Trong câu thành ngữ này, hình ảnh con chuột dường như tượng trưng cho thành phần bất hảo, là đối tượng phá hoại, gian tham, tư lợi, ngấm ngầm, mà mọi người không thể phân biệt, nhận diện ra khi chưa có chuyện... Lúc trong nhà có chuyện, hay trong một tập thể nào đó gặp phải sự cố, có vấn đề khó khăn nguy biến xảy ra... khi đó những kẻ xấu mới bị lộ mặt. Và để mô tả những tình huống như thế hoặc tương tự như thế, người Việt ưa dùng câu thành ngữ: "Cháy nhà ra mặt chuột".
Chuột thuộc họ động vật gặm nhấm, sống đời ẩn nấp trong hang hốc xó xỉnh, thường xuất hiện khi không có người để kiếm ăn hoặc phá phách, gặm nhấm tất cả những thứ mà chúng thích.
Chuột phá hại mùa màng, đục khoét nhà cửa vật dụng làm hang ổ... Nói chung trong con mắt của nhiều người, chúng là một loài vật phiền toái và bất lợi... Không ai muốn trong nhà mình xuất hiện loài vật này. Thế nhưng, muốn diệt trừ chúng thì không phải dễ, nhất là những nơi nhà cửa bề bộn, thiếu kín đáo và nhiều ngóc ngách. Chuột luồn chỗ này, lách chỗ kia, rất ranh ma tinh quái. Trong những ngôi nhà ở thôn quê xưa, bước vào thấy vắng lặng tưởng chừng như không có con chuột nào! Nhưng ngộ nhỡ ngôi nhà bị cháy thì chuột chạy ra từng đàn từng lũ, và đấy cũng là một trong những nguyên nhân xuất sinh nét nghĩa tường minh: cháy nhà ra mặt chuột…
Từ câu chuyện "cháy nhà ra mặt chuột" trong điển tích dân gian
Chuyện xưa kể rằng: khi tạo hóa mới sinh ra loài vật, mèo và chuột thân thiết với nhau lắm. Chúng cùng ở chung một nhà. Vốn hiền lành lại to xác hơn chuột nên mèo thường nằm co ro ở góc tủ, xó bếp, người cho gì thì ăn nấy.
Khi tạo hóa mới sinh ra loài vật, mèo và chuột thân thiết với nhau lắm. Chúng cùng chung một nhà. Vốn hiền lành lại to xác hơn chuột nên mèo thường nằm ở góc tủ, xó bếp... (Ảnh: Shutterstock)
Còn chuột, vốn bản tính ranh mãnh, thân xác nhỏ gọn, nên cứ chui rúc vào những ngóc ngách, luồn lủi vào các đồ đạc lộn xộn. Khi chủ nhà đi vắng, chuột tha hồ quậy phá. Thức ăn dự trữ của người, nó ngang nhiên ngồi giữa đĩa, giữa chạn mà ăn. Chán chê, nó còn tha cả vào hang để cho họ hàng cùng thưởng thức.
Họ nhà chuột có một đặc điểm là răng của chúng thường xuyên mọc dài thêm, nên cứ ngứa răng là chúng gặm nhấm bất kể thứ gì để cho răng ngắn bớt lại. Một hôm, người thấy quần áo bị cắn nát vụn, kiểm tra đến tủ quần áo thì thấy bị đục khoét thành lỗ. Nhìn quanh, người chẳng thấy ai khác ngoài chú mèo đang nằm co ro trên nóc tủ. Giận quá, người mới tóm gáy mèo, nhấc bổng lên quở mắng rằng:
- Chỉ có mày ở nhà. Cá kho, cơm nguội mày xơi hết. Áo quần thì bị cắn nát tươm. Còn ai vào đây nữa!
Nói đoạn, người liền đánh cho mèo một trận thừa sống thiếu chết.
Mèo tức quá mà không sao thanh minh được. Tình ngay lý gian mà!
