Cuộc sống cá nhân của Taylor Swift được phản ánh qua lời bài hát của cô. Ảnh: APA
Người hâm mộ có thể sẽ chi hàng trăm bảng Anh cho vé vào cổng, di chuyển, chỗ ở và đồ lưu niệm khi họ đi xem chuyến lưu diễn The Eras Tour đã phá vỡ nhiều kỷ lục của cô.
Nhưng trong khi công chúng dường như không chán ngấy việc nhìn thấy các ngôi sao nhạc pop yêu thích của họ trong các chuyến lưu diễn ở sân vận động, thì những diễn viên mà họ yêu thích lại không thể lôi kéo họ đến rạp chiếu phim theo cách tương tự.
Trong khi việc đưa vào dàn diễn viên một ngôi sao từng là biện pháp đảm bảo doanh thu phòng vé ở mức độ nào đó, thì những lời ca ngợi vốn chỉ dành cho các ngôi sao điện ảnh giờ đây dường như lại đổ về phía các ngôi sao nhạc pop.
Có rất nhiều yếu tố đang tác động đến việc này - bao gồm công chúng dần ưa chuộng dịch vụ phát trực tuyến, tác động của đại dịch và sự phụ thuộc quá mức của ngành công nghiệp điện ảnh vào các loạt phim, các phần tiếp theo của phim và thể loại siêu anh hùng.
Nhưng xu hướng này cũng được cho là phản ánh thói quen của khán giả đang phát triển như thế nào. Người hâm mộ ngày nay khao khát tính chân thực - điều mà bạn có thấy được ở những ngôi sao nhạc pop tự viết bài hát cho riêng mình, nhưng không thấy nhiều ở những diễn viên mà theo định nghĩa thì họ luôn đóng vai người khác.
“Tôi nghĩ kỳ vọng của chúng ta về những người nổi tiếng nhìn chung đang thay đổi,” phóng viên Lily Ford của The Hollywood Reporter nói với BBC News.
"Âm nhạc cực kỳ mang tính cá nhân, những người nổi tiếng và quyến rũ nhất thế giới đang trút bầu tâm sự của họ, và trong suốt thời lượng của bài hát, chúng ta cảm thấy gần gũi với nghệ sĩ như thể chúng ta là người bạn thân nhất của họ."
Harry Styles, cựu thành viên của ban nhạc One Direction, đã hoàn thành chuyến lưu diễn kéo dài 169 ngày vào năm ngoái. Ảnh: Getty Images
Việc các nghệ sĩ sáng tác từ trải nghiệm cá nhân không có gì mới, nhưng “Taylor Swift đã đưa điều đó lên một tầm cao mới,” bà Ford nói, khi cô “hát về những khoảnh khắc và mối quan hệ dễ bị tổn thương”.
"Điều đó tạo ra sự hình dung về khả năng tiếp cận cuộc sống riêng tư của cô ấy, từ đó tạo nên mức độ nổi tiếng bất thường, bởi vì bạn có cảm giác như là bạn biết ngôi sao nhạc pop này ở mức độ cá nhân”.
"Và điều đó không hoàn toàn đúng với các ngôi sao điện ảnh. Chúng ta không thể cảm thấy như mình quen biết một ngôi sao điện ảnh khi họ không bao giờ vào vai chính mình theo cách mà các ngôi sao nhạc pop thường làm, hoặc ít nhất là một phiên bản giả của chính họ."
Điều này không có nghĩa là không còn phim nào thành công nữa. Vẫn có. Nhưng thứ liên kết với khán giả nhìn chung không phải là ngôi sao phòng vé có khả năng kiếm được tiền mà là tài sản trí tuệ (IP) gắn liền với bộ phim.
Ví dụ, nam diễn viên Timothée Chalamet cực kỳ nổi tiếng - nhưng những bộ phim gần đây nhất của anh là Dune (Hành tinh cát) và Wonka, những bộ phim đã có sẵn lượng người hâm mộ và dấu ấn riêng. Với Tom Holland thì có vai Người Nhện và với nữ diễn viên Margot Robbie thì có vai búp bê Barbie.
Nhiều ngôi sao điện ảnh ngày nay cũng xuất hiện trong các dự án độc đáo, sáng tạo, nhưng thường thất bại. Sáu tháng trước khi Barbie trở thành hiện tượng, Margot Robbie đóng cặp cùng ngôi sao Brad Pitt trong Babylon, bộ phim bom xịt phòng vé.
