bạn thân thiết của Socrates. Một lần Chaerenphon đã mạnh bạo đến ngôi đền Delphi ở Athens để thỉnh giáo một vấn đề: “Trên đời này, rốt cuộc còn có ai thông minh hơn Socrates không?”
Thần dụ viết: “Không có ai thông minh hơn Socrates cả!”
Chaerenphon mừng rỡ chạy đến báo cho Socrates biết về nội dung Thần dụ. Nhưng ông chỉ nhìn thấy trên mặt Socrates thể hiện ra vẻ ngỡ ngàng và bất an. Socrates không cho rằng ông là người có trí tuệ thông minh nhất. Nhưng ông cũng biết rằng Thần là không thể nói sai sự thật. Vì thế, ông nghĩ ra một cách chính là đi tìm những người thông minh sáng suốt hơn mình để phản chứng lại lời Thần dụ.
Ông đã cất công tìm đến đủ mọi loại người, từ chính trị gia, triết gia, thi sĩ cho đến thương gia, thợ thủ công. Đi đến đâu, gặp ai, ông cũng đặt câu hỏi và tranh luận chất vấn bằng cách liên tục đặt câu hỏi xem thử có phải người đó là người thông minh nhất hay không. Nhưng tất cả họ đều không làm ông thỏa mãn.
Cuối cùng, Socrates ngộ ra rằng: Thần không phải nói ông là người có trí huệ nhất, mà chỉ là muốn thông qua ông để biểu thị với người đời rằng, duy chỉ có những người giống như Socrates, biết được bản thân mình không biết gì mới là người có trí tuệ nhất.
Socrates có trí tuệ như vậy còn đi tìm để chứng thực sự vô tri của mình, huống hồ chúng ta. Trong cuộc sống, có bao nhiêu người có thể thừa nhận chỗ vô tri của mình như Socrates? Có bao nhiêu người khi đạt được chút thành tích nhỏ đã ngông cuồng, kiêu ngạo? Chỉ khi chúng ta có thể thừa nhận chỗ vô tri của mình, tiếp nhận bồi đắp và tu sửa chúng thì trí tuệ mới được khai mở mà đạt đến sự sáng suốt.
Nhận thức bản thân quyết định độ cao của nhân sinh
Sự trưởng thành của một người cũng chính là quá trình không ngừng nhận thức chính mình. Người ở tầng thứ càng cao thì càng thấy rõ được những thiếu sót của bản thân mình. Còn người ở tầng thứ thấp thì càng không biết “trời cao đất dày”, cho rằng mình là cao minh hơn người.
Đối với bất kỳ ai, việc phát hiện ra khuyết điểm và tình thế xấu của người khác là việc không khó nhưng muốn phát hiện ra khuyết điểm và tình thế xấu của bản thân mình thì lại vô cùng khó khăn, giống như “mắt không nhìn được lông mi”.
Người có thể nhận thức bản thân mình, biết rõ mình nên làm điều gì, không nên làm gì, dũng cảm đối mặt với những nhược điểm của mình, để từ đó nghiêm túc tu chỉnh lại thì mới có thể đề cao được tâm tính và tiến bộ.
Từ xưa đến nay, những người có trí tuệ càng cao càng khiêm tốn, người càng có năng lực càng khiêm tốn. Người như vậy không chỉ được người đời kính ngưỡng vì trí tuệ mà còn kính ngưỡng vì tâm tính và cách đối nhân xử thế của họ.
Quá trình biết rõ chính mình là một quá trình thống khổ. Nhưng nếu có thể chân chính làm được việc ấy, từ đó thay đổi tâm tính của mình, thì độ cao của nhân sinh bắt đầu có sự thay đổi, đây cũng chính là hàm nghĩa của việc tu luyện giảng trong tín ngưỡng cổ xưa. Con người ta chỉ khi biết rõ mình là ai, biết rõ mục đích của cuộc đời mình là điều gì thì cuộc đời mới thực sự có ý nghĩa.
An Hòa