Một hôm thấy lũ chuột bò ra khỏi hang chơi, mèo bèn chạy tới quát mắng:
- Đồ ăn hại làm càn. Chỉ vì bọn ngươi mà ta bị đòn suýt chết.
Chuột tinh quái nhe răng cười, rồi nhơn nhơn nói:
- Bác mèo ơi, chỉ vì thân bác to hơn chúng tôi nên không chui lủi, luồn lách được. Người đâu có nhìn thấy lũ chuột nhắt này bao giờ. Mà có thấy thì chúng tôi cũng nhanh chân tẩu thoát, sao mà người bắt được. Bác cứ tối ngày ăn ăn ngủ ngủ, ngờ ngờ nghệch nghệch thế chịu đòn là phải!
Bác mèo ơi, chỉ vì thân bác to hơn chúng tôi nên không chui lủi, luồn lách được. Bác cứ tối ngày ăn ăn ngủ ngủ, ngờ ngờ nghệch nghệch thế chịu đòn là phải! (Ảnh: Shutterstock)
Mèo càng giận hơn vì mỗi lần chuột cắn phá là người lại đem mèo ra đánh. Mèo kêu oan, xin người hãy điều tra cho ra lẽ và trừng trị lũ chuột nhưng người không tin, còn nói:
- Mày chỉ đổ vấy đổ vá, ta nào thấy có chuột trong nhà bao giờ!
Thế là năng năng lại thêm một trận đòn nữa giáng xuống đầu mèo...
Một hôm, chẳng may người sơ xuất thế nào để lửa bén lên mái gianh. Nhà cháy rừng rực, cháy hết cả đồ đạc. Lũ chuột chui trong hang, trong ngách, trong tủ, trong bồ thóc... nóng quá không còn chỗ ẩn nấp liền thục mạng chạy túa cả ra sân. Lúc này, người thấy chuột phi ra nhiều quá mới cho là mèo nói đúng.
Mèo hận chuột quá bèn nhảy ra vồ lấy một vài con để cắn xé cho hả giận. Ai dè mèo thấy thịt chuột cũng thơm, lại đang lúc đói bụng, bèn chén luôn một con. Lại thấy ngon, mèo bèn vồ luôn mấy con chuột khác nữa. Từ đấy về sau, đã thành thói quen, mèo cứ rình chuột để ăn thịt, vừa là để hả cơn giận vừa là một cách sinh tồn.
Còn lũ chuột từ đấy thì sợ nhất cháy nhà rồi sợ cả mèo. Còn mèo thì cũng chẳng cần phải đợi cháy nhà nữa mà nó rình bắt chuột ở khắp mọi nơi. Cho đến ngày nay, bọn chuột vẫn bảo nhau:
- Sợ nhất cháy nhà. Nhà mà cháy thì có mà cả họ hàng nhà ta đều phơi mặt ra hết, mèo nó tha hồ vồ bắt.
Cũng kể từ đó dân gian quen dùng câu thành ngữ: "Cháy nhà ra mặt chuột" để chỉ những kẻ xấu, quen ném đá giấu tay, giả nhân giả nghĩa, giấu kín tung tích để trục lợi và mưu hại người khác... những kẻ như vậy rồi cũng có ngày bị lôi ra ánh sáng, bản chất xấu xa sẽ bị phơi bày, giống như câu chuyện “cháy nhà ra mặt chuột” vậy.
Lũ chuột từ đấy thì sợ nhất cháy nhà rồi sợ cả mèo. Còn mèo thì cũng chẳng cần phải đợi cháy nhà nữa mà nó rình bắt chuột ở khắp mọi nơi. (Ảnh: Shutterstock)
"Cổ tích thời hiện đại" thì lại kể rằng: Có một con chuột nọ bị mèo đuổi, trong cơn nguy biến, nó vô tình chui được vào trong bụng một pho tượng Phật ở trên chùa. Kể từ đó nó làm tổ luôn ở đó…
Từ ngày chui được vào trong tượng Phật, cuộc sống của chuột ta vô cùng no đủ. Nó luôn được đánh chén thỏa thích những đồ lễ vật mà người dân mang đến cúng bái: Xôi chè, chuối oản, bánh trái... thôi thì đủ cả. Hưởng thụ chán chê những vật phẩm cúng bái, hoa tươi trái ngọt rồi, nó đâm ra đua đòi phởn chí, thoái hóa biến chất tới độ còn tha cả tiền công đức trong chùa chiếm làm của riêng mà trải nền, lót ổ!