Tác phẩm The Fall Guy (Kẻ thế thân), với sự tham gia của tài tử Ryan Gosling và Emily Blunt và được chuyển thể từ loạt phim truyền hình nổi tiếng những năm 1980, được coi là một thất bại bất ngờ khi ra mắt vào đầu tháng này.
Bộ phim được đánh giá tốt, Gosling và Blunt có màn kết hợp tuyệt vời cả trong phim lẫn trong quá trình quảng cáo. Nhưng hai nhân vật chính cực kỳ nổi tiếng vẫn không đủ để khiến bộ phim thành công. Phim cũng có một khoảng thời gian chiếu rạp ngắn trước khi được phát hành theo định dạng kỹ thuật số, khiến người hâm mộ thậm chí còn ít có động lực để ra rạp trải nghiệm hơn.
Những bộ phim có ngôi sao góp mặt khác gần đây như Challengers (Những kẻ thách đấu - do Zendaya đóng vai chính) đã đạt được một số thành công hạn chế, nhưng những tác phẩm ăn khách nhất hiện nay hầu hết đều nhờ dựa vào danh tiếng của nhân vật và của loạt phim (chứ không phải bản thân các diễn viên ngôi sao).
Nam diễn viên Timothée Chalamet từng chia sẻ rằng tài tử Leonardo DiCaprio có lần nói với anh: "Không dùng chất gây nghiện, không đóng phim siêu anh hùng". Ảnh: Getty Images
Những bộ phim có doanh thu cao nhất năm 2023 bao gồm Super Mario (Anh em Super Mario) và The Little Mermaid (Nàng tiên cá), cùng với các phần mới nhất của loạt phim Fast & Furious, Guardians of the Galaxy (Vệ binh dải Ngân hà), Ant-Man (Người Kiến), Aquaman (Đế vương Atlantis), Mission: Impossible (Nhiệm vụ bất khả thi) và John Wick (Mạng đổi mạng).
Rõ ràng, nếu những bộ phim này có dàn diễn viên bị công chúng ghét thì sẽ không thành công. Nhưng miễn là diễn viên đủ khiến người xem dễ chịu thì điều kéo người xem tới rạp là những câu chuyện và nhân vật (chứ không phải diễn viên).
Nhà phê bình phim Tessa Smith, người sáng lập trang web Mama's Geeky, lập luận rằng việc làm phim cuối cùng đều là nhằm để khán giả mua vé.
“Mặc dù tôi chắc chắn nghĩ rằng ngành công nghiệp điện ảnh quá phụ thuộc vào IP và tôi mong muốn có nhiều bộ phim gốc sẽ thành công hơn, nhưng tôi nghĩ họ đang bị khán giả buộc phải dựa vào IP,” bà nói.
"Thật không may, và dù tôi ước điều đó không xảy ra, nhưng chúng ta đang chứng kiến hiện thực này. Công chúng không muốn bỏ tiền cho một bộ phim mà họ không chắc là sẽ thích. Họ không sẵn sàng chấp nhận rủi ro.”
Một ngoại lệ không theo quy tắc IP gần đây nhất có lẽ là Oppenheimer ra mắt vào năm ngoái - thành công của bộ phim ít nhờ vào sự nổi tiếng của các nhà vật lý lý thuyết mà phần nhiều nhờ vào xu hướng lan truyền Barbenheimer (hai bộ phim điện ảnh Barbie và Oppenheimer ra rạp đồng thời). Đạo diễn Christopher Nolan cũng góp phần cho sự thành công của bộ phim.
Một số ngôi sao điện ảnh dường như đã chấp nhận sự sụp đổ của hiện tượng thần tượng matinée (diễn viên được người hâm mộ tôn sùng) và chuyển sang các dịch vụ phát trực tuyến.
Adam Sandler đã trở thành diễn viên có thu nhập cao nhất năm ngoái nhờ ký nhiều hợp đồng đóng phim với Netflix, trong khi ngày càng nhiều diễn viên từng chỉ xuất hiện trên màn ảnh rộng đã đăng ký tham gia các dự án truyền hình.
Adam Sandler (trái, chụp ảnh cùng nữ diễn viên Carey Mulligan) đã ký với Netflix nhiều thỏa thuận đóng phim. Ảnh: Reuters
Các ngôi sao điện ảnh khác vẫn thành công nhờ dựa vào loạt phim siêu anh hùng. Làm như vậy họ sẽ nhận được một mức lương lớn nhưng thường phải trả giá khi vào một vai diễn độc đáo hơn.
“Robert Downey Jr là người dẫn đầu, nhưng vai Người Sắt của ông thì bất kỳ ai có trí thông minh thủ vai đều được,” tác giả Jonathan Dean bình luận trên tờ Sunday Times. "Đối với khán giả, nhân vật quan trọng hơn diễn viên."
