Saturday, June 15, 2024

ĐỀ NGỌC KIỀU ĐỘNG - HOÀNG KẾ VIÊM


Đề Ngọc Kiều động - Hoàng Kế Viêm

Sơn thanh động bích ỷ cao thu,
Lãm thắng phương thời cộng phiếm chu.
Hữu tửu bất tu đăng cúc chước,
Vô hoa ưng hiệu tháp thù du.
Mộc kinh vũ khách lăng phong giá,
Thuỷ nhập kim thiên đới nguyệt lưu.
Vị thẩm Lý Tiên như đáo thử,
Kỷ phiên huề cú kỷ tao đầu.


題玉橋洞 - 黃繼炎

山青洞碧倚高秋
覽勝芳時共泛舟
有酒不須登菊酌
無花應效插茱遊
木經羽客凌風架
水入金天帶月流
未審李仙如到此
幾番攜句幾搔頭


Đề động Ngọc Kiều 
(Người dịch: Hồng Phi, Hương Nao, Kim Thoa)

Non xanh, động biếc tựa bầu thu,
Ngắm cảnh thuyền bơi lướt nhẹ ru.
Có rượu cần chi nâng chén cúc,
Không hoa tạm học cắm thù du.
Nước vào thu dịu mang trăng sáng,
Cây gặp khách tiên cưỡi gió vù.
Lý Bạch thi nhân như có tới,
Bao câu thơ đẹp, bấy đau đầu.


Lạc khoản:
 
右蕃使黃繼炎羅州步韻。
嗣德九年孟冬上浣鐫。
 
Hữu phiên sứ Hoàng Kế Viêm La Châu bộ vận.
Tự Đức cửu niên mạnh đông thượng cán thuyên.
 
Bài thơ này khắc ở vách đá ngoài động Ngọc Kiều, núi Kim Sơn, thuộc xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hoá. Ngọc Kiều là một động vào loại đẹp nhất, trong số 6 động của thắng tích Kim Sơn, nhưng hiện nay đường đi cho đến cũng còn rất khó khăn. Có lẽ Hoàng Kế Viêm từng giữ chức Bố chính Thanh Hoá, nên ông mới thuộc đường và dẫn một số bạn hữu, danh nho khác đến tham quan nơi đây. Theo bài tựa của Nguyễn Vĩnh Tu, một người trong hoàng tộc nhà Nguyễn, cũng thấy khắc trên vách động, thì Hoàng Kế Viêm đã tham gia đoàn về Gia Miêu, nay thuộc xã Hà Long, huyện Hà Trung, Thanh Hoá, để bái yết quê tổ của các vua triều Nguyễn, rồi thuận thuyền chèo đến Kim Sơn vãn cảnh, đề thơ!


Sơ lược tiểu sử:

Hoàng Kế Viêm (1820-1909) là phò mã và là một danh tướng nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam.

Hoàng Kế Viêm (黃繼炎[1]) tên thật là Hoàng Tá Viêm (黃佐炎), tự Nhật Trường, hiệu Tùng An, người làng Văn La, tổng Văn Đại, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Ông là con của Hoàng Kim Xán, Bố chánh tỉnh Khánh Hòa. Sau khi Hoàng Kế Viêm thi đỗ cử nhân vào năm 1843 thời vua Minh Mạng, ông được bổ Tư vụ, hàm Quang Lộc tự khanh.

Ông kết duyên với con gái thứ năm của vua Minh Mạng là công chúa Hưng La, nhưng chẳng bao lâu thì vợ mất.

Đời Thiệu Trị, năm 1846, ông làm Lang trung Bộ Lại. Đến thời Tự Đức (năm 1850), mẹ mất, ông đang ở quê chịu tang thì được chiếu triệu về kinh, sung chức Án sát tỉnh Ninh Bình (1852). Năm 1854, ông thăng Bố chính Thanh Hóa, Bố chánh kiêm Tuần phủ Hưng Yên (1859), Tổng đốc An Tịnh (1863). Suốt thời gian trên, ông có công trị an, mở mang kinh tế, thủy lợi...