Thêm nữa, người nào đến trước tượng Phật cũng đều cung cung kính kính hoặc chắp tay, hoặc phủ phục mà cầu xin, bái lạy, nên chuột kia cũng tự thấy rằng mình oai phong lắm. Nó thoải mái ăn ở, thậm chí còn tự tung tự tác phá phách lung tung khắp cả…
Mỗi khi có người đến thắp hương khấu đầu, con chuột kia lại hãnh diện ngước nhìn khói hương nghi ngút bay lên mà cười thầm: “Đúng là những kẻ ngu ngốc, chẳng ai bắt mà cũng quỳ cũng lạy! Bây giờ ta mới biết mình cũng oai phong tới cỡ nào, đến loài người còn phải bái lạy ta, vậy mà bấy lâu nay cớ sao ta cứ phải sợ mèo nhỉ!”...
Lâu ngày, sống trong pho tượng Phật ở trên cao, chứng kiến cảnh thế nhân như thế chuột ta càng cao cao tại thượng, dương dương tự đắc ngộ nhận rằng bản thân mình là cao quý và tôn kính lắm! Nó không hề biết rằng người khác cung kính là cung kính trước uy đức của Phật chứ chẳng hề cung kính gì nó cả.
Lâu ngày, sống trong pho tượng Phật ở trên cao, chứng kiến thế nhân như thế chuột ta càng cao cao tại thượng, dương dương tự đắc ngộ nhận rằng bản thân mình là cao quý và tôn kính lắm! (Ảnh: Shutterstock)
Thế rồi một hôm, có vị khách hành hương tới thắp một bó nhang to lắm, sơ ý để bùng cháy cả đỉnh hương, lửa bốc lên nghi ngút làm cháy cả chùa… Nóng và khói quá, chuột ta chịu hết nổi bèn chạy vọt ra ngoài, ai dè đâu đúng lúc đó thì nó bị một con mèo mướp to chà bá(*) vồ được. Chuột ta bèn vênh váo kêu lên:
– Này mèo! Nhà người không thể ăn thịt ta được, hãy quỳ xuống thành kính bái lạy ta đi, rồi mang thức ăn lại đây!
Mèo mướp giương vuốt quặp chặt lấy chuột, dí mặt nó xuống sân chùa rồi mới cả cười mà rằng:
– Thật đáng thương cho ngươi! Những người quỳ lạy kia đều là quỳ lạy trước tượng Phật, sở dĩ ngươi có được những hư danh ảo lộc đó là bởi vì vì vị trí mà ngươi đang chiếm giữ và ẩn náu, chứ không phải vì bản thân ngươi cao quý hay tài ba, đáng kính gì đâu! Giờ thì ngươi tới số rồi, con chuột ảo tưởng và ngu ngốc ạ!
Nói lời vừa dứt, mèo ta siết chặt hai hàm răng và xơi tái chuột.
Trong cuộc sống, cũng có không ít những kẻ nhờ vào thủ đoạn, mánh lới, hoặc do may mắn, bỗng ngồi vào một ví trí nào đó, họ thấy những người xung quanh đều xum xoe nịnh nọt, bổng lộc tự đến đầy nhà… thì nhầm tưởng rằng mình là tài năng, cao quý và oai vệ lắm, họ cũng lại ngộ nhận về nhân cách và phẩm đức của mình, chỉ vì chút đỉnh danh - lợi - tình phù hoa nơi nhân thế mà trở nên hồ đồ lú lẫn đến độ quên mất cả điển tích và câu thành ngữ: "Cháy nhà ra mặt chuột". Thật đáng thương, đáng trách lắm thay!
Đường Văn / Theo: NTDVN