Một số diễn viên đã chủ động tránh những thể loại phim giải trí đơn thuần vốn mang về thành công phòng vé nhiều nhất trong những năm gần đây.
Timothée Chalamet từng công khai tiết lộ lời khuyên mà tài tử Leonardo DiCaprio, một trong số ít ngôi sao điện ảnh còn sót lại, dành cho anh khi mới vào nghề: “Không dùng chất gây nghiện và không đóng phim siêu anh hùng.”
'Cảm giác cộng đồng'
Trong khi nhiều diễn viên dựa vào IP thì các ngôi sao ca nhạc như Taylor Swift, Adele, Harry Styles, Beyoncé, Ed Sheeran và Ariana Grande lại là thương hiệu riêng của họ.
Phóng viên Poppie Platt của Telegraph nói rằng sự thành công của các ban nhạc như The Beatles và Rolling Stones trong nhiều thập kỷ cho thấy các nhạc sĩ luôn thúc đẩy mức độ ngưỡng mộ của công chúng.
“Nhưng tôi nghĩ giờ đây sự ngưỡng mộ đã chuyển sang các ngôi sao nhạc pop solo, những người cho đi nhiều hơn, và bạn cảm thấy như thể tiền của bạn đang dành cho một khoản đầu tư mang lại lợi ích cho bạn,” cô nói.
"Có một cảm giác cộng đồng. Tôi đã đến xem các buổi biểu diễn của Taylor Swift từ năm 11-12 tuổi. Và tôi có thể kết bạn ở những buổi biểu diễn đó, nơi thường có một môi trường rất thân thiện.
"Bạn đang dự một buổi biểu diễn và bạn biết mọi người dự khán đều yêu mến ca sĩ đó nhiều như bạn. Điều đó giúp bạn loại bỏ mọi nỗi sợ hãi trước đám đông hoặc không gian rộng vì bạn biết mọi người đều có mặt ở đó vì cùng một lý do. Bạn có thể xây dựng tình bạn từ đó. Chỉ có âm nhạc mới làm được điều đó."
Vé xem nhạc kịch Romeo và Juliet với sự tham gia của Tom Holland đã bán hết trong hai giờ. Ảnh: Getty Images
Platt cho rằng trải nghiệm như vậy ít xảy ra ở rạp chiếu phim, nghĩa là bạn không nhất thiết phải cảm thấy có sự kết nối với những người cùng xem phim.
Nhà phê bình Smith đào sâu thêm một bước nữa, gợi ý một lý do khiến "trải nghiệm rạp chiếu phim đang chết dần", là ý thức kém của khán giả.
“Tôi may mắn được dự các buổi công chiếu phim dành cho báo chí, nơi người xem tôn trọng và quan tâm đến người khác,” bà nói. "Tuy nhiên, bất cứ khi nào tôi ra rạp như khán giả bình thường, luôn có người dùng điện thoại giơ lên, quay lại màn hình hoặc thậm chí nói chuyện ồn ào. Điều đó ảnh hưởng tới việc thưởng thức bộ phim của những người khác."
Ngược lại, bà cho rằng "việc tận mắt nhìn thấy Taylor Swift biểu diễn trực tiếp trong gần bốn giờ đồng hồ, và tất cả các buổi biểu diễn của cô ấy đều khác nhau - nếu bạn hỏi tôi, thì đó là một trải nghiệm giải phóng cảm xúc mạnh mẽ - khác nhiều so với việc đi xem một bộ phim ở trong rạp".
Một dấu hiệu quan trọng cho thấy các ngôi sao nhạc pop hiện đang trên đỉnh danh vọng là những ngôi sao lớn nhất hiếm khi trả lời phỏng vấn.
Taylor Swift nhiều nhất sẽ thực hiện hai cuộc phỏng vấn lớn mỗi năm. Tương tự, Harry Styles có thể cực kỳ kén chọn người sẽ phỏng vấn anh. Beyoncé ngừng trả lời báo chí từ khoảng năm 2013. Thay vào đó, họ chủ yếu để âm nhạc của mình lên tiếng.
Tuy nhiên, các ngôi sao điện ảnh vẫn bị buộc phải chạy đua quảng cáo, tham gia vào các cuộc phỏng vấn vô tận và xuất hiện trên thảm đỏ theo những gì được ghi trong hợp đồng của họ.
Người hâm mộ của Taylor Swift được cho là có "cảm giác gắn kết cộng đồng". Ảnh: Reuters
Phóng viên Ford nói việc khán giả thay đổi cách xem phim một phần là do “hệ quả kéo dài của đại dịch”. “Trong vòng hai hoặc ba năm qua, rất nhiều người ở nước Anh đã hết hứng thú với việc xem phim.”
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là công chúng lại nhiệt tình đến mức ấy khi có các ngôi sao điện ảnh xuất hiện trên sân khấu.
Vở nhạc kịch Romeo và Juliet, với sự tham gia của nam diễn viên Tom Holland, đã cháy vé - cho thấy người hâm mộ sẵn sàng chi tiền để được gặp trực tiếp các diễn viên và có được một kết nối nhiều cảm xúc hơn.
“Chủ yếu chúng ta vẫn đi xem diễn viên chứ không phải đi xem kịch,” nhà biên kịch David Hare nói trên tạp chí Spectator.
"Trong những năm 1985-1987, Anthony Hopkins đã diễn 370 lần trong ba vở kịch tại Nhà hát Olivier với 1.200 chỗ ngồi chật kín... Nếu ông ấy quay lại, điều đó sẽ xảy ra lần nữa."
Bất chấp việc ngày càng thống trị trong lĩnh vực giải trí, điều thú vị là nhiều ngôi sao nhạc pop vẫn khao khát sự hào nhoáng và danh tiếng mà các vai diễn điện ảnh mang lại. Harry Styles đóng vai chính trong hai bộ phim vào năm 2022, trong khi bản chuyển thể màn ảnh của Wicked, với sự tham gia của nữ ca sĩ Ariana Grande, có thể sẽ thành công lớn vào mùa đông này.
Ca sĩ Ariana Grande (trái) sẽ đóng cùng Cynthia Erivo trong bộ phim Wicked vào cuối năm nay. Ảnh: Getty Images
Tại Mỹ, bộ phim có doanh thu cao thứ 11 trong năm ngoái là phim tài liệu về tour diễn The Eras Tour của Taylor Swift, đánh bại Indiana Jones, Mission: Impossible (Nhiệm vụ bất khả thi) và Hunger Games (Đấu trường sinh tử). Người hâm mộ có xu hướng xem buổi biểu diễn ca nhạc ở rạp chiếu phim hơn là một số loạt phim lớn nhất của ngành điện ảnh.
The Eras Tour đã thành công ở rạp chiếu phim mặc dù thực tế là chỉ chiếu vào mỗi cuối tuần - nhằm tập trung khán giả và tạo cảm giác của một đêm ăn chơi. Sự nổi tiếng của bộ phim tài liệu của nó vẫn tiếp diễn khi được phát hành trên Disney+, phá kỷ lục trên nền tảng này trong ba ngày đầu tiên.
Vậy có ngôi sao điện ảnh nào còn sót lại không? Phóng viên Ford nói: "Austin Butler, Florence Pugh, Zendaya, Jacob Elordi và Paul Mescal là những cái tên mà tôi đặt cược sẽ trở thành những ngôi sao điện ảnh tiếp theo. Và điểm chung của họ có thể là họ đều đang làm rất nhiều công việc, tham gia nhiều thể loại phim khác nhau và rất có cá tính về những dự án họ đảm nhận."
Paul Mescal được coi là một trong những niềm hy vọng lớn của ngành điện ảnh và đã giành được đề cử Oscar với bộ phim gốc - Aftersun năm 2022. Nhưng điều đáng chú ý là bộ phim lớn tiếp theo của anh lại là phần hậu truyện Gladiator 2 (Võ sĩ giác đấu 2).
Tom Cruise thường được coi là ngôi sao điện ảnh đích thực cuối cùng. Nhưng ngay cả anh cũng dựa vào loạt phim và phần hậu truyện - như Top Gun, Jack Reacher và Mission: Impossible (Nhiệm vụ bất khả thi).
Nhà phê bình Smith bác bỏ ý kiến cho rằng hình tượng ngôi sao điện ảnh truyền thống đã hết thời, đồng thời nói thêm: "Có những ngôi sao điện ảnh có lượng người theo dõi đông đảo và tôi nghĩ điều đó sẽ tiếp tục diễn ra."
Tuy nhiên, nhà báo Jonathan Dean kết luận: "Một tác động dây chuyền của việc các ngôi sao điện ảnh bị mờ nhạt là chúng ta sẽ đánh mất chính các ngôi sao. Chúng ta sẽ nhớ họ, bởi vì những ngôi sao xuất sắc nhất là lý do tại sao chúng ta lại yêu Hollywood."
Steven McIntosh
Theo: BBC News Tiếng Việt (26/05/2024)
No comments:
Post a Comment