Năm cuối thập niên 1860, dư đảng của Thái Bình Thiên quốc là Ngô Côn chạy tràn sang miền Bắc Việt Nam. Đầu tiên, họ xin hàng, sau đem quân đi cướp phá các tỉnh. Quan quân đánh mãi không được mà còn mất nhiều binh tướng, buộc triều đình nhà Nguyễn phải nhờ quân nhà Thanh phối hợp để tiễu trừ. Đến khi Ngô Côn bị giết, các dư đảng là: Hoàng Sùng Anh (hiệu Cờ vàng), Lưu Vĩnh Phúc (hiệu Cờ đen), Bàn văn Nhị-Lương văn Lợi (hiệu Cờ trắng); vẫn thường quấy nhiễu ở mạn Tuyên Quang, Thái Nguyên, làm quan quân nhà Nguyễn hết sức vất vả.

Đến khi đảng cướp người Tàu là Tô Tứ nổi lên, cướp thành Lạng Sơn, bắt giết Tổng thống quân vụ Bắc Kỳ là Đoàn Thọ, triều đình Huế bèn phái Hoàng kế Viêm ra làm Lạng-Bình-Ninh-Thái Thống đốc quân vụ đại thần (1870), để hiệp với lực lượng của Tán tương Tôn Thất Thuyết cùng lo việc đánh dẹp.

Qua tháng Tư năm sau (1871), Tự Đức lại sai quan Hình bộ thượng thư là Lê Tuấn làm chức Khâm sai thị sự đến hỗ trợ ông. Hoàng Kế Viêm vừa đánh vừa dụ hàng, thu phục được Lưu Vĩnh Phúc, đánh tan quân Cờ trắng và Cờ vàng. Hoàng Sùng Anh cũng bị quân Cờ đen truy lùng và giết chết khi trốn chạy. Nhờ công lao này, Hoàng Kế Viêm được phong Đại học sĩ lãnh Tổng thống Tam Tuyên, sung Tiết chế quân vụ miền Bắc.

Vì đất Bắc Kỳ luôn có loạn, năm Canh Thìn (1880) triều đình đặt ra Lạng Giang đạo và Đoan Hùng đạo, rồi sai hai viên Tĩnh biên phó sứ là Trương Quang Đản đóng ở Lạng Giang và Nguyễn Hữu Độ đóng ở Đoan Hùng. Phong cho Hoàng Kế Viêm là Tĩnh biên sứ, kiêm cả hai đạo.

Khi quân Pháp xâm chiếm Đại Nam, Hoàng Kế Viêm đứng về phe chủ chiến. Năm 1873, Đại úy hải quân Pháp Francis Garnier đem quân theo sông Hồng lên chiếm thành Hà Nội và sửa soạn đánh các tỉnh khác ở đồng bằng sông Hồng. Hoàng Kế Viêm liền được cử làm Tiết chế Bắc Kỳ quân vụ (chức vụ quân sự cao cấp nhất tại Bắc Kỳ) để đôn đốc các nơi lo việc chống ngăn.


Ngày 21 tháng 11 âm lịch năm đó, ông và Lưu Vĩnh Phúc cùng tổ chức mai phục và đã giết chết được F.Garnier tại Ô Cầu Giấy.

Năm 1883, đến lượt Đại tá hải quân Pháp Henri Rivière đánh và chiếm được thành Hà Nội, song cũng lại bị quân của Hoàng Kế Viêm và Lưu Vĩnh Phúc giết chết tại Ô Cầu Giấy ngày 19 tháng 5 năm 1883.

Năm 1884, triều đình ký Hòa ước Giáp Thân (1884) với Pháp. Sau đó, vua Kiến Phúc đã ra lệnh cho Hoàng Kế Viêm lúc đó đang đóng ở Sơn Tây rút quân về Huế, nhưng ông không tuân lệnh, vẫn ở lại phối hợp với quân Thanh đánh Pháp. Mãi đến khi Sơn Tây và Hưng Hóa thất thủ, ông mới chịu về Huế, nhưng cương quyết không hợp tác với phe chủ hòa.

Năm 1884, ông được phong làm Thái tử Thiếu bảo, Cơ mật viên Đại thần. Chẳng bao lâu ông xin về trí sĩ nhưng không được, mãi đến đời vua Thành Thái, năm 1889, ông mới được nghỉ hưu, về quê sống đến khi mất (1909), thọ 89 tuổi.

Nguồn: Thi Viện

No